ĐỨC TÂN GIÁM MỤC PHỤ TÁ SAN JOSE TÂM SỰ VỀ THỜI GIAN 9 NĂM LÀM GIÁM ĐỐC ƠN GỌI

Theo Catholic News Agency, đăng trong EWTN.com ngày 05/23/11

Sau chín năm trong chức vụ giám đốc ơn gọi cho Tổng Giáo Phận (GP) San Francisco, thật dễ trách cứ các bậc phụ huynh thường hay gây rắc rối và đổ lỗi cho nền văn hóa thù nghịch vốn làm cho công tác đã khó rồi càng trở nên nản lòng, thế nhưng Đức Tân Giám Mục (GM) Thomas Daly không muốn theo đường lối đó.

Quan niệm của ngài là thế này: “Kinh nghiệm cho thấy rằng Thiên Chúa kêu gọi điều cần thiết đúng vào một thời điểm nào đó. Và Thiên Chúa làm việc giữa lòng thế nhân.”

Còn nữa: Hơn chín năm qua, Đức Tân GM Thomas Daly--người sẽ được tấn phong Giám Mục (GM) Phụ Tá GP San Jose vào ngày 25 tháng 5 năm 2011—tuyên bố rằng ngài đã nhìn thấy các viễn tượng ngày càng hướng mở cho tiếng gọi trở thành linh mục.

“Đó là điều tốt—ngài nói thế--trong chín năm làm giám đốc ơn gọi, tôi đã nhìn thấy ngày càng có nhiều thanh niên trẻ trung và đầy phẩm tính thốt lên rằng: ‘Tôi muốn xem lời mời gọi này có thật chân chính không, trước khi gia nhập chủng viện.’ Thật là điều tốt đẹp.”

Chức vụ giám đốc ơn gọi của Đức Tân GM Daly--trước đây cũng là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Công giáo Marin--sẽ được kế tục bởi Linh Mục (LM) David Ghiorso, hiện vẫn làm cha sở Giáo Xứ Thánh Carolô tại San Carlos. Ngài đã nỗ lực rất nhiều trong việc làm phát triển ơn kêu gọi của những người trẻ tại giáo hội địa phương, mặc dù danh sách cũng bao gồm các chủng sinh có sinh quán bên ngoài Hoa Kỳ nhưng được giáo dục tại đây, cũng như các chủng sinh thuộc thành phần tráng niên, đang kiếm tìm một nghề thứ hai, cho dù mức gia tăng ơn gọi LM trong những năm gần đây là thuộc thành phần giới trẻ đến từ vùng ngoại ô thành phố.

Hiện nay, có 18 chủng sinh thuộc Tổng GP San Francisco đang được đào tạo tại Chủng Viện & Đại Học Thánh Patrick tại Menlo Park. Đức Tân GM nói: “Nếu Chúa muốn, sẽ có thêm ba chủng sinh nữa được thu nhận, nâng tổng số lên 21, trong số này, sẽ có 6 vị có thể lãnh chức LM vào mùa xuân năm 2012.

Đức Tân GM nói thêm rằng đây là những con số tương đối tốt đẹp. Thực ra con số này trồi sụt tùy mỗi năm, bởi nhiều lý do, và điều đáng ước mong là có trung bình 4 tân LM mỗi năm. Với chương trình đào tạo kéo dài 7 năm, thì sẽ cung cấp cho GP được 28 chủng sinh.

“Thế nhưng chúng tôi chỉ có một con số là 21 mà thôi. Dẫu sao, ở một nơi giầu có và lại không mấy cảm tình với ơn gọi, có được từ 19 đến 21 chủng sinh đã là một ân huệ rồi. Liệu có đủ không? Hẳn là không. Nhưng có đáng biết ơn chăng? Lẽ đương nhiên.”

Tuổi trung bình của các tân LM tại Hoa Kỳ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, là trên dưới 30. Đó là lời tuyên bố của Maria Gautier, nghiên cứu gia kỳ cựu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Việc Tông Đồ tại Viện Đại Học Georgetown, hằng năm vẫn làm những cuộc thăm dò về các ứng sinh LM. Bà Gautier nói: “Các ứng viên LM thường tìm kiếm các mẫu mực, tức là một ai đó mà họ ngưỡng mộ để rồi tự nhủ: ‘Tôi cũng sẽ làm được như thế!’”

“Nếu như vị LM duy nhất đã ở tuổi 75, lại phải trông coi tới ba giáo xứ khác nhau, phải chạy đôn chạy đáo hết giáo xứ này sang giáo xứ kia, thì hẳn là không thể phóng dọi được một hình ảnh LM khỏe mạnh, vui tươi, và lành mạnh được. Và chẳng thấy vui vẻ hấp dẫn tí nào cả!”

Bản tường trình cho năm 2011 chẳng có gì là khó tiên đoán: Hầu hết các ứng sinh đều là dân đạo gốc, trong khi cứ 10 vị thì mới có một là bổn đạo mới. Bốn phần năm có cha mẹ là Công Giáo, còn một phần ba thì có thân nhân họ hàng làm LM hay tu sĩ.

Gautier còn ghi nhận rằng theo bản thăm dò 2011 thì 23 phần trăm ứng sinh chịu ảnh hưởng của mạng lưới quảng cáo ơn gọi, so với 14 phần trăm trong năm 2008. Nhân bình luận về mạng lưới toàn cầu và truyền thông xã hội, Gautier nhận xét rằng: “Đây là dấu chỉ của một thay đổi trong mô hình truyền thông. Đây là một phương hướng nổi bật mà ta không thể bỏ qua. Bỏ qua sẽ là thiệt thòi.”

Với kinh nghiệm về cuộc sống học sinh trung học, Đức Tân GM thấu hiểu mãnh lực của truyền thông, cũng như cả núi những thú tiêu khiển và “giết thì giờ” mà giới trẻ tự tạo cho mình. Câu hỏi đặt ra là: “Thiên Chúa là lựa chọn thứ nhất hay thứ hai? Đó là thách đố mà ta đang phải đối diện.”

Rồi ngài kể chuyện về một cậu học sinh Công giáo xuất sắc. Khi ngài hỏi xem cậu đã đi dự lễ Phục Sinh tại nhà thờ nào, thì cậu trả lời rằng cậu đã không đi lễ, mà trái lại đi xem trận đấu của đội Giants San Francisco, bắt đầu vào lúc 1 giờ chiều. Thế là ngài mắng cho cậu một trận: “Cha thấy rằng con đã trở thành một con người thế tục đầy quỷ quyệt rồi đó.”

Rồi có cả ngàn lẻ một thứ bất lợi khác nữa: “Chúng ta đang sống trong một xã hội tình dục tràn lan. Cái quan niệm về một cuộc sống thanh tịnh thật khó giải thích bội phần so với cách đây 50 năm.” “Có một lúc nào đó tôi tưởng rằng Hội Thánh đã uốn nắn văn hóa một cách mạnh mẽ. Nhưng bây giờ thì chính văn hóa càng ít bị ảnh hưởng bởi Hội Thánh, nhưng nó lại tiếp tục uốn nắn đời tư của nhiều người.” “Các bậc làm cha mẹ có thể nhìn tôi hoặc một vị giám đốc ơn gọi như là người đang can dự vào mối hy vọng và niềm ước mơ của con cái họ…Một nửa số chủng sinh đã phải đương đầu với sự thiếu nhiệt tinh hỗ trợ từ nơi cha mẹ mình. Tôi thích điểm này. Nói như thế thật là khéo léo!”

Tuy thế, Đức Tân GM cho biết đã nhìn thấy “một niềm đam mê thực sự và chân chính về ơn thiên triệu nơi một nhóm, phải, một nhóm chứ không phải tất cả, những chủng sinh có đầy cảm hứng. Đó là một số các chủng sinh thực sự muốn dấn thân trở thành môn đệ. Họ thực sự muốn nói về ơn gọi của mình và muốn khuyến khích người khác trong việc cân nhắc và cầu nguyện.”

Bản mô tả công việc giám đốc ơn gọi của Đức Tân GM bao gồm những điều này: “(1) Hãy cầu nguyện cho ơn gọi. Ta không thể xây dựng một nền văn hóa ơn gọi nếu không có một nền văn hóa cầu nguyện. (2) Nếu có đam mê về ơn gọi, bạn hãy nhờ các chủng sinh giúp đỡ. (3) Chớ có chạy theo số lượng, bởi vì một chủng sinh hay ứng sinh ‘điên điên khùng khùng’ có thể sẽ làm vuột mất năm vị ứng sinh bình thường.”

Vào giai đoạn đảm trách chức vụ lo về ơn goị, Đức Tân GM chia sẻ hoài niệm về lúc hạt giống ơn gọi được gieo vào đời ngài. Khi còn là một cậu giúp lễ tại Giáo Xứ Đức Mẹ Thăm Viếng San Francisco, ngài cố tìm cách thoái thác nhiệm vụ giúp lễ. Ngài nói với mẹ ngài vào thưa cha xứ là cả nhà sẽ đi nghỉ trọn cả mùa hè. Lời nói dối này không lọt tai. Đúng lúc đó, nhà thờ phải sơn phết lại và Thánh Lễ ngày thường được dời vào nhà nguyện nhỏ của các chị Nữ Tử Bác Ái, do đó chỉ cần một chú giúp lễ là đủ. Đức Tân GM nói: “Vì lý do nào đó chẳng rõ, tôi đã nói: ‘Được, con sẽ đến giúp trong các Thánh Lễ.’ Và rồi từ ngày đó, Thánh Lễ đã trở thành một cái gì khác thường đối với tôi.”

05/24/11
Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

Nguyễn Kim Ngân