Tại Đại Sảnh Thượng Hội Đồng, Thứ Tư, 3 Tháng Mười 2018 hôm nay, trong buổi khai mạc chính thức Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ 15, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ sau đây:



Các Thượng Phụ, các Hồng Y, các Giám Mục thân mến
Anh Chị Em thân mến, và các Người Trẻ qúy yêu!

Bước vào đại sảnh này để nói về người trẻ, chúng ta cảm nhận được sức mạnh sự hiện diện của họ, một sức mạnh tỏa ra một sự tích cực và hào hứng có khả năng lấp đầy và tạo hân hoan không chỉ cho đại sảnh này, mà cho cả Giáo hội và cả thế giới.

Đó là lý do tại sao tôi không thể bắt đầu mà không nói lời cảm ơn anh chị em! Tôi cảm ơn anh chị em, những người đang có mặt, tôi cảm ơn nhiều người, trong suốt thời gian hai năm chuẩn bị này, đã làm việc một cách tận tụy và đam mê - ở đây trong Giáo Hội Rôma và trong tất cả các Giáo Hội trên thế giới - để giúp chúng ta đạt được khoảnh khắc này. Tôi nhiệt liệt cảm ơn Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng, các vị Chủ Tịch Đại biểu, Đức Hồng Y Sérgio da Rocha, Tổng Tường Trình Viên, Đức Ông Fabio Fabene, Phó Tổng Thư Ký, các viên chức của Văn Phòng Tổng thư ký và các phụ tá; Tôi cảm ơn tất cả các nghị phụ Thượng Hội Đồng, Dự thính viên, chuyên gia và cố vấn; Tôi cảm ơn các đoàn đại biểu anh em, các thông dịch viên, ca sĩ và nhà báo. Tôi cảm ơn quí vị hết lòng vì sự tham gia tích cực và sinh hiệu quả của qúi vị.

Tôi xin cảm ơn sâu sắc với hai Thư Ký đặc biệt, Cha dòng Tên Giacomo Costa, và Cha Salêdiêng Rossano Sala, những người đã làm việc một cách quảng đại đầy tận tụy và quên mình. Họ đã cật lực làm công việc chuẩn bị!

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các người trẻ đã tham dự với chúng ta lúc này, và tất cả những người trẻ, bằng nhiều cách, đã làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe. Tôi cảm ơn họ vì đã đánh cuộc rằng cố gắng cảm thấy mình như một phần của Giáo Hội hoặc bước vào đối thoại với Giáo Hội là điều đáng giá; đáng giá khi nỗ lực có Giáo Hội như một người mẹ, như một cô giáo, như một ngôi nhà, như một gia đình, và, bất chấp các yếu điểm và khó khăn của con người, vẫn có khả năng tỏa sáng và truyền đạt sứ điệp vượt thời gian của Chúa Kitô; đáng giá khi nỗ lực bám lấy con thuyền Giáo Hội, một con thuyền, bất chấp những cơn bão dữ dội của thế gian, vẫn tiếp tục cung cấp chỗ trú chân và sự hiếu khách cho tất cả mọi người; đáng giá khi lắng nghe lẫn nhau; đáng giá khi nỗ lực bơi ngược dòng và được bảo bọc bằng các giá trị cao cả: gia đình, tín trung, tình yêu, đức tin, hy sinh, phục vụ, cuộc sống vĩnh cửu. Trách nhiệm của chúng ta ở đây tại Thượng Hội đồng này không phải làm suy yếu họ; nhưng đúng hơn, chứng tỏ rằng họ đúng khi đánh cuộc như thế: cố gắng ấy quả đáng giá, nó không hề phí phạm thời gian!

Và, các người trẻ đang hiện diện qúy yêu, cha cảm ơn các con một cách đặc biệt! Con đường chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng đã dạy chúng ta rằng vũ trụ của giới trẻ đa dạng đến mức nó không thể được đại diện đầy đủ, nhưng các con chắc chắn là một dấu chỉ quan trọng của nó. Sự tham gia của các con sẽ làm cho chúng tôi tràn ngập niềm vui và hy vọng.

Thượng Hội Đồng mà chúng ta đang sống là giây phút chia sẻ. Vì vậy, vào lúc khai mạc Thượng Hội Đồng, tôi muốn mời mọi người lên tiếng một cách can đảm và thẳng thắn (parrhesia), nghĩa là hòa nhập tự do, chân lý và bác ái. Chỉ có đối thoại mới có thể giúp chúng ta phát triển. Một phê bình trung thực, minh bạch là xây dựng và hữu ích và đừng tham gia vào những cuộc chuyện gẫu, phao đồn, phỏng đoán hoặc định kiến vô ích.

Và sự khiêm nhường khi lắng nghe phải tương ứng với lòng can đảm khi nói. Tôi đã nói với những người trẻ trong cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội đồng: "Nếu các con nói điều gì đó cha không thích, cha phải lắng nghe nhiều hơn, vì mọi người đều có quyền được nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói". Sự lắng nghe cởi mở này đòi hỏi lòng can đảm để lên tiếng và trở thành tiếng nói của nhiều người trẻ trên thế giới không hiện diện nơi đây. Chính sự lắng nghe này tạo không gian cho đối thoại. Thượng Hội đồng phải là một thao tác đối thoại, trước hết nơi những người trong các con đang tham gia. Hoa trái đầu tiên của cuộc đối thoại này là mọi người cởi mở đối với sự mới mẻ, đối với việc thay đổi ý kiến nhờ những điều họ nghe được từ người khác. Điều này quan trọng đối với Thượng Hội đồng. Nhiều người trong số các con đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước các góp ý của mình - và cha cảm ơn các con vì việc này - nhưng cha mời các con tự do xem những gì các con đã chuẩn bị như một dự thảo tạm thời sẵn sàng đón nhận bất cứ bổ sung và thay đổi nào mà hành trình của Thượng Hội đồng có thể đề xuất cho mỗi người các con. Chúng ta hãy tự do chào đón và hiểu biết người khác và do đó thay đổi các xác tín và chủ trương của chúng ta: đây là một dấu chỉ sự trưởng thành nhân bản và tâm linh lớn lao.

Thượng Hội Đồng là một thao tác biện phân của giáo hội. Nói thẳng thắn và lắng nghe cởi mở là nền tảng nếu Thượng Hội Đồng muốn là một quá trình biện phân. Biện phân không phải là một khẩu hiệu quảng cáo, nó không phải là một kỹ thuật tổ chức, hay là một mốt của triều giáo hoàng này, nhưng là một thái độ bên trong bắt nguồn từ một hành vi đức tin. Biện phân là phương pháp và đồng thời là mục tiêu chúng ta đặt ra: nó dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa đang làm việc trong lịch sử thế giới, trong các biến cố cuộc sống, trong những con người tôi gặp và những người nói chuyện với tôi. Vì lý do này, chúng ta được kêu gọi lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần gợi ý cho chúng ta, với những phương pháp và trong những nẻo đường thường không thể đoán trước được. Biện phân cần không gian và thời gian. Và do đó, khi làm việc trong phiên họp toàn thể và theo nhóm, sau năm lần góp ý, một khoảnh khắc im lặng khoảng ba phút sẽ được tuân giữ. Điều này giúp mọi người nhận ra, trong trái tim họ, các sắc thái của những gì họ vừa nghe, và giúp mọi người suy nghĩ sâu sắc và nắm bắt được những điều nổi bật nhất. Việc chú ý đến nội tâm tính là chìa khóa để hoàn thành công việc nhận biết, giải thích và chọn lựa.

Chúng ta là dấu chỉ một Giáo Hội biết lắng nghe và hành trình. Thái độ lắng nghe không thể bị giới hạn vào những lời chúng ta sẽ trao đổi trong thời gian làm việc của Thượng Hội Đồng. Con đường chuẩn bị cho giây phút này đã làm nổi bật một Giáo Hội cần lắng nghe, kể cả những người trẻ thường cảm thấy không được Giáo Hội hiểu rõ tính độc đáo của họ và do đó không chấp nhận con người thực sự của họ, thậm chí đôi khi còn bác bỏ nữa. Thượng Hội Đồng này có cơ hội, nhiệm vụ và bổn phận trở thành dấu chỉ của một Giáo Hội thực sự lắng nghe, để mình bị tra vấn bởi các kinh nghiệm của những người mình gặp, và không luôn luôn có câu trả lời sẵn. Một Giáo Hội không lắng nghe là tự cho thấy mình đã khép kín đối với sự mới mẻ, khép kín trước những bất ngờ của Thiên Chúa, và không thể đáng tin cậy, đặc biệt đối với những người trẻ nhất định quay lưng thay vì chịu tiếp cận.

Chúng ta hãy để lại phía sau các thành kiến và tiên mẫu. Bước đầu tiên hướng tới việc lắng nghe là giải phóng tâm trí chúng ta khỏi thành kiến và tiên mẫu. Khi nghĩ rằng chúng ta đã biết những người khác là ai và họ muốn gì, thì chúng ta phải thực sự đấu tranh để lắng nghe họ một cách nghiêm túc. Các liên hệ giữa các thế hệ là một lãnh vực trong đó định kiến và tiên mẫu bắt rễ một cách dễ dàng ai cũng biết, đến nỗi chúng ta thường không lưu ý đến nó. Người trẻ dễ bị cám dỗ trong việc coi người lớn là lỗi thời; người lớn dễ bị cám dỗ trong việc coi người trẻ thiếu kinh nghiệm, không biết mình thế nào và đặc biệt không biết nên như thế nào và cư xử làm sao. Tất cả điều này có thể là một trở ngại áp đảo cho đối thoại và gặp gỡ giữa các thế hệ. Hầu hết những người hiện diện tại đây không thuộc thế hệ trẻ hơn, vì vậy rõ ràng chúng ta phải chú ý, trước hết, tới nguy cơ nói về người trẻ bằng các phạm trù và lối suy nghĩ đã lỗi thời lỗi cách. Biết tránh được nguy cơ này, chúng ta sẽ giúp nối kết được các thế hệ. Người lớn nên vượt qua cơn cám dỗ muốn đánh giá thấp các khả năng của người trẻ và không đánh giá họ cách tiêu cực. Có lần, tôi đã đọc thấy rằng việc đề cập đầu tiên đến sự kiện này đã có niên biểu từ năm 3000 trước Công nguyên và được phát hiện trên một nồi đất ở Babylon cổ đại, nơi nó được viết: người trẻ vô luân và không có khả năng cứu được nền văn hóa của dân tộc họ. Đây là truyền thống xưa cũ của chúng ta, những người già! Mặt khác, người trẻ nên vượt qua cơn cám dỗ muốn phớt lờ người lớn và coi người cao niên là “cổ xưa, lạc hậu và nhàm chán”, mà quên rằng phải luôn bắt đầu từ số không là điều ngu xuẩn như thể cuộc sống chỉ bắt đầu với mỗi lớp người trong số họ. Bất chấp sự yếu đuối về thể xác của họ, người cao niên luôn là ký ức của nhân loại, cội rễ của xã hội chúng ta, “nhịp đập” của nền văn minh chúng ta. Vứt bỏ họ, từ chối họ, cô lập hoặc hắt hủi họ là chiều theo não trạng trần thế đang nuốt trửng các tổ ấm của chúng ta từ bên trong. Làm ngơ các kinh nghiệm phong phú mà mỗi thế hệ thừa hưởng và truyền lại cho thế hệ kế tiếp là một hành vi tự hủy.

Do đó, điều cần thiết, một mặt, là dứt khoát vượt qua tai họa giáo sĩ trị. Lắng nghe và để qua một bên các tiên mẫu là những thuốc giải độc mạnh mẽ đối với nguy cơ giáo sĩ trị, mà một hội đồng như thế này chắc chắn sẽ phải đối đầu, bất chấp ý định của chúng ta. Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát sinh từ một viễn kiến duy ưu tú và độc quyền về ơn gọi, một viễn kiến giải thích thừa tác vụ như một quyền lực phải được thực hiện chứ không phải một phục vụ miễn phí và hào phóng phải được cho đi. Điều này khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một nhóm có mọi câu trả lời và không cần nghe hoặc học bất cứ điều gì, thậm chí giả đò lắng nghe. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một suy đồi và là gốc rễ của nhiều tệ nạn trong Giáo Hội: chúng ta phải khiêm tốn xin tha thứ cho điều này và trước hết tạo ra các điều kiện để nó không được lặp lại nữa.

Mặt khác, chúng ta phải chữa trị con vi khuẩn tự mãn và các kết luận vội vã mà nhiều người trẻ đã đạt tới. Một thành ngữ Ai Cập nói thế này: “Nếu không có người cao niên trong nhà bạn, bạn hãy mua một vị, vì bạn sẽ cần đến ngài”. Xa tránh và bác bỏ mọi điều được truyền lại qua các thời đại chỉ mang đến một sự mất phương hướng nguy hiểm, một sự mất phương hướng, đáng buồn thay, đang đe dọa nhân loại chúng ta, nó mang lại một sự vỡ mộng đang xâm chiếm cõi lòng của cả nhiều thế hệ. Việc tích lũy kinh nghiệm của con người trong suốt lịch sử là kho tàng quý giá và đáng tin cậy nhất mà một thế hệ thừa hưởng từ một thế hệ khác. Tuy không bao giờ nên quên sự mặc khải của Thiên Chúa, nhưng kho báu này quả soi sáng và mang lại ý nghĩa cho lịch sử và sự sinh tồn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, ước chi Thượng Hội đồng đánh thức trái tim chúng ta! Khoảnh khắc hiện tại dường như đang trĩu nặng với những vật lộn, vấn đề, gánh nặng, và điều này cũng áp dụng cho cả Giáo Hội nữa. Nhưng đức tin của chúng ta cho chúng ta biết rằng nó cũng là những kairos, những hoàng thời, trong đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta để yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta tiến vào sự viên mãn của cuộc sống. Tương lai không phải là một mối đe dọa để mà sợ hãi, nhưng là lúc Chúa hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được trải nghiệm sự hiệp thông với Người, với anh chị em của chúng ta, và với toàn bộ sáng thế. Chúng ta cần tái khám phá lý do khiến chúng ta hy vọng và, trước hết, truyền các lý do này lại cho những người trẻ đang khát khao hy vọng. Như Công đồng Vatican thứ hai đã khẳng định: “Chúng ta có thể công bằng cho rằng tương lai của nhân loại nằm trong tay những người đủ mạnh để cung cấp cho các thế hệ đang đến các lý do sống và hy vọng” (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 31).

Cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ có thể vô cùng hữu hiệu làm tăng hy vọng. Tiên tri Gioen dạy chúng ta điều này - tôi đã nhắc nhở người trẻ trong cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội Đồng - và tôi coi nó như lời tiên tri cho thời đại chúng ta: “Người già của các ngươi sẽ mơ các giấc mơ, và người trẻ của các ngươi sẽ được thấy các thị kiến” (2:28) và chúng sẽ nói tiên tri.

Không cần các lập luận thần học công phu mới chứng minh được bổn phận của chúng ta phải giúp thế giới đương thời tiến về phía vương quốc của Thiên Chúa, thoát khỏi hy vọng sai lầm và không chỉ thấy hủy hoại và thống khổ. Thật vậy, khi nói về những người xem xét thực tại mà không có đủ tính khách quan hoặc sự phán xét thận trọng, Thánh Gioan XXIII đã nói: “Trong các điều kiện hiện nay của xã hội loài người, họ không có khả năng nhìn thấy bất cứ điều gì ngoại trừ hủy hoại và thống khổ; họ đi quanh quanh mà nói rằng trong thời đại chúng ta, so với quá khứ, mọi thứ đều tồi tệ hơn; và họ thậm chí còn đi xa hơn bằng cách cư xử như thể họ không có gì để học hỏi từ lịch sử, vốn là thầy dạy của chúng ta ”(Diễn Văn trong lễ khai mạc trọng thể Công đồng Vatican thứ hai, 11 tháng 10 năm 1962).

Do đó, đừng để bản thân anh chị em bị cám dỗ bởi “các tiên tri điềm gở”, đừng tiêu phí năng lực của anh chị em vào việc “ghi điểm thất bại và bám lấy trách móc”, anh chị em hãy chăm nhìn vào điều tốt “thường không ồn ào; không phải là một chủ đề cho các blog, cũng không phải tin tức trang đầu”, và đừng sợ khi "giáp mặt với các vết thương trong thân xác Chúa Kitô, luôn bị tội lỗi và thường là do con cái của Giáo Hội gây ra"(xem Diễn Văn với các Giám mục tham gia khóa học do Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Đông Phương cổ vũ, ngày 13 tháng 9 năm 2018).

Do đó, chúng ta hãy làm việc để “cùng qua thời gian với tương lai”, để tiếp nhận từ Thượng Hội Đồng này không những một tài liệu – thường chỉ được đọc bởi một ít người và bị chỉ trích bởi nhiều người – nhưng, trên hết, các đề xuất mục vụ cụ thể có khả năng hoàn thành mục đích của Thượng Hội Đồng. Nói cách khác, để trồng ước mơ, rút tỉa các lời tiên tri và viễn kiến, giúp hy vọng trổ bông, gây cảm hứng tín thác, băng bó các vết thương, đan kết các mối liên hệ với nhau, đánh thức hừng đông hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra một nguồn tài nguyên tươi sáng, có thể soi sáng trí khôn, sưởi ấm các cõi lòng, tạo sức mạnh cho đôi tay chúng ta, và gợi hứng nơi người trẻ - mọi người trẻ, không trừ ai - một viễn ảnh tương lai tràn đầy niềm vui của Tin Mừng. Xin cảm ơn.