Ngay sau trận động đất ngày 11 tháng 3, chỉ sau mấy mươi phút, sóng thần đổ tràn vào vùng Đông Bắc Nhật Bản với chiều dài trên 500km, trãi dài trên các vùng của 3 giáo phận: Miyagi, Iwate, Fukushima (giáo phận Sendai), Chiba (giáo phận Tokyo), Ibaragi (Saitama)… Các vùng này được biết đến qua những thiệt hại thảm khốc. Riêng Fukushima ngoài sự thiệt hại bởi sóng thần nay được khắp nơi biết đến bởi vụ nổ và sự rò rĩ của lò nguyên tử hạt nhân số một.

Chỉ sau thảm hoạ vài ngày, đức cha Tani thuộc giáo phận Saitama đã nhanh chóng lên vùng Đông Bắc xem xét tinh hình. Sau khi hợp ý với đức giám mục Sendai, ngài khẩn cấp thành lập văn phòng Caritas Saitama, đồng thời ngài cũng lập ra trạm cứu tế nạn nhân do thiên tai tại nhà thờ Yumoto, Fukushima, cách lò hạt nhân chừng 40 km.

Tôi là nhân viên của văn phòng Open House, chuyên giúp cho những người tỵ nạn và di dân tại giáo phận. Sau động đất, đức cha Tani đã giao cho văn phòng tôi nhiệm vụ điều phối người thiện nguyện trên vùng có thiên tai. Có hai công việc để làm, đó là dọn dẹp các bãi rác và thăm hỏi, giúp đỡ các nhu cầu cần thiết cho nạn nhân,.

Những ngày khi bắt đầu có phóng xạ, đức cha đã kêu gọi các linh mục, tu sĩ và những người đã ổn định gia đình đi Fukushima để làm thiện nguyện. Sở dĩ không chọn những người trẻ vì ngài e rằng nếu nhiễm phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ và vấn đề sinh sản của họ.

Tôi được chọn đi với một cha người Nhật cùng và 3 giáo dân khác. Chúng tôi đến các hội trường của các trường học, viện dưỡng lão.., nơi tạm trú của những người lánh nạn để thăm hỏi, lắng nghe và vấn an cho họ. Họ là những người đã mất hết từ của cải vật chất đến người thân.

Một chị khoảng ngũ tuần kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình chị. Nhà chị ở gần biển. Khi động đất chi đang đi bệnh viện. Sau chấn động lần thứ nhất, mười mấy phút sau sóng thần ập vào nhà chị. Người chồng và người con trai bị nước hất tung ra mỗi người mỗi hướng. Người chồng trôi ra biển vài ngày sau tìm thấy xác. Đứa con trai bị đánh bạt vào núi, bám được bụi cỏ mọc ven sườn đồi, anh thoát khỏi bàn tay tử thần, anh được cứu sống như một phép lạ.

Hai ông bà cụ sau khi được nghe loa báo động phải chạy vì sóng thần sắp đến. Hai người vội vã chạy thoát thân. Bà cụ chạy nhanh hơn ông một bước. Con nước đen ngòm chạm đến chân bà, bà gắng lấy hết sức còn lại để lao về phía trước. Nước đột ngột rút xuống, bà thoát chết nhưng người chồng của bà đang vật vã giữa biển nước dữ dằn, ông bị kéo trôi ra biển trước mắt bà.

Rất nhiều những mẫu chuyện họ kể tôi nghe như chuyện tiểu thuyết. Đã hơn hai tháng trôi qua mà người phụ nữ rất trẻ ngày ngày vẫn ra biển, đến các khu tạm cư tìm chồng. Cô hy vọng anh vẫn còn sống ở đâu đấy, cho dầu điều đó rất mong manh va hy hữu.

Một ông già cay đắng kể rằng ông cảm thấy xấu hổ và tủi nhục trước nhũng người bạn hữu của ông. Căn nhà của ông nó vẫn còn tồn tại, trong khi nguyên thôn xóm ông ở đã trở thành bình địa. Thà rằng nó không còn nữa để ông được chia xẻ, được cảm thông như nhiều người khác…Nhiều người trong số họ vẫn còn mang những cơn ác giấc mộng, họ thà sống ở các trung tâm tạm cư còn hơn là trở về trở về xóm thôn điêu tàn của họ..

Tôi rất thương cảm với họ. Tôi nhớ lại những ngày tôi lênh đênh trên biễn trên chiếc thuyền 3 lốc chứa 110 người. Thuyền nhỏ, đông người đến độ chúng tôi phải ngồi như xếp cá hộp. Đến ngày thứ 5 của chuyến vượt biên, trời chuyển mưa, gió đột ngột đổi hướng thổi mạnh, sóng nổi dậy làm lắc lư con thuyền nặng trĩu, mong manh của chúng tôi. Sóng đập vào khoang thuyền, chúng tôi bắt đầu ướt vì nước biển tràn vào, tình thế này chấc chẳng bao lâu nữa thuyền chúng tôi sẽ bị sóng nuốt chửng thôi !. Tôi bắt đầu cầu nguyện với Đức Mẹ, chưa bao giờ trong cuộc đời tôi tha thiết cầu khẩn đến như vậy !. Như một phép lạ, Mẹ đã nhậm lời tôi. Chiếc tàu Madonna, tàu chở hàng của Nhật đã vớt chúng tôi. Chúng tôi được đến Nhật an toàn sau một năm tạm cư tại Philippines.

Nói đến Đức Mẹ là nói đến sự che chở, là sự cầu bầu cùng Chúa để trao ban tình yêu và hồng ân cho những ai đang cần đến. Nhà thờ Yumoto, nơi chúng tôi tạm trú trong những ngày công tác. Ngôi nhà thờ cũ kỹ giáo dân chỉ còn mười mấy người. Cha sở đã vắng mặt mười mấy năm, giáo dân chẳng tới. Nhà nguyện được giao lại cho một giáo dân chăm sóc. Khu nhà xứ không ai ở trở thành nhà kho bụi bặm, hoang tàn. Động đất đã làm cho phía bên trong nhà nguyện thành bãi chiến trường, trần nhà đổ nát, tượng ảnh cũng theo nhau đỗ tan tành. Duy chỉ có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là vẫn đứng vững vàng trước cổng nhà thờ, Mẹ vẫn nụ cười bao dung, dang tay cứu độ.

Như có một phép lạ xảy ra tại ngôi nhà thờ này mà chúng tôi chứng kiến. Sau động đất, các ống dẫn nước bị bẻ cong dưới lòng đất nên nguyên một khu vực rộng lớn không nhà nào có nước. Chung quanh nhà thờ là khu du lịch với những khách sạn và quán trọ vì đây có nguồn suối nước nóng tự nhiên. Sau vài tuần, nhà máy nước cố gắng sửa chữa phục hồi nguồn nước nhưng vẫn không có hy vọng, nước chẳng chảy. Duy chỉ có vòi nước của nhà thờ là chảy đầu tiên và là nguồn chảy dồi dào. Dân chúng khắp nơi đổ về lấy nước. Từ đó người dân bản xứ mới biết đến cái nhà thờ với những thiện nguyện viên tốt bụng vì không những cho họ nước mà còn chở nước về đến tận nhà cho họ nữa. Tôi nghĩ chỉ có Chúa và Đức Mẹ mới làm cho con cái Người những việc lạ lùng đến thế.

Ngày 4 tháng 5, tôi và một số anh chi em nhà thờ Kawaguchi tổ chức nấu ăn và phân phát thực phẩm cho những anh chi em đang lánh nạn tại Fukushima. Đi cùng chúng tôi có các anh chị đại diện cho Tokyo, những anh chị vùng Kangawa Ken. Để có tiền đi, các bà mẹ đã phải đến nhà thờ ngày thứ bảy nấu thức ăn bán. Sau vài tháng họ đã có đủ tiền để cung cấp cho gần 400 người ăn với các món phở gà, chả giò, xôi đậu đỏ, và takoyaki (món bạch tuột nướng bột)

Chúng tôi phát cơm trưa cho trường tiểu học Ena và hội quán Chuo. Trong thời gian chờ đợi nấu bữa cơm chiều cho trường trung học Ena, chúng tôi được thầy phó tế Toàn hướng dẫn đi xem một vài nơi bị sóng thần tàn phá của thị xã Tomami.

Nếu trên ti vi các bạn cảm thấy thương cảm trước cảnh điêu tàn, đỗ vỡ bởi sức mạnh kinh hoàng của sóng thần, thì sự chứng kiến tận mắt sẽ làm cho cảm xúc đó dâng lên gấp bội. Những chiếc xe hơi nằm chồng chất hai, ba tầng, hay bị bẹp dí chẳng còn ra hình hài. Người ta nói những ngày đầu tiên đi thu dọn hiện trường, chuyện tìm thấy xác hay những bộ phận trên cơ thể đã bị tách rời là chuyện bình thường.

Tôi đến thăm một ngôi làng ven biển, nơi có chừng 400 hộ gia đình ở, nay được san phẳng còn trơ lại móng nhà. Lưa thưa vài cái nhà còn sót lại, chẳng còn nguyên vẹn. Có một căn nhà được sóng đưa đi đến “toạ lạc” trên một con lạch nhỏ, nơi đây ai đó đã đặt những bó hoa tưởng niệm những người quá cố.

Đoàn chúng tôi không ai bảo ai đứng trước bãi “ chiến trường “ đổ nát cầu nguyện. Chúng tôi lần hạt. Bầu khí tĩnh lặng. Ai đó đã không nén được tiếng khóc. Rồi chúng tôi hát, cầu nguyện cho những linh hồn đã qua đời trong thảm hoạ vừa qua.

Chấm dứt buổi phát thức ăn tối khoảng 8:00 tối. Trước khi ra về chúng tôi vào hội trường chào những anh chi em lánh nạn. Một chị nắm tay tôi cám ơn rối rít. Chị nói chị vô cùng cảm động vì người Việt Nam đă từ xa đến với những người thiếu may mắn nơi đây. Tấm chân tình này là sức mạnh cho chị và đồng bào của chị để tiếp tục hướng lên phía trước, bước đi để xây dựng lại. Một bà lão bật khóc vì cảm động vì sự có mặt của chúng tôi. Cả hội trường đứng lên, cám ơn và vỗ tay liên tục chào chúng tôi ra về.

Quãng đường dài trên 200 km, về đến nhà thờ 12:00 giờ đêm. Dẫu mệt nhưng chúng tôi vẫn ngồi thức với nhau. Hôm nay chúng tôi, những người tỵ nạn Việt Nam đã trả lại cho đời một chút ơn, dẫu chẳng thấm gì so với cái ơn mà chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã cứu vớt trên biển và cưu mang chúng tôi cho đén bây giờ.

Em tôi chụp hình một cây mai trước biển. Nó chắc là của một ai đó đã trồng trước nhà mình. Mọi vật bị cuốn đi hết, riêng nó vẫn lẻ loi một mình. Thân nó mảnh mai lắm. Nó bị trầy trụa khắp người, bị quật nằm ngả ngiêng. Sóng rút đi, để lại trên mình nó lớp muối mặn chẳng dễ sống. Những cơn mưa đến, mang cho nó sự hồi sinh trở lại. Nó đã trổ những đoá hoa rất đẹp, mặc dù trên thân thể những vết xướt chưa lành lặn.

Phải chăng sự can trường trong thầm lặng của nó cũng giống như những con người mà tôi đã gặp nơi các khu tạm trú. Hôm nay, một lần nữa tôi muốn nói lên tiếng tri ân những người tôi đã gặp. Họ đã cho tôi một bài học về sự chấp nhận hoàn cảnh để phấn đấu và vươn lên.

Trên hết mọi sự tôi cảm tạ ơn Chúa vì không có gì nằm ngoài vòng yêu thương của Ngài.