BÀI GIẢNG TRÌNH BÀY “QUI CHẾ TỔNG QUÁT” SÁCH LỄ RÔMA



Anh chị em thân mến

Giáo hữu thời Giáo hội sơ khai trong đế quốc Rôma đã chấp nhận hy sinh mạng sống để cử hành Thánh Lễ. Các Thầy Sáu và các thừa tác viên thánh thể thường là bị án tử hình nếu bị bắt đang đem Mình Thánh Chúa cho người bệnh hay tù nhân. Những tín hữu sơ khai đó đã biết rằng cách thức mạnh nhất để cảm nghiệm tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa Giêsu là qua Bí Tích Thánh Thể.

Vì lý do đó, Giáo Hội luôn cố gắng cử hành Bí Tích Thánh Thể một cách hết sức kính cẩn và trang nghiêm. Cuốn sách Giáo hội dùng trong việc cử hành Thánh Lễ là “Sách Lễ Rôma”.Chúng ta cũng còn gọi là “Sách Nghi Thức”(Sacramentary. Giáo hội đang cho xuất bản “Sách Lễ Rôma Mới”. Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục mời gọi chúng ta đọc phần dẫn nhập gọi là”Hướng dẫn Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma”, gọi tắt là G.I.R.M. Trong suốt 3 Chúa Nhật chúng tôi dựa vào đó để trình bày cho anh chị em những đổi thay của Qui Chế Mới. Hầu hết những chỉ dẫn trong sách Lễ Rôma mới thuộc truyền thống, một ít điều mới cần đổi trong cách thức cử hành Thánh Lễ mà chúng ta sẽ hoàn tất vào Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, ngày mồng 8 tháng 6 năm 2003.Hôm nay, tôi muốn lưu ý anh chị em một ít nguyên tắc căn bản thuộc Qui Chế Tổng quát.

I. MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Khi Chúa Giêsu cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua với các môn đệ trong đêm trước khi chịu tử hình(Lk,12),Ngài đã làm cho các môn đệ phải ngạc nhiên khi thay đổi một phần trong bữa ăn truyền thống Do Thái khi đọc trên bánh và rượu lời ”Này là Mình Thầy...” “ Này là Máu Thày...” Các môn đệ sau này hiểu là Bữa Tiệc Ly ấy diễn tả điều sẽ xảy ra hôm sau khi Chúa tự hiến trên Thánh giá để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết. Khi các tín hữu sơ khai cử hành Bữa Tiệc của Chúa, họ gọi là Thánh Thể, có nghiã là Tạ Ơn. Họ tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban ơn cao trọng là sạch mọi tội lỗi qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được tội lỗi của mình, yếu đuối sa ngã của mình được Chúa Giêsu tự hiến trên Thánh giá tha thứ cho, ta mới quí trọng Thánh Lễ.

Ơn cao cả chúng ta cử hành mỗi Thánh Lễ gọi là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”. Từ ngữ Vượt Qua do nguyên ngữ Hy Lạp là “pascha”. Bữa Tiệc Vượt Qua của người Do Thái gợi nhớ 2 biến cố trong Sách Xuất Hành- Khi Thần Chết đi qua nhà của người Dân Do Thái và tha chết cho các con trai đầu lòng của họ- và Dân Do Thái đã vượt qua Biển Đỏ, từ làm nô lệ Ai Cập đến Đất Hứa Tự do. Vượt Qua của Tân Ước liên quan đến sự thống khổ,sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Chúa vượt qua cái chết trên Thánh giá đến phục sinh vinh hiển. Chúng ta tham dự vào việc vượt qua này, sự giải thoát khỏi tội và sự chết này, mỗi lần chúng ta tham dự một cách trọn vẹn, một cách tích cực và đầy ý thức.

Thánh Lễ là TÂM ĐIỂM đời sống người kitô-hữu. Trong “Qui Chế Tổng Quát”, Giáo hội dạy : “Trong Thánh Lễ chúng ta có cao điểm của việc Đức Kitô đã hoàn tất việc thánh hóa chúng ta và cao điểm của việc thờ phượng mà loài người dâng lên Thiên Chúa là Cha, chúng ta ca tụng Chúa qua Đức Kitô, Con Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần.

Nếu Thánh Lễ là Tâm Điểm và thật là ý nghĩa cho mọi người,vậy tại sao nhiều người công giáo coi thường việc dự Thánh lễ ? Có người chỉ đi lễ khi họ thích; có kẻ khác lại đến trễ và ra về sớm và có kẻ lại không tham dự vào hát các bài Thánh ca và đáp ca? Có lẽ là vì không hiểu Thánh lễ là nơi chúng ta cảm nghiệm rõ ràng về lòng yêu thương và sự tha thứ của Đức Kitô. Trong Tông Huấn gởi vào Thứ Năm Tuần Thánh năm nay,Đức Thánh Cha đã viết :”Phép Thánh Thể là Bí Tích hiện-tại-hóa sự khổ nạn và sự chết của Chúa Kitô. Đó là hiến tế thập gía trở thành vĩnh cửu cho mọi thời đại. Cử hành Thánh Thể là làm cho hy tế cứu chuộc hoàn hảo duy nhất đã trở nên hiện tại trong thời gian. Đây là ơn thánh tuyệt vời nhất Chúa ban cho Giáo hội, vì tặng vật này là chính Chúa. Đức Thánh Cha còn hỏi : Chúa còn có thể làm gì hơn cho ta ?”

II. PHỤNG VỤ VÀ SỰ HIỆP NHẤT CỦA CỘNG ĐỒNG THỜ PHƯỢNG

Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng mình không thể được cứu chuộc đơn côi. Vì đối với người kitô-hữu, việc phụng thờ phải là việc chung chứ không phải là việc riêng tư. Bởi thế từ ngữ Phụng vụ do chữ Liturgya của Hy Lạp có nghĩa là công cộng và chung với nhau. Phụng vụ là lúc Dân Thiên Chúa tập họp, để tưởng nhớ, để tạ ơn, để cầu khẩn, để cử hành và ra đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô.

Bởi vì chúng ta tập họp để cử hành thánh lễ như một cộng đồng những kẻ tin đang cố gắng để nên một với Thiên Chúa và với anh chị em, Qui Chế Tổng Quát nhấn mạnh điều nhất thiết phải biểu lộ được TÍNH CÁCH DUY NHẤT trong cách thức chúng ta cử hành Thánh lễ.Một đoạn hướng dẫn nhan đề”Tầm quan trọng của việc hát ca”, chúng ta được giáo huấn:” Thánh Phaolô tông đồ dậy, các Tín hữu họp nhau để chờ đợi Chúa đến, đang chung tiếng hát những bài Thánh vịnh, những Thánh thi và các bài ca phụng vụ(Col.3,16). Phụng ca là một dấu chỉ của tâm hồn vui tươi(Tdcv.2,46)Thánh Augustinô thật chí lý khi nói:”Ca hát thuộc về những kẻ yêu nhau”. Cũng có ngạn ngữ cổ nói:”Ai hát thì cầu nguyện hai lần”.

Khi mọi người cùng hát Thánh thi và các bài Đáp ca, chúng ta cùng nhau cổ võ sự hợp nhất và tâm hồn vui tươi. Khi chúng ta cảm thấy không thích hát, hoặc nghĩ rằng người khác không muốn chúng ta hát vì tiếng của ta như tiếng ếch kêu, chúng ta đừng nghĩ như thế. Nếu chúng ta thật sự muốn cảm nghiệm được hưởng đầy dủ ơn ích thiêng liêng của Thánh Lễ, chúng ta phải tích cực tham dự một cách trọn vẹn và đầy đủ ý thức.

Và để kết thúc, tôi mời mọi người suy nghĩ xem làm thế nào để chúng ta biết quí trọng Thánh lễ một cách sâu xa và làm sao đi dự thánh lễ cho thật ích lợi. Khi chúng tôi nhắc nhở anh chị em các tín hữu thời giáo hội sơ khai đành liều chết để bảo vệ việc cử hành Thánh lễ tạ ơn là có ý giúp chúng ta biết tham dự cách trọn vẹn,tích cực và ý thức khi tham dự Thánh Lễ. Vì mỗi Thánh lễ là lời cảm tạ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vì ơn trọng đại Chúa ban cho chúng ta là Chúa Kitô và ơn cứu chuộc của Chúa đang hiện diện trong cuộc đời ta. Chúng ta hãy yêu như Chúa yêu : một tình yêu muốn hy sinh tự hiến đời mình cho chúng ta.