XIN THÊM LÒNG TIN CHO CHÚNG CON

Archimède nhà bác học danh tiếng của Hy Lạp thế kỷ thứ III đã từng tuyên bố: “Nếu cho tôi một điểm tựa chắc chắn, tôi có thể nâng nổi cả trái đất lên”. Làm sao tìm được một điểm tựa chắc chắn ngoài trái đất để Achimède dùng nguyên tắc đòn bẩy nâng trái đất lên? Đúng là không có thể tìm thấy khi tất cả chỉ đều là vật chất. Nhưng thánh Gioan đã cho chúng ta một bí quyết, một điểm tựa chiến thắng thế gian: “Điều làm chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4). Với Đức Giêsu Kitô, ngài đã cho chúng ta một hiệu quả rõ ràng: “Nếu anh em có Đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc” nó cũng vâng lời anh em” (Lc 17, 6). Hiệu quả quan sát được của đức tin trong thế giới vật chất là thế, nhưng hiệu quả tâm linh mới lớn lao. Vì cánh tay quyền năng của Thiên Chúa ghi dấu ấn trong khắp vũ trụ về nguyên lý sự sống và sự sáng tạo, nhưng dường như quyền năng ấy vẫn dừng lại trước sự tự do của con người. Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do đã được trao ban cho con người trong thời gian hiện hữu của vũ trụ vật chất, vì thế mỗi khi thực hiện một phép lạ, một ơn chữa lành bệnh, Chúa đều kết luận: “Đức tin con đã cứu con” (x. Mt 9,22; Mc 5,34; Mc 10,52; Lc 7,50; Lc 8,48; Lc 17,19; Lc 18,42). Đức tin khi đó không chỉ là nhìn thấy phép lạ, mà là đạt tới sự sống đời đời. Và như vậy, người sống đức tin là người sống bằng sự sống của Chúa Giêsu, là thân phận con người nhưng thực hiện với quyền năng của Thiên Chúa. Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Sống đức tin, con sẽ nhìn với đôi mắt Chúa Giêsu, con sẽ thấy kích thước đời đời trong các biến cố” (ĐHV 628).

Người không sống đức tin là người sống trong định kiến và giới hạn của mình. Người Nhật kể rằng:

“Có một nhà hiền triết nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức, ai ai cũng tìm đến hỏi ý kiến ông.

Để kiểm chứng điều đó, một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Khi ông giáo sư đã an toạ và bắt đầu nói, nhà hiền triết mới pha trà tiếp khách. Ông rót trà vào tách của ông giáo sư. Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra ngoài tách. Nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót. Và vẫn thao thao bất tuyệt. Nước tràn ra cả khay.

Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay và nghĩ thầm: “Thì ra con người mà thiên hạ sùng bái như bậc thánh hiền lại chỉ là một người lơ đễnh”. Không còn đủ kiên nhẫn nữa, ông giáo sư nói lớn:

-Thưa ngài, tách nước trà đã đầy tràn, nước chảy cả ra khay kìa.

Bấy giờ nhà hiền triết mới ngừng rót và nói:

-Cũng như tách trà này, đầu óc ông tràn đầy kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi. Bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở” (Lẽ sống p. 301 – Đơn sơ, triết lý)

Đức tin bằng hạt cải là đức tin thực tế và sống động. Sống đức tin là chấp nhận mạo hiểm, là ra đi vô định như Áp-ra-ham, là dám “liều mất mạng sống mình” (Mt 10,39). Người ta không dễ dàng sống đức tin là vì không dễ dàng dám liều mạng sống, không dễ dàng từ bỏ lối sống hưởng thụ vật chất, không dành được thời gian suy tư cho triết lý cuộc đời.

Thật vậy:

Sao ta chẳng có đức tin sâu rộng

Để nhận ra Chúa hành động với ta

Biển trần gian, bão tố với phong ba

Chúa ẩn mình nhưng vẫn là hành động.

Sao ta chẳng có đức tin sâu rộng

Để nhận ra Chúa sống động trong mình

Chết trong Chúa thì sẽ được Phục Sinh

Sống với Chúa là hành trình cõi sống.

Sao ta chẳng có đức tin sâu rộng

Để nhận ra một lẽ sống sâu xa

Cả vũ trụ này rồi sẽ trôi qua

Duy mình Chúa đưa ta về nguồn sống.


Ta hiểu tại sao các Tông đồ đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5)

Vì lòng tin của chúng con quá yếu,

xin thêm lòng tin cho chúng con.

Vì chúng con thường sa chước cám dỗ,

xin thêm lòng tin cho chúng con.

Vì chúng con hướng chiều về sự dữ

xin thêm lòng tin cho chúng con.

Vì bỏ thầy chúng con biết theo ai?

Xin thêm lòng tin cho chúng con, Amen.