RIYADH - Một toán nhân viên của Cơ quan điều tra Liên Bang FBI của Hoa kỳ đã được gửi đến Ả rập Saudi để giúp điều tra vụ nổ trong khi một lần nữa, chính phủ Ả rập Saudi hứa sẽ gia tăng nỗ lực trong cố gắng chống khủng bố.

Hoàng thái tử Abdullah, người hiện trên thực tế cai trị quốc gia này, nói nước ông có đủ khả năng để chấm dứt bạo động, nhưng điều này chắc vẫn không thể ngăn được những chỉ trích từ Hoa kỳ về thành tích của Ả rập Saudi.

Một trong những nhân vật đang hy vọng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Bob Graham, nói cuộc tấn công này chứng tỏ là tổng thống Bush đã để cho al Qaeda hồi sinh trong khi chính phủ bận tâm với Iraq và không nghi ngờ gì nữa là hiện đang có những bất đồng tại Washington trong chuyện phải giải quyết vấn đề Ả rập Saudi như thế nào.

Những rối loạn về con số thương vong có thể là phản ảnh sự bất đồng ý kiến trong nội bộ chính phủ. Có lúc, phó tổng thống Dick Cheney nói có đến 90 người thiệt mạng, nhưng trong khi đó bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục duy trì con số do chính thức do Ả rập Saudi đưa ra là 29 người. Điều người ta nghi ngờ là phía ngoại giao muốn giúp Ả rập Saudi làm giảm nhẹ mức độ của cuộc tấn công này.

Thông tín viên John Leyne của đài BBC nói là vì chính phủ Ả rập Saudi vốn thường không muốn tiết lộ bí mật, thật khó có hy vọng có thể có kiểm chứng độc lập về thực sự con số thương vong là bao nhiêu.

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố các vụ tấn công chống lại các mục tiêu Tây Phương ở Ả rập Saudi là "những hành động đê tiện". Ông thề sẽ đem những kẻ dự mưu ra công lý.

Tuyên bố của ông Bush được đưa ra trong lúc người ta vẫn chưa rõ là đã có bao nhiêu người thiệt mạng trong các vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Riyadh của Ả rập Saudi hồi đêm Thứ Hai vừa qua.

Hậu quả nghiêm trọng

Giới chức địa phương nói là có 29 người thiệt mạng, trong đó có bảy công dân Mỹ và chính nghi phạm thực hiện các vụ tấn công.

Được biết là các quan chức giấu tên ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nói là có hơn 90 người chết, nhưng một tuyên bố đưa ra sau đó đã cho biết một con số gần với ước đoán của phía chính quyền sở tại.

Theo Ả rập Saudi thì vụ nổ xảy ra ở phía đông thành phố cũng làm khoảng 200 người bị thương và tàn phá tan hoang khu vực.

Tổng thống Bush nói các vụ tấn công là sản phẩm của "những tên sát nhân đầy lòng thù hận".

Lời phát biểu của ông Bush đã được Hoàng Thái Tử Abdullah, người đang thực sự điều hành Ả rập Saudu hưởng ứng. Ông này đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để lên án những kẻ đánh bom là "những tên đồ tể tội phạm", là những kẻ "không có bất kỳ giá trị nhân văn Hồi Giáo nào".



Khởi đầu chuyến viếng thăm của ông Powell


Các vụ đánh bom diễn ra chỉ vài giờ trước khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ tới Ả rập Saudi.

Ông Powell nói rằng vụ tấn công này giống như các vụ tấn công do mạng lưới Al-Qaida thực hiện. Phân tích gia tình hình Trung Đông của đài BBC bình luận về sự kiện này như sau:

Đối với các ông hoàng xứ Ả rập Saudi, thời gian xảy ra các vụ tấn công này quả là nghiêm trọng.

Các vụ này xảy ra không chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến nước này mà chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút quân của họ khỏi Ả rập Saudi trong mùa hè năm nay.

Chính một trong những điều lãnh tụ mạng Al-Qaeda Osama Bin Laden mơ ước là việc Hoa Kỳ rút 10.000 quân khỏi nước này.

Các ông hoàng xứ Ả rập Saudi từng hy vọng rằng việc quân Mỹ rút đi sẽ làm giảm đi sức ép lên họ từ các nhóm Hồi Giáo cực đoan.

Tuy nhiên kể cả khi quân Hoa Kỳ rút đi thì vẫn còn chừng 30.000 người Mỹ dân sự ở Ả rập Saudi, cùng với hàng chục nghìn người châu Âu, Canada, Nhật Bản và các nước ngoài khác.

Đa số những người này sống trong các khu riêng, họ uống rượu tràn lan và không chia rẽ giới tính trong sinh hoạt.

Đối với những tay Hồi Giáo cực đoan thì các biệt khu đó chính là biểu tượng không chỉ của Phương Tây nói chung mà của sự đồi bại Tây Phương.

Ông Powell nói rằng vụ tấn công này giống như các vụ tấn công do mạng lưới Al-Qaida thực hiện hay một nhóm có liên hệ với Al-Qaeda.

Mãi đến tuần vừa qua chính quyền Ả rập Saudi công bố ảnh của 19 người đàn ông, mà đa số là công dân nước này và nói họ chính là một chi nhánh của Al-Qaeda.

Những người này hiện đang lẩn trốn sau một một bắn súng ở Riyadh và sau khi cảnh sát thu được một kho nhiều vũ khí và chất nổ.

Các ông hoàng Saudi nay sợ rằng mạng lưới Al-Qaida đã bám rễ sâu ở nước này và các nhóm Hồi Giáo cực đoan không chỉ có mục tiêu đuổi người Phương Tây khỏi đây mà còn muốn lật đổ chế độ họ cho là không có tính chính đáng.

Cảnh báo an ninh

Vào ngày mùng 01 tháng 5, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cảnh báo công dân Mỹ không nên tới Ả rập Saudi nếu không thực sự cần thiết.

Họ nói là có nguồn tình báo cho thấy các nhóm khủng bố có thể lên kế hoạch trong ''giai đoạn cuối'' tấn công cộng đồng Mỹ tại đây.

Trong các tháng gần đây, đã có một loạt các vụ tấn công vào các mục tiêu của Tây phương tại Ả rập Saudi.

Vào ngày 06 tháng 5, cảnh sát Ả rập Saudi đã phát hiện nhiều vũ khí tại Riyadh bao gồm hàng trăm cân thuốc nổ sau khi giao tranh với nhiều phần tử bị nghi là khủng bố.(bbc)