Chúa nhật 18 TN C

Gv 1, 2; 2,21-23; Cl 3, 1-5.9-11; Lc 12, 13-21

CỦA ĐỜI PHÙ VÂN

Con người, dẫu bất cứ là ai đi chăng nữa, khi lọt lòng mẹ xong thì điều cần thiết nhất đó chính là việc bú mẹ. Lớn lên một chút thì đứa bé đó được mẹ xay bột cho ăn dặm song song với việc bú bình. Lớn một chút nữa thì bé ăn cơm nghiền. Lớn một chút nữa thì bé ăn cơm như những người bình thường. Và khi lớn lên như một người bình thường thì nhu cầu cho cuộc sống nó cứ tăng dần theo. Khi lớn lên, ngoài chuyện ăn uống còn có nhu cầu học tập, sinh hoạt để rồi con người hết sức cần thiết với vật chất.

Không ai có thể phủ nhận được vị trí, vai trò của vật chất trong cuộc đời của con người thế nhưng bên dưới cái giá trị, vai trò của nó thì có vấn đề. Cái gì cũng có 2 mặt như đồng tiền cả. Nó có mặt trái và cũng có mặt phải. Mặt phải thì hết sức cần để có mà chi tiêu trong cuộc sống nhưng mặt trái của nó chính là con dao sẽ giết những ai cứ mãi chạy theo tiền tài, vật chất.

Nhiều và nhiều trang Thánh Kinh nói về sức mạnh cũng như khả năng công phá của vật chất. Một trong những trang nói mạnh về vật chất đó chính là sách Giảng Viên. Hôm nay chúng ta được nghe lại một đoạn hết sức ngắn mà Giảng Viên nói về vật chất. Ông Cô-he-lét nói: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời ? Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân !

Cùng với áng văn Thánh Kinh nói về vật chất thì hôm nay chúng ta cũng nghe Thánh Luca thuật lại cho chúng ta về chuyện vật chất. Vật chất đã làm cho người ta cãi cọ, tranh giành. Trong gia đình, khi cãi nhau không được người ta mang ra ngoài để nhờ người xử. Chắc có lẽ thấy Chúa Giêsu là bậc thầy khôn ngoan hay cứ ngỡ Chúa Giêsu là quan tòa hay sao để rồi có một người trong đám đông đi theo Chúa Giêsu đã tiến đến để nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Chúa Giêsu hết sức ngạc nhiên với lời đề nghị đó và Chúa Giêsu nói với anh ta: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? "

Nhân dịp người ta đề cập đến chuyện phân xử của cải, sau khi đã từ chối việc phân xử thì Chúa Giêsu nhắc nhở cho mọi người rằng: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

Không chỉ dừng lại ở điểm này, Chúa Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hết sức dễ thương, hết sức minh bạch và cũng hết sức thực tế. Vấn đề lớn nơi cuộc đời của con người đó chính là phần hồm, đó là mạng sống chứ không phải vật chất.

Nói về vật chất thì nhiều người sẽ nói: Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !

Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi đấy nhưng mấy người nhận ra giá trị thật của vật chất.

Chuyện bi đát là người ta biết vật chất là phũ phàng, vật chất là phù vân ấy nhưng con người cứ mãi chạy theo. Vật chất không chỉ bít lối vào Nước Thiên Chúa mà còn làm cho người ta bất hạnh ngay cả khi ở đời này. Người ta vẫn thường nói với nhau: tiền là bạc ! Câu nói đó ngụ ý rằng đồng tiền nó hết sức bạc bẽo với con người chứ nó chẳng mang lại hạnh phúc cho con người như con người tưởng tượng đâu.

Chuyện là có một gia đình kia, bề ngoài hết phồn vinh giàu có. Tưởng chừng hạnh phúc trên đống tiền ấy nhưng hoàn toàn ngược lại.

Bất hạnh ập đến khi người chồng phát hiện vợ mình đem tiền của chung của hai vợ chồng vun vén cho gia đình riêng của vợ. Người chồng gặng hỏi vợ mình là tại sao lấy tiền của chung đó mang về gia đình nhưng người vợ cứ lặng lẽ làm thinh. Người chồng tức quá muốn nhờ luật pháp chia tài sản nhưng người vợ vẫn lặng tiếng im hơi. Kể từ ngày chồng phát hiện ra vợ mình đem tiền của về nhà của vợ cũng chính là ngày mà gia đình rạn nứt. Người vợ vẫn im tiếng trước những lời to cũng có, nhỏ cũng có của chồng mình. Hai chữ hạnh phúc giờ đây sao khó tìm trong căn nhà thân thương ấy.

Lại một người kia, gia đình còn lại hai chị em, ba mẹ vừa qua đời thì người chị tìm cách “mời” người em ra khỏi nhà để đạt được căn nhà tổ ấy. Hai chị em không còn nhìn mặt nhau khi người chị đẩy người em ra khỏi nhà. Thừa hưởng được một căn nhà thật to mặt tiền đường của một con đường thật lớn đấy nhưng tình chị nghĩa em giờ cũng chẳng con. Hai chữ hạnh phúc cũng theo gót người em ra đi sau khi nhận được lời “mời” của chị.

Tiền bạc, vật chất nó bạc bẽo như thế đấy !

Tiền bạc vật chất ai cũng cần nhưng khi nhắm mắt xuôi tay có mang theo được cái gì đâu để mà vun với vén. Đến cái ngày nhắm mắt xuôi tay có muốn mang theo cái gì cũng chẳng thể mang theo được. Chuyện một vị thiền sư ở bên Tô Châu thật đáng suy nghĩ. Chuyện kể rằng ông để chiếc quan tài con trên bàn làm việc của ông. Làm gì vậy ? Khi hỏi ông thì ông nói rằng cuối cuộc đời của ông nó là cái này. Ông nhắm mắt xuôi tay thì ông phải vào chiếc quan tài này để rồi tất cả mọi chuyện trong cuộc sống trước khi quyết định ông nhắm đến nó. Suy nghĩ của ông phải chăng ông đã đi tìm cái gì bên kia thế giới chứ không phải là tìm những cái gì ở thực tại thế giới bên đây. Chính mỗi khi nghĩ về chuyện mình phải nằm trong chiếc quan tài như thế nào sẽ chỉ dẫn những hành động của ông.

Kinh nghiệm về cuộc đời, nghĩ về cuộc đời như vị thiền sư bên Tô Châu có lẽ trùng với suy nghĩ của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô vừa gửi đến chúng ta đôi lời tâm sự trong thư của Ngài gửi tín hữu Côlôsê: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, an di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

Thật sự ra mà nói thì ai ai cũng biết cái bạc, cái bẽo của đồng tiền, của vật chất nhưng hình như đồng tiền và vật chất nó có một ma lực hết sức lớn. Chỉ có những ai để, những ai nâng lòng trí mình hướng lên trời thì sẽ bớt đi phần nào sự bám víu vào vật chất, vào thế gian.

Xin Chúa cho chúng ta nhìn lại cuộc đời và đặc biệt nhìn lại tất cả của đời này chỉ là phù vân để ta hướng lòng trí ta lên cùng Chúa. Xin cho chúng ta ý thức được Chúa chính là Chúa, là chủ cuộc đời ta để trong mọi sự ta hướng lòng lên tới Chúa như lời Chúa mời gọi.