Bài Giảng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Cuộc Hội Ngộ Linh Mục
(Bài đọc I: Is. 61,1-3a.6a.8b-9 (lễ Truyền Dầu), Bài đọc 2 Tm 1,6-12, Tin Mừng: Mc 10,28-31)
Nói theo ngôn ngữ kinh tế hiện nay, thì Đức Giê-su quả là tuyệt vời trong nghệ thuật tiếp thị. Nếu ngày nay, người ta mời chào khách hàng hay đối tác bằng những lời hứa hẹn “một vốn bốn lời”, thì khi gọi các môn đệ đi theo mình cách đây hơn hai mươi thế kỷ, Đức Giê-su đã tuyên bố “một vốn trăm lời”. Không biết các môn đệ nghĩ gì khi nghe Thày mình nói về những lợi lộc họ sẽ được hưởng, nhưng một vài người trong họ đã hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa vật chất. Họ đã băn khoăn tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-37). Họ không chấp nhận những khó khăn thử thách, như trường hợp hai anh em Gioan và Gia-cô-bê. Khi thấy dân thành Sa-ma-ri-a coi thường và trễ nải trong việc đón tiếp mấy thày trò, hai ông đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thày, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54). Cũng chính hai anh em ông này đã mong muốn được một chỗ ngồi bên hữu và một chỗ ngồi bên tả, là hai vị trí sẽ có nhiều bổng lộc, theo quan niệm của các ông (x Mc 10,35-40). Đó cũng là trường hợp của hai môn đệ trên đường E-maus. Hai ông đã trở về với chốn cũ quê xưa trong thất vọng não nề, vì hai ông không thấy những quyền lợi mà hai ông mong đợi.
Các môn đệ của Đức Giê-su cuối cùng cũng nhận ra những cái “gấp trăm” mà Thày mình đã hứa, nhưng họ chỉ nhận ra sau này, khi Thày mình từ cõi chết sống lại. và phần thưởng “gấp trăm” ấy, các ông lại nhận một cách đặc biệt khi các ông lấy mạng sống mình ra để làm chứng cho Đức Giê-su, Đấng đã bị lên án tử, mà hiện đang sống giữa cuộc đời, nhất là giữa cộng đoàn của những kẻ tin.
Kính thưa các Cha,
Chúng ta là những người đã lên đường theo tiếng gọi của Đức Giê-su và của Giáo Hội. Trong thiên chức Linh mục, chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa để làm cho ơn cứu độ đến với muôn người. Những khó khăn thử thách của bậc sống độc thân, những vất vả lo toan của bổn phận, những áp lực công việc từ nhiều phía… có những lúc làm chúng ta không thấy được cái “gấp trăm” mà Thày Chí Thánh đã hứa. Tuy vậy, chắc chắn mỗi chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm đời tu thật ngọt ngào và hạnh phúc. Bởi lẽ lời hứa “gấp trăm” của Đức Giê-su không phải chỉ là một ảo tưởng xa vời, nhưng Người đã nhấn mạnh, đó là những phần thưởng “ngay bây giờ, ở đời này”.
Quả vậy, chúng ta thấy hạnh phúc đời tu khi chúng ta nhận ra mình không đơn lẻ, nhưng có Chúa luôn đồng hành, nhờ đó đời sống độc thân vì Nước Trời sẽ bớt cô đơn.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy sự hiện diện của mình thật có ý nghĩa với cộng đoàn giáo xứ, nơi mình được sai đến phục vụ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta nhân danh Đức Giê-su để chúc lành, tha tội và thảo gỡ biết bao người bị tội lỗi ràng buộc.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi tìm về cho Chúa một con chiên lạc, khi củng cố đức tin một người đang chao đảo mất hy vọng trong cuộc sống.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi góp phần gắn kết những mâu thuẫn chia lìa giữa những cá nhân hoặc những dòng họ trong Giáo xứ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy một cộng đoàn đông đảo được hồi sinh và nuôi dưỡng nhờ những hy sinh phục vụ của mình.
Chính những lúc đó, chúng ta được thưởng “gấp trăm” như lời Đức Giê-su đã hứa. Thật lạ lùng khi chúng ta chỉ mất một mà được một trăm, “một vốn trăm lời”. Tuy vậy, cái “một phần” của chúng ta, cái vốn đầu tư để có được lời gấp trăm kia có những lúc không được “đầu tư” trọn vẹn. Lời tuyên thệ “từ bỏ” ngày được rửa tội, lời tuyên thệ tận hiến hy sinh của ngày thụ phong Linh mục không phải lúc nào cũng được chuyên tâm gìn giữ. Vì lẽ đó mà có những lúc chúng ta giống như những thương gia không chịu bỏ một vốn mà vẫn đòi phải có một trăm lời. Và Thiên Chúa thật là kỳ diệu, Ngài vẫn cho chúng ta nhận phần lời gấp trăm lần mặc dù có những lúc chúng ta vẫn dùng dằng chưa chịu bỏ một phần vốn đầu tư vào đó. Ngài vẫn phủ kín đời ta bằng biết bao hồng ân mặc dù chúng ta bất xứng. Ngài vẫn ban những hiệu quả thiêng liêng khi chúng ta cử hành các bí tích, mặc dù chúng ta còn đầy bất toàn. Như Phê-rô đã quả quyết với Thày mình: “Thày coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày” (c 28), ước chi mỗi người chúng ta cũng quảng đại theo Chúa với tinh thần của Phê-rô để chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Người.
Và, kính thưa các Cha, hôm nay, phần thưởng mà Chúa đã hứa cho những ai sẵn sàng tử bỏ làm môn đệ Người được thực hiện cụ thể nơi chúng ta. Sở Kiện là nơi gặp gỡ của hơn sáu trăm những người anh em con một nhà. Nơi đây chúng ta được sống tình hiệp thông, tình huynh đệ và tình Giáo Hội. Chúng ta không chỉ có một trăm anh em, nhưng sáu trăm những người cùng chung một lý tưởng sống đời phục vụ. Những ngày gặp gỡ này là dịp để chúng ta nâng đỡ nhau trong việc thực thi bổn phận. Hình ảnh ngày Hội ngộ các Linh mục hôm nay chính là bằng chứng sống động về phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su đã hứa.
Trong số những phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su hứa ban cho những ai đi theo Người, có kèm theo “sự ngược đãi”. Các môn đệ đã sớm kinh nghiệm được điều này qua những cuộc bách hại gay gắt của người Do Thái. Các ông cũng nhận ra phần thưởng ngay trong chính sự bắt bớ đó. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại, Phê-rô và Gioan, khi bị gây phiền nhiễu, đã vui mừng vì được chịu đau khổ vì Đức Giê-su (x Cv 5,41). Cũng như thập giá đã gắn liền với Đức Giê-su, thập giá cũng luôn gắn liền với những ai muốn làm môn đệ Người. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).
Cuộc Hội ngộ Linh mục được tổ chức vào thời điểm có nhiều biến cố xảy đến cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, trong đó có những vụ bê bối lạm dụng tình dục mà một số Linh mục là thủ phạm. Trước những biến cố này, đôi lúc chúng ta cảm thấy hoang mang lo sợ. Tuy vậy, thật là bất công nếu chỉ chú ý đến một số trường hợp cá biệt mà quên đi một số đông anh em Linh mục đang tận tâm hy sinh phục vụ Tin Mừng. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: “Một cây lớn đổ xuống gây nhiều tiếng động xôn xao, nhưng biết bao cây trong rừng đang lớn lên mỗi ngày lại rất âm thầm lặng lẽ”. Một số trường hợp cá nhân không thể làm lu mờ hình ảnh biết bao Linh mục thánh thiện đã và đang dấn thân trong mọi môi trường xã hội và Giáo Hội hôm nay. Dẫu sao, chúng ta có thể đón nhận ý Chúa qua những vụ việc đã xảy ra. Phải chăng Chúa muốn các Linh mục hãy nhìn lại chính mình để sống đời chứng tá một cách hữu hiệu hơn. Phải chăng đây là lúc mỗi chúng ta phải nhìn lại cung cách phục vụ của mình. Người Âu châu có câu ngạn ngữ: “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Trong Năm Linh mục cũng như mãi mãi trong cuộc sống, ước chi mỗi Linh mục trong Giáo Tỉnh Hà Nội sẽ là một cây nến sáng để chiếu rọi cuộc đời, mặc dù còn nhỏ nhoi và khiêm tốn, nhưng phần nào góp phần tỏa sáng niềm tin trong xã hội hôm nay.
(Bài đọc I: Is. 61,1-3a.6a.8b-9 (lễ Truyền Dầu), Bài đọc 2 Tm 1,6-12, Tin Mừng: Mc 10,28-31)
Nói theo ngôn ngữ kinh tế hiện nay, thì Đức Giê-su quả là tuyệt vời trong nghệ thuật tiếp thị. Nếu ngày nay, người ta mời chào khách hàng hay đối tác bằng những lời hứa hẹn “một vốn bốn lời”, thì khi gọi các môn đệ đi theo mình cách đây hơn hai mươi thế kỷ, Đức Giê-su đã tuyên bố “một vốn trăm lời”. Không biết các môn đệ nghĩ gì khi nghe Thày mình nói về những lợi lộc họ sẽ được hưởng, nhưng một vài người trong họ đã hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa vật chất. Họ đã băn khoăn tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-37). Họ không chấp nhận những khó khăn thử thách, như trường hợp hai anh em Gioan và Gia-cô-bê. Khi thấy dân thành Sa-ma-ri-a coi thường và trễ nải trong việc đón tiếp mấy thày trò, hai ông đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thày, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54). Cũng chính hai anh em ông này đã mong muốn được một chỗ ngồi bên hữu và một chỗ ngồi bên tả, là hai vị trí sẽ có nhiều bổng lộc, theo quan niệm của các ông (x Mc 10,35-40). Đó cũng là trường hợp của hai môn đệ trên đường E-maus. Hai ông đã trở về với chốn cũ quê xưa trong thất vọng não nề, vì hai ông không thấy những quyền lợi mà hai ông mong đợi.
Các môn đệ của Đức Giê-su cuối cùng cũng nhận ra những cái “gấp trăm” mà Thày mình đã hứa, nhưng họ chỉ nhận ra sau này, khi Thày mình từ cõi chết sống lại. và phần thưởng “gấp trăm” ấy, các ông lại nhận một cách đặc biệt khi các ông lấy mạng sống mình ra để làm chứng cho Đức Giê-su, Đấng đã bị lên án tử, mà hiện đang sống giữa cuộc đời, nhất là giữa cộng đoàn của những kẻ tin.
Kính thưa các Cha,
Chúng ta là những người đã lên đường theo tiếng gọi của Đức Giê-su và của Giáo Hội. Trong thiên chức Linh mục, chúng ta được mời gọi cộng tác với Chúa để làm cho ơn cứu độ đến với muôn người. Những khó khăn thử thách của bậc sống độc thân, những vất vả lo toan của bổn phận, những áp lực công việc từ nhiều phía… có những lúc làm chúng ta không thấy được cái “gấp trăm” mà Thày Chí Thánh đã hứa. Tuy vậy, chắc chắn mỗi chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm đời tu thật ngọt ngào và hạnh phúc. Bởi lẽ lời hứa “gấp trăm” của Đức Giê-su không phải chỉ là một ảo tưởng xa vời, nhưng Người đã nhấn mạnh, đó là những phần thưởng “ngay bây giờ, ở đời này”.
Quả vậy, chúng ta thấy hạnh phúc đời tu khi chúng ta nhận ra mình không đơn lẻ, nhưng có Chúa luôn đồng hành, nhờ đó đời sống độc thân vì Nước Trời sẽ bớt cô đơn.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy sự hiện diện của mình thật có ý nghĩa với cộng đoàn giáo xứ, nơi mình được sai đến phục vụ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi chúng ta nhân danh Đức Giê-su để chúc lành, tha tội và thảo gỡ biết bao người bị tội lỗi ràng buộc.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi tìm về cho Chúa một con chiên lạc, khi củng cố đức tin một người đang chao đảo mất hy vọng trong cuộc sống.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi góp phần gắn kết những mâu thuẫn chia lìa giữa những cá nhân hoặc những dòng họ trong Giáo xứ.
Chúng ta thấy hạnh phúc đời tu, khi thấy một cộng đoàn đông đảo được hồi sinh và nuôi dưỡng nhờ những hy sinh phục vụ của mình.
Chính những lúc đó, chúng ta được thưởng “gấp trăm” như lời Đức Giê-su đã hứa. Thật lạ lùng khi chúng ta chỉ mất một mà được một trăm, “một vốn trăm lời”. Tuy vậy, cái “một phần” của chúng ta, cái vốn đầu tư để có được lời gấp trăm kia có những lúc không được “đầu tư” trọn vẹn. Lời tuyên thệ “từ bỏ” ngày được rửa tội, lời tuyên thệ tận hiến hy sinh của ngày thụ phong Linh mục không phải lúc nào cũng được chuyên tâm gìn giữ. Vì lẽ đó mà có những lúc chúng ta giống như những thương gia không chịu bỏ một vốn mà vẫn đòi phải có một trăm lời. Và Thiên Chúa thật là kỳ diệu, Ngài vẫn cho chúng ta nhận phần lời gấp trăm lần mặc dù có những lúc chúng ta vẫn dùng dằng chưa chịu bỏ một phần vốn đầu tư vào đó. Ngài vẫn phủ kín đời ta bằng biết bao hồng ân mặc dù chúng ta bất xứng. Ngài vẫn ban những hiệu quả thiêng liêng khi chúng ta cử hành các bí tích, mặc dù chúng ta còn đầy bất toàn. Như Phê-rô đã quả quyết với Thày mình: “Thày coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày” (c 28), ước chi mỗi người chúng ta cũng quảng đại theo Chúa với tinh thần của Phê-rô để chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Người.
Và, kính thưa các Cha, hôm nay, phần thưởng mà Chúa đã hứa cho những ai sẵn sàng tử bỏ làm môn đệ Người được thực hiện cụ thể nơi chúng ta. Sở Kiện là nơi gặp gỡ của hơn sáu trăm những người anh em con một nhà. Nơi đây chúng ta được sống tình hiệp thông, tình huynh đệ và tình Giáo Hội. Chúng ta không chỉ có một trăm anh em, nhưng sáu trăm những người cùng chung một lý tưởng sống đời phục vụ. Những ngày gặp gỡ này là dịp để chúng ta nâng đỡ nhau trong việc thực thi bổn phận. Hình ảnh ngày Hội ngộ các Linh mục hôm nay chính là bằng chứng sống động về phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su đã hứa.
Trong số những phần thưởng “gấp trăm” mà Đức Giê-su hứa ban cho những ai đi theo Người, có kèm theo “sự ngược đãi”. Các môn đệ đã sớm kinh nghiệm được điều này qua những cuộc bách hại gay gắt của người Do Thái. Các ông cũng nhận ra phần thưởng ngay trong chính sự bắt bớ đó. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại, Phê-rô và Gioan, khi bị gây phiền nhiễu, đã vui mừng vì được chịu đau khổ vì Đức Giê-su (x Cv 5,41). Cũng như thập giá đã gắn liền với Đức Giê-su, thập giá cũng luôn gắn liền với những ai muốn làm môn đệ Người. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).
Cuộc Hội ngộ Linh mục được tổ chức vào thời điểm có nhiều biến cố xảy đến cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, trong đó có những vụ bê bối lạm dụng tình dục mà một số Linh mục là thủ phạm. Trước những biến cố này, đôi lúc chúng ta cảm thấy hoang mang lo sợ. Tuy vậy, thật là bất công nếu chỉ chú ý đến một số trường hợp cá biệt mà quên đi một số đông anh em Linh mục đang tận tâm hy sinh phục vụ Tin Mừng. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ: “Một cây lớn đổ xuống gây nhiều tiếng động xôn xao, nhưng biết bao cây trong rừng đang lớn lên mỗi ngày lại rất âm thầm lặng lẽ”. Một số trường hợp cá nhân không thể làm lu mờ hình ảnh biết bao Linh mục thánh thiện đã và đang dấn thân trong mọi môi trường xã hội và Giáo Hội hôm nay. Dẫu sao, chúng ta có thể đón nhận ý Chúa qua những vụ việc đã xảy ra. Phải chăng Chúa muốn các Linh mục hãy nhìn lại chính mình để sống đời chứng tá một cách hữu hiệu hơn. Phải chăng đây là lúc mỗi chúng ta phải nhìn lại cung cách phục vụ của mình. Người Âu châu có câu ngạn ngữ: “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Trong Năm Linh mục cũng như mãi mãi trong cuộc sống, ước chi mỗi Linh mục trong Giáo Tỉnh Hà Nội sẽ là một cây nến sáng để chiếu rọi cuộc đời, mặc dù còn nhỏ nhoi và khiêm tốn, nhưng phần nào góp phần tỏa sáng niềm tin trong xã hội hôm nay.