BA NGÀY HỘI NGỘ LINH MỤC CỦA GIÁO TỈNH HUẾ
TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LA VANG
(Từ 03/03/2010 – 05/03/2010)


19g30, thứ tư, ngày 03.03.2010.

Lễ nghi khai mạc cuộc hội ngộ rất ấn tượng và cảm động. Đức tổng giám mục cùng với 6 Giám mục và Đan viện phụ, 450 linh mục của 6 giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế, trong trang phục chỉnh tề, trang nghiêm tiến về Linh đài Đức Mẹ. Đi sau cùng là 4ngnh thánh Gioan Vianney, bổn mạng các linh mục.

Đức tổng giám mục giáo phận Huế đọc bài chào mừng và tuyên bố khai mạc cuộc hội ngộ linh mục của giáo tỉnh trong Năm Linh Mục và Năm Thánh Giáo hội Việt Nam.

Tiếp đến là nghi thức sám hối và hòa giải do Đức cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản chủ sự, cùng với 2 linh mục giáo phận Ban Mê Thuột phụ trách việc hồi tâm, xét mình. Trong phần hướng dẫn sám hối, Đức giám mục Ban Mê Thuột nhắc lại lời Hồng y Hummes, chủ tịch Bộ giáo sĩ, rằng: “ Giáo hội tự hào về các linh mục của mình”. Nhưng ngài cũng cho thấy: khoảng cách lớn lao giữa sứ mệnh cao cả của thiên chức linh mục và khả năng giới hạn của họ.

Thật xúc động và là một cảnh tượng này, khi chứng kiến các Giám mục cùng quỳ xuống thú tội với người anh em của mình. Các linh mục cũng lần lượt nhận và ban bí tích hòa giải cho nhau trong bầu khí lắng đọng và sám hối. Không còn phân biết cha trẻ với cha già, giáo phận này với giáo phận kia, người quen và không quen. Tất cả tìm đến nhau trong tình huynh đệ và khiêm tốn.

08 giờ, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Đức cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa chia sẻ về đề tài: “ Đời sống linh mục”, với những cám dỗ và thách thức.

Giáo hội đang sống trong một thời đại nhiều thách thức và cám dỗ. Thách thức cám dỗ đã có ngay trong vườn địa đàng. Nọc độc cám dỗ ẩn núp trong những vỏ bọc, bao bì màu mè hấp dẫn, bề ngoài có vẻ rất hợp lý, hợp tình, hợp pháp …. “ Biết như Thiên Chúa” có gì xấu đâu?

Đức Giêsu, con Thiên Chúa xuống thế làm người nêu gương thắng vượt cám dỗ bằng cuộc sống luôn thực hiện Thánh ý của Chúa Cha.

Đức cha Phao-lô nêu lên một số cám dỗ và thách thức sau đây:

1. Tương đối hóa các giá trị tôn giáo và luân lý, cho rằng:

Đạo nào cũng tốt, tôn giáo nào cũng có nhiều điều chân thực. Lại còn phải hội nhập văn hóa. v.v. Thế nên, đã có rất nhiều giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân bỏ Giáo hội, bỏ đức tin, bỏ đời sống tu trì để đi tìm những những giá trị ở các tôn giáo khác. Không con coi Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất.

2. Tinh thần truyền giáo giảm sút.

Sau Công đồng vatican II, nhiệt tình truyền giáo sút giảm rõ rệt. Phải lấy lại nhiệt tình truyền giáo ban đầu của tổ tiên và cac nhà truyền giáo. Đào sâu ý thức truyền giáo như là trách nhiệm, và như là hồng ân nhận được từ bí tích Thánh tẩy. Nên phải thực hiện sự trao đổi nhân sự. Cộng tác mục vụ giữa các giáo phận, giáo xứ và cộng đoàn…

3. Bị lôi kéo bởi các nghi lễ trang trọng của các tôn giáo.

Một số tôn giáo thu hút tín đò bằng cách tổ chức những lễ nghi rất hấp dẫn. Vì thế, ta phải đề cao sự tôn nghiêm và vẻ đẹp huyền nhiệm của Phụng vụ Kitô giáo. Khuyến khích giáo dân tham gia tích cực và sống động trong phần phụng vụ Lời Chúa qua việc ca hát, đối đáp …Hiện nay “xu hướng trình diễn” khá phổ biến từ các ca viên và ca đoàn.

4. Cám dỗ mất Đức tin bởi “xì căng đan” tình dục của các giáo sĩ ở nhiều nước.

Các linh mục phải trau dồi bản lĩnh, xác tín ơn gọi của mình vì “danh dự” của hàng giáo sĩ và “vẻ đẹp tinh tuyền” của Hội thánh.

5. Ngày nay người ta sợ hy sinh, tránh thập giá ….

Sống trong xã hội đề cao thực dụng, người ta không thích nói đến hy sinh, từ bỏ, tự chế, tự chủ …

6. Cám dỗ đề cao cá nhân chủ nghĩa.

Cao ngạo, quá tự tin, và quy ngã, người ta thích bêu xấu, chửi rủa, xoi mói, phê bình, ưa dùng ngôn từ “đao to búa lớn”. Lấy cớ là “vì chân lý”. Nhưng nói sự thật để xây dựng, thì khác với nói sự thật để bêu xấu. Sự thật phải luôn đi kèm với bác ái. (Veritas in Caritate).

15g30, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Trong hơn một tiếng đồng hồ, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang triển khai đề tài: “ Linh mục đồng hành với dân Chúa”, dựa theo trình thuật của Lc 24, 13-35 về hai môn đệ trên đường Emmau.

Thánh Luca giới thiệu sáu điểm nhấn sau đây:

1. Đang lúc họ chuyện vãn với nhau ( Lc 24,15).

Họ là nhóm người được Đức Giêsu gọi và chọn. Họ được nghe, được thấy, được Ngài chia sẻ về các mầu nhiệm Nước Trời. Họ là tiền thân của các linh mục, những người thân cận với Giám mục. Họ cũng là tiền thân của tất cả những ai có tương quan mật thiết với Thiên Chúa mà chúng ta gọi bằng một danh xưng: dân Thiên Chúa. Họ cũng có những lúc nghi ngờ, thất vọng, hoang mang … Tâm trạng này của hai người môn đệ nhiều khi rất thiết thực với các linh mục, và qua kinh nghiệm mục vụ giáo xứ, chúng ta cũng nhận ra nơi chính đời sống của dân Chúa.

2. Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ ( Lc 24,15).

Thánh Luca viết: “ Đang lúc họ (hai môn đệ) chuyện vãn và bàn tính với nhau, thì chính Đức Giêsu tiến lại gần bên mà đi với họ”. Một cách êm đềm Chúa xuất hiện và đồng hành. Ngài im lặng lắng nghe điều họ bàn tán nhỏ to, điều họ bàn tán liên quan mật thiết đến tiền đồ của Hội thánh. Thật vậy, việc Chúa chịu chết và phục sinh là những tín điều cơ bản, cốt lỏi của Hội thánh. Hội thánh được thiết lập và tồn tại trên tín điều này. Các môn đệ ban đầu đã không hiểu gì về lời Đức Giêsu báo trước cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Họ tưởng: Người không thể chết, và nếu có chết và sống lại, thì sự sống lại phải rất hoành tráng, ấn tượng, làm chấn động đối phương thù ghét Ngài. Đức Giêsu kiên nhẫn lắng nghe họ bàn tán để giải thích và giải tỏa những hoang mang nghi ngờ. Ngài đã đồng hành, đã tế nhị can thiệp đúng lúc.

Thái độ chăm chú lắng nghe các môn đệ nói của Chúa là bài học cụ thể cho các giám mục, linh mục. Có biết bao điều trăn trở của giáo dân muốn nói mà linh mục không hay. Có trăm nghìn thành kiến của đồng bào mà người công giáo không thể ngờ được … Thái độ “đồng hành” của Chúa soi sáng chúng ta.

3. Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Ngài ( Lc 24,17).

Đối tượng của việc tông đồ mục vụ là chính Đức Ki-tô, Đấng được Chúa Cha sai đến để nhân loại được sống và sống dồi dào. Ngài phải được loan báo, Ngài không còn là một nhân vật lịch sử, xa lạ. Nhưng Ngài đang sống. Ngài đã kinh qua đau khổ để đi đến vinh quang. Muốn “dẫn giải” về Đức Ki-tô, thì điều tiên quyết là phải biết rõ về Ngài để loan báo Ngài. Biết không chỉ là đọc sách, nhưng là sống kết hiệp mật thiết với Ngài. Rao giảng Chúa mà không gắn bó với Ngài, thì rao giảng gì! Khi rao giảng, linh mục phải cố gắng làm cho cái tôi của mình nhỏ lại, để Đức Ki-tô lớn lên trong lòng mọi Người. Và khi chăm sóc đoàn chiên, làm sao chiếu tỏa được tấm lòng của người mục tử: quảng đại, bao dung, phát huy đức bác ái huynh đệ là giới răn mới, giới răn xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chính Ngài là đầu, là thủ lãnh, là thầy, là cha tuyệt đối.

4. Và họ nhận biết Ngài ( Lc 24,31).

Đã có một hiện tượng, một sự biến đổi xảy ra. Đó là: lòng hai môn đệ cháy bừng lên khi Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ. Chúa Thánh Thần đã làm việc với Chúa Giêsu. Và như thế, không có ơn Thánh Thần kèm theo, việc làm của các linh mục có ích lợi gì. Chúng ta không thể làm việc mục vụ khi chưa cầu nguyện để Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đến thánh hóa, dạy dỗ và ban ơn can đảm dấn thân. Chúa Thánh Thần cũng soi sáng cho hai môn đệ hiểu căn tính đích thực của Thầy qua câu nói: “ Khi treo Ta lên, các người sẽ thấy chính là Ta”, nghĩa là: Thầy chính là Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, nhưng cũng là tôi tớ, là chiên gánh tội trần gian ( Ga 1,46). Ngài đã đi qua thập giá để tiến đến vinh quang. Đi ngang qua lòng tham, dục vọng, ích kỷ của con người mà đi tới chiến thắng.

Là linh mục của Đức Ki-tô, chúng ta có đời sống đồng hình đồng dạng với Đấng vác thập giá đi trước không? Chính đời sống linh mục chữ không phải lời nói khiến người ta công nhận: “Quả thật vinh quang của tôi là thập giá Đức Ki-tô”.

5. Ngay giờ đó, họ chỗi dậy ( Lc 24,33).

Vừa nhận ra Đức Kitô là Thầy của mình, hai môn đệ không còn thấy ngài nữa. Đức Ki-tô đã đi vào thế giới vô hình đang bao bọc họ. Ngài ở trong chính con người của họ đang bừng cháy lửa yêu mến. Ngay giờ đó, họ chỗi dậy, trở về Giêrusalem gặp lại Phê-rô và tất cả những người được Chúa kêu gọi quy tụ chung quanh Phê-rô. Chúa đã hiện ra với hai môn đệ, thì Ngài cũng ưu tiên hiện ra với Phê-rô, người mà Chúa đã chọn làm “ Đá nền” để xây dựng Hội thánh ( Mt 16,18). Chính ông được chứng kiến các biến có quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa (x. Lc 9,39). Chính ông đã có kinh nghiệm chúa xót của một kẻ chối Ngài, hoặc cản lối Ngài đi lên Giêrusalem. Chính ông đã ba lân tuyên xưng: con yêu mến Thầy với tất cả ý thức sâu sắc của một người được chọn làm mục tử chăn dắt đoàn chiên. Và chính ông luôn đứng đầu danh sách những người thân cận với Chúa (x. Lc 9, 28-36), cũng đã được Thầy giao phó trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình. ( x. Lc 22,32). Chỗi dậy, chạy mau về với Phê-rô và các bạn, cũng là dấu chỉ nói lên sự hiệp thông, hiệp nhất với Giáo hội quy tụ chung quanh Phê-rô.

6. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy ( Lc 24,48).

Chúa sống lại đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ và môn đệ. Khi thì giơ tay chân bị đóng đinh ra, khi thì đi đòi ăn trước mặt họ, để làm chứng chính Ngài, chứ không phải là ma, đang ở trước mặt họ. Hiện ra nhiều lần như thế, là để các tông đồ có trách nhiệm làm chứng về sự phục sinh của Chúa, cùng với sự trợ giúp của Thánh Thần ( Cv 1,8). Và đây là điều quan trọng nhất của niềm tin Ki-tô giáo. Nếu Đức Ki-tô không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên vô ích. Làm chứng bằng chính đời sống, và cả bằng hiến dâng sự sống. công việc làm chứng chỉ có thể thực hiện với những điều kiện: Có ơn Chúa Thánh Thần, trung thành với truyền thống tông đồ, yêu mến Giáo hội mà Đức Maria vừa là hình ảnh, vừa là mẹ được trao phó cho Giáo hội qua tông đồ Gioan.

19g30, thứ năm, ngày 04.03.2010.

Kiệu Đức Mẹ Lavang, lần chuỗi Môi khôi và chầu Thánh Thể do Đức cha Phan-xi-cô Lê Văn Hồng, giám mục phụ tá giáo phận Huế phụ trách.

Cuộc rước kiệu Đức Mẹ Lavang và lần chuỗi Môi khôi, đêm bế mạc “ Cuộc Hội Ngộ linh mục lịch sử”, đã ghi khắc trong tâm trí người tham dự những hình ảnh đậm nét không bao giờ phai lạt. Gần 500 linh mục, giám mục, đan viện phụ, trong lễ phục Alba trắng, tay cầm nến sáng, xếp hàng bốn chậm rãi bước đi dưới bầu trời cao vút không một ánh sao, uốn lượn theo một lộ trình dài khoảng vài trăm mét, từ nhà nhà Trung Tâm đến linh đài Đức Mẹ, tạo nên một dòng ánh sáng huyền ảo, lung linh, nhiệm mầu. Cứ mỗi chục hạt, đoàn rước dừng lại, tay trái giơ cao nến cháy, miệng ca vang điệp khúc Ave Maria, đậm đà tình cảm hiếu thảo Mẹ con.

05g30, thứ sáu, ngày 05.03.2010.

Thánh lễ đồng tế kính Đức Maria, Mẹ Giáo hội. Đức giám mục phó Quy nhơn giảng lễ. Linh mục JB. Lê Quang Quý, quản hạt Quảng Trị, thay mặt cộng đoàn linh mục giáo tỉnh Huế, cảm tạ các Đức giám mục trong giáo tỉnh, đã có sáng kiến tổ chức “Cuộc Hội ngộ lịch sử” này. Cuộc hội ngộ làm nổi bật chiều kích huynh đệ và cộng đoàn của đời sống linh mục. Quây quần chung quanh Mẹ Lavang, các linh mục ý thức hơn về sự liên đới trong ơn gọi linh mục, và trong tư cách là những Gioan tông đồ được Chúa trao phó cho Mẹ của Ngài. ( Ga 19, 26-27).

Cũng xin nhắc lại lời Đức tổng giám mục Stê-pha-nô Nguyễn Như Thể nói trong diễn văn khai mạc: đây là cơ hội “tái lập bản sắc thiêng liêng, loại trừ những uế tạp, hướng đến sự hoàn thiện linh thiêng của thừa tác vụ” …(ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI). Ngài ước mong: trong thời gian ân sủng đặc biệt này, đời sống nội tâm của linh mục được biến đổi dưới sự chỉ bảo của Mẹ Maria.

(từ Giáo phận Ban Mê Thuột)