KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2009 (2)
CHƯƠNG HAI - LẠM PHÁT
Trong cuộc họp báo ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê công bố giá tiêu dùng tháng 12 tăng 1,38% so với tháng 11, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12.2009 so với cùng kỳ năm 2008 là 6,52%; nếu tính trung bình năm 2009 so với năm 2008 thì chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index CPI, tiếng Anh và indice des prix à la consommation IPC, tiếng Pháp) đã tăng 6,88%. Từ chỉ số giá tiêu dùng, người ta tính mức lạm phát (inflation, inflation) và, đôi khi, mức giảm phát (deflation, déflation).
Giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục, xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn. Cũng có thể nói đĩ là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm.
Giá cả hàng hoá và dịch vụ luôn biến động theo thời gian, nhưng khi thay đổi quá nhanh chóng, nó có thể là một điều không hay cho nền kinh tế, làm mất lòng người dân.
A. Lạm phát là gì ?
Đó là hiện tượng giảm mãi lực của đồng tiền, đồng nghĩa với ‘vật giá leo thang’, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng. Do đó, với cùng một số tiền, người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ.
Thí dụ: Ngày 02.01.2009, giá gạo tẻ chỉ bán 4.500 đồng/kg. Đến ngày 22.12.2009 thì phải trả 4.810 đồng để mua được một kg gạo tẻ, tức tăng 310 đồng hay 6,88%. Mãi lực của số tiền 4.500 đồng, lúc đầu năm 2009, mua được một kg gạo tẻ; và đến cuối năm đó, chỉ mua được 0,94 kg gạo tẻ.
Lạm phát, theo một khái niệm khác, là khối lượng tiền được lưu hành trong dân chúng tăng lên do nhà nước in và phát hành thêm tiền vì những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm thủng ngân sách v.v...). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng cầm trong tay nhiều tiền quá sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt có khi đưa đến siêu lạm phát. Những ví dụ cùng cực nhất của siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức trong những năm đầu thập niên 1920 khi tỉ lệ lạm phát lên tới 3,25 x 106 mỗi tháng, có nghĩa là giá cả tăng gấp đôi mỗi 49 tiếng đồng hồ.
Không ít người quan niệm việc chính phủ in thêm tiền trong giới hạn cho phép của nền kinh tế là một hình thức thu ‘thuế lạm phát’. Chính phủ sử dụng khoản phụ trội này để quân bình ngân sách với hy vọng sang năm kinh tế tiếp tục phát triển sẽ được nộp ngân sách nhiều hơn.
B. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Việt-Nam khởi sự tính toán và sử dụng CPI để đo mức độ tăng giá tiêu dùng chung từ năm 1995.
Để tính CPI, cần có hai yếu tố:
a.- Rổ hàng hóa và dịch vụ gồm những giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân của các mặt hàng đại diện và được cập nhật và mở rộng từng thời kỳ, thời điểm được chọn làm năm gốc cũng thay đổi theo: năm gốc 1995 (với 296 mặt hàng), 2000 (390 mặt hàng), 2005 (494 mặt hàng). Các mặt hàng đại diện này được phân chia thành 10 nhóm sẽ kể duới đây.
Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong ít nhất hai thời điểm khác nhau.
b.- Quyền số là tỷ trọng mức tiêu dùng tương ứng của chúng trong tổng mức chi tiêu dùng cho đời sống hàng ngày của người dân.
Do đó, ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ (494 mặt hàng đại diện) hiện dùng để tính chỉ số giá tiêu được chia thành 10 nhóm với quyền số như sau:
1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm): 42,85 %
2. Đồ uống và thuốc lá: 4,56 %
3. May mặc, mũ nón, giày dép: 7,21 %
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm cả điện, nước, chất đốt): 9,99 %
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình: 8,62 % 6. Dược phẩm y tế (thuốc và dịch vụ y tế): 5,42 %
7. Phương tiện đi lại (giao thông), bưu điện (bưu chính viễn thông): 9,04 % 8. Giáo dục: 5,41 %
9. Văn hóa, thể thao, giải trí (cả du lịch): 3,59 %
10. Hàng hóa dịch vụ khác: 3,31 %
C. Các vấn đề có thể gặp phải khi tính toán CPI.
1. CPI không cho thấy mức độ lệch thay thế vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ cố định. Khi giá cả một mặt hàng này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác thì người tiêu dùng buộc phải giãm xài những mặt hàng quá đắt đỏ và thay bằng những thế phẩm* giá rẻ hơn. Yếu tố này làm CPI đã đánh giá cao hơn thực tế mức giá.
[thế phẩm* hay sản phẩm thay thế. Thí dụ 1: khi gạo đắt quá không mua nổi phải ăn khoai mì thế. Thí dụ 2: muốn nước mắm ngon phải làm với chanh, nhưng không có chanh, phải làm với dấm, ít ngon hơn. Trong trường hợp này, dấm là thế phẩm.]
2. CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá hay dịch vụ mới vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ đại diện trong khi một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không cho thấy được sự gia tăng mãi lực của đồng tiền nên có thể đánh giá mức giá cao hơn thực tế.
3. Khi có sự gia tăng chất lượng hàng hoá và dịch vụ nhưng mức giá không tăng, thì CPI có khuynh hướng nâng cao mức giá.
D. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng mới thời kỳ 2009 – 2014.
Ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê vừa công bố một số nội dung chủ yếu được cập nhật trong phương án tỉnh chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2010 – 2014, với năm gốc 2009, tổng số mặt hàng đại diện trong ‘rổ hàng hoá’ sẽ bao gồm 572 mặt hàng (tăng 78 mặt hàng so với thời kỳ trước).
Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước.
572 mặt hàng đại diện được chia vào 11 nhóm hàng cấp 1 và 3 nhóm cấp 2 mà từ chuyên môn gọi là ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ để tính chỉ số giá tiêu dùng.
Quyền số để tính chỉ số giá tiêu được tính như sau:
I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 39,93 %
1. Lương thực 8,18 %
2. Thực phẩm 24,35 %
3. Ăn uống ngoài gia đình 7,40 %
II. Đồ uống và thuốc lá 4,03 %
III. May mặc, mũ nón, giày dép 7,28 %
IV. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 10,01 %
V. Thiết bị và đồ dùng gia đình 8,65 %
VI. Thuốc và dịch vụ y tế 5,61 %
VII. Giao thông 8,87 %
VIII. Bưu chính viễn thông 2,73 %
IX. Giáo dục 5,72 %
X. Văn hoá, giải trí và du lịch 3,83 %
XI. Hàng hoá và dịch vụ khác 3,34 %
Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm từ 60,86% vào năm 1995 xuống 47,9% năm 2000, rồi 42,85% năm 2005 và nay chỉ còn 39,93%.
Nhóm hàng này cũng được tách chi tiết thành 3 nhóm hàng gồm lương thực (8,18 %), thực phẩm (24,35 %) và ăn uống ngoài gia đình (7,4 %).
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều có cơ cấu quyền số tăng lên trong ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ chung.
Chỉ số giá vàng và chỉ số giá mỹ kim tiếp tục không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng và được công bố hàng tháng cùng với chỉ số giá tiêu dùng.
Việc thay đổi một số nội dung trong phương án tính CPI nhằm đảm bảo chất lượng và tăng độ chính xác cho chỉ số CPI (thước đo lạm phát của nền kinh tế); trên cơ sở đó giúp Chính phủ và các nhà hoạch định có các chính sách điều hành hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt một nghi vấn là việc giảm Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống từ 60,86% còn 39,93% có quá nhanh quá (tức không đúng) không khi đại đa số người dân Việt-Nam ta còn nghèo, 3/4 sống ở nông thôn, cái ăn vẫn là cái quan trọng nhất. Muốn đổi cái ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ này thì Nhà nước phải đợi cho dân giàu lên đã, khi đó việc ‘ăn chơi’ mới được coi trọng hơn cái ăn được. Thái Lan, một nước giàu hơn ta nhiều, nhưng cái ăn vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn (36,06%).
Giá tiêu dùng tăng cao, người ta gọi là ‘thuế lạm phát’, làm đa số người tiêu dùng bị thiệt hại. Đối với các gia đình khá giả, tuy mãi lực có bị giảm, nhưng ít ảnh hưởng đến mức sống vì họ chỉ cần giảm bớt các chi tiêu không cần thiết (như đi xem xi-nê…). Riêng các nhà kinh doanh bất động sản vẫn làm giàu rất nhanh vì giá nhà tăng nhanh hơn lạm phát. Trái lại, đối với các gia đình có thu nhập tăng thấp hay cố định, hiện tượng ‘vật giá leo thang’ làm họ bị thiệt hại nặng hơn. Bình thường, họ đã không nghĩ đến những chi tiêu không cần thiết thì, lúc nầy, những gia đình phải giảm bớt các chi tiêu cần thiết về ăn uống. Chúng ta không khỏi thương tâm khi thấy những cha mẹ phải buôc lòng giảm phần ăn để trả học phí không ngớt gia tăng cho các con.
Nông dân Việt-Nam vốn là thành phần nghèo nhất nước, nhưng trong cơn lốc vật giá hiện nay họ xoay xở ra sao, trong khi mức tăng GDP của khu vực nông nghiệp chỉ là 3,5% so với năm 2008? Cùng lúc, giá cả hàng hoá tăng rất cao, đến 6,88% cho cả năm 2009.
Nông gia vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở đồng bằng sông Hồng là chưa có năm nào lúa gạo lại được giá như năm nay. Giá lúa năm 2009 vẫn luôn đứng ở mức cao, trên dưới 3.600 đồng/kg. Nhưng, ngược lại, cũng chưa bao giờ giá cả vật tư nông nghiệp lại tăng cao như năm qua. Theo đó, nông dân được lợi một vì nông sản thực phẩm được giá (do giá gạo xuất cảng của Việt-Nam tăng rất cao, để ngang bằng gạo cùng loại của Thái Lan), nhưng lại mất hai vì chi phí đầu vào tăng cao. Các loại thực phẩm cũng tăng giá chóng mặt, trước hết, phải kể đến giá thịt heo so với cùng kỳ năm 2006 trung bình đã tăng tới 38%, giá thịt gà và thịt bò cùng tăng từ 20 tới 25%.
Nhà nông nói chung bao gồm người làm lúa, trồng trọt và chăn nuôi đã bán hàng thuận lợi, tiền lời cao hơn so với thời kỳ chưa tăng giá. Thế nhưng, trên thực tế, chi phí sản xuất của nông dân bỏ ra cũng tăng theo, tỷ lệ thuận với mức tăng giá thị trường. Giá đạm urê từ 4.200 đồng/kg đã tăng lên 5.200 đồng/kg. Giá xăng dầu lên, chi phí cày bừa cũng lên theo khoảng 25.000 đồng một sào. Hạt giống, thúôc bảo vệ thực vật tất tật mọi loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá. Nhiều nông dân phải than thở rằng dù có phép mầu người trồng lúa cũng không khá lên được.
Trong việc chăn nuôi thì giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng 25 tới 30%. Do dịch bệnh nên đàn giống giảm nhiều, giá con giống cũng tăng gần 30%, thậm chí có loại con giống tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cám tăng nhiều, công ty đã điều chỉnh giá bán tới 5 lần. So với hồi đầu năm hiện nay giá thức ăn hỗn hợp đã tăng thêm 20 tới 30 ngàn đồng/bao 25 kg. Lợn giống trứơc đây chỉ 350 ngàn đồng mỗi con thì nay đã tăng lên 450 ngàn đồng. Thuốc thú y, tiền thuê nhân công cũng theo đà tăng giá. Với chi phí đầu vào tăng cao như vậy, nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi lợn như thể đút tiền bỏ ống. nhiều người chỉ nuôi cầm chừng vì cám đắt không có lãi lại e ngại sợ sẩy dịch bệnh thì mất hết.
Với tình hình giá đầu ra hiện nay thì người chăn nuôi vẫn còn lời một ít ở mức không đáng kể, nhưng nếu có biến động giá do dịch bệnh chẳng hạn thì họ sẽ lỗ vốn ngay. Khi mọi chi phí mua vào đều tăng cao lên thì người chăn nuôi hay người nông dân đều đang đương đầu với những khó khăn. Giá thực phẩm tăng là do dịch bệnh tăng. Theo đó, đời sống của người dân không tăng theo giá, nông dân không được hưởng lợi khi giá nông sản thực phẩm tăng.
E. Nhận xét diễn tiến CPI trong năm 2009.
1. Tốc độ tăng CPI năm 2009 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2007 (12,63%), bằng một phần ba tốc độ tăng năm 2008 (19,89%) và thấp hơn mục tiêu của kế hoạch (dưới 10%).
2. Trong ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ năm 2009, nhóm 1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm) chỉ tăng 4,29%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Điều này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với người nghèo có thu nhập thấp, vì chi tiêu lương thực và thực phẩm chiếm bách phân cao nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của họ. Đó cũng là nhờ sự đóng góp lớn của người nông dân cho xã hội, nhưng không được sự giúp đỡ xứng đáng từ nhà nước cộng sản.
3. Giữa năm 2008, CPI tăng nhanh: tháng 05 tăng 25,2%, tháng 06 tăng 26,8%, tháng 07 tăng 27% và tháng 08 đã lên tới 28,3%. Đó là mức lạm phát tăng cao nhất kể từ năm 1989 và cao nhất Á châu lúc đó. Khi đó, Chính phủ đã phải chuyển mục tiêu ưu tiên từ tăng trưởng kinh tế cao sang kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt chính sách tiền tệ và ngân sách. Do đó, CPI đã bớt tăng vào những tháng cuối năm 2008.
Lạm phát tiếp tục tăng ở mức thấp trong những tháng đầu năm cho đến khi Chính phủ tung toàn bộ gói kích cầu tương đương 8 tỷ mỹ kim nhằm tăng trưởng kinh tế. Gói kích cầu gồm: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ cho an sinh xã hội, tăng vốn đầu tư làm tăng khối lượng tiền tệ lưu hành trong nền kinh tế và giảm thuế không giảm bớt khối lượng tiền tệ đó khiến lạm phát lại gia tăng vào những tháng cuối năm.
Thêm vào đó, với nhu cầu tăng cao vào Tết Dương lịch, rồi đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, Việt-Nam đang đứng trước nguy cơ lạm phát cao trở lại, đồng thời với nhập siêu gia tăng.
Với mức lạm phát tháng 01.2010 là 1,36% so với tháng 12.2009 hay 7,62% so với tháng 01.2009 (tức trong một năm), chỉ tiêu giữ cho lạm phát ở mức thấp hơn 7% và chỉ tiêu cho mức tăng trưởng kinh tế là 6,5% năm 2010 so với năm 2009 do Quốc hội ấn định là những thử thách cho nền kinh tế Việt-Nam.
(Còn tiếp)
CHƯƠNG HAI - LẠM PHÁT
Trong cuộc họp báo ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê công bố giá tiêu dùng tháng 12 tăng 1,38% so với tháng 11, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12.2009 so với cùng kỳ năm 2008 là 6,52%; nếu tính trung bình năm 2009 so với năm 2008 thì chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index CPI, tiếng Anh và indice des prix à la consommation IPC, tiếng Pháp) đã tăng 6,88%. Từ chỉ số giá tiêu dùng, người ta tính mức lạm phát (inflation, inflation) và, đôi khi, mức giảm phát (deflation, déflation).
Giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục, xuất hiện khi kinh tế suy thoái hay đình đốn. Cũng có thể nói đĩ là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm.
Giá cả hàng hoá và dịch vụ luôn biến động theo thời gian, nhưng khi thay đổi quá nhanh chóng, nó có thể là một điều không hay cho nền kinh tế, làm mất lòng người dân.
A. Lạm phát là gì ?
Đó là hiện tượng giảm mãi lực của đồng tiền, đồng nghĩa với ‘vật giá leo thang’, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng. Do đó, với cùng một số tiền, người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ.
Thí dụ: Ngày 02.01.2009, giá gạo tẻ chỉ bán 4.500 đồng/kg. Đến ngày 22.12.2009 thì phải trả 4.810 đồng để mua được một kg gạo tẻ, tức tăng 310 đồng hay 6,88%. Mãi lực của số tiền 4.500 đồng, lúc đầu năm 2009, mua được một kg gạo tẻ; và đến cuối năm đó, chỉ mua được 0,94 kg gạo tẻ.
Lạm phát, theo một khái niệm khác, là khối lượng tiền được lưu hành trong dân chúng tăng lên do nhà nước in và phát hành thêm tiền vì những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm thủng ngân sách v.v...). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng cầm trong tay nhiều tiền quá sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt có khi đưa đến siêu lạm phát. Những ví dụ cùng cực nhất của siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức trong những năm đầu thập niên 1920 khi tỉ lệ lạm phát lên tới 3,25 x 106 mỗi tháng, có nghĩa là giá cả tăng gấp đôi mỗi 49 tiếng đồng hồ.
Không ít người quan niệm việc chính phủ in thêm tiền trong giới hạn cho phép của nền kinh tế là một hình thức thu ‘thuế lạm phát’. Chính phủ sử dụng khoản phụ trội này để quân bình ngân sách với hy vọng sang năm kinh tế tiếp tục phát triển sẽ được nộp ngân sách nhiều hơn.
B. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Việt-Nam khởi sự tính toán và sử dụng CPI để đo mức độ tăng giá tiêu dùng chung từ năm 1995.
Để tính CPI, cần có hai yếu tố:
a.- Rổ hàng hóa và dịch vụ gồm những giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân của các mặt hàng đại diện và được cập nhật và mở rộng từng thời kỳ, thời điểm được chọn làm năm gốc cũng thay đổi theo: năm gốc 1995 (với 296 mặt hàng), 2000 (390 mặt hàng), 2005 (494 mặt hàng). Các mặt hàng đại diện này được phân chia thành 10 nhóm sẽ kể duới đây.
Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, trong ít nhất hai thời điểm khác nhau.
b.- Quyền số là tỷ trọng mức tiêu dùng tương ứng của chúng trong tổng mức chi tiêu dùng cho đời sống hàng ngày của người dân.
Do đó, ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ (494 mặt hàng đại diện) hiện dùng để tính chỉ số giá tiêu được chia thành 10 nhóm với quyền số như sau:
1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm): 42,85 %
2. Đồ uống và thuốc lá: 4,56 %
3. May mặc, mũ nón, giày dép: 7,21 %
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm cả điện, nước, chất đốt): 9,99 %
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình: 8,62 % 6. Dược phẩm y tế (thuốc và dịch vụ y tế): 5,42 %
7. Phương tiện đi lại (giao thông), bưu điện (bưu chính viễn thông): 9,04 % 8. Giáo dục: 5,41 %
9. Văn hóa, thể thao, giải trí (cả du lịch): 3,59 %
10. Hàng hóa dịch vụ khác: 3,31 %
C. Các vấn đề có thể gặp phải khi tính toán CPI.
1. CPI không cho thấy mức độ lệch thay thế vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ cố định. Khi giá cả một mặt hàng này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác thì người tiêu dùng buộc phải giãm xài những mặt hàng quá đắt đỏ và thay bằng những thế phẩm* giá rẻ hơn. Yếu tố này làm CPI đã đánh giá cao hơn thực tế mức giá.
[thế phẩm* hay sản phẩm thay thế. Thí dụ 1: khi gạo đắt quá không mua nổi phải ăn khoai mì thế. Thí dụ 2: muốn nước mắm ngon phải làm với chanh, nhưng không có chanh, phải làm với dấm, ít ngon hơn. Trong trường hợp này, dấm là thế phẩm.]
2. CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá hay dịch vụ mới vì nó sử dụng ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ đại diện trong khi một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không cho thấy được sự gia tăng mãi lực của đồng tiền nên có thể đánh giá mức giá cao hơn thực tế.
3. Khi có sự gia tăng chất lượng hàng hoá và dịch vụ nhưng mức giá không tăng, thì CPI có khuynh hướng nâng cao mức giá.
D. Cách tính chỉ số giá tiêu dùng mới thời kỳ 2009 – 2014.
Ngày 31.12.2009, Tổng cục Thống kê vừa công bố một số nội dung chủ yếu được cập nhật trong phương án tỉnh chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2010 – 2014, với năm gốc 2009, tổng số mặt hàng đại diện trong ‘rổ hàng hoá’ sẽ bao gồm 572 mặt hàng (tăng 78 mặt hàng so với thời kỳ trước).
Giá bán lẻ được điều tra định kỳ từng mặt hàng để so sánh phải trong cùng một chợ hay cửa hàng, cùng một hiệu và phẩm chất được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước.
572 mặt hàng đại diện được chia vào 11 nhóm hàng cấp 1 và 3 nhóm cấp 2 mà từ chuyên môn gọi là ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ để tính chỉ số giá tiêu dùng.
Quyền số để tính chỉ số giá tiêu được tính như sau:
I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 39,93 %
1. Lương thực 8,18 %
2. Thực phẩm 24,35 %
3. Ăn uống ngoài gia đình 7,40 %
II. Đồ uống và thuốc lá 4,03 %
III. May mặc, mũ nón, giày dép 7,28 %
IV. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 10,01 %
V. Thiết bị và đồ dùng gia đình 8,65 %
VI. Thuốc và dịch vụ y tế 5,61 %
VII. Giao thông 8,87 %
VIII. Bưu chính viễn thông 2,73 %
IX. Giáo dục 5,72 %
X. Văn hoá, giải trí và du lịch 3,83 %
XI. Hàng hoá và dịch vụ khác 3,34 %
Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm từ 60,86% vào năm 1995 xuống 47,9% năm 2000, rồi 42,85% năm 2005 và nay chỉ còn 39,93%.
Nhóm hàng này cũng được tách chi tiết thành 3 nhóm hàng gồm lương thực (8,18 %), thực phẩm (24,35 %) và ăn uống ngoài gia đình (7,4 %).
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại đều có cơ cấu quyền số tăng lên trong ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’ chung.
Chỉ số giá vàng và chỉ số giá mỹ kim tiếp tục không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng và được công bố hàng tháng cùng với chỉ số giá tiêu dùng.
Việc thay đổi một số nội dung trong phương án tính CPI nhằm đảm bảo chất lượng và tăng độ chính xác cho chỉ số CPI (thước đo lạm phát của nền kinh tế); trên cơ sở đó giúp Chính phủ và các nhà hoạch định có các chính sách điều hành hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt một nghi vấn là việc giảm Quyền số nhóm I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống từ 60,86% còn 39,93% có quá nhanh quá (tức không đúng) không khi đại đa số người dân Việt-Nam ta còn nghèo, 3/4 sống ở nông thôn, cái ăn vẫn là cái quan trọng nhất. Muốn đổi cái ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ này thì Nhà nước phải đợi cho dân giàu lên đã, khi đó việc ‘ăn chơi’ mới được coi trọng hơn cái ăn được. Thái Lan, một nước giàu hơn ta nhiều, nhưng cái ăn vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn (36,06%).
Giá tiêu dùng tăng cao, người ta gọi là ‘thuế lạm phát’, làm đa số người tiêu dùng bị thiệt hại. Đối với các gia đình khá giả, tuy mãi lực có bị giảm, nhưng ít ảnh hưởng đến mức sống vì họ chỉ cần giảm bớt các chi tiêu không cần thiết (như đi xem xi-nê…). Riêng các nhà kinh doanh bất động sản vẫn làm giàu rất nhanh vì giá nhà tăng nhanh hơn lạm phát. Trái lại, đối với các gia đình có thu nhập tăng thấp hay cố định, hiện tượng ‘vật giá leo thang’ làm họ bị thiệt hại nặng hơn. Bình thường, họ đã không nghĩ đến những chi tiêu không cần thiết thì, lúc nầy, những gia đình phải giảm bớt các chi tiêu cần thiết về ăn uống. Chúng ta không khỏi thương tâm khi thấy những cha mẹ phải buôc lòng giảm phần ăn để trả học phí không ngớt gia tăng cho các con.
Nông dân Việt-Nam vốn là thành phần nghèo nhất nước, nhưng trong cơn lốc vật giá hiện nay họ xoay xở ra sao, trong khi mức tăng GDP của khu vực nông nghiệp chỉ là 3,5% so với năm 2008? Cùng lúc, giá cả hàng hoá tăng rất cao, đến 6,88% cho cả năm 2009.
Nông gia vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở đồng bằng sông Hồng là chưa có năm nào lúa gạo lại được giá như năm nay. Giá lúa năm 2009 vẫn luôn đứng ở mức cao, trên dưới 3.600 đồng/kg. Nhưng, ngược lại, cũng chưa bao giờ giá cả vật tư nông nghiệp lại tăng cao như năm qua. Theo đó, nông dân được lợi một vì nông sản thực phẩm được giá (do giá gạo xuất cảng của Việt-Nam tăng rất cao, để ngang bằng gạo cùng loại của Thái Lan), nhưng lại mất hai vì chi phí đầu vào tăng cao. Các loại thực phẩm cũng tăng giá chóng mặt, trước hết, phải kể đến giá thịt heo so với cùng kỳ năm 2006 trung bình đã tăng tới 38%, giá thịt gà và thịt bò cùng tăng từ 20 tới 25%.
Nhà nông nói chung bao gồm người làm lúa, trồng trọt và chăn nuôi đã bán hàng thuận lợi, tiền lời cao hơn so với thời kỳ chưa tăng giá. Thế nhưng, trên thực tế, chi phí sản xuất của nông dân bỏ ra cũng tăng theo, tỷ lệ thuận với mức tăng giá thị trường. Giá đạm urê từ 4.200 đồng/kg đã tăng lên 5.200 đồng/kg. Giá xăng dầu lên, chi phí cày bừa cũng lên theo khoảng 25.000 đồng một sào. Hạt giống, thúôc bảo vệ thực vật tất tật mọi loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá. Nhiều nông dân phải than thở rằng dù có phép mầu người trồng lúa cũng không khá lên được.
Trong việc chăn nuôi thì giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng 25 tới 30%. Do dịch bệnh nên đàn giống giảm nhiều, giá con giống cũng tăng gần 30%, thậm chí có loại con giống tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cám tăng nhiều, công ty đã điều chỉnh giá bán tới 5 lần. So với hồi đầu năm hiện nay giá thức ăn hỗn hợp đã tăng thêm 20 tới 30 ngàn đồng/bao 25 kg. Lợn giống trứơc đây chỉ 350 ngàn đồng mỗi con thì nay đã tăng lên 450 ngàn đồng. Thuốc thú y, tiền thuê nhân công cũng theo đà tăng giá. Với chi phí đầu vào tăng cao như vậy, nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi lợn như thể đút tiền bỏ ống. nhiều người chỉ nuôi cầm chừng vì cám đắt không có lãi lại e ngại sợ sẩy dịch bệnh thì mất hết.
Với tình hình giá đầu ra hiện nay thì người chăn nuôi vẫn còn lời một ít ở mức không đáng kể, nhưng nếu có biến động giá do dịch bệnh chẳng hạn thì họ sẽ lỗ vốn ngay. Khi mọi chi phí mua vào đều tăng cao lên thì người chăn nuôi hay người nông dân đều đang đương đầu với những khó khăn. Giá thực phẩm tăng là do dịch bệnh tăng. Theo đó, đời sống của người dân không tăng theo giá, nông dân không được hưởng lợi khi giá nông sản thực phẩm tăng.
E. Nhận xét diễn tiến CPI trong năm 2009.
1. Tốc độ tăng CPI năm 2009 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của năm 2007 (12,63%), bằng một phần ba tốc độ tăng năm 2008 (19,89%) và thấp hơn mục tiêu của kế hoạch (dưới 10%).
2. Trong ‘Rổ hàng hóa và dịch vụ’ năm 2009, nhóm 1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm) chỉ tăng 4,29%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Điều này rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với người nghèo có thu nhập thấp, vì chi tiêu lương thực và thực phẩm chiếm bách phân cao nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của họ. Đó cũng là nhờ sự đóng góp lớn của người nông dân cho xã hội, nhưng không được sự giúp đỡ xứng đáng từ nhà nước cộng sản.
3. Giữa năm 2008, CPI tăng nhanh: tháng 05 tăng 25,2%, tháng 06 tăng 26,8%, tháng 07 tăng 27% và tháng 08 đã lên tới 28,3%. Đó là mức lạm phát tăng cao nhất kể từ năm 1989 và cao nhất Á châu lúc đó. Khi đó, Chính phủ đã phải chuyển mục tiêu ưu tiên từ tăng trưởng kinh tế cao sang kiềm chế lạm phát bằng thắt chặt chính sách tiền tệ và ngân sách. Do đó, CPI đã bớt tăng vào những tháng cuối năm 2008.
Lạm phát tiếp tục tăng ở mức thấp trong những tháng đầu năm cho đến khi Chính phủ tung toàn bộ gói kích cầu tương đương 8 tỷ mỹ kim nhằm tăng trưởng kinh tế. Gói kích cầu gồm: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ cho an sinh xã hội, tăng vốn đầu tư làm tăng khối lượng tiền tệ lưu hành trong nền kinh tế và giảm thuế không giảm bớt khối lượng tiền tệ đó khiến lạm phát lại gia tăng vào những tháng cuối năm.
Thêm vào đó, với nhu cầu tăng cao vào Tết Dương lịch, rồi đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, Việt-Nam đang đứng trước nguy cơ lạm phát cao trở lại, đồng thời với nhập siêu gia tăng.
Với mức lạm phát tháng 01.2010 là 1,36% so với tháng 12.2009 hay 7,62% so với tháng 01.2009 (tức trong một năm), chỉ tiêu giữ cho lạm phát ở mức thấp hơn 7% và chỉ tiêu cho mức tăng trưởng kinh tế là 6,5% năm 2010 so với năm 2009 do Quốc hội ấn định là những thử thách cho nền kinh tế Việt-Nam.
(Còn tiếp)