BẮC NINH - Ngày 26.12.2006, ngày đầu tiên trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh và cũng là ngày lễ kính thánh tử đạo tiên khởi Stêphanô, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã âm thầm viếng thăm, dâng thánh lễ và rửa tội cho các em khuyết tật tại Nhà Tình Thương Hương La, thuộc giáo xứ Tử Nê, Bắc Ninh. Cùng đồng tế với đức cha có cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Huân, chánh xứ Tử Nê và cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường, linh mục quê hương Tử Nê. Tuy đức cha muốn dâng thánh lễ âm thầm, nhưng vẫn có hàng trăm tín hữu cùng các nữ tu Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất và một số thân nhân, ân nhân đến dự lễ vì kính mến Chúa, vì quí mến đức cha và yêu thương các em khuyết tật.

Hình ảnh cuộc thăm viếng

Khởi đầu thánh lễ, đức cha vui mừng chào đón cộng đoàn tín hữu, đặc biệt các em khuyết tật và thân nhân các em. Đức cha nói hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày các em sẽ được đặt tên thánh, một tên mới là bởi vì các em được tái sinh trong Chúa Giáng Sinh.

Tôi cứ thắc mắc tại sao giữa bầu khí mừng vui, hân hoan phấn khởi, an bình của lễ Chúa Giáng Sinh mà Giáo Hội lại xếp đặt mừng kính một vị tử đạo liền kề? Phải chăng Giáo Hội muốn nói lên rằng: Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá. Chúa Kitô giáng sinh để cứu độ con người, để con người được tái sinh trong Ngài. Như thế, ngày chết của các thánh tử đạo lại là ngày sinh nhật trên trời của các Ngài. Ngày mỗi người chúng ta được sinh ra trên cõi đời này thật quan trọng, nhưng quan trọng hơn nhiều là ngày được tái sinh trong Đức Kitô qua bí tích rửa tội, để chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu đời đời.

Trong bài giảng, đức cha cho biết: đây là lần thứ ba ngài đến thăm Nhà Tình Thương Hương La. Mỗi lần ra về, ngài không thể ngủ yên vì hình ảnh đau thương của các em luôn hiện lên trong tâm trí ngài. Trong số các em, có em Phúc (tên do các nữ tu đặt cho) bị vứt bỏ nằm thoi thóp tại nghĩa trang trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh cách đây hơn 1 năm. Nếu không được Nhà Tình Thương đón nhận về nuôi, có lẽ bây giờ em đã nằm yên trong một huyệt mộ nào đó! Thật là: Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con. Xin cảm ơn các chị trong Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa đối với các em.

Là người nổi tiếng trong việc dùng ngôn ngữ biểu tượng và kể chuyện, đức cha mời cộng đoàn ngắm nhìn hình ảnh ngón út của bàn tay: ngón út không thể mạnh mẽ như ngón cái, không để chỉ hướng như ngón trỏ, chẳng cao lớn như ngón giữa, cũng chẳng để đeo nhẫn làm duyên như ngón nhẫn; hầu như ngón út chẳng làm được gì, vậy mà nó vẫn cần cho một bàn tay trọn vẹn. Tương tự như vậy, trong xã hội có những con người hầu như chẳng làm được gì như các em khuyết tật nơi đây, nhưng vẫn cần có các em để Thiên Chúa tỏ tình thương của Ngài, để cho những người khỏe mạnh chúng ta có cơ hội cùng Chúa thể hiện tình thương của mình. Đức cha kêu mời mọi người hãy cùng Chúa Giêsu Giáng Sinh thể hiện tình thương: hãy là đôi môi cười vui của Chúa, hãy là những bước chân phục vụ của Chúa, hãy là những đôi tay săn sóc yêu thương của Chúa.

Đức cha ước mong rồi đây giáo phận Bắc Ninh không chỉ có một, mà là có nhiều Nhà Tình Thương Hương La khác.

Kết bài giảng, để khơi lên tình thương đồng loại nơi mỗi người và cũng là để chất vấn lương tâm mỗi người có thực sự yêu thương đồng loại hay chưa, đức cha đã trưng dẫn một lời của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại mà chăm chút bộ lông riêng của mình”. Nguyện xin Chúa “lấy khỏi lòng chúng ta quả tim chai đá và ban tặng quả tim biết yêu thương”. Đức cha nhấn mạnh niềm vui Giáng Sinh là niềm vui đón nhận tình thương của Thiên Chúa và sẻ chia tình thương ấy cho đồng loại, nhất là những người anh chị em bé nhỏ, nghèo hèn, kém may mắn.

Sau bài giảng là lễ nghi rửa tội thật cảm động. Đức cha cẩn thận cử hành các nghi thức và ân cần cúi xuống ôm từng em một vào lòng. Nhiều tín hữu lành mạnh đã thốt lên những lời có phần như ghen tị: “Ôi, ước gì con cháu nhà mình cũng được đức cha rửa tội cách long trọng như thế này!”

Cuối thánh lễ, đức cha ân cần chụp hình lưu niệm với từng em cùng các thân nhân và cha mẹ đỡ đầu.

Cuối thánh lễ, chị Anna Nguyễn Thị Đính, Tổng phụ trách Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, thay lời cho cộng đoàn cảm ơn đức cha đã ban bí tích rửa tội cho các em. Chắc chắn đây là điều may mắn nhất và là phúc lành lớn nhất Chúa ban cho những sinh linh khuyết tật này. Chị tổng phụ trách cũng cảm ơn các ân nhân đã chung tay góp sức xây dựng Nhà Tình Thương. Chị xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện để cho những chị em Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất luôn biết phục vụ các em khuyết tật bằng một trái tim tha thiết yêu thương.

Nhà Tình Thương Hương La là nơi nuôi dưỡng các trẻ em khuyết tật. Thân xác của các em đều bị dị dạng, nhưng tâm hồn các em đều hồn nhiên thánh thiện như những thiên thần. Thành ngữ Việt Nam có câu: "Công sinh không tày công dưỡng". Điều này hoàn toàn xứng đáng dành cho các chị nữ tu Hiệp Nhất nơi đây, các chị không sinh các cháu, nhưng sự chăm sóc của các chị dành cho các cháu hết sức chu đáo. Chắc chắn phải có tấm lòng yêu thương vô bờ và ơn Chúa cách đặc biệt thì các chị mới có thể phục vụ tận tụy các cháu bất kể là ngày hay đêm.

Khi hỏi chuyện chị Anna Nguyễn Thị Hải, chị trưởng cộng đoàn phụ trách Nhà Tình Thương Hương La, đâu là khó khăn mà các chị lo lắng nhất. Chị tâm sự rằng: “Chúng con sẵn sàng dâng tặng trái tim yêu thương và chìa tay ra để phục vụ các em, nhưng chúng con rất lo làm sao có đủ tài chính để lo cho các em ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi chúng con muốn tiếp nhận thêm các em khuyết tật”. Xin dâng Chúa nỗi lo của các chị và nguyện xin Ngài đánh động tấm lòng của mỗi người, để rồi, mỗi người chúng ta sẵn lòng quảng đại làm một điều gì đó để cộng tác cùng những nữ tu Hiệp Nhất chăm lo cho những thiên thần khuyết tật này.

Thông tin tổng quát về Nhà Tình Thương Hương La:

1. Địa chỉ: Nhà Tình Thương Hương La tọa lạc tại giáo xứ Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, do Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất phụ trách.

2.Lịch Sử: Nhà Tình Thương Hương La tiền thân là một ‘Cô Nhi Viện’ nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi, khuyết tật. Năm 1954, hoàn cảnh chính trị xã hội tại miền Bắc Việt Nam thay đổi, Cô Nhi Viện buộc phải ngưng hoạt động, đất đai bị tịch thu phần lớn và hầu hết nữ tu di cư vào Miền Nam.

Đến năm 1999, Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng và Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến -Giám mục Bắc Ninh lúc đó - khởi động tái thiết Cô Nhi Viện và đặt tên mới là “Nhà Tình Thương Hương La” và trao cho các nữ tu Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đảm trách.

Năm 2002 Nhà Tình Thương Hương La chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, Nhà Tình Thương Hương La đang nuôi dưỡng 18 người khuyết tật, chủ yếu là trẻ em và 3 cụ già.

3. Tình trạng bệnh tật của những người trong Nhà Tình Thương : Nhà Tình Thương đang nuôi dưỡng 21 người, trong đó có 3 cụ già bị mù lòa, 14 cháu không biết nói, còn 11 cháu đặt đâu nằm đấy, trí não khờ dại, 3 cháu thần kinh co giật suốt ngày. Mọi nhu cầu vệ sinh, ăn uống các cháu không kiểm soát được, thậm chí có cháu đã lấy tay bốc phân cho lên miệng, bôi khắp đầu!

Các cháu rất khó khăn khi ăn uống vì miệng của các cháu bị co cứng, có cháu ăn 50 phút mới xong một bát cháo, trung bình 3 nữ tu phục vụ bón cơm cho 16 cháu hết 90 phút/bữa ăn.

3. Số người phục vụ : Hiện nay, có 8 chị em thuộc Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đang phục vụ.

Các chị chăm sóc cho các cháu ăn uống, ngủ nghỉ và chơi đùa với chúng. Để đảm bảo vệ sinh, mỗi ngày dù thời tiết lạnh hay nóng, các chị luôn lấy nước ấm tắm rửa, rồi giặt giũ quần áo cho các cháu.

Các chị cũng tự đi chợ mua đồ và nấu ăn cho những người khuyết tật.

Hàng đêm, cứ lần lượt hai chị một thay phiên nhau thức canh để cho các cháu có giấc ngủ an lành, nếu cháu nào giật mình khóc, các chị sẽ dỗ dành, cháu nào giãy giụa tuột chăn mền, các chị đến kéo chăn mền đắp lại cho ấm áp.

4. Nhu cầu: Các nữ tu nơi đây phải lao động làm việc để nuôi sống bản thân họ. Nguồn tài chính để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và lương thực phục vụ người khuyết tật hoàn toàn trông chờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua những tấm lòng các ân nhân và các nhà hảo tâm. Hiện có nhiều gia đình muốn gửi các cháu tàn tật, nhưng Nhà Tình Thương không thể tiếp nhận vì chưa đủ cơ sở vật chất và tài chính để nuôi dưỡng.

5. Liên lạc: Nhà Tình Thương Hương La, Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh, Việt Nam, Email: tinhthuonghl@gmail.com