MINH TRIẾT VIỆT ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
(Tổng hợp tư tưởng Kim Định)

I. MIMH TRIẾT LÀ GÌ ?

Minh là làm sáng tỏ. Triết là Triệt, tức là đi đến tận cùng của thiên và địa tức cả trời lẫn đất. Nền tảng của Minh Triết là Âm Dương với cơ cấu Tam Tài thành ra Ngũ Hành, đem áp dụng vào đời sống qua Hồng Phạm Cửu Trù. Không nắm vững hay không hiểu được cơ cấu này thì không hiểu được Minh Triết.

Đọc định nghĩa trên chúng ta thấy rõ Minh Triết chính là nối lại được những gì hoàn toàn khác biệt nhau, làm sao nối được giữa hai đối cực trời và đất, sáng và tối, âm và dương, vợ và chồng, mẹ chồng và nàng dâu, xã hội và cá nhân, con người và thượng đế, hồn và xác, vật chất và tinh thần, tư bản và cộng sản, hữu vi và vô vi, nhà và nước, vuông và tròn và vô cùng tận những cái khác biệt khác.

Minh Triết như vậy chính là ĐẠO tức là đường đi để hướng dẫn con người đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là thoả mãn được, hoà hợp được những cái đối nghịch kia. Việt Nam ta ai cũng thường chúc Mẹ tròn Con vuông hay muốn thành công cũng phải có Thiên thời Địa lợi Nhân hoà là nằm trong ý nghĩa đó. Kinh Dịch đã định nghĩa một cách tổng quát là «Nhất âm nhất dương chi vị Đạo » tức là Đạo phải có cả âm cả dương tức là phải hội nhập được cả hai đầu đối lập. Làm sao nước và lửa ở được với nhau hay vuông tròn, chẵn lẻ hợp lại được. Trong văn hoá Việt khó thế mà làm được như đã mô tả trong huyền sử: Tiên ở trên trời cao chót vót, Rồng dưới đáy biển mà hàng năm vẫn gặp nhau trên cánh đồng TƯƠNG ! Ca dao tục ngữ, huyền thoại của ta đều đã bộc lộ rõ nét đạo sống Việt này.

Ngay trong vật lý, trước Einstein người ta quan niệm vật chất là vật chất, khí năng là khí năng (sức nóng, ánh sáng.. .). Từ 1905 Einstein khám phá ra thuyết tương đối cho rằng vật chất có thể biến đổi ra khí năng và ngược lại. Thí dụ một cái hoả tiễn là một khối sắt khổng lồ nhưng nếu nó bay tới một vận tốc là 300 trăm ngàn cây số một giây thì là ánh sáng. Ngược lại vật sáng đó bay chậm lại thì là một khối vật chất không hơn không kém. Như vậy quan niệm tuyệt đối về vật chất và ánh sáng không còn y nguyên nữa, ý niệm về tinh thần và vật chất cũng phải thay đổi theo. Aristote cho rằng con người có 2 phần hồn và xác. Xác là mồ chôn linh hồn. Platon thì phân ra lý giới và trần giới. Sau Thiên Chúa giáo dùng triết học Platon Aristote thành triết học Kinh Viện là nền tảng thần học của Thiên Chúa Giáo. Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo khác cho rằng khi chết là hồn lìa khỏi xác để về thiên đàng với Chúa, Ahla, nhập Niết Bàn hay xuống hoả ngục trầm luân. Ý niệm Thượng Đế và con người cũng là 2 đối kháng thuộc hữu và vô, một chiều, từ đó các tôn giáo làm ra đủ mọi tín điều và luật lệ trói buộc con người với hình phạt thiên đàng địa ngục để khuyến khích người ta sống đạo là sống với niềm tin của tôn giáo mình. Mỗi tôn giáo có niềm tin khác nhau lại dẫn đến chiến tranh tôn giáo như lịch sử chứng minh. Chính vì thế tôn giáo cũng không thể là Minh Triết được.

Nhìn lại lịch sử nhân loại và ngay trong thế giới ngày nay ước vọng sống hạnh phúc là mơ ước của con người mọi nơi và mọi thời. Ước mơ đó không bao giờ đạt được. Nguyên do chính là chỉ có một chiều, bỏ mất chiều kia coi như đối kháng: chọn vuông bỏ tròn, chọn có bỏ không, mạnh được yếu thua. Kẻ mạnh chiếm hết tài sản, người yếu chỉ còn làm nô lệ gây nên một xã hội đầy bất công, tranh chấp. Vậy muốn hội nhập đạo, cần phải đi thêm một bước TÂM TƯ nữa mới có thể đi thẳng đến đúng sự vật mà không qua ý niệm hay chủ thuyết nào, lúc ấy sẽ thấy như Kinh Dịch là « muôn vật đều mang trong mình một trật cả không lẫn có, cả hữu lẫn vô », và chính ở chỗ Vô, mẫu số chung của muôn loài mà cả hai luồng khí trái ngược gặp gỡ. Đó gọi là Đạo, là TRUNG, là VIỆT.

Việt chính nghĩa là siêu việt. về sau đại chúng lấy làm tên cho chủng mình thành Việt tộc. Một số chi trong Việt tộc cũng lấy tên Việt đặt cho chi của mình thành Bách Việt trong đó có Việt Nam gồm Lạc Việt và Việt Thường còn đến 70% Bách Việt ở lại miền bắc Trung Hoa hoà huyết với Mông Cổ để thành người Tàu, người Hán. Sau dần các chi bỏ tên Việt hầu hết còn có Việt Nam kiên trì giữ tên Việt, tính ra trong sử đến 6 lần, nên tên Việt còn đến ngày nay. Phải chăng trời định thế cho dòng Việt có kẻ nối dõi tông đường khói nhang nghi ngút cho triết Việt, đạo Việt, Minh Triết Việt có chỗ phục sinh ?

Việt cũng có nghĩa là không siêu lên một chiều lên hay chiều xuống mà cả lên cả xuống, sau nho gọi là triệt thượng hay « phối thiên » - siêu xuống là triệt hạ hay « phối địa ». Triệt thượng thì biểu thị bằng chim Hồng Hộc cũng gọi là Thiên Nga, ý chỉ bay cao sát trời. Triệt hạ thì chỉ thị bằng Rồng lặn sâu tận đáy biển. Ý tưởng thâm sâu đó đã được minh hoạ lại trong CÂY VIỆT. (Cây Việt tìm được ở Đông Sơn, lưỡi cong xéo, có hình trên 2 giao long đang cài tay gọi là hát cài hoa kết hoa, dưới là 3 người đeo lông chim đang múa. Tất cả chìa khoá của nền văn hoá Việt tộc cũng như Việt Nam nằm gọn trong bộ số 2 – 3 này). Đây là một may mắn cực kỳ lớn lao.

II. NỀN TẢNG CỦA MINH TRIẾT

1. Thái hoà (số 2). Thái Hòa là hòa hai cái thái cực, cộng hai cái trái ngược lại với nhau, như đã nói ở trên. Hễ cộng được thì đạt Minh Triết gây hạnh phúc cho mọi người, bằng không thì mọi vấn đề đều bế tắc, và gây muôn trùng khổ lụy. Chúng ta phải tan cửa nát nhà vì từ hai mươi lăm thế kỷ nay chưa một triết gia nào giải quyết được bài toán đố trên. Thế mà tiền nhân ta đã cộng được ngay từ đầu, và để lại cho chúng ta đầy dẫy ấn tích. Rõ nét nhất là trong vật biểu tiên rồng (thăng hoa từ vật tổ chim rắn). Các nước chỉ có một: Nga gấu, Ấn voi, Mỹ ó, Tàu bạch hổ, Đức sư tử, Pháp gà cồ.. Riêng Việt nam là có cả chim trên trời, lẫn rồng dưới nước. Tiếp tới các nghệ tổ như Phục Hi, Nữ Oa,Thần Nông thì đều lưỡng thê (sống cả trên đất lẫn dưới nước) với nhiều truyện đi đôi như ông cồ bà cộc, nước non, sông biển đến độ nhiều nhà nghiên cứu gọi nét lưỡng-nhất, nét gấp đôi (=hai mà một) là nét đặc trưng của ĐNA.

Chứng cớ ở đâu ? Trước hết là không có chế độ nô lệ, mọi người đều được thong dong, bất cứ ai hễ đến tuổi thì được vào hội đồng kỳ mục không có xét giầu nghèo. Xin nhớ nói đến chế độ là phải có luật pháp và là quốc sách, số nô lệ thường quá bán phần trăm vậy mới là chế độ nô lệ, còn nô tì, nô bộc bên ta bất quá vài ba phần trăm, và không có qui chế riêng, nên không là nô lệ. Sau là mọi người đều được chia phần tài sản trong làng trong nước, không hề có kỳ thị nào, hễ đến tuổi thành đinh thì được cấp ruộng. Tuy sự thi hành hơn kém tùy lúc nhưng thể chế thì đã có ngay từ đầu không hề phải đấu tranh giai cấp, vì có giai cấp đâu mà phái đấu tranh. Thay vào là xã hội tình, mọi người xem nhau như đồng bào, dùng những kiểu xưng hô trong gia đình như bà, con, cô, bác, để gọi nhau. Xem trong xã hội lòai người về hai điểm trên, người ta đã phải tranh đấu biết bao nhiêu: máu đổ thịt rơi vô vàn mà vẫn chưa ổn, như nước ta đang nếm thử mùi cay đắng về vụ quân phân tài sản do cộng sản chủ trương. Như vậy kết luận được rằng: quả cha ông ta đã hội nhập được hai đầu thái cực tức đã đạt minh triết, và mưu ích cho toàn dân thật sự.

2. Nhân chủ (số 3) Nhân Chủ là làm cho người ta được tự do cả hàng ngang lẫn hàng dọc. Hàng ngang là trong xã hội không bị nô lệ chủ nào, cũng không bị khống chế theo nguyên lý thống trị. Nhân Chủ thật sư thì không suy phục trời đến độ vong thân, cũng không suy phục đất (= duy địa lợi) đến độ vong bản, mà là đứng tự chủ trong cõi người ta. Đối với trời với đất thì người vẫn độc lập, nhưng không cô lập, vẫn cùng trời đất tham dự, chữ nho gọi là "dữ thiên địa tham" nói vắn tắt là Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Tài có nghĩa là Tác, là Hành, là quyền hành. Tam Tài là ba trung tâm quyền lực. quyền hành, ba tác viên. Nói nôm na thì người là một trong ba vua: nếu trời là vua, đất là vua, thì người cũng là vua. Đó là nét đặc trưng trong văn hóa Việt, được diễn tả bằng một thứ huyền thọai đặc biệt, mà triết An Vi gọi là Nhân thoại. Với thần thọai thì thần làm chủ, người là tùy phụ, nhiều khi là nạn nhân. Còn với Nhân thoại thì ngươi làm chủ, như trong truyện Bàn Cổ:

"Hỗn mang chi sơ.
Vị phân thiên điạ.
Bàn cổ thủ xuất.
Thủy phán âm dương."


Không lệ thuộc trời hay đất như được biểu lộ bằng xuất hiện trước cả khi có trời cùng đất. Lớn mỗi ngày 9 trượng, làm việc khó hơn hết là Thái Hòa: "thủy phán âm dương", rồi làm ra sông ngòi mưa gió, rồi làm ra người. Không đâu có được nhiều nhân thọai như chúng ta: có tới 15 truyện và liền tục như đươc trình bày trong Kinh Hùng, đủ biểu lộ nhân chủ tính trong văn hóa Việt. Hậu quả nhân thọai là Nhân Đạo=đạo làm người với bước thực hành là Đạo Hiếu được nối dài bằng tục thờ cúng ông bà, tức là tục thờ người. Trên đã nói nếu trời là vua, đất là vua thì người cũng là vua. Đến đây lại nói trời đáng thờ, đất đáng thờ. thì người cũng đáng thờ.

3. Tâm Linh (số 5 = 2 + 3) Số 5 ở vị trí trung cung hành thổ.

3.1. Tâm linh là vựơt vòng lý trí để nhập vào cõi vô biên linh nghiệm. Như vậy lý trí thuộc cõi Có, Tâm linh thuộc cõi Vô, nhưng khác với duy Có họăc duy vô: Có với Không phân biệt, còn với An Vi thì Có đi liền với Không, Không đi liền với Có, do đó có khả năng vẽ ra được cái Không cả đơn và kép, đơn như Thái cực viên đồ (Hình tròn), kép như trong đồ án Ngũ Hành (#). Hành Ngũ ở trung cung biểu thị Vô, nên trong mọi đồ án kép bởi Ngũ Hành thì đều có cái Không đi kèm. Có vậy mới là "chân không diệu hữu", chứ những cái duy Hữu hay duy Vô chỉ là những cái vô giả tạo, một chiều kích và vô hiệu năng. Do việc nối kết đó mà An Vi chủ trương rằng cái linh thiêng cao cả hơn hết không ở đâu xa mà đặt ngay trong con người, nơi có xảy ra biến cố Giao Chỉ, nơi cái Có gặp cái Không. Đó là nơi con người tiếp cận với vũ trụ, để "thành Tính tồn tồn đạo nghĩa chi môn". Bao lâu chưa đạt Lý Thái Cực (chưa thấu vào bản Tính mình) thì lý trí chạy loanh quanh vòng ngoài, bày ra đủ xảo thuật (thất Lý nhi nhập ư thuật như các thứ thuyết hay nghi thức) nhưng chẳng nên việc chi cả, vì tòan một chiều kích, nên hỏng trọn, bởi muôn vật đều có hai chiều kích đi ngược nhau. Người ta đã nhận ra rằng văn minh nay thiếu nền tảng, do đó hiện đang khủng hoảng tự nền móng. Phải thay vào bằng một trời mới đất mới, tức phải có một bộ tiền đề khác thế cho bộ định đề cũ gồm nguyên lý "Đồng Nhất" 1=1, một là một, hai là hai, không thể có trường hợp thứ ba, như một mà hai, hoặc hai mà một. Đó gọi là nguyên lý Triệt Tam (tiers exclu). Nguyên lý thứ ba là Căn Do - quả phải do cây, cây phải có trước quả, không thể có vụ Đồng Thời. Đó là ba nguyên lý quản trị thế giới nay, và hiện nó đang bị lung lay tận gốc rễ.

3.2. Sao vậy? Sai chăng? Thưa không sai, nó rất thật, nhưng chỉ thật cho sự vật im lìm gắn chặt vào vật chất, không cần siêu thóat, không cần có vòng trong tình cảm và ý chí. Chứ như trong cõi người ta thì ngoài là lý,
nhưng trong là tình, mà "tình thâm nhi văn minh",= tình mà được đôn hậu cho đến sâu thẳm thì văn sẽ minh", tức là mối giao thoa giữa hai chỉ đất trời sáng lên, sẽ nhìn ra căn để mọi sự. Người ta gọi đấy là "nhất lý minh, vạn lý thông".và đấy mới là "Cõi người ta" cõi của "hoa đất ngọc nước" nghĩa là cõi người ta (man's land) kiêm cả trời cùng đất, nói theo tâm lý là cả: Ý, Tình, Chí, tức trội hơn cõi sự vật đến hai chiều kích nữa, thì làm sao bao nổi. Người ta quen nói: lý là lý sự, mà tình là tình người, mà tình mạnh hơn lý gấp mười lần, bên trong lại còn Chí, có chiều kích vũ trụ nữa, thì lý làm sao đương nổi. Đấy là căn do tại sao triết học duy lý không cộng tròn với vuông được, mà vua Tiết Liệu lại giải quyết dễ dàng. Huyền sử nói là ban đệm thần hiện ra mách nước. Theo uyên tâm thì ban đêm chỉ tình cảm vốn âm u, còn thần là tiềm thức cộng thông của muôn thế hệ hợp lực thì truyện gì mà chả xong. Vấn đề mà triết học duy lý không giải quyết nổi, thì ở đây được giải quyết tức khắc với công hiệu vượt bực, thế mà lại rất nhẹ nhàng, linh diệu. Đấy là nghĩa một của chữ linh.

3.3. Nghĩa hai là nó đạt công hiệu vượt xa mọi nguyên lý trên kia, thế mà nó lại đi ngược chiều hẳn.Thay vì một là một thì nó ra một mà hai, thay vì hai là hai thì nó ra hai mà một, quen gọi là lưỡng nhất, tức thay vì nguyên lý Đồng Nhất cũ, thì đây là nguyên lý Thống Nhất. Thay vì cố định thì là biến dịch.Thay vì Triệt Tam thí nó lại nâng ba lên đợt đạo = "Đạo Ba", Ba Vì: Trời, Người, Đất, được chứng tỏ bằng nhiều bộ ba khác như ba đồ rau, bộ ba trầu cau: cô Liên ở giữa hai anh em là Tân và Lang. Oa Hòang ngự giữa Phục Hi và Thần Nông. Thứ ba thay vì nguyên lý Căn Nguyên lệ thuộc vào không gian: đây với đó và thời gian trước với sau, thì đây là Đồng Thời vượt cả không gian lẫn thời gian, không thể đo lường được nữa, nên gọi là thần, là linh (âm dương bất trắc vị chi thần)

3.4. Với ba nguyên lý trên, vua Tiết Liệu đã thành công cộng tròn với vuông, biểu thị bằng bánh giầy đặt trện bánh chưng, tức trời trên đất dưới, thì trời đất được đặt trúng vị trí mình, nhờ đó muôn vật được nuôi dưỡng và giáo dục, như sách nho nói" thiên địa vị yên, vạn vật dục yên" = tức mọi nhu yếu thâm sâu được đáp ứng: "thực, sắc, diện, thiên tính dã" ăn uống, sinh dục, thể diện đều được đáp ứng đầy đủ. Do đó dễ hiểu tại
sao có nét an nhiên tự tại hầu như gắn liền với dân tộc, một dân có tên là Lạc. Vì dân Việt luôn luôn sống an lạc, nên người ta gọi là lạc Việt, với nghĩa là dân Việt quen sống an lạc. Lâu ngày lạc biến thành tên riêng với Lạc viết hoa thành ra Lạc Việt. Người vui thì hay hát múa, do đấy có điều đặc biệt này là Lạc Việt yêu nhạc cách khác thường vì là nước duy nhất có bộ trưởng bộ nhạc. Và chào cờ không chỉ bằng hát, mà còn bằng múa. và ca múa gắn liền với linh thiêng tế tự. Những hình ảnh múa hát trên mặt trống ta tưởng là cuộc ca múa suông mà thưc ra chính là cuộc tế tự đó. Những ca múa viên chính là những tế tự viên.

3.5 Người ta nhận xét có 5 điểm vắng bóng trong văn hóa Đông Sơn: thì một là không có những khối lựơng khổng lồ. Xem theo lối đối chiếu thì ta biết đó là một dấu đặc trưng, bởi các văn minh khác đều để lại những kiến trúc khổng lồ như Kim Tự Tháp, những Ziggurat, Angkorvat, Boroboudour (Java) Vạn Lý Trường Thành.. . thường được gọi là kỳ quan thế giới. Nhiều người Việt tủi hổ vì tiền nhân không để lại cho con cháu được kỳ công nào để mà hãnh diện. Nhưng xét theo tiêu chuẩn "ChíTrung Hoà" thì tiền nhân có để lại cho nhiều kỳ công đáng hãnh diện hơn vô cùng như ba tiền đề đang được học ở đây, vì nó dẫn đưa nhân loại trong những thế kỷ sắp tới, hoặc những nhân thoại như truyện Bàn Cổ, truyện Nữ Oa thái mẫu, truyện bọc trứng Âu Cơ tổ mẫu, truyện bánh giầy bánh chưng, không thể có truyện nào ơn ích hơn cho con người, vì đó toàn là những việc có tầm vóc vũ trụ mà lại làm ơn ích cho mọi người, nên đáng gọi là tâm linh cao cả, hay là Minh Triết, vì nói đến Minh Triết là phải hiểu có làm ơn ích cho mọi ngươi. Đang khi những khối lựơng khổng lồ kia không làm cho ai sung sướng hết, mà chỉ làm khổ vô vàn người, khổ sở để xây dựng nên chúng. Một khi xây xong chúng sẽ đứng đấy để uy hiếp tinh thần dân chúng khi đến với những vua thần cảm thấy mình hèn mạt cát bụi thì dễ dàng sấp mình thờ lạy hay phục tùng đến độ vong thân toàn triệt. Sung sướng gì cho ai?. Người ta nói rất trúng là những Mỹ thuật khổng lồ đã mọc lên vì ba cái lầm chí tử của con người là thần quyền, đế quyền và quí quyền. Những nơi tôn giáo mạnh như Mesopotamia hay Ấn Độ đầy đền đài cung địện thì cũng là những miền nhiều nô lệ nhất.

Câu nói đúng nhưng chưa sâu đủ, vì đàng sau còn câu hỏi (chưa hỏi chứ đừng nói thưa), đó là tại sao lại có những thứ uy quyền như thế? Thưa vì thiếu ba nguyên lý Thái Hòa, Nhân Chủ, Tâm Linh. Nhất là Tâm linh cho những nghệ thuật đồ sộ. Vì khi không biết đặt chí thiện vào trong tâm hồn thì tất phải tìm bên ngòai, mà bên ngòai là phạm vi của lượng số, muốn cao cả thì cần to lớn đồ sộ, càng vượt xa khỏi tầm kích con ngưới càng hay. Thế là con người bị bó buộc phải kiến tạo gông cùm cho mình: bên trong là những tin tưởng trói buộc; bên ngòai là những kích thước khổng lồ rút hầu hết sinh lực không còn bao nhiêu cho cuộc sống, nên không thể có cuộc sống viên mãn tròn đầy, cuộc sống không có được nhiều múa nhảy như trên mặt trống đồng nữa. Trái lại khi theo nguyên lý Tâm linh thì nghệ thuật bám sát đời sống đại chúng, ẩn ngay trong những đồ đạc thường dùng, như trống đồng phát sinh tự cối giã gạo chày đứng. Thành ra con ngươi không hao phí sinh lực ra ngòai, vì vậy mà còn đủ sinh lực để sống tưng bừng. Các nhà nghiên cứu gọi đó là tính thực dụng. Câu đó phải hiểu rộng hơn nữa là không những chí thiện mà luôn chí mỹ, chí chân đều nằm ngay trong tầm tay của mọi người. Vì thế cả đến mọi điển chương của văn hóa từ Ngũ Hành cho tới Lạc Thư, Thái Thất đều dùng đồ án của Việt tỉnh, nghĩa là giếng nước dùng hằng ngày. Chính trong ý đó mà Cái Đình được dùng làm trung tâm sinh họạt không những cho công việc làng việc nước mà còn để tổ chức cả những cuộc lễ lạy cũng như hội hè, đình đám, như ta thấy hình ảnh trên mặt trống đồng. Đó là hình ảnh một xã hội an bình hạnh phúc.

III. MINH TRIẾT ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

1. Gần đây Việt Nam đã cho thiết lập Học Viện Khổng Tử

Nên cũng cần nói qua về vấn đề này. Khổng Tử ra đời tại nước Lỗ vào thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch, cùng thời với Platon, Aristote ở Hy Lạp, Phật tổ ở Ấn Độ ở thời kỳ mà Karl Jaspers – tư tưởng gia người Đức - gọi là thời hoàng kim của tư tưởng nhân loại. Thời kỳ này chấm dứt ở sự ra đời của Đức Jesus (thế kỉ thứ 1 tây lịch) với tư tưởng công bằng bác ái. Sau các ngài, cho đến bây giờ không có đại tư tưởng gia nào khác vượt qua các tư tưởng của các ngài.

Trường hợp Khổng Tử, ông tuyên bố tôi chỉ thuật lại tư tưởng của người xưa chứ không sáng tác ra điều gì mới (thuật nhi bất tác). Đệ tử lại hỏi ông: Tìm Đạo ở đâu ? ông trả lời tìm ở phương Nam. Điều này có nghĩa Đạo Làm Người của tổ tiên ta đã được hình thành từ nền văn minh nông nghiệp ngay từ những thời đầu tiên của lịch sử con người mà huyền sử đã tô đậm bằng Tổ Thần Nông ở miền nam Trung Quốc ngày nay.

Khổng Tử không viết sách, các đệ tử sau này thuật lại các lời dạy dỗ của ngài. Cuốn sách được coi là tương đối phản ảnh tư tưởng Khổng Tử hơn hết là Luận Ngữ. Cuốn này được viết sau Khổng cả gần 100 năm. Do vậy sự thay đổi gán ghép tư tưởng của ngài để phục vụ chế độ phong kiến của các vua chúa không phải không có. Thí dụ giải thích thế nào về người ta gán cho Nho Giáo nói về trung quân? Lúc thì có chỗ nói “giết một tên vua vô đạo như giết một tên đạo tặc” – lúc thì Khổng Giáo chủ trương “Vua bảo tôi chết, tôi không chết là bất trung”. Muốn biết phân biệt đâu là tư tưởng chính truyền của Khổng, đâu là giả trá phải dựa vào tính nhất quán là sợi chỉ hồng xuyên xuất tất cả tư tưởng của người đó. Thí dụ toàn bộ tư tưởng của Khổng là Nhân Đạo, là Vương Đạo thì không thể nào lại thiếu sự nhất quán được, không thể có sự mâu thuẫn lúc thế này lúc thế kia. Một bậc thánh nhân như Khổng, như Phật.. . từ 2500 năm trước đã có một tư tưởng vĩ đại như thế không thể nào lại mâu thuẫn với chính mình, nói ngược lại những điều mình đã chủ trương.

Nhiều người lẫn lộn triết học Khổng Tử hay triết học Nho Giáo với Đạo Nho – triết học Phật Giáo với Đạo Phật. Học triết học để biết Khổng, Phật sinh ra từ đâu, hoàn cảnh xã hội thời các ngài thế nào, tư tưởng các ngài ảnh hưởng thế nào trong xã hội v.v.. . đó là triết học. Những hiểu biết này cần nhưng chưa đủ. Điều chúng tôi kêu gọi phục hồi Đạo Nho là để phục hồi đạo làm người. Bất cứ ai cũng cần phải làm người trước khi làm tín đồ một tôn giáo, lãnh nhận một nghề nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, một ông quan, ông vua, ông cha, người mẹ. Sống và làm - làm sao cho đúng với cái tên mình đã mang. Người mình thường nói Tài và Đức phải đi đôi. Đức đây chính là cái tâm, lòng nhân ái của con người. Đó là Nhân Trí Dũng của Nho - bi hỉ xả của Phật - tin cậy mến của Thiên Chúa Giáo. Học Nho học Phật là để thành Người Chí Nhân, là để thành Phật chứ không phải chỉ học để biết, để có kiến thức suông.

2. Phục hồi Nho Giáo bắt đầu từ đâu?

Vài thí dụ nêu trên chỉ là vài điểm trong triết lý Nho Giáo, là hồn của đạo làm người mà con người mọi nơi, mọi thời đều cần đến. Tây Phương chỉ có luân lý chứ chưa có Đạo Học. Theo dõi các cuộc tranh luận công khai trên truyền thanh, truyền hình, mọi người đều đồng ý là xã hội ngày nay thác loạn dù kỹ thuật đã rất cao, của cải vật chất đã quá dư thừa do kinh tế tư bản đem lại. Họ muốn đem công dân giáo dục vào học đường, nhưng dựa vào đâu đây ? Dựa vào luân lý Thiên Chúa Giáo như ngày xưa thì các tôn giáo khác chống. Dựa vào nền đạo đức thực dụng thì thiếu nền tảng như đạo đức cách mạng của cộng sản thì cũng đã sụp đổ. Đây là thời cơ thuận tiện nhất để xây dựng một xã hội mới hậu công nghệ mà bước đầu tiên cần làm là CẢI TỔ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC để vì lợi ích trăm măm là trồng người trước đã. Việt Nam là bãi chiến trường cho 2 chủ thuyết cộng sản trong thời chiến và tư bản cho thời toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam có làm được chính sách BÌNH SẢN trong kinh tế và ĐẠO HỌC cho giáo dục để đáp ứng vai trò Hội Nghị Quốc Tế ở Honolulu năm 1939 với đại diện 50 quốc gia tham dự đã tôn vinh Khổng Tử làm nhạc trưởng cho việc hoà hợp Đông Tây (Xin xem Charles Moore East West Philosophy, Oxford Press) và Hội Nghị Nho Học tại Việt Nam tháng 17.12. 2004 tại Hà Nội. Chúng tôi xin góp một ý nhỏ về chương trình giáo dục để các bậc thức giả trong nước và hải ngoại góp ý thảo luận.

1. Tam giác ngữ cho giáo dục Việt Nam: Tam giác ngữ là cho học sinh học ngay 3 thứ tiếng cùng một lúc ngay ở tiểu học. Đó là tiếng Việt (mẹ đẻ) tiếng Anh (sinh ngữ) và chữ Hán (tử ngữ) . Thời cơ ở Việt Nam ngày nay đã chín mùi để mạnh dạn đưa vào chương trình giáo dục. Quần chúng đã và đang học tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Đài Loan để giao tiếp và làm kinh tế. Học tiếng Anh để tiếp xúc với nửa phần nhân loại còn nửa phần nhân loại khác là chữ Tầu, tiếng Tàu (tiếng Phổ thông). Kinh tế, văn hóa thế giới hiện nay do 2 thứ tiếng này thống trị. Phải giải quyết cho xong vấn đề ngôn ngữ ở bậc tiểu học để học sinh đọc thông viết thạo 3 thứ tiếng này rồi lên bậc trung học hãy dồn vào học kiến thức phổ thông rồi Đaị Học học chuyên môn. Điều cần lưu ý là phải học chữ Hán theo lối chân phương để có thể đọc các sách cổ và chữ Nôm của ta. Không học lối viết tắt của Tàu hiện nay vì sẽ cắt đứt mất nguồn tìm về đạo học và văn hóa vốn đã rất liên hệ giữ Tàu và Việt cả hàng mấy ngàn năm nay. Tuổi trẻ rất dễ học sinh ngữ và tử ngữ. Khoa học ngày nay đã chứng minh trẻ rất dễ học, miễn là học lúc còn nhỏ. Nước Anh nay cũng bắt học sinh nay phải học 2 sinh ngữ. Dạy chữ Hán cho các em phải đưa vào các câu có nội dung Đạo Học dù các em không hiểu, sau này lớn lên, tiềm thức sẽ cho các em hiểu và làm theo những gì đã học ngày còn bé. Những câu đó thí dụ như: Tiên học lễ hậu học văn, Công cha như núi Thái Sơn.. . Chí Thành như Thần – Thiên Lý tại nhân tâm v.v... Ngày nay kỹ thuật tiên tiến với TV và các phương tiện khác, mỗi trường chỉ cần một số thầy cô giáo người nói tiếng Anh, tiếng Hán Phổ Thông chính gốc, không còn khó khăn gì.

2. Lễ Gia Tiên. Trẻ em Việt Nam ngày nay nổi tiếng khắp thế giới vì học giỏi và thành công là nhờ đâu? Người ta đã nghiên cứu và bàn cãi nhiều, tôi chỉ xin nêu một lý do căn bản là nền tảng gia đình. Gia đình càng vững chắc, trẻ em càng học giỏi và thành công. Vậy lấy nền tảng gia đình từ đâu? Đó là LỄ GIA TIÊN hay ĐẠO THỜ ÔNG BÀ. Có người nói rằng đâu phải chỉ có Việt tộc mới có lễ gia tiên, có đạo thờ ông bà? Đúng. Nhưng cái khác biệt của ta là thờ cách nào hay nói khác đi là cách đặt bài vị ra sao, triết lý nằm sâu trong đạo thờ ông bà ở chỗ mô? Thờ ông bà không phải là mong ông bà về ăn của cúng mà là thờ nhân tính con người. Nếu trời đất đáng thờ thì con người cũng phải được thờ vì con người ngang hàng với trời cùng đất, con người là một trong tam tài (thiên địa nhân). Tổ tiên chúng ta lấy việc thờ cúng tổ tiên làm phương tiện giáo dục con cái, đừng làm uế nhục gia tiên, thanh danh gia đình. Con cái làm nên là do phúc đức ông bà để lại. Con cháu phải tiếp thừa và phát huy truyền thống ấy - cho nên lối đặt bài vị trong bàn thờ tổ tiên lấy MÌNH làm gốc. Từ mình tính lên thờ 4 đời là: Nị (cha) Tổ (ông) Tằng (ông Cố – cha của ông) Cao (cha của ông Cố) – tính xuống là thờ 4 đời là: Con, cháu, chắt, chít. Bài vị được xếp theo Ngũ Hành: thủy hỏa kim mộc thổ. Tất cả các hành đều đi qua Thổ trung cung. Thổ nằm ở giữa là MÌNH để tính lên hay tính xuống 4 đời như nói ở trên. Thổ cũng là Văn Tổ tức là vươn lên từ hồn thiêng của cha ông lên đến nhân tính con người. Đạo thờ ông bà cao trọng như vậy nhưng chính MÌNH lại là trung tâm nên mình phải sống làm sao để xứng đáng kế nghiệp truyền thống gia đình của mình. Bởi vậy lễ Cúng Giao Thừa là giây phút thiêng liêng nhất của mỗi gia đình nhằm giáo dục con em.

3. Thiết lập được một nền giáo dục quân bình. Quân bình giữa thành công và thành nhân: Nói theo lối xưa là “Tiên học lễ, hậu học Văn”. Nói cụ thể ra là nền giáo dục Việt nam bây giờ và mai sau là bậc tiểu học phải cho các em học tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh là chính. Ngoài tiếng Việt để giữ tiếng mẹ đẻ cần học tiếng Trung để tiếp xúc với nửa phần nhân loại. Mặt khác học sách cổ để trở về nền văn hoá sâu rộng của Lạc Việt, biết cội nguồn sâu thẳm của văn minh Đông Phương, đạo học Việt Nho. Học tiếng Anh để liên hệ với thế giới khoa học văn minh hiện đại. Cần cho các em tiểu học học ngay vào các kinh điển Tứ Thư Ngũ Kinh, dù các em chưa hiểu ở tuổi nhỏ này, nhưng chôn vào đầu óc các em những nguyên tắc dẫn đạo cuộc sống. Bậc tiểu học giải quyết xong sinh ngữ, tử ngữ để lên Trung học dồn vào khoa học kỹ thuật và đến Đại Học đi vào chuyên ngành, đào tạo ra các con người có khả năng kỹ thuật cao trong một tấm lòng nhân ái phục vụ xã hội hết lòng.

4. Xã hội phải đặt trên một nền chính trị chân chính, nhân bản, tôn trọng nhân quyền Vấn đề này đã bàn rất nhiều về những giá trị của nền chính trị hiện nay, đặt trên một xã hội nhân trị, pháp quyền. Một chính thể do dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch. Hiến pháp có 3 quyền biệt lập: Hành pháp. Lập pháp và Tư pháp v. v…

5. Một nền kinh tế bình sản. Bình sản là không cộng sản cũng không tư bản, hay kinh tế chủ nô như lịch sử cận đại đã chứng minh. Cộng sản đã chết và tư bản cũng đang khủng hoảng trầm trọng. Bình sản đựa trên khuyến khích cá nhân phát triển, làm giầu. Những ai may mắn hơn, thành công hơn, phải chia sẻ cho người kém may mắn, kén hoàn cảnh, thiếu phương tiện. Phương thức thực hiện là thuế lũy tiến. Làm được nhiều, thu được nhiều, lương cao, thì đóng thuế nhiều hơn. Lấy thí dụ bên nuớc Anh hiện nay, lương một người dưới £40,000 một năm đóng 22% thuế (Income Tax) 10% bảo hiểm xã hội (social security). Chủ còn đóng thêm 11% nữa thuế (Employer contribution) Nếu là cơ sở kinh doanh, phải đóng mỗi quí 3 tháng 15% thuế trị giá gia tăng (VAT). Cuối năm tổng kết thu nhập còn đóng thêm 17% Corporation Tax. Tiền lời của công ty cho chủ gọi là Share Capital Dividens khi lấy tiền ra tiêu phải đóng 26% thuế nữa. Nhờ những khoản thuế lũy tiến này chính phủ thu được một số tiền kếch sù để làm những công trình công ích cho xã hội như xây trường học, bệnh viện v.v … (tiền của tax payers). Nền học vấn tiểu học, trung học, đại học đều miễn phí. Riêng mỗi cá nhân khi thất nghiệp hay khi ốm đau bệnh nạn không có thu nhập được xã hội cho lãnh tiền xã hội đủ sống (trợ cấp xã hội cho người thất nghiệp tại Anh hiện nay cho một gia đình có 3 con được khoảng 700 bảng một tháng, tiền nhà, tiền bệnh viện, tiền bác sĩ v.v… không phải đóng. Riêng tiền bệnh viện dù đi làm cũng được miễn. Người đi làm khi đi khám bệnh được miễn phí nhưng phải trả tiền thuốc). Người già và tàng tật được trợ cấp nhiều hơn. Người bất toại được nhà nước trả tiền cho người chăm sóc. Người già từ 60 được miễn phí khi đi xe bus, xe điện ngầm, giảm giá vé 30% khi đi xe lửa. Các nước Bắc Âu ngày nay là những nước tiêu biểu của nền kinh tế bình sản. Thu nhập cao hơn nữa đóng 40% - 60% thuế theo căn bản nêu trên.

6. Phát triển nông thôn cũng như thành thị - Các nước Bắc Âu như Anh Quốc đã là mẫu mực cho việc phát triển nông thôn và thành thị. Từ đường xá đến nhà cửa, tiện nghi công cộng như trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông, ở đâu cũng đẹp đẽ khang trang, thanh bình.

IV. VAI TRÒ CỦA VIỆN MINH TRIẾT

Viện Minh Triết có một vai trò rất quan trọng và khẩn thiết để đưa ra một chủ đạo cho Việt Nam thay thế cho các chủ thuyết ngoại lai vong bản đã lỗi thời làm băng hoại con người và xã hội có thể nói ngay từ những thời Bắc thuộc cho đến ngày nay. Chúng ta đã mất đạo cho nên mất nước. Tìm ra được chủ đạo lại còn cần phải học hỏi nó, từ gia đình đến ngoài xã hội như các tôn giáo đã và đang làm hay trong thời xã hội chủ nghĩa còn mạnh, mọi người từ bà bán cá ngoài chợ, từng em học sinh, từ viên chức nhà nước, trong quân đội cũng phải học và thực hành chủ đạo, minh triết Việt. Chủ đạo còn được coi là căn bản cho Hiến Pháp mới, là nền tảng cho các tổ chức công quyền ở mọi giai tầng xã hội. Có vậy chúng ta mới thiết lập được sự ấm no hạnh phúc cho con người. Ấm no từ tâm hồn đến cơm ăn áo mặc, môi trường sống, trong hân hoan của anh em đồng bào cùng một mẹ Âu Cơ.