Nếu trong thời gian đạo Công Giáo bị bách hại tại Việt Nam, giáo xứ Sáo Bùn, tiền thân cùa Tam Tòa, đã có những vị mục tử và giáo dân lấy máu đào minh chứng Đức Tin hoặc chịu biết bao nhiêu lao đao, thống khổ với đoàn chiên của mình thì trong giai đoạn bình an, tức từ năm 1886 sau biến cố Cần Vương trở đi, giáo xứ Tam Tòa may mắn được lãnh đạo bởi hầu hết các vị mục tử đạo đức và tài năng, đầy kiến thức và trí tuệ, nhất là biết hy sinh phục vụ vì sự an nguy của đoàn chiên. Họ đã trở thành những chứng nhân của Đức Kitô cụ thể hóa qua quan điểm sau đây được ghi lại trong thư của Đức Thánh Cha Benêđíctô XVI nhằm thiết lập Năm Linh Mục: “Trong thế giới hôm nay, cũng như vào thời của Cha Sở họ đạo Ars, trong cuộc sống và trong hành động của mình, các linh mục cần phải nổi bật bởi sức mạnh chứng tá tông đồ của mình. Đức Phaolô VI đã nhận xét cách thích đáng: ‘Con người hiện đại muốn nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hay nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy đã là những chứng nhân.” [1] Các vị mục tử ngoài việc lo cho phần hồn còn phải lo cho cuộc sống phần xác của giáo dân. Tại giáo xứ Tam Tòa cũng như ở hầu hết các giáo xứ khác ở Đàng Ngoài hay Đàng Trong, hoặc khắp nơi trên đất nước Việt Nam, các vị mục tử là chứng nhân của Đức Kitô.

1.- Xây dựng lại giữa đống tro tàn.

Hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) còn gọi là hiệp ước Sài Gòn ký kết giữa phái đoàn triều đình Huế gồm Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và linh mục Đặng Đức Tuấn (thông ngôn) với đại diện của Pháp và Tây Ban Nha gồm 12 khoản trong đó có một khoản nói về việc tự do tôn giáo dù sao cũng là một giải pháp đem lại an toàn phần nào cho người Công Giáo Việt Nam. Lệnh tha đạo và tha “phân sáp”của vua Tự Đức cho phép các thừa sai ngoại quốc ra công khai hoạt động, giã từ những ngày sống lén lút, ẩn núp cơ cực và giáo dân khắp nơi được tự do đi lại trong hoạt động tôn giáo mục vụ của mình.

Sau những cuộc cấm đạo của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn rồi đến các cuộc bách hại đẫm máu của nhóm Cần Vương – Văn Thân, ước tính có khoảng 130.000 giáo dân Việt Nam tử vì đạo. Trong số 1285 hồ sơ các vị được đề cử đã có 117 vị được phong hiển thánh ngày 19.6.1988, nhiều vị ở hàng chân phúc và các vị còn trong vòng điều tra của Tòa Thánh Rôma. Tiến trình điều tra này không phải một vài năm mà có đến cả trăm năm hay hơn nữa. Vào một thời rất xa xưa cách nay gần 18 thế kỷ giáo phụ Tertullien (155-222) đã có một câu nói bất hủ mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày Chúa nhật 6 tháng 5 năm 1984 đã nhắc lại trong một buổi lễ long trọng kính mừng các thánh tử đạo tổ chức tại Séoul, Hàn Quốc: “Máu của các thánh tử đạo là hạt giống các người Ki-Tô hữu.” [2] Vùng đất tử đạo Sáo Bùn (Tam Tòa) sở dĩ được thăng hoa theo con số phát triển giáo dân về sau không chỉ nhờ vào tinh thần thánh thiện và khả năng uyên bác của một số các vị mục tử mà còn nhờ phúc ấm của các vị thánh tử đạo Việt Nam qua các triều đại được ghi nhận tổng quát và cụ thể theo tư liệu của Linh mục Trần Điển như sau:

“30.000 Anh Hùng Việt Nam tử đạo dưới đời Chúa Trịnh tại Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn tại Đàng Trong; 40.000 Chiến Sĩ Đức Tin đã anh dũng tuyên xưng niềm tin bất diệt vào Đức Kitô dưới ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; 60.000 Tín Hữu Kiêu Hùng đã chết vì tin vào Đức Kitô do việc bắt bớ, thảm sát của Phong Trào Văn Thân (1885-1886).

Trong tổng số 130.000 tiền nhân đã anh dũng hy sinh mạng sống để bảo vệ Đức Tin nguyên tuyền vào Chúa Kitô:

64 Vị đã được tuyên phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Lêô XIII ngày 27.5.1900.
8 Vị đã được tôn phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Piô X ngày 20.5.1906.
20 Vị đã được tôn phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Piô X ngày 2.5.1909.
25 Vị đã được tôn phong Chân Phước do Đức Thánh Cha Piô XII ngày 29.4.1951.

Ngày 19.6.1988, tất cả 117 Vị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam gồm có 96 Vị Việt Nam, 10 Vị Thừa Sai Pháp, và 11 Vị Dòng Đa Minh Tây Ban Nha. 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam bao gồm mọi thành phần Dân Chúa:

8 Giám Mục (6 Dòng Đa-Minh; 2 Hội Thừa Sai Pháp).
50 Linh mục (37 Linh mục Việt Nam; 5 Linh mục Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và 8 Linh mục thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê).
16 Thầy giảng và 1 Chủng sinh.
42 Giáo dân (Gồm một phụ nữ).

Theo giòng thời gian, giữa 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam có:

• 2 Vị tử đạo đời chúa Trịnh Doanh (1740-1767).
• 2 Vị tử đạo đời chúa Trịnh Sâm (1767-1782).
• 2 Vị tử đạo đời vua Cảnh Thịnh (1782-1802).
• 57 Vị tử đạo dời vua Minh Mạng (1820-1840).
• 3 Vị tử đạo đời vua Thiệu Trị (1840-1847).
• 51 Vị tử đạo đời vua Tự Đức (1847-1883).
[3]

Năm 1864, sau thời phân sáp, giáo xứ Sáo Bùn bắt đầu có linh mục quản nhiệm với cha Martin Jean Pontvianne (cố Phong) sau này lên Giám mục Giáo phận Huế. Năm 1866, Cha Pontvianne ngoài việc lo các công tác mục vụ cho giáo dân đã cho xây Viện Dục Anh ở Sáo Bùn để lo nuôi các trẻ em mồ côi, tật nguyền. Công tác này được tiếp tục do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Sáo Bùn từ đó cho đến năm 1954 khi giáo xứ Tam Tòa di cư vào Nam.

Năm 1886, sau biến cố bắt đạo của phong trào Cần Vương – Văn Thân, giáo xứ Sáo Bùn dời về lập cư tại phía bắc cổ thành Đồng Hới, trên bờ sông Nhật Lệ, dưới chân Lũy Thầy và có tên mới là Tam Tòa. Một ngôi nhà thờ bằng tranh, gỗ được dựng lên làm chốn thờ phượng (năm 1887) cho giáo dân. Giáo xứ được tái lập với nhà cửa bằng tranh tre của giáo dân gồm người các xứ đạo Mỹ Hương, Đại Phong, Mỹ Phước, Sáo Bùn, Sáo Cát, Trung Quán, Mỹ Duyệt v.v... tụ hội về làm thành giáo xứ mới. Theo dự án xây lăng tử đạo của Đức Cha Marie Antoine Louis Caspar (tên Việt là Lộc), các lăng tử đạo được xây cất tại Quảng Trị (Nhan Biều), Thừa Thiên như Châu Mới, Buồng Tằm. Riêng tại giáo xứ Sáo Bùn cũ, giáo dân đã xây một tháp tử đạo trên nền nhà thờ cũ và hằng năm cứ ngày mồng bốn Tết nguyên đán, giáo dân Tam Tòa kéo nhau vào đó làm cuộc hành hương minh niên để cầu nguyện và việc đó trở thành một truyền thống thiêng liêng của giáo dân Tam Tòa qua nhiều thế hệ. Khoảng thập niên 1940, một ngôi đền kính Chân Phước Matthêo Nguyễn Văn Phượng được xây cất trong khuôn viên gia tộc của vị tử đạo này và thường được mọi người trong giáo xứ Tam Tòa đến đọc kinh cầu nguyện. Một trường trung học mang tên Chân Phước Phượng do các sư huynh Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng được xây cất khá khang trang ở đầu làng (gần Cầu Mụ Kề) ở chỗ bây giờ có cây cầu Nhật-Lệ, thu hút nhiều học sinh khắp tỉnh Quảng Bình trước năm 1954.

Giáo xứ Tam Tòa, sau những đau khổ qua nhiều giai đoạn lịch sử đã phấn khởi vươn lên trong đức tin qua các nỗ lực xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần nhờ có được những vị mục tử sáng giá, những ngôi sao lãnh đạo mà tài năng của họ đã có khi vượt ra khỏi biên giới giáo xứ được biết tiếng trên phạm vi cả nước trong nhiều lãnh vực.

Với một chiều dài lịch sử trên 360 năm, giáo xứ Tam Tòa đã được sự chăm sóc dìu dắc của nhiều vị linh mục mà có vị về sau đã trở thành Giám Mục, Hồng Y. Tập Kỷ Yếu Nhà Thờ Tam Tòa Đà-Nẵng nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1954-2004) ghi lại đầy đủ danh tính các vị linh mục giáo xứ Sáo Bùn, Tam Tòa giai đoạn 1864 đến 1954 qua đó chúng tôi sẽ trình bày về tiểu sử, sự nghiệp văn hóa và đức tin của một số các vị mục tử xuất sắc còn ghi lại dấu ấn trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt nam nói chung và lịch sử giáo xứ Tam Tòa nói riêng.

1) Cha Martinô Pontviane (Cố Phong): 1864-1877
2) Cha Paul Mathey (Cố Thiện): 1877-1880
3) Cha Gioan Héry (Cố Y): 1880-1886
4) Cha Claude Bonin (Cố Ninh) 1886-1895
Các cha phụ tá: Cha Bonnard (Cố Bổn)
Cha Edouard Virseq (Cố Vị)
Cha Gioan Lafitte (Cố Phi)
Cha Maximilien de Perey (Cố Đề)
Cha Phanxicô Salêsiô Lê Cung.
5) Cha Léopold Cadière (Cố Cả): 1895- 1896
6) Cha Âucutinh Payraudeau (Cố Phê): 1896...
7) Cha Gioan Bonnard (Cố Bổn): 1896-1905)
8) Cha Alexandre Chabanon (Cố Giáo): 1905-1908
Cha phó: Cha Phạm Ngọc Chiếu
9) Cha Gabriel Bouhours (Cố Bửu): 1908-1908
10) Cha Louis Darbon (Cố Triết): 1909-1917
Các cha phó: Cha Giuse Desportes (Cố Xuân)
Cha Tađêô Võ Văn Tuệ
Cha Giuse Trần Phan
11) Cha Henri de Pirey (Cố Huề): 1918-1934
Các cha phó: Cha Dom. Trần Văn Phát
Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin
Cha Phaolô Phan Đình Bố
Cha Phaolô Dancette (Cố Bình)
Cha Phaolô Trần Văn Khánh
Cha Inhaxiô Võ Văn Bảo
12) Cha René Morineau (Cố Trung): 1934-1946
Các cha phụ tá: Cha Phaolô Trần Văn Khánh
Cha Giuse Lê Hữu Huệ
Cha Giuse Lê Văn Hộ
Cha Guy Audigou (Cố Hậu)
Cha Phêrô Huỳnh Đình Kinh
Cha Giuse Trần Thế Hưng
Cha Gorges Nayroud (Cố Sáng)
Cha Antôn Nguyễn Văn Sản
Cha Micae Nguyễn Văn Cẩm
Cha Giuse Trần Thắng Trung
Cha Tađêô Trần Văn Tri
Cha J.B. Lê Xuân Mừng
13) Cha Matthêô Lê Văn Thành: 1946-1948
Cha phụ tá: Cha Tađêô Nguyễn Tuệ
14) Cha Simon Hoàng Văn Tâm: 1948-1954
Các cha phó: Cha P.X. Trần Văn Cần;
Cha P.X. Nguyễn Văn Thuận (sau làm Giám Mục ở Nha Trang năm 1967, Tổng Giám Mục Sàigòn năm 1975, Hồng Y tại Rôma năm 2001;
Cha Giuse Đỗ Bá Ái;
Cha P.X Nguyễn Phương (giáo phận Vinh).
[4]

Theo linh mục Nguyễn Văn Ngọc giáo xứ Sáo Bùn với số giáo dân 1200 vào thời điểm tháng 9 năm 1885, thời cha Jean Héry (Cố Y) làm quản xứ [5]. Trước đó, có lẽ từ năm 1877 Sáo Bùn đã trở thành Giáo hạt của tỉnh Quảng Bình với linh mục Pontvianne (về sau, năm 1878 lên làm Giám Mục Giáo phận Huế) làm Quản hạt kiêm Quản xứ do vị trí địa dư quan trọng của nó và tinh thần xây dựng Giáo hội của người giáo dân tại đây.

2.- Linh mục Léopold-Michel Cadière (cố Cả), chánh xứ Tam Tòa cuối thế kỷ XIX, một nhà Việt Nam Học uyên bác.

Trong bức thư của Đức Giáo Hoàng gửi các linh mục nhân Năm Thánh Linh Mục, có viết: “Cha Sở Thánh họ đạo Ars đã từng có thói quen nói: “Thiên chức linh mục, đó là tình yêu của thánh tâm Chúa Giêsu”. Kiểu nói cảm động này trước tiên cho phép chúng ta gợi lên với lòng trìu mến và biết ơn hồng ân bao la là các linh mục không chỉ cho Giáo Hội, nhưng còn cho chính nhân loại.” [6] Trường hợp linh mục Alexandre de Rhodes trong thế kỷ XVII đến với giáo dân Đàng Ngoài rồi Đàng Trong cũng như linh mục Cadière (cố Cả) ở giáo phận Huế trong thế kỷ XX là hai trong nhiều bằng chứng Thiên Chúa sai các vị đại diện đến không chỉ với giáo xứ Tam Tòa mà còn đến với dân tộc Việt Nam vì những đóng góp quý giá của họ vào nền văn hóa chung của dân tộc.

Khi nhận định về giá trị các công trình nghiên cứu sử học, dân tộc học và ngữ học của linh mục Léopold-Michel Cadière, Georges Coedès, một nhà nhân chủng học danh tiếng của thế giới, đã viết rằng: “Công trình khoa học của cha Cadière không những có giá trị vì chứa đựng một kho tàng gồm có các sự kiện xã hội quan sát chính xác để cống hiến cho các nhà khảo cứu. Công trình ấy có giá trị như một gương mẫu khách quan hoàn toàn mà một nhà quan sát vô tư và bất vụ lợi có thể đạt tới được trong khi nghiên cứu một nhóm người thuộc một thế giới khác, bẩm sinh một tinh thần khác, theo một tôn giáo khác.” [7]

Linh mục Léopold-Michel Cadière sinh ngày 14.2.1869 tại Sainte-Anne-des-Pinchinats, gần Aix-en-Provence vùng cửa sông Rhône đông nam nước Pháp. Thuở nhỏ cậu bé Cadière học trường làng rồi sau chuyển lên Aix học trường trung học Bourbon, vào chủng viện Aix do các giáo sư Hội Xuân Bích (St. Sulpice) dạy. Trong hồi ký Souvenirs d’un vieil annamitisant, linh mục rất cảm phục các công trình nghiên cứu của các linh mục tu hội Saint Sulpice và cho biết “dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy thông minh, tôi đã đọc ngấu nghiến tác phẩm của các ngài và một ngày kia muốn trở nên như các ngài vậy.” [8] Ngài thọ phong linh mục ngày 4.9.1892, lúc 23 tuổi, và lên đường saang Việt Nam ngày 26.10.1892.

Được Đức cha Caspar bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh ở Đất Đỏ, Cửa Tùng, Quảng Trị tháng 1.1893, linh mục Cadière phụ trách môn Tu từ học và Triết học rồi sau đó ngài được giao cho dạy Thần học ở Đại chủng viện Huế.

Năm 1895, linh mục Cadière nhận bài sai đi làm chánh xứ giáo xứ Tam Tòa, một họ đạo nằm giữa tỉnh lỵ và năm xóm (hameaux) với hơn một nghìn giáo hữu lập cư bên bờ sông Nhật Lệ, trên một phần đất của Lũy Thầy, nơi có rất nhiều di tích lịch sử để lại cũng là yếu tố khiến linh mục phải chú tâm. Theo Louis Malleret, nguyên Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ, cách giáo xứ Tam Tòa vài cây số (ở khu vực Cầu Dài) có một tấm bia ghi lại các biến cố chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài đã cung cấp cho cha Cadière một đề tài để nghiên cứu, và công trình đó đã được Viện Khoa Học Pháp (L’Institut de France) khen thưởng năm 1903 và ấn hành trên Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1906. Đây là công trình nghiên cứu lịch sử đầu tay của Cadière đã được đánh giá cao. [9] Trong tác phẩm Le mur de Đồng-Hới, Étude sur l’établissement des Nguyễn en Cochinchine, linh mục Cadière cho biết tấm bia đó là bia của triều đình dựng lên do lệnh của vua Thiệu Trị vào năm 1842, dựng ở bến đò Cầu Dài, cách phía nam tỉnh thành Đồng Hới khoảng một cây số, cách giáo xứ Tam Tòa khoảng 2 cây số.

Sau khi ở xứ đạo Tam Tòa được một năm, tháng 10 năm 1896 linh mục Cadière được thuyên chuyển đến Cù Lạc là một vùng thuộc tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm trên hữu ngạn nguồn Son (sông Gianh). Cù Lạc là một xứ đạo ở phía bắc Giáo phận Huế, là một vùng gồm toàn rừng rậm và núi đá vôi, cả một vùng rộng lớn hầu như chưa có dấu tích khai phá. Chính nơi đây linh mục Cadière đã có dịp phát hiện được những liên hệ rất chặt chẽ giữa tiếng Mường với một thứ tiếng mà linh mục Alexandre de Rhodes đã biết đến ở Bắc Kỳ trong thế kỷ XVII. Linh mục Cadière cũng còn nhận thấy các phong tục và truyền thống ở Cù Lạc cũng là những chất liệu để giúp cho ngài thực hiện các công trình biên khảo về ngữ học và dân tộc học. Ngoài ra thứ tiếng Việt mà linh mục đã học để nói và viết trước đó đều là thứ tiếng Việt trong những cuốn kinh sách có ngữ pháp mô phỏng theo tiếng Pháp hay tiếng La-tinh [10] hoàn toàn khác với thứ tiếng ngoài dân gian. Do đó linh mục đã tìm mọi cơ hội đi ra ngoài dân chúng để học thứ tiếng Việt đó từ những người bán hàng rong, người tiều phu, dân làm ruộng v.v... và quyết công tìm ra những bí mật của thứ ngôn ngữ dân gian đó.

Trong bài báo Đọc cuốn “Syntaxe de la langue Vietnamienne” đăng trên Tạp chí Đại Học của Viện Đại Học Huế, Giáo sư Trương Văn Chình, một nhà ngữ học Việt Nam, đã viết rằng: “Linh mục Cadière cũng như nhiều nhà nghiên-cứu ngữ-pháp Việt-Nam, chẳng hạn như ông Trần Trọng Kim, hay gần đây như giáo sư Honey, nhận định rằng không thể rập theo ngữ-pháp Pháp mà viết ngữ-pháp Việt-Nam... Nghiên cứu ngữ-pháp Việt-Nam, linh mục Cadière lay tài liệu ở ngôn ngữ hàng ngày hoặc của người có học (gens lettrés) hoặc của người thất học (gens sans culture), chứ không căn cứ vào văn chương cổ vì văn chương cổ có nhiều từ ngữ Hán-Việt. Tuy thế, linh mục nhận định rất đúng dù rằng văn-chương hay ngôn-ngữ thông thường, thì tiếng Việt cũng theo cùng một ngữ pháp.” [11] Nhờ sống ở giáo xứ Cù Lạc đất rộng mà thâm u, cha Cadière phải đi lại thường xuyên trong các cuộc viếng thăm giáo dân ở những vùng chưa có ai bước chân tới và điều đó đã kích thích tính hiếu kỳ nơi ngài. Qua nhiều cuộc hành trình vất vả, linh mục Cadière đã khám phá ra động Phong Nha nổi tiếng, ghi chú lại các dấu tích kỷ niệm về văn minh Chàm, tìm ra các giống thực vật lạ hiếm, thích tìm hiểu dân Tắc-củi vốn là một tộc người còn rất mọi rợ với cuộc sống thật bí hiểm mà nhiều người cho là như giống dân Pygmées. Chính tại Cù Lạc mà linh mục đã quen biết với Louis Finot, vị giám độc đầu tiên của Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Năm 1901, vì lý do sức khỏe, sau 6 năm sống tại Cù Lạc, linh mục đã đi tĩnh dưỡng ở Hồng Kông. Xứ đạo Cù Lạc được cắt ra làm hai gồm xứ Bồ-Khê và Cù Lạc. Khi đi Hồng Kong về, linh mục Cadière được bổ làm cha xứ Bồ Khê tức xã Thanh Trạch trên hữu ngạn sông Gianh sát bờ biển. Ngài ở đó hai năm và sau đó được bổ nhiệm làm cha xứ Cổ-Vưu (Quảng Trị) kiêm Hạt trưởng hạt Dinh Cát.

Một điều cần chú ý là những nơi linh mục Cadière được bổ nhiệm đến thì hầu hết là những nơi có ít nhiều dấu tích lịch sử, chẳng hạn như ở Dinh Cát vốn là nơi khởi đầu in dấu chân Nguyễn Hoàng khi ông được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558 theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân...” , nơi đạo Công Giáo đã đi vào xứ An Nam với những người Công Giáo thuần thành tiên khởi đã có tiếng trong lịch sử như Minh Đức Vương Thái Phi, vợ của Nguyễn Hoàng, và nơi còn để lại nhiều dấu tích của người Chăm-pa như ở Trung Đơn (Hải Lăng), Dương Lệ (Triệu Phong)...

Cuối năm 1910, sau gần 7 năm làm công tác mục vụ ở Cổ-Vưu, xây nhà thờ, mở trường học, chăm sóc giáo dân, dạy dỗ trẻ em, linh mục Cadière cảm thấy sức khỏe suy sụp nên đã xin phép bề trên và được về nghỉ sức tại Pháp. Nhân chuyến đi này, ngài tìm được các tài liệu bản thảo gốc cuốn từ điển của thừa sai Alexandre de Rhodes, thư từ trao đổi giữa Chúa Nguyễn Ánh với các sĩ quan Pháp qua giúp ông ở Gia-định vào cuối thế kỷ XVIII. Từ năm 1913 đến 1918, sau khi rẻo về Huế, cha Cadière được Đức Cha Allys (tên Việt là Lý) cử làm tuyên úy trường Pellerin và chính trong thời gian này ngài đã cộng tác với mợt số các nhà trí thức Pháp ở Huế thành lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ, ấn hành Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieux Hué) .

Tháng 9 năm 1918 cha Cadière được bổ làm cha sở giáo xứ Di Loan và cũng trong thời gian này ngài được cử làm Hội viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Di Loan là nơi, năm 1849, Giám Mục Pellerin đã lập một chủng viện tọa lạc ở trung tâm làng Di Loan, tứ phía có rừng tre bao bọc để bảo đảm an toàn cho chủng viện. Hệ thống báo động được tổ chức chặt chẽ dựa vào sự che chở của giáo dân. Ở Di Loan, linh mục Cadière đã để công sưu tầm được rất nhiều loại thực vật và chính ngài đã gửi các loại cây mẫu về cho Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên ở Paris. Năm 1928 cha về Pháp chữa bệnh tim và năm 1930 trở lại tiếp tục công tác mục vụ ở Di Loan.

Chính linh mục Cadière là người phụ trách Tạp chí Sacerdos Indosinensis (Linh Mục Đông Dương) là cơ quan ngôn luận của giáo sĩ Việt Nam. Sự thông minh uyên bác và tinh thần tích cực hoạt động của linh mục đã biến ngài trở nên hội viên nòng cốt của một số hiệp hội khoa học lúc bấy giờ như Hội Viễn Đông Bác Cổ, Hội Ngôn Ngữ Á Châu, Hội Địa Lý Học Hà Nội, Hội Báchg Thảo Paris, Hàn Lâm Viện Aix, Hàn lâm Viện Khoa Học Thuộc Địa, Hội Giáo Dục Tinh Thần và Luân Lý Việt Nam, Hội Thuần Dưỡng Paris, Hội Đông Dương Hộc Sài Gòn, Hội viên Trường Nhân Chủng Học Đông Dương v.v... Chính Louis Malleret khẳng định rằng linh mục Cadière là người sáng lập thực sự ngành thiểu số học ở Việt Nam và trong lãnh vực này ngài không bao giờ trở thành lỗi thời. [12] Sau biến cố Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, cha Cadière bị Nhật quản thúc ở Huế và sau ngày 19.12.1946 ngài bị chính quyền Việt Minh bắt cùng 6 linh mục Pháp khác ra giam giữ tại Cầu Rầm (Vinh). Trước khi bị bắt ngài đã viết giấy để lại tất cả sách vở cho Dòng Thiên An. Ngày 13.6.1953 cha được Việt Minh trả tự do và ngài tình nguyện trở về giáo phận Huế. Trong thời gian bị Việt Minh giam giữ ở Vinh, linh mục Cadière đã viết như sau: “Tôi đã hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây và tôi hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu (...) Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi (...) Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải qua nhiều đau khổ.” [13] Trong Hồi ký, linh mục Cadière đã viết những câu rất cảm động: “Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi những năm tháng thoát khỏi mọi công việc để chuyên tâm cầu nguyện.” [14] Đó là cô đọng những lời tâm huyết mà linh mục Cadière sau thời gian 63 năm chung sống với người Việt đã quyết định gửi nắm xương tàn của ngài ở lại Việt Nam cùng với tất cả cốt lõi tinh hoa trong tinh thần của mình trải rộng qua biết bao tác phẩm và công trình nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt về ba tỉnh Bình Trị Thiên và miền Trung mà ngài đã bỏ công sức nghiên cứu và viết ra trên giấy trắng mực đen.

Có lẽ giáo xứ Tam Tòa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung đã cho linh mục Cadière nhiều dữ kiện tiên khởi để ngài lưu tâm nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam. Nhờ nhận thấy trong tiếng Việt có những phương ngữ khác với thứ ngôn ngữ trong sách vở mình đã học trước kia nên linh mục đã viết nên tác phẩm Ngữ âm học Việt Nam gồm hai cuốn: “Phương ngữ thượng du Trung Kỳ” xuất bản năm 1902, dày 113 trang, và “Phương ngữ trung du Trung Kỳ” xuất bản năm 1911, dày 44 trang. Chính Cadière cũng quna tâm đến ngôn ngữ Mường vùng thượng nguồn sông Gianh và là người đầu tiên nhấn mạnh đến mối quan hệ gần gũi giữa tiếng Mường và tiếng Việt vùng bắc Trung Kỳ. [15] Theo Giáo sư Trương Văn Chình, “Linh mục Cadière phân biệt tiếng Bắc, tiếng Trung và tiếng Nam, và những tỉ dụ trong sách phần nhiều là tiếng Quảng Bình, nên ông đã định đặt tên sách là Syntaxe de la langue annamite suivant le dialecte du Haut-Annam (ngữ pháp Việt Nam theo thổ ngữ miền Bắc Trung-Việt). Nhưng linh mục nhận ra rằng tiếng nói ba miền chỉ có rất ít từ ngữ thông thường khác nhau, nên không hại gì đến nền duy nhất của tiếng Việt, mà ngữ-pháp từ Bắc chí Nam, đâu cũng như nhau. Vậy người soạn ngữ-pháp Việt Nam, có thể lay tài liệu ở bất cứ một nơi nào trên đất Việt. Điều này, linh mục nhận định cũng rất đúng. Người Việt-Nam dù có tiếng phát âm khác nhau, dù có nơi dùng một số thổ ngữ, nhưng hễ cấu tạo tiếng nói thành câu, thì đâu đâu cũng phải theo cùng một ngữ-pháp.” [16] Tính từ năm 1898 khi linh mục Cadière đặt bút viết lá thư đề ngày 13.01.1898 nói về trận đói ở Quảng Bình gửi cho Tạp san Missions Catholiques, tại Lyon 1898 cho đến năm 1955, trong vòng 57 năm có tất cả 245 tác phẩm của linh mục được viết ra và ấn hành gồm rất nhiều sách, tập tham luận, bài nghiên cứu, sưu khảo từ lịch sử đến địa lý, địa lý học lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, khoa học tự nhiên, văn học và kiến thức tổng quát.

Đọc những tác phẩm viết về tỉnh Quảng Bình của linh mục Cadière như Le Mur de Đồng-Hới, Les lieux historiques du Quảng Bình, hay Géographie historique du Quảng-bình, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh thân thương chốn làng quê, thí dụ cây đa đầu làng là nét điển hình, ngài đã gọi các làng như làng Trung-Bính nay thuộc xã Bảo-Ninh, Đồng Hới là “làng của những cây đa” (village des banians). [17] Linh mục Cadière có công đưa ra ánh sáng một số tên làng vốn có liên hệ với lực lượng trú đóng quân sự từ thời Gia Long hay Minh Mạng, thí dụ làng Hữu Cung xưa có tên Hữu Cai (gần giáo xứ Sáo Bùn) hay thổ ngữ gọi là Hồ Cai hay một chiến lũy chạy dọc theo bờ biển từ phía nam đồn Sa Phụ vào đến Cửa Tùng gọi là lũy Trường Sa. Linh mục đã lưu ý đến các hình thức tín ngưỡng dân gian, sưu tập lại các ca dao tục ngữ Quảng Bình.

Tại giáo xứ Tam Tòa, khi linh mục Cadière làm chính xứ năm 1895, ngài đã giúp cho giáo dân cải tiến nghề khắc chạm đồ gỗ, một ngành nghề sẽ phát triển mạnh và giúp nhiều công ăn việc làm cho người dân ở đây. Một tác giả trong nước đã ghi nhận như sau: “Đầu năm 1895, khi linh mục Léopold Cadière (cố Cả) là một nhà văn hóa lỗi lạc đến làm cha sở Tam Tòa. Ngài đã đem mẫu mã cũng như kiến thức về nghệ thuật cổ điển châu Âu truyền đạt lại. Từ đây những chùm nho, lá vạn tuế, những cửa vòm theo nghệ thuật Gothique, những cột theo kiểu La Hy, cùng với những hoa văn, họa tiết như mai, lan, cúc, trúc, quả đào, quả lựu của nghệ thuật khắc chạm cổ truyền Việt Nam đã được ông Tư (tức Nguyễn Văn Tư cũng gọi là Huyện Tư, một bậc tổ sư trong nghề khắc chạm đồ gỗ ở giáo xứ Tam Tòa lừng danh trong nước, đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI ban tặng huy chương Tòa Thánh. NĐC ghi chú) cùng học trò phối hợp, đan xen vào nhau để tạo nên những tác phẩm chậm khắc vô cùng sinh động như bàn thờ, tủ thờ, tượng Thánh...” [18] Trên tạp chí Xưa và Nay số 6 năm 1995, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dưới bài viết nhan đề “Linh mục Cadière, một trong những người mở đầu môn Việt Nam học” , Đào Hùng đã tổng kết rằng: “Có thể nói tư tưởng của linh mục Cadière đã mở đường cho những người nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt hay người nước ngoài, phải kính cẩn suy ngẫm. Ông đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây từng nghĩ rằng đã hoàn toàn Hán hóa, không có cá tính...” [19] Trong tập san Pháp Á (France-Asie) số 112 tháng 5 năm 1955, Maurice Durand viết về linh mục Cadière rằng: “Những công cuộc khảo cứu của ngài chỉ là một phương tiện để tìm hiểu và yêu mến những linh hồn mà ngài có bổn phận chăn dắt.” [20] Dĩ nhiên “những linh hồn” ấy cũng gồm có giáo dân giáo xứ Tam Tòa đã sống dưới sự dìu dắt, chăm sóc của linh mục Cadière những năm cuối thế kỷ XIX.

Suy nghĩ về những đóng góp rất giá trị và tấm lòng nhiệt thành của linh mục Cadière đối với nền văn hóa Việt Nam, giáo sư Trương Văn Chình đã viết: “Dẫu sao chăng nữa, chúng ta cũng phải cảm ơn linh mục mục Cadière đã góp công vào môn ngữ học Việt Nam, không phải là nhỏ. Cuốn Syntaxe de la langue vietnamienne sẽ giúp ích rất nhiều cho người ngoại quốc nào biết tiếng Pháp, để học tiếng Việt, vì có nhiều tiết như tiết dạy về “thuộc tính của thể từ” (genre dans les substantives, trang 12/14; dạy về cách dùng tiếng xưng hô, trang 47/51; dạy về cách dùng số đếm, trang 23/27; v.v..., tuy không ích gì cho chúng ta, nhưng rất quý cho những người ấy. Chúng ta còn phải cảm ơn linh mục, vì linh mục hiểu chân giá trị của tiếng Việt và đã nói ra cái giá trị ấy thế nào.” [21]

3.- Linh mục René Toussaint Morineau (cố Trung), vị chủ chăn của giáo xứ Tam Tòa, với những công trình kiến trúc và cải tiến dân sinh đã đi vào lịch sử.

Hai công trình xây cất mặc dù ngày nay đã đổ nát nhưng vẫn còn đứng đó để chứng kiến dòng chảy của lịch sử, đó là mặt tiền thánh đường La-Vang ở Quảng Trị và mặt tiền ngôi nhà thờ giáo xứ Tam Tòa ở Quảng Bình, hình ảnh đã thênh thang đi vào lịch sử với biến cố ngày 20.7.2009. Cả hai đều là công trình kiến trúc của một vị linh mục người Pháp có tên René Toussaint Morineau (tên Việt là Trung) thuộc giáo phận Huế trước đây có thời là chính xứ Tam Tòa.

Linh mục Morineau sinh ngày 1.11.1873 tại La Salle-de-Vihiers, thuộc giáo phận Angers, miền trung lưu vực sông Loire, vùng Bretagne mạn Tây bắc nước Pháp, thành viên của Hội Truyền Giáo Paris, thụ phong linh mục ngày 26.6.1898 tại Đại Chủng Viện Thừa sai Paris.

Dường như linh mục Morineau có một thiên khiếu về kiến trúc xây dựng nên đi tới đâu, sống bất cứ tại giáo xứ nào, ngài cũng tìm cách áp dụng những hiểu biết của mình để cải tiến đời sống của người dân, khắc phục những chướng ngại về địa dư, phong thổ, phát triển về các mặt dân sinh, xã hội.

Ngày 27.7.1898, linh mục Morineau tới Huế được Giám Mục Caspar bổ làm phó xứ Diêm Tụ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên dưới quyền của cha chánh xứ Stoeffler. Cuối năm sau, ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên. Sau đó ngài về Pháp chữa bệnh một thời gian khá dài đến tháng 3.1910 trở lại giáo phận Huế để từ đây đảm nhiệm nhiều giáo xứ khác nhau.

Từ tháng 3.1910, ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ Lại-Ân, tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang. Để giúp cho dân chúng các địa phương quanh vùng đi lại thuận tiện, ngài đã vận động chính quyền đắp con đường từ Chợ Nọ qua các làng Mậu Tài – Lại Ân – Vĩnh Lại – Quy Lai tới quan lộ đi xuống cửa Thuận An.

Tại xứ đạo Tân Mỹ, nơi đây thường bị lũ lụt tàn phá, như trận bão năm Giáp Thìn (tháng 9.1904) đã cuốn trôi theo dòng lũ 40 người dân (chỉ có gia đình còn sống sót một người đó là linh mục Trần Văn Sanh nhờ đang học Đại chủng viện Phú Xuân) nên cha sở Morineau đã hô hào bà con trong giáo xứ đứng ra đắp một con đập cao chạy bao quanh làng. Nhờ công trình đó, người dân xứ Tân Mỹ khỏi phải lo sợ cơn bão hàng năm.

Tháng 6.1922, linh mục Morineau được bề trên cử làm cha sở giáo xứ Trí Bưu (Quảng Trị) kiêm Hạt trưởng Dinh Cát. Trong thời gian làm việc ở đây, cha Morineau đã để lại hai công trình đó là mở đường lớn từ tỉnh lỵ Quảng Trị nối liền thánh địa La Vang nằm về phía bắc con đường hiện nay và công trình thứ hai đó là xây cất thánh đường La Vang.

Khởi công từ năm 1924 theo đồ án của kiến trúc sư danh tiếng Parmentier, ngôi thánh đường được xây dựng trong bốn năm liền dưới sự điều động của linh mục Morineau lúc đó đang làm chánh xứ Trí Bưu cách đó trên 10 cây số. Hàng ngày người ta thấy linh mục sáng đi chiều về đều đặn trên chiếc xe đạp, có mặt ở công trường để điều động, trông coi nhiều tốp thợ xây cất. Ngôi thánh đường rộng lớn, có hai tầng mái ngói và hai cánh thánh giá, tháp chuông hai tầng cao ngất nổi bật lên trời cao. Ngày 20, 21 và 22 tháng 8 năm 1928, nhà thờ La Vang được khánh thành. [22]. Mùa hè năm 1972, trong trận chiến Quảng Trị, thánh đường La Vang đã bị thiệt hại nặng còn trơ lại tháp chuông như còn thấy hiện nay.

Năm 1934, linh mục Morineau được cử làm chánh xứ Tam Tòa và tại đây ngài đã khởi công xây dựng lại giáo xứ. Trước hết ngài xây lại ngôi thánh đường rộng rãi mà kiến trúc bên trong mang những đường nét tựa như thánh đường La Vang với các hàng cột vòm cung. Hai tượng chân phước Đoạn Trinh Hoan và Nguyễn Văn Phượng được đặt trên hai hàng cột trước cung thánh. Mặt tiền nhà thờ trông về hướng tây với một con đường chạy thẳng ra đụng vào quốc lộ I. Tại ngã ba đó, chính quyền Pháp ở Đồng Hới xây một đài kỷ niệm tử sĩ (Monument Aux Morts). Con đường Truyền Giáo (Rue de la Mission) được chỉnh trang lại, mở rộng ra chạy theo hướng bắc nam dọc theo giáo xứ từ cổ thành Đồng Hới đến Động Cát (cuối giáo xứ tức Côte vint-six). Bên cạnh trái ngôi thánh đường mới là nhà cha sở với ngôi nhà hai tầng khang trang và một khu vườn rộng đầy cây cao nom như cả một khu rừng. Bên cánh phải nhà thờ là một sân rộng và một dãy nhà gồm nhiều phòng làm nơi sinh hoạt của các đoàn thể, hiệp hội trong giáo xứ. Đối diện với nhà xứ là cơ sở của Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa, cũng có tên là Nhà Phước Tam Tòa, do các nữ tu coi sóc việc dạy cho các trẻ em trong giáo xứ học chương trình bậc tiểu học. Cha Morineau còn vận động với Sở công chánh xây một bờ kè kiên cố bằng đá ong dọc theo bờ sông Nhật Lệ suốt theo chiều dài giáo xứ từ Cầu Mụ Kề đến Viện Dục Anh ở cuối làng. Một trường trung học có tên Saint Marie về sau được đổi tên Trung Học Chân Phước Phượng cũng đã được xây dựng làm cơ sở giáo dục cho con em trong giáo xứ và tỉnh lỵ Quảng Bình.

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, linh mục Morineau bị quản chế tại Đồng Hới. Tháng 8 năm 1945, cha bị tập trung về Nhà Chung Huế. Ngày 2.11.1946, chính quyền Việt Minh đã cho lệnh tập trung tất cả các linh mục người Pháp thuộc giáo phận Huế trong đó có linh mục Morineau và 6 linh mục khác và đưa ra an trí tại giáo xứ Cầu Rầm thuộc giáo phân Vinh. Lúc đó cha Morineau đã 73 tuổi, già yếu, bệnh hoạn. Ngày 20.4.1948 linh mục Morineau mất tại Cầu Rầm, thọ 75 tuổi và được an táng tại đây.

Năm 1968, ngôi thánh đường giáo xứ Tam Tòa cũng chịu hoàn cảnh đau thương của chiến tranh như nhà thờ La Vang năm 1972 nhưng có lẽ đó cũng là cái may mắn của lịch sử dành cho Tam Tòa – bởi lẽ qua các sự kiện ngày 20 và 26.7.2009 – Tam Tòa đã trở nên một trong những biểu tượng của người giáo dân Việt Nam đứng lên tranh đấu đòi cho được Công Lý và Sự Thật. Nhờ vậy tên tuổi của vị linh mục đã bỏ nhiều công sức, trí tuệ xây dựng nên ngôi thánh đường này được nhắc tới cùng với những công tác cải tiến dân sinh của ngài chứng minh như lời Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI nói “các linh mục không chỉ cho giáo hội, nhưng còn cho chính nhân loại” . Một Alexandre de Rhodes (Đắc-Lộ) với các công trình đóng góp hình thành nên chữ quốc ngữ, một Léopold Cadière (cố Cả) với những cống hiến vô giá về mặt sử học, ngôn ngữ, dân tộc học Việt Nam, một René Toussaint Morineau (cố Trung) với biết bao tâm huyết để vào cuộc đổi mới đời sống người dân, cùng những công trình kiến trúc một thời lưu dấu. Tất cả những việc làm đó không chỉ đem lại ích lợi cho giáo dân mà còn cho cả người dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo, giới tính hay trình độ. Tinh thần phục vụ đó không chỉ có nơi các vị mục tử ngoại quốc mà còn có nơi các vị linh mục bản xứ tại giáo xứ Tam Tòa hay bất cứ giáo xứ nào khác qua trường kỳ lịch sử trên đất nước Việt Nam mà chúng tôi sẽ có dịp nhắc tới.

New Jersey September 23, 2009

CHÚ THÍCH:
1.- VietCatholic News, June 21, 2009.
2.- Carl Bernstein and Marco Politi, His Holiness, John Paul II and the hidden history of our time, Doubleday, 1996, tr. 395.
3.- Linh mục Trần Điển, 12 Vị Thánh Tử Đạo của Địa Phận Huế, Dòng Đồng Công Carthage, MO xuất bản, 1989, tr. 6-7.
4.- Kỷ yếu Nhà Thờ Tam Tòa Đà Nẵng, sau 50 năm qua ba thời kỳ xây dựng, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2004, tr. 5-7.
5.- Lm Nguyễn Văn Ngọc, Trang sử giáo xứ Tam Tòa, ông Dương Văn Khâm ghi lại, thủ bản Ronéo, tr. 23.
6.- “Le Sacerdoce, c’est l’amour du Coeur de Jésus” (in Le Curé d’Ars, Sa pensée, Son Coeur. Orésentés par l’Abbé Nodet, éd. Xavier Mappus, Foi Vivante, 1966, p. 98. (Vietcatholic.net ngày 21.6.2009).
7.- Tạp chí MEP, số 92, tr. 497; dẫn theo Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, Tập hai, 2000, tr. 49.
8.- Léopold Cadière, Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens, Tome III, Nxb. École francaise d’Extrême-Orient, tr. 6.
9.- Louis Malleret, Notice sur la vie et les travaux du R. P. Léopold Cadière (1869-1955), in trong bộ Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens (gồm 3 quyển), Sđd, tr. 8.
10.- Louis Malleret, Sđd, tr. 8.
11.- Trương Văn Chình, Đọc cuốn “Syntaxe de la langue Vietnamienne”, Đại Học, tạp chí nghiên cứu của Viện Đại Học Huế, số 12, tháng 11 năm 1959, tr. 15; Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, Nhà xuất bản Nhật-Lệ, 2006, tập I, trang 90.
12.- Louis Malleret, Sđd, tr. 14.
13.- Ngọc Quỳnh, Hoài niệm Cố Cả, nguyệt san Nguồn Sống, Địa phận Huế, số 1 ngày 15.7.1958, tr. 45.
14.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 44.
15.- Louis, Malleret, Sđd, tr. 9. (Phonétique annamite: dialecte du Haut-Annam, trong những tác phẩm đã xuất bản của Trường Viễn Đông Bác Cổ Vol.III. Paris Imprimerie Nationale, Ernest Leroux, rue Bonaparte, 28, 1902).
16.- Trương Văn Chình, Tư liệu đã dẫn, tr. 16; Nguyễn Đức Cung, Sđd, trang 94.
17.- L. Cadière, Les lieux historiques du Quảng-Bình, Bulletin de l’École francaise d’Extrême Orient. 1903.
18.- Dương Kim Sinh, Cụ Huyện Tư, Nghệ nhân được Tòa Thánh ban tặng huy chương, Công Giáo & Dân Tộc, tuần lễ từ 08.7 đến 14.7.2005.
19.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 52.
20.- Lê Ngọc Bích, Sđd, tr. 51.
21.-Trương Văn Chình, Bài đã dẫn, tr. 46; Nguyễn Đức Cung, Sđd, trang 101.
22.- Lê Ngọc Bích, Nhân vật giáo phận Huế, Tập II, 2000, tr. 55.