Khoa học xã hội nói gì về hạnh phúc, đó là câu hỏi được Sidney Callahan đặt ra trên tập san Công Giáo Mỹ America, số ngày 23 tháng Hai năm 2009 vừa qua

Theo Callahan, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ coi việc mưu cầu hạnh phúc là một quyền bất khả nhượng của con người. Nhưng Thomas Jefferson hẳn phải ngạc nhiên khi thấy số người đi tìm nó cứ mỗi ngày một đông thêm lên. Khiến một đoàn ngũ đông đảo các nhà khảo cứu khoa học xã hội cũng như các nhà hành nghề liên hệ đang phải khai triển ra cả một thứ “khoa học về hạnh phúc”. Trong số các dự án của họ, người ta thấy họ đang gom góp một thứ “chỉ số” (indexes) về hạnh phúc và những chỉ số tương đối cho từng quốc gia và cá nhân. Lãnh vực nghiên cứu mới về hạnh phúc, hay an vui chủ quan (subjective well-being), đang trở thành một lãnh vực liên ngành ngày càng lớn mạnh; nhiều trường đại học đang cung hiến nhiều giảng khóa nhằm thăm dò lý do và nguyên ủy của sự triển nở nơi con người, được bổ túc bằng nhiều bài làm và bài tập về hạnh phúc. Sự độc quyền, trước đây vốn do tôn giáo và triết học nắm giữ như đường dẫn tới Thiên Đàng, nay đã chấm dứt.

Bên ngoài thế giới khoa bảng, các hội nghị liên ngành cũng đang tổ chức nhiều khóa hội thảo, nhiều khóa thực tập (workshops), nhiều cuốn sách tự làm (self-help) và nhiều chương trình trị liệu đủ mọi trình độ từ có giá trị đến không có giá trị. Lo âu không dám ghi danh tham dự những buổi hội thảo mắc tiền nhưng bảo đảm sẽ đạt được hạnh phúc trong ba tháng ư? Đã có những nhà kinh tế học đầy nghiêm chỉnh sẵn sàng sử dụng ‘vi tích phân hạnh phúc’ (felicific calculi) để nghiên cứu và đo lường “tính hữu dụng” (utility), một cách miêu tả hạnh phúc theo phương diện kinh tế. Các nhà làm chính sách tại các quốc gia phát triển và chưa phát triển đều đang dựa vào các nghiên cứu về hạnh phúc để gia tăng “sản lượng sổi về hạnh phúc của cả nước” (gross national hapiness) cho nhân dân họ.

Các cố gắng cấp chính phủ ấy có thể được biện minh do sự kiện vì các đe doạ sinh thái, việc gia tăng tiêu thụ hiện đang được coi như thành tố chính đem lại hạnh phúc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác về sức khỏe lại đang đi tìm các phương cách khác vì họ hết sức lo ngại trước tỷ lệ trầm cảm mỗi ngày một lên cao.

Định nghĩa hạnh phúc

Các nhà khảo cứu cố gắng đưa ra các định nghĩa thích đáng cho hạnh phúc. Ở một bình diện, hạnh phúc phát sinh do niềm vui tích cực dâng cao, tức các xúc cảm có tính tức thời và trực giác xem như vốn có sẵn trong ta do các diễn trình lựa lọc của biến hóa đan kết. Những giây phút xúc cảm cao độ như thế xuất hiện, rồi loãng đi, vì chúng không thể nào kéo dài liên tục mãi được. Các cảm nghiệm thanh thản hơn của hạnh phúc và thoả mãn bổ túc cho “các cảm nghiệm cực độ” để tạo ra một cảm thức rộng lớn hơn về an vui toàn diện. Mọi người, ai cũng sẽ gặp những cảm nghiệm tiêu cực, như buồn phiền mất mát, nhưng đối với con người hạnh phúc, những cảm nghiệm tiêu cực ấy bị dìm ngập bởi cái sung mãn do các cảm nghiệm tích cực kia đem lại.

Nhưng các thẩm định luân lý có liên hệ ra sao đối với cái hiểu về hạnh phúc? Từ Plato và Aristotle tới tận các nhà lý thuyết về đức hạnh ngày nay, cuộc sống hạnh phúc vốn được định nghĩa là cuộc sống tốt về phương diện luân lý, khi mang so sánh với một tiêu chuẩn khách quan rộng lớn hơn về giá trị. Nếu không có chiều kích siêu việt hay tiêu chuẩn khách quan về sự thiện, thì hạnh phúc sẽ trở thành chủ quan và tương đối hoàn toàn. Lúc ấy, đâu còn chi ngăn người ta không coi là hạnh phúc một tên bạo dâm (sadomasochist) phớn phở, hay một tên tâm thần bất thường, hay một cá nhân say khướt.

Những ai thuộc cánh tâm lý học tích cực (positive psychology) trong phong trào hạnh phúc đều coi các giá trị luân lý và các đức hạnh là điều chủ yếu trong việc định nghĩa hạnh phúc nhân bản. Martin Seligman, sáng lập viên ngành tâm lý học tích cực của Mỹ và là tác giả cuốn Authentic Happiness, ủng hộ các truyền thống luân lý. Cùng nhiều đồng nghiệp khác, ông đã khai triển ra cả một cuốn toát yếu gồm các đức hạnh luân lý phát nguyên từ gia tài văn hóa và tôn giáo của toàn bộ nhân loại. Bảng liệt kê các đức hạnh này gồm có đức khôn ngoan, đức can đảm, đức điều độ, đức yêu thương, đức công bình và tâm linh tính. Mục tiêu của phong trào này là nhìn nhận và giúp cho các mặt mạnh và các khả năng nhân bản có thể phát triển và bền bỉ. Những nhà trị liệu đầy tích cực và lạc quan này đang phục hồi khái niệm tác nhân luân lý tự do (free moral agency), qua đó, người ta có thể phát triển đức tính luân lý với các thái độ và tác phong mới mẻ. Họ thừa nhận rằng có nhiều giới hạn do tính khí đem lại, một tính khí vốn do di truyền mà có. Tuy nhiên, họ vẫn coi hạnh phúc tùy thuộc ở lựa chọn của ý chí hơn là tùy thuộc vào các hoàn cảnh xã hội ở bên ngoài.

Người cổ vũ tâm lý học tích cực là thân hữu của đức tin và là người ủng hộ tâm linh tính, nhất là hình thức Phật Giáo từng được Dalai Lama đem tới Phương Tây. Tuy vậy, nhiều nhà khảo cứu về hạnh phúc tỏ ra ít hiểu biết về Kitô giáo hơn. Người ta được truyền dạy phải trân qúy các niềm vui hiện tại, thực hành thiền định và sâu sắc hóa các cam kết của mình. Thực hành và kiên nhẫn sẽ dẫn tới hạnh phúc.

Ai là người hạnh phúc?

Việc quay qua đi tìm một thứ “khoa học mới cho hạnh phúc” hay một thứ “an vui chủ quan” như trên phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có việc khảo cứu thực nghiệm. Những cuộc nghiên cứu đa văn hóa liên tiếp cho người ta thấy người hạnh phúc là người lạc quan, có óc thực tiễn và về phương diện xã hội, biết gắn bó với gia đình và bằng hữu. Người hạnh phúc cho biết họ có trình độ cao về tự trọng, về tâm linh tính và niềm tin tôn giáo; họ cam kết với các ý nghĩa siêu việt trong cuộc sống của họ. Tiền bạc đối với họ chỉ quan trọng bậc nhì, miễn sao có đủ thu nhập để thoả mãn các nhu cầu thiết yếu và sống đàng hoàng, song song với khả năng có thể nghỉ ngơi, giải trí. Điều nghịch lý là người hạnh phúc tìm thấy mức hạnh phúc cao mà không cần các cố gắng gây căng thẳng và đòi có ý thức. Quên mình để phục vụ các mục tiêu yêu thương và làm việc rộng lớn hơn đủ đem lại hạnh phúc cho họ. Khi mang các dữ kiện của những người tự cho mình hạnh phúc ra so sánh về nghề nghiệp, những người trong các nghề giúp đỡ người khác là những người hạnh phúc hơn những người thuộc các ngành nghề khác.

Dân tộc và nhóm nào có điểm cao trên thang điểm hạnh phúc đều là các dân tộc hay nhóm có một nền văn hóa biết coi trọng sự tin cậy hỗ tương, biết bao hàm mọi người và bình đẳng dân chủ. Dân tộc hạnh phúc có thể giầu hay nghèo hay trung dung ở giữa, nhưng dân con họ luôn gắn bó với các giá trị luân lý chung, dù các giá trị ấy không có tính tôn giáo một cách rõ ràng và theo truyền thống. Băng Đảo, Đan Mạch và Thụy Sĩ, ba xứ sở thế tục này, hiện đang dẫn đầu thế giới về điểm hạnh phúc. Các xã hội buồn thảm hơn, nghĩa là ở đáy thang điểm thỏa mãn trên đời, đều cho thấy họ thiếu một căn tính văn hóa và một mục tiêu có ý nghĩa, dù họ giầu, như có nhiều dầu hỏa chẳng hạn. Lãnh đạm và vô vọng thường phát sinh do tình trạng tha hóa về phương diện công dân. Cảnh thiếu thốn thường sản sinh ra bất mãn, và các thái độ như ghen tức và không tin nhau thường đem lại hiệu quả làm giảm hạnh phúc của một dân nước. Một lần nữa, ở đây, trên bình diện tập thể, khoa học về hạnh phúc xuất hiện để củng cố tầm quan trọng của các giá trị luân lý, nhất là của đức công bình, của tính bao hàm và lòng tin tưởng hỗ tương.

Một nền tảng khoa học chủ yếu nữa đối với tân phong trào hạnh phúc có thể nhận ra trong tâm lý học biến hóa và trong tâm lý học thần kinh (neuropsychology). Hai ngành học mới này cho thấy tầm quan trọng của xúc cảm tích cực trong vận hành nhân bản. Đã có chứng cớ chứng tỏ rằng các hành vi vị tha đem lại phần thưởng tích cực về xúc cảm cho người vị tha. Đàng khác, người ta thường công nhận rằng các xúc cảm tích cực như yêu thương, tương cảm, quyến luyến và niềm tin tôn giáo làm gia tăng sức khỏe thể lý, trường thọ và tâm trí lành mạnh. Tươi vui và hạnh phúc, hợp tác, tha thứ và tin tưởng nhau, những điều đã góp phần đáng kể vào lẽ sống còn của con người trong suốt quá trình biến hóa, hiện được coi là chủ yếu đối với sự triển nở nhân bản. Dĩ nhiên, các xúc cảm tiêu cực như sợ hãi, ghen ghét và giận dữ vẫn hiện diện rất rõ ràng và mạnh mẽ trong nhiều nhóm nhân bản, nhưng hiện đã có sự công nhận mới về tầm quan trọng nơi các đặc điểm tích cực và phổ quát của nhân loại.

Các nghiên cứu thực nghiệm liên tiếp cho thấy phần lớn các dân tộc trên thế giới nói cách chung khá hạnh phúc, ngoại trừ một số dân tộc bệnh hoạn, nghèo khổ hay bị vướng vào những cuộc nội chiến hay thiên tai trầm trọng. Nói tới hạnh phúc, hình như lợi tức, phái tính, tuổi tác hay giai cấp không quan trọng mấy bằng các thái độ bản thân cũng như các gắn bó có tính văn hóa.

Phê phán tôn giáo

Trong cuộc tranh luận hào hứng hiện nay về hạnh phúc, dĩ nhiên có nhiều đất dành cho ngành phê bình thế tục và tôn giáo dụng võ. Liệu có nên hạ giá ngành nghiên cứu về hạnh phúc, coi nó chỉ là một thứ thời thượng mới nhất thuộc lãnh vực tự giúp mình (self-help) hay chăng? Có lẽ các nhà “hạnh phúc học” (happiologists, nghĩa là những người chuyên đưa ra những câu hỏi để độc giả tự thẩm định mức hạnh phúc của mình) đáng nhận câu bình luận có vẻ khinh khi sau đây của người Anh: “Chúng tôi không làm hạnh phúc ở đây”. Thực ra, các nhà trí thức lúc nào cũng dị ứng đối với các chương trình tự giúp, coi chúng chỉ là việc quá ngây thơ hay là trò bịp rẻ tiền. Những nhà bi quan về hạnh phúc có ảnh hưởng ở Phương Tây đã lên khuôn cho tâm thức ấy. Hãy lấy Freud hay Sartre về phía thế tục và những nhà tôn giáo như Calvin hay Pascal làm điển hình. Tác giả sau cùng vốn nghĩ con người bị kết án phải phạm tội, phải buồn sầu và thống khổ.

Các nhà phê bình thế tục hiện nay thường hoài nghi không biết liệu các nhà nghiên cứu về hạnh phúc có tránh được các vấn đề như tự mình phúc trình cho mình, tự mình đánh lừa mình, tự mình trả lời cho mình cách thiên kiến hay không. Liệu các kết quả và can thiệp thực nghiệm trong nghiên cứu hạnh phúc có đáng tin hay có giá trị theo các quy phạm khoa học hay không.

Khi lượng định các chiến thuật can thiệp có tính tâm lý học đối với cá nhân, các nhà phê bình này thường tra vấn mức độ theo đó người ta tiến hành các lượng giá về chính mình rồi sau đó lại tập trung các cố gắng để đạt cho được các thói quen mới cho tâm trí, xúc cảm và tác phong của mình. Nếu các cá nhân này đạt được sự thay đổi như vậy, thì liệu các tiến triển này có được duy trì nếu không có sự nâng đỡ của nhóm hay của một định chế nào không? Mặt khác, chú trọng quá tới hạnh phúc bản thân cũng có thể coi nhẹ nỗi bất hạnh của người khác…

Các nhà tâm lý học khác cũng sẽ thắc mắc không hiểu các nhà trị liệu hạnh phúc có coi trọng các yếu tố vô thức của nhân cách hay không, những yếu tố này rất có thể phá hoại các cố gắng hữu lý, có ý hướng nhằm thay đổi tác phong của người ta. Phải chăng mọi người đều muốn mình hạnh phúc? Rất có thể có những nguồn lắt léo gây bất hạnh mà người ta không thể nào thắng vượt được nếu không có những liên hệ liên bản ngã sâu sắc với người khác hay với một nhóm nâng đỡ nào đó. Muốn biến đổi, người ta thường cần phải cảm nhận được một mối tương cảm, một tình yêu và một lòng vị tha có tính trị liệu và thường xuyên từ những người bạn cùng chí hướng…

Việc đánh giá của luân lý và tôn giáo đối với ngành nghiên cứu đang diễn tiến về hạnh phúc này là việc sẽ còn diễn tiến lâu dài. Cho đến nay, sự ủng hộ của nền luân lý thần học đối với phong trào tâm lý học tích cực không có tính hệ thống chi hết, mà chỉ là những suy nghĩ “động đâu bàn đó” (ad hoc) mà thôi. Các nguồn thực nghiệm của phạm trù đức hạnh và mặt mạnh đem lại cho chúng tính lỏng lẻo về lý thuyết. Dù sao, các nhà nghiên cứu cũng chỉ là những nhà canh tân về tâm lý học, chứ không phải là những nhà triết học, đạo đức học hay thần học có huấn luyện, nên khó tránh được các bất nhất hay pha trộn kiểu chiết trung luận (syncretism). Ấy thế nhưng, việc nhấn mạnh tới nhân tố luân lý cá thể và việc thủ đắc cách hữu hiệu các nhân đức, biến chúng thành thói quen, là điều có nhiều hứa hẹn. Các chương trình đào luyện hạnh phúc xem ra giống như dịch bản đã được tục hóa và giản lược hóa của nền đạo đức học cổ truyền xưa về nhân đức.

Các thao tác về hạnh phúc khá giống với các thực hành linh thao rất quen thuộc của Kitô giáo, như cổ vũ tình yêu, lòng biết ơn, lòng tin cậy, lòng nhân ái, sự tha thứ, lòng khoan dung, việc dấn thân, lòng kiên vững và việc thiện. Người Công Giáo nào mà đọc những sách thuộc loại “Làm thế nào để được hạnh phúc?” không khỏi không tự hỏi có còn hoa trái và hồng ơn Chúa Thánh Thần nào chưa được đề cập tới hay chăng.

Đến đây, xin bàn tới điểm thần học cao nhất của vấn đề. Có thể nào có biến đổi tích cực và hạnh phúc đức hạnh mà không cần đến sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa vốn đã được trao ban nơi, với và qua Chúa Kitô chăng? Đã đành hạnh phúc và niềm vui vốn đã được hứa ban cho các kẻ đạo hạnh tuân theo các giới răn của Thiên Chúa và cho bất cứ ai, nhờ đức tin, trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng niềm hạnh phúc từng được ta coi như mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa có làm cho các phương thức hạnh phúc khác trở thành bất khả, bất thành và bất toàn không?

Những người bi quan trong truyền thống Kitô giáo cho rằng chỉ những ai thờ phượng Thiên Chúa và minh nhiên khẳng nhận Chúa Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Tinh mới tìm được niềm vui ở thế gian này và hạnh phúc muôn thuở ở đời sau. Chính Thánh Augustinô có lần đã cho rằng các triết gia thời ngài khó mà được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn vì họ không đem lại sức mạnh cho ý chí của nhân loại sa ngã hay không đảm bảo sẽ chiến thắng sự chết nhờ sự phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế mọi trái tim con người đều không được thư thái cho tới khi được yên nghỉ trong Thiên Chúa. Hạnh phúc trọn vẹn và trường cửu chỉ có trong đức tin Kitô giáo mà thôi.

Tuy nhiên, các tín hữu có tinh thần lạc quan hơn lại nghĩ rằng các người không tin cũng như các tín hữu của các tôn giáo khác cũng có thể được hạnh phúc, dù rất có thể họ không nắm được sự viên mãn của niềm vui do Chúa Kitô trao ban. Luận điểm này đặt căn bản trên niềm tin vững chắc rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự; Chúa Thánh Thần làm việc không ngừng và làm việc ở khắp mọi nơi, dù một cách ẩn danh. Há đã chẳng có lời hứa đó sao, rằng “Người sẽ không bẻ gẫy cây sậy bầm dập cũng như không dập tắt một ngọn nến đang leo lét”? Theo thiển ý, các phong trào tâm lý đang lớn mạnh nhằm đạt hạnh phúc là các phong trào có giá trị và nên được khích lệ. Cuộc đối thoại có phê phán của Kitô giáo đã được cần tới từ lâu rồi và hạnh phúc là điểm rất tốt để khởi đầu cuộc đối thoại này.