13 Cánh Sẻ Cát Minh trong Đan Viện miền Deux-Sèvres

Hàng năm, vào tháng 8, mỗi sáng tôi đều dự thánh lễ trong một đan viện nhỏ ở miền Deux-Sèvres. Tôi có dịp đếm từng cánh sẻ nâu Carmélites. Năm nay, số nữ tu trong tu phục mầu nâu vẫn là 12: một ngồi xe lăn, một nữ tu khác chống nạng, một đàn thánh nhạc phụng vụ. Nhánh cây Niort trong đại thụ Carmel ở Pháp trĩu nặng tuổi đời của 12 nữ tu. Năm nay có thêm một cánh sẻ nâu dự tu. Cánh chim non thứ 13 vừa nhập đàn, nguyên quán miền Viễn Đông, mái tóc huyền buông dài. Cánh sẻ 13 hẳn đến từ nước Việt, nơi có Dòng Kín Kim Long ở bên bờ sông Hương của Mẹ Marie-Aimée Nguyễn Thị Tài, trưởng nữ của Quận Công Nguyễn Hữu Bài. Cánh sẻ thứ 13 sẽ còn trụ trì lâu năm trong đan viện cổ kính, sau khi 12 cánh chim đầu đàn lần lượt bay về quê trời. Ngoài lời kinh nguyện, cuộc sống của các nữ tu là sự lặng thầm và lao động, trong niềm vui Cát Minh (Cát: niềm vui tốt lành; Minh: trong sáng). Nhà nguyện nhỏ, tổ ấm của 13 cánh sẻ nâu được chở che bởi thập giá Cát Minh với ba đường chỉ khâu, vá víu vết thương thánh tích.



Thánh giá Cát Minh và Thập giá chắp vá vết thương thánh tích

Những cánh sẻ Cát Minh gọi đàn

Trong bài này, 13 nữ tu Cát Minh hóa thân thành chim sẻ như những cánh sẻ nâu chốn quê nhà. Đôi cánh chắp lại giống cánh voan đội trên đầu đan sĩ. Trong văn học công giáo, Dialogues des Carmélites trở thành áng văn tuyệt tác. ‘‘Những cánh sẻ Cát Minh gọi đàn’’ nhằm giới thiệu di cảo bất hủ của văn hào Pháp Georges Bernanos (1888-1948), trong khung cảnh mùa hè lặng thầm của đan viện Cát Minh ở Niort. Tác giả trước tác trong cơn bạo bệnh. Chủ đề tác phẩm là sự ám ảnh về cái chết, thể hiện qua những mẩu đối thoại giữa mẹ bề trên và nữ tu Blanche. Cô Blanche thoát chết trong chuyến xe song mã của cha mẹ. Năm 1798, cô dâng mình trong tu viện Cát Minh. Mẹ bề trên hỏi vì sao cô quyết định nhập dòng ‘‘Thưa mẹ, vì con cảm thấy như bị cuốn hút bởi cuộc sống hùng anh đan viện’’. Thực ra, Blanche nương mình chốn đan viện để thoát khỏi sự sợ hãi. Một thời gian ngắn sau ngày Blanche vào dòng, mẹ bề trên lâm chung. Một nữ tu trẻ phát biểu về cái chết của mẹ bề trên: Người ta bảo rằng Chúa lòng lành mà cũng nhầm người, như ở phòng áo đôi khi người ta đưa nhầm chiếc áo của người khác. ‘‘Sœur Constance, cái chết của người khác có nghĩa như thế nào ?’’. ‘‘Điều này có nghĩa là vào giờ lâm tử, cá nhân bi chết nhầm cảm thấy kinh ngạc vì cái chết đến quá đột ngột, nhưng cũng có khi cảm thấy phúc thật. Chị có thấy tôi đang bận chiếc áo tươm tất chỉnh tề không ?’’

Mẹ bề trên qua đời vào lúc cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ. càng lúc càng đe dọa cuộc sống bình yên của các nữ tu. Dòng Cát Minh trải qua chuỗi ngày gian khổ. Một số sẵn sàng tử đạo. Nhưng Blanche vẫn còn sợ chết. Các nữ tu bị trục xuất khỏi dòng. Những cánh sẻ chia lìa, tan tác. Blanche phải sống trong ngôi nhà từ đường, thân phụ vừa bị lên đoạn đầu đài. Blanche trở thành đầy tớ cho gia nhân của song thân trước đây. Các nữ tu khác bị bắt bớ, hành hình. Tấm bi kích cuối cùng diễn ra lặng câm: người ta dựng máy chém ở Quảng trường Cách mạng. Ngày 17-7-1794, 16 nữ tu Cat Minh nối bước nhau lên đoạn đầu đài, vừa đi vừa hát ‘‘Salve Regina ’’ (Lạy Nữ Vương) và ‘‘Veni creator’’ (Xin Thánh Linh ngự đến). Bản đồng ca Cát Minh yếu dần vì chỉ còn hai nữ tu, rồi cánh sẻ cuối cùng. Tiếng hát cuối của các nữ tu Cát Minh tắt lịm trên quảng trường Cách Mạng, tuy đông người mà hoang vắng, bỗng dưng được tiếp nối bằng lời kinh rất đỗi hào hùng. Vì tiếng hát cất lên từ rất xa, nên vị nữ tu hát kinh Chúa Thánh Thần dến nốt nhạc cuối Amen. Nữ tu Blanche hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, nét mặt thánh thoát không khiếp sợ trước lưỡi hái tử thần. Tiếng Amen vừa lịm tắt, tiếng máy chém cộc lốc vội vàng rớt xuống.:

‘‘Veni, creator, Spiritus,

Mentes tuorum visita,

Imple superna gratia

Quae tu creasti pectora

.... . . . . . . . . . . . . . . .

‘‘Deo Patri sit gloria,

Et Filio, qui a mortuis

Surrexit, ac Paraclito

In saeculorum saecula

Amen’’

Lạy Thánh thần Sáng tạo xin hãy đến

viếng thăm tâm hồn tín hữu

và đong đầy ơn phúc Trên Cao

trong trái tim nhân thế do Người tạo dựng.

…………………………………

Vinh danh Ngôi Cha

và Ngôi Con sống lại từ cõi chết

cùng Thánh Linh là đấng ủi an

Bây giờ và thiên thu vạn đại

Amen

Đan viện Cát Minh Niort hai lần bị giải thể

Đan viện Cát Minh Niort thành lập từ năm 1648, gồm 8 nữ tu. Tháng 9-1789 (Cách mạng Pháp), 29 nữ tu đan viện Niort ký tên phản đối một dự luật của Quốc hội muốn giải tán các cộng đoàn nữ tu. Năm 1790, các nữ tu từ chối không tuyên thệ gia nhập hiến chế dân sự giáo sĩ. Ngày 22-9-1790, thị trưởng Niort tuyên đọc đạo luật ngày 17-8 ra lệnh tống xuất các nữ tu ra khỏi tu viện. Các nữ tu phải hồi tục, chia thành từng nhóm nhỏ tiếp tục cuộc sống tu trì tại gia. Năm 1800, tu viện bị phát mãi. Các nhóm nhỏ Cát Minh không thể về lại đan viện ở Niort. Năm 1851, linh mục Charles Gay thỉnh cầu Đức Cha Pie, giám mục Poitiers, xin lấy lại đan viện Niort. Vì tu viện đã bị phát mại, thị trưởng Niort mua lại một thửa đất ở phố Napoléon (nay là Strasbourg). Ngày 8-11-1858 giáo quyền cử hành phép nhà. Việc xây cất kéo dài từ 1959 đến 1864. Năm 1901, đan viện gặp nạn, phải đương đầu với một đạo luật mới, bị buộc phải di cư sang Thumaide (Bỉ). Đến năm 1918 trở lại Niort, 15 nữ tu đã qua đời, có thêm 12 nữ tu mới.

Năm 1933, hai nữ tu Cát Minh Niort sang Trung Quốc giúp đan viện Cát Minh ở Trùng Khánh và Côn Minh. Năm 1955, 16 nữ tu Cát Minh Hà Nội sang dđn việc Niort tá túc. Sau đó các nữ tu Việt Nam sang định cư ở Dolbeau (Canada).

Sau đây là vài niên hiệu đáng ghi nhớ:

Nguyện đường Đan viện Cát Minh Niort
Nguyện đường Đan viện Cát Minh Niort

-1648: thành lập Đan viện Cát Minh Niort. Đan viện Carmel Niort từng nhận các nữ tu Cát Minh ở Hà Nội, hiện nay là một tập sinh Việt Nam.

-1838: thành lập Đan viện Cát Minh Lisieux.

- 1888: Thérèse Martin nhập dòng Carmel Lisieux. Nhà dòng có 26 nữ tu, tuổi trung bình là 47.

-1861: Đan viện Cát Minh Lisieux thành lập Đan Viện Cát Minh ở Saigon. Đây là Đan viện Carmel đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau đó, Đan viện Carmel Lisieux thành lập Dòng Carmel ở Hà Nội, Phnom Penh, Huế, Bùi Chu, Ilo Ilo (Phi Luật Tân), Bangkok (Thái Lan), Manila (Phi Luật Tân), Thanh Hóa, Vân Nam (Trung Quốc) và Singapore. Chính trong ý hướng truyền giáo của Đan viện Carmel Lisieux, nếu Têrêxa không lâm bệnh nặng, vị nữ tu này chắc chắn đã lên đường đi Hà Nội. Têrêxa so sánh đời sống đan viện với sa mạc. Thiên Chúa muốn mỗi đan sĩ sống ẩn dật. Têrêxa nhập dòng để cầu nguyện cho các linh mục và chúng sinh. Khi bước qua ngưỡng cửa nguyện đường đan viện Carmel Lisieux, khách thập phương hiệp thông với thánh nữ từng trải qua cuộc sống tu trì từ 9-4-1888 đến 30-9-1897; đồng thời kết hiệp với lời nguyện của cộng đoàn Cát Minh.

Mộ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Nguyện đường Cát Minh Lisieux


Trên mộ thánh nữ Têrêxa là Thánh tượng Thánh Mẫu. Ngày 13-5-1883, Đức Mẹ đã chữa lành cho Têrêxa bằng nụ cưới hiền mẫu. Hàng năm, vào chủ nhật cuối tháng 9 có lễ cung nghinh xương thánh tại Lisieux, năm nay ngằm ngày 27-9-2009.

La Rochelle, ngày 24-8-2009