Một tuần lễ trước cuộc hội kiến với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tổng thống Barack Oabama đã đề cập đến 8 câu hỏi của các ký giả và biên tập viên báo chí Công giáo hôm 2 tháng 7. Tổng thống mở đầu:

Tôi đã có một cuộc đàm đạo tuyệt vời với Đức giáo hoàng trên điện thoại ngay sau cuộc bầu cử. Và chúng tôi, một cách nào đó, coi đây như một cuộc gặp gỡ giữa các chính quyền – chính quyền của Tòa thánh. Sẽ có những lãnh vực chúng tôi đồng thuận sâu xa; sẽ có một số lãnh vực chúng tôi có một số bất đồng.

Vì thế, trong ý nghĩa đó, có một mối liên hệ giữa một chính phủ với chính phủ, và mối liên hệ đó đã rất mạnh mẽ rồi và chúng tôi muốn tựa vào đó. Nhưng hiển nhiên còn hơn thế nữa. Giáo hội Công giáo có tầm ảnh hưởng sâu xa trên khắp thế giới và nơi quốc gia chúng ta; Đức Thánh cha là một nhà lãnh đạo tư tưởng, một nhà lãnh đạo công luận về biết bao nhiêu vấn đề có tầm rộng lớn. Và ảnh hưởng tôn giáo của ngài là thứ ảnh hưởng vượt ra ngoài cả Giáo hội Công giáo. Vì thế, từ một nhãn quan cá nhân, được gặp gỡ với Đức thánh cha là một vinh dự lớn lao và là điều tôi mong đợi rất nhiều. Và hy vọng rằng sau cuộc hội kiến này chúng tôi có thể tiếp tục tìm ra những lãnh vực trong đó chúng tôi có thể cùng cộng tác về mọi vấn đề, từ nền hòa bình ở Trung Đông cho đến việc đối phó với nạn nghèo đói trên khắp thế giới, sự thay đổi khí hậu, di dân, cả một loạt những vấn đề mà Đức giáo hoàng đã lãnh đạo một cách tuyệt vời.

Tổng thống – đã từng bị chỉ trích vì những kế hoạch của chính quyền do ông lãnh đạo muốn hủy bỏ các điều khoản bảo vệ lương tâm – hứa với các phóng viên rằng chính quyền của ông sẽ thực thi một điều khoản bảo vệ lương tâm cũng “mạnh mẽ” ngang bằng với điều khoản đã có trước khi chính quyền Bush ban hành những sự che chở hiện có.

Tôi có thể bảo đảm với tất cả độc giả của quý vị rằng sau cuộc duyệt xét lại sẽ có một điều khoản về lương tâm mạnh mẽ. Nó có thể không đạt được tiêu chuẩn đặt ra do mọi người chỉ trích tiến trình của chúng tôi, nhưng chắc chắn nó sẽ không yếu hơn những gì đã có trước khi các thay đổi được thực hiện.

Tổng thống cũng đề cập đến vấn đề phá thai:

Như tôi đã nói trước đây, tôi không bao giờ có ảo tưởng – rằng chúng ta chỉ nói cho qua tất cả những điều khác biệt của chúng ta về những vấn đề này cho xong. Một lần nữa, tôi đã công nhận điều đó trong bài diễn từ đọc tại trường Notre Dame. Tôi thiết nghĩ có một sự khác biệt không thể giảm thiểu, một mối mâu thuẫn, về vấn đề phá thai, mà điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm là đề nghị rằng người thiện chí có thể đứng ở phía bên này hoặc phía bên kia, nhưng quý vị không thể ước cho những khác biệt ấy biến đi được.

Vì thế mà tôi chưa có lời đề nghị như thế nào. Tuy vậy, tôi có thể nói với quý vị rằng, về ý tưởng muốn giúp người trẻ tuổi chọn lựa khôn khéo để họ khỏi sa vào những hành động tính dục tuỳ tiện có thể dẫn đưa tới những vụ thụ thai ngoài ý muốn, về tầm quan trọng của việc cho con làm con nuôi thay vì phá thai, về việc chăm sóc các phụ nữ mang thai để giúp họ dễ dàng hơn trong việc chăm nuôi con cái, đó là ba lãnh vực mà tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu như chúng ta không có được một số đáng kể những chỗ đồng thuận.

Quý vị đã chỉ ra những lãnh vực có thể có nhiều điều khó khăn hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng kết hợp tính dục tốt – hoặc là tình dục tốt và giáo dục luân lý cần phải kết hợp với ngừa thai nhằm để tránh đi những vụ thụ thai ngoài ý muốn. Tôi công nhận rằng điều đó trái với giáo lý của Giáo hội Công giáo. Vì thế tôi không mong đợi những người mạnh mẽ coi vấn đề này là vấn đề thuộc về đức tin tôn giáo có thể đồng ý với tôi như thế, nhưng đó là quan điểm cá nhân của tôi. Có lẽ chúng ta không thể tiến đến một thứ ngôn ngữ tương hợp toàn hảo trên mặt trận đó.

Được hỏi về việc đề cử Harry Knox, nhà hoạt động đề cao quyền của người đồng tính - nổi tiếng vì luận điệu chống Công giáo – vào Hội đồng Cố vấn về Faith-based and Neighborhood Partnerships, Tổng thống Obama đề cập đến vấn đề tình dục đồng giới:



Quý vị sẽ nhớ rằng trong câu hỏi thứ nhất của tôi tôi đã cực lực bảo vệ quyền của các giám mục Hoa kỳ được dùng một số ngôn ngữ khá khích động khi nói về tôi, phải vậy không? Và tôi sẽ vui mừng được có những vị đó tới đây trong tòa Bạch Ốc này và tham dự vào những cuộc họp bàn tròn để chúng ta cố gắng bàn thảo về những vấn đề đó. Thế nên tôi không thể -- Tôi có thể nói thay cho những người nằm trong danh sách trả lương và tường trình công việc với tôi. Có nhiều dịp chúng ta cố gắng đem những nhóm xung đột trong lịch sử lại với nhau.

Làm như thế luôn luôn có những nguy cơ xảy ra bởi vì phần lớn những vấn đề đó tạo ra cảm xúc lớn lao. Đối với cộng đồng luyến ái đồng giới trong nước chúng ta, tôi thiết tưởng điều rõ rệt là họ cảm thấy họ là nạn nhân của những đường lối khá mạnh mẽ và họ thường bị thương tổn không chỉ do một số giảng huấn của Giáo hội Công giáo, nhưng còn bởi Kitô giáo nói chung. Và là một người theo Kitô giáo, tôi thường xuyên vật lộn với niềm tin của tôi, nỗi lo âu của tôi, mối quan tâm của tôi đối với những người nam nữ luyến ái đồng tính.

Và trong phạm vi tham gia vào những cuộc tranh biện này, điều tôi thường khám phá thấy là có nhiều sức nóng, âm thanh và cuồng nộ ở cả hai phía trong những cuộc tranh biện này, ngay cả nơi những kẻ tôi coi là những người tốt ở phía bên này hoặc ở phía bên kia. Thế nên tôi thiết tưởng tôi sẽ duy trì lời tuyên bố của tôi ở Cairo là một lập trường mà gạt bỏ niềm tin tôn giáo và đức tin mà không có lòng dung thứ - mà tôi tưởng là theo kiểu phản ứng tự động – thì không thấu hiểu sức mạnh và điều thiện hảo mà đức tin có thể mang lại trên thế giới này.

Mặt khác, tôi thiết tưởng những ai trong chúng ta là những người theo tôn giáo cũng phải xem xét những niềm tin của riêng mình và đấu tranh gay go với chúng và tự mình đảm bảo rằng chúng ta không gây niềm đau cho kẻ khác. Và tôi thiết nghĩ bất cứ ai trong chúng ta, dù theo tôn giáo nào, cũng phải công nhận rằng đã có những thời gian tôn giáo bị lơi dụng để phục vụ những điều không mấy tốt đẹp.

Và nhiệm vụ đè nặng trên chúng ta – ít nhất theo quan điểm riêng của tôi – là phải suy tư sâu sắc và sẵn sàng hỏi xem phải chăng chúng ta có đang hành động theo đường lối phù hợp không những với giáo huấn của giáo hội mà còn với điều Chúa Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta phải làm: đối xử với người khác như đối với chính mình. Hãy làm người coi sóc anh em chúng ta.

Ngỏ lời ca tụng cố hồng y Joseph Bernardin – tổng giám mục Chicago từ 1982 đến 1996 – Tổng thống Obama cũng phân tích những mối chia rẽ trong Giáo hội:

Các giám mục Hoa kỳ có một ảnh hưởng sâu xa trong cộng đồng của các ngài, trong giáo hội, và vượt cả ra bên ngoài. Điều tôi sẽ nói là mặc dầu đã có những lời chỉ trích nhắm vào tôi từ một số các giám mục, nhưng đã có một số giám mục rất mực độ lượng và thông cảm ngay cả khi các vị đó không đồng ý với tôi về mọi vấn đề. Vì thế, trong ý nghĩa đó, các giám mục Hoa kỳ tượng trưng cho một mẫu điển hình các ý kiến cũng như các nhóm khác thường có.

Hồng y George là một nhân vật tôi đã biết từ khi tôi còn trong ngành lập pháp tiểu bang, ngài và tôi đã có cuộc hội kiến trong Văn phòng Bầu dục và tôi đã bày tỏ với ngài mối quan tâm được làm việc theo đường lối xây dựng có thể được với các giám mục về một loạt những vấn đề.

Như quý vị biết, một phần trong những lý do tại sao thiết lập mối liên lạc với các vị giám mục là điều quan trọng đối với tôi bởi vì tôi có những kỷ niệm trìu mến về Hồng y Bernadin; ngài ở Chicago khi lần đầu tôi tới đó để làm một người tổ chức cộng đồng – được tài trợ một phần do Chiến dịch Phát triển Con người – và làm việc với các xứ đạo Công giáo phía nam thành phố Chicago. Và vì thế tôi biết tiềm lực mà các giám mục phải nói lên mạnh mẽ về các vấn đề công lý xã hội. Tôi thiết tưởng sẽ tiếp tục là những lãnh vực trong đó chúng ta có những đồng thuận sâu xa và sẽ có một số lãnh vực trong đó chúng ta bất đồng ý kiến. Đó là điều lành mạnh.

Nguồn: CatholicCulture.org