HÀ NỘI - Sáng 2/7/2009, trên các ngả đường Hà Nội, tràn ngập bóng áo xanh của sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội tiếp sức các thí sinh từ khắp nơi về dự thi đại học 2009.

Xem hình ảnh Sinh viên Công giáo tiếp đón sĩ tử về Hà Nội dự thi

Tại các bến xe, ga tàu và những nơi có phương tiện giao thông công cộng, từng đoàn thí sinh Công giáo và cả không Công giáo được sự hướng dẫn của các sinh viên tình nguyện Công giáo với áo xanh mang hàng chữ “Sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội – Tình nguyện viên” với phù hiệu Sinh viên TGP dẫn dắt đến những vị trí, nơi ăn, nghỉ đã được bố trí chu đáo.

Gánh nặng lều chõng

Hàng năm, cứ đến mùa thi đại học, từ khắp muôn nơi, những thí sinh hiếu học cơm đùm cơm gói lại lục tục kéo nhau về Hà Nội – nơi tập trung nhiều nhất các trường đại học của cả nước.

Đến được trường thi là cả một vấn đề khó khăn với nhiều người. Với các gia đình khá giả thì đây cũng là dịp để tham quan Thủ đô, phục vụ sĩ tử nhưng cũng là chuyến du lịch với người nhà.

Nhưng tiếc rằng những gia đình này là con số rất ít.

Vì vậy, với đa số người dân, mỗi lượt con “lai kinh ứng thí” là một đợt lo lắng lớn. Nhất là với những gia đình chưa một lần có dịp đến Thủ đô, nơi ồn ào náo nhiệt, là chốn nhiều tệ nạn xã hội, xô bồ mà không có bà con họ hàng quen biết…

Chuyện ăn, chuyện ở và đi lại của con em trong những ngày thi là những điều khiến các bậc phụ huynh đau đầu nhất. Đã có những trường hợp thí sinh rơi vào tay cò mồi, hay bị bắt chẹt một cách vô lương tâm mà không biết kêu ai.

Thông thường, cứ một thí sinh lại kèm thêm một hoặc hai người đi cùng để lo phục vụ, động viên tinh thần. Với kinh tế gia đình eo hẹp, giá cả, sinh hoạt, đi lại ở Thủ đô đắt đỏ đã đành, về mùa thi lại đội lên đáng kể, thì đây quả là một gánh nặng.

Vòng tay nhân ái

Nắm bắt được những khó khăn của đa số người dân có con em đi thi, mấy năm gần đây, sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội đã có chương trình “Tiếp sức mùa thi” hết sức sôi động, hào hứng, nhiệt thành và có hiệu quả.

Từ sáng sớm, sinh viên Công giáo ở các trường ĐH, CĐ, Trung học chuyện nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội đã tập trung đầy đủ với các loại phương tiện di chuyển, thông tin liên lạc sẵn có của mình sẵn sàng giúp đỡ các thí sinh. Tại các đầu mối giao thông, bàn đón tiếp sinh viên được đặt ở nơi dễ thấy nhất. Từng đoàn các sinh viên tình nguyện sẵn sàng xe máy, mũ bảo hiểm để đón tiếp thí sinh.

Các sĩ tử được đón ngay từ khi xuống xe ở các đầu mối. Họ được phân theo từng nhóm, từng tốp dựa vào khối thi, trường thi cũng như quê quán để các em khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu ra thành phố. Các tình nguyện viên tỏa ra mọi nẻo đường đưa các em về từng khu vực đã được chuẩn bị trước để các em nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những ngày thi căng thẳng.

Con số dự tính là hơn 2.000 sinh viên sẽ được đón tiếp đợt này.

Để có những cơ sở đón tiếp thí sinh dự thi ĐH năm nay, sinh viên TGP đã có kế hoạch hành động cụ thể từ nhiều tháng trước. Lập danh sách thí sinh đăng ký từ các xứ họ khắp nơi trên toàn TGP, lên chương trình, tìm kiếm các cơ sở tạm trú, mượn xe máy…

Để có mức chi phí thấp nhất cho mỗi gia đình thí sinh, các cơ sở sẵn có của các giáo xứ, giáo họ và Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, Chủng viện đều được tận dụng cho các em và người nhà tá túc.

Mới tuần trước, tôi còn nhìn thấy Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải của Dòng Chúa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà tất tả đi đến từng nhà trong Giáo xứ Kẻ Sét để mượn chỗ tá túc cho thí sinh.

Hình ảnh vị linh mục với chiếc xe máy cà tàng và cái mũ bảo hiểm trên đầu, thậm chí không kịp bỏ ra mỗi lần dừng lại hỏi thăm, giữa trời nắng tháng sáu chói chang để ngày hôm nay các thí sinh về Hà Nội dự thi được an toàn, đỡ khó khăn là điều để lại nhiều ấn tượng trong nhiều giáo dân và những người không công giáo.

Năm nay, từ khi đặt chân đến HN cho tới khi về, mỗi thí sinh đóng góp 300 ngàn đồng (dù có cả người nhà đi kèm hay không). Với số tiền này nếu thuê phòng trọ ở HN, chắc chỉ được 1 ngày cho hai người mà chưa có ăn uống.

Các giáo xứ, giáo họ và giáo dân Hà Nội đón tiếp các thí sinh từ xa về dự thi với tình cảm thân yêu, chân thành và nhiệt tình như với ngay chính con cháu, anh chị em mình. Họ nhường buồng cho thí sinh ở trọ, giúp đỡ nấu nướng, hay cho mượn phương tiện đi lại… hoàn toàn tự nguyện và vô vụ lợi trong suốt đợt thi.

Điều đáng nói là không chỉ thí sinh Công giáo được đón tiếp, mà cả những thí sinh không Công giáo có nhu cầu đều được bình đẳng và yêu thương trong phục vụ, không chỉ các thí sinh đã đăng ký trước, mà cả những thí sinh chưa đăng ký cũng được phục vụ chu đáo không phân biệt.

Ngoài phục vụ về vật chất, những việc chăm sóc tinh thần cũng đã được các linh mục, các sinh viên và giáo dân, giáo xứ hết sức chú trọng.

Ngay trưa 2/7 tại nhà thờ xứ Kẻ Sét, một Thánh lễ đã được dâng lên cầu nguyện cho sự bình an của các thí sinh qua mùa thi.

Chiều tối, tại các Giáo xứ có thí sinh đến trú tạm, các Thánh lễ cầu nguyện bình an đã được dâng lên Thiên Chúa. Tại Giáo xứ Thái Hà, hàng loạt các thí sinh đã đến trước tòa Đức Mẹ Hằng cứu giúp để xin được ơn sáng suốt đạt kết quả tốt trong kỳ thi này.

Cuối lễ, các thành phần dân Chúa, các cựu sinh viên, các sinh viên đã đặt tay chúc bình an cho tất cả các thí sinh bước vào một kỳ thi với tất cả tâm tình tự tin và phó thác.

Vài hình ảnh đáng nhớ

Năm nay, sinh viên Tổng Giáo phận Hà Nội ra quân đồng loạt với chiếc áo màu xanh đặc trưng của mình. Chiếc áo phông màu xanh sáng, cổ trắng, phía trước và phía sau có phù hiệu của Sinh viên Công giáo TGPHN làm nhiều người tò mò. Khi tôi hỏi một sinh viên: “Tại sao không dùng mẫu áo xanh Thanh niên Tình nguyện như thường thấy trên đường phố hàng năm”? Một sinh viên trả lời tôi: “Chú không biết chiếc áo xanh tình nguyện đó đã từng được dùng vào những việc hoàn toàn không chính đáng làm hoen ố hình ảnh của thanh niên khi từng đoàn người mang áo đó bao vây nhà thờ Thái Hà, Tòa Khâm sứ hò hét, khiêu khích khi giáo dân bị xịt hơi cay, từng bao vây để tượng Đức Mẹ Sầu bị bị đưa đi trước sự bất lực của giáo dân và mọi người bằng sự hung dữ và cuồng nộ ngu xuẩn. Chiếc áo đó đã bị làm hoen ố bởi những hình ảnh đó nên chúng cháu không dùng nữa, vì đó là sự ô nhục. Thanh niên, sinh viên chúng cháu không thể chấp nhận những hành động vô đạo đó”.

Tôi chỉ biết im lặng. Biết nói gì hơn khi điều đó là sự thật. Tôi nhớ lại tối 31/8/2008 tại Linh địa Đức Bà khi những em nhỏ, những phụ nữ đã bị xịt hơi cay, giáo dân đang yêu cầu lập biên bản mà cán bộ công an dày đặc đứng đó cứ chối quanh, một đoàn thanh niên không biết từ đâu xuất hiện mang áo Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nói năng khiêu khích, hò hét “Như có Bác Hồ…”

Cũng trong đêm đó, khi linh mục Nguyễn Văn Khải đứng dậy kêu gọi mọi giáo dân ngồi xuống trật tự để giải quyết vấn đề, thì ngay ngày hôm sau, báo chí nhà nước đã vu cáo là “kích động giáo dân”. Tôi cũng đã nhìn thấy hàng đoàn thanh niên mang chiếc áo này khi bức tượng Đức Mẹ Sầu bi bị mang đi khỏi Tòa Khâm sứ trước sự uất nghẹn của bao giáo dân, tín hữu. Đó là những hình ảnh hết sức phản cảm trước con mắt cộng đồng.

Những hình ảnh đó quả thật đã làm hoen ố hình ảnh chiếc áo “Tình nguyện” này thật. Nhiều khi một hành động dốt nát của người lớn đã để lại những ấn tượng không dễ tẩy rửa khỏi đầu lớp trẻ và di chứng của nó phải nhiều thời gian, công sức mới khắc phục được.

Thanh niên ngày nay cũng có nhiều suy nghĩ sâu sắc.

Vài suy nghĩ, cảm nhận

Những việc làm hôm nay của sinh viên, giáo dân Công giáo nói lên nhiều điều.

Đó là gì, nếu không phải là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua những cử chỉ, hành động bởi chính cộng đồng công giáo hôm nay bằng cách thực hiện lời Đức Giêsu đã dạy: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

Những việc làm thể hiện lòng nhân ái, lòng yêu người, điều mà đang ngày càng thiếu thốn trong xã hội ngày nay đặt ra nhiều vấn đề để suy nghĩ. Những điều này nếu được cổ vũ và có cơ hội phát triển, chắc chắn sẽ làm xã hội ổn định hơn, tiến bộ hơn và có cơ sở tồn tại vững chắc hơn là những hành động thù địch, hăm dọa, trấn áp, cá lớn nuốt cá bé và vô cảm trước nỗi đau khổ của con người đang lan tràn trong xã hội ngày nay.

Điều đó cũng để những người cầm quyền cân nhắc, suy nghĩ và hành động nếu muốn xã hội vững bền thì không có con đường nào khác là cần phải để cho những tấm lòng nhân ái, những tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội có cơ hội phát triển và biến thành những hành động thiết thực.

Những thiếu thốn về cơ sở vật chất cho các công tác mục vụ tôn giáo, từ thiện phục vụ cộng đồng hôm nay một lần nữa đặt ra cho nhà cầm quyền những suy nghĩ nghiêm túc khi những tài sản, đất đai của Giáo hội đang bị chiếm đoạt vô cớ và sử dụng bừa bãi hoặc lãng phí. Thậm chí còn được dùng để chia chác hoặc sử dụng vào những mục đích là chia rẽ tình đoàn kết gắn bó mọi con người trong cộng đồng dân tộc.

Những tài sản của Giáo hội khi được sử dụng vào những mục đích công ích như những việc này sẽ làm vơi đi những đau khổ, bớt đi những khó khăn của nhân dân mà lẽ ra việc chăm sóc và lo lắng cho họ là trách nhiệm và nghĩ vụ của nhà cầm quyền.

Hà Nội, Ngày 2/7/2009