Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề "Ánh sáng đô thị". Là câu chuyện tình của một gã lang thang và cô gái bán hoa.

Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bàn hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành đôi mắt mù lòa của nàng.

Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát bắt giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa.. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng.. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao?"...Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Nàng thốt lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai bên đã nhận ra và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.

Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.

Những người Do thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài: "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ". Và dấu lạ lớn lao nhất Chúa Giêsu đã làm cho họ và cho chính chúng ta nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế: Đó là sự hy sinh quên mình cho đến chết và chết trên thập giá vì bạn hữu đúng như lời Ngài nói: "Không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình".

Đoạn Tin mừng Ga 15, 9-17 nối tiếp liền với đoạn Tin mừng của tuần V sau Phục Sinh, vừa giải thích thêm về dụ ngôn cây nho và cành nho, vừa quảng diễn và chú trọng tới mối tương quan giữa các cành nho với nhau.

Trước khi rời các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn để lại cho những ai theo Ngài di sản quý báu: một tình yêu, nhờ đó nâng họ lên hàng bạn hữu. Tình yêu phong phú giúp họ trở nên giàu có trong Đức Ái đến nỗi trao ban được cho nhiều người. Cảm nghiệm được tình thương của Chúa Cha đối với mình và mình đối với các môn đệ, Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình "được yêu và yêu" cho các môn đệ, và đòi buộc các vị cũng phải sống như Ngài: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau.

Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố là Chúa Cha yêu thương Người và chính Chúa Cha cũng xác nhận điều đó (Mt 3, 17). Chúa Giêsu cũng yêu mến các môn đệ đi theo Ngài. Để có thể ở lại trong tình thương của Ngài, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi các ông đừng bao giờ từ chối tình thương của Chúa. Muốn vậy, các môn đệ phải tuân giữ các điều răn Chúa đã truyền dạy, vùa là cách thế giữ lấy tình thương, vừa là dấu chỉ các môn đệ còn ở lại trong tình thương của Chúa. Sự tuân giữ các giới răn của Chúa sẽ làm cho các ông được hân hoan, cũng như chính Chúa Giêsu đã kinh nghiệm được, vì vâng phục Thánh ý Thiên Chúa mà Ngài có được niềm vui trọn vẹn.

Ngày nay, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa, tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người như muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Chúng ta có thể ngạc nhiên, tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ lớn lao nhất, bởi vì đó là dấu chứng của một tình yêu.

Lời Chúa cho hơn hai ngàn năm trước cũng là Lời Chúa của ngày hôm nay trong hoàn cảnh này: nếu có sự buồn chán, thất vọng xâm chiếm con người, đó chẳng qua là vì họ còn thờ ơ với Lời Chúa trối lại cùng với kinh nghiệm mà Ngài có được: vì yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, mà Chúa Giêsu luôn hưởng được niềm vui trọn vẹn dù trong gian nan, dù phải biệt ly và chịu khổ nạn.

Yêu và được yêu là hạnh phúc. Chúa Giêsu muốn con người được hạnh phúc, Ngài thiết tha kêu mời mọi người hãy yêu thương tha nhân như chính Ngài đã yêu thương họ. Ngài muốn tất cả chúng ta là bạn của Ngài, và là bằng hữu của nhau. Thế giới sẽ an bình và hạnh phúc khi mọi người là bạn với nhau.

Nhận ra tình yêu của Ngài như cô gái bán hoa nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô hữu. Một đức tin trưởng thành, luôn tín thác và nhận ra dấu chỉ của Chúa qua những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống, sẽ có được niềm vui trọn vẹn.