Nền tảng Thánh Kinh của khoa học Phương Tây

Khoa học đôi lúc chỉ là hình thức chải chuốt của thường thức, vì nhiều định luật căn bản của khoa học có thể diễn dịch bằng các hạn từ thông thường. Ba định luật của khoa nhiệt động học (thermodynamics) chẳng hạn, nói cho cùng, chỉ có nghĩa là mọi hành động vật lý đều có khuynh hướng tiến tới một thế tĩnh tuyệt đối. Điều này đúng ngay cả trong trường hợp: tuy nay vũ trụ đang bành trướng nhưng sau đó nó sẽ co cụm trở lại. Chu kỳ bành trướng và co cụm đến sau sẽ ít động năng hơn chu kỳ đến trước, và chu kỳ sau đó còn ít động năng hơn nữa. Vật lý học, tức hình thức khoa học chính xác nhất, nếu có điều muốn nói thì chỉ là điều này: mọi diễn trình vật lý chỉ là thành phần của một diễn trình một chiều, chủ yếu theo đường thẳng, trực tuyến (linear).

Các khoa học gia không phải là những người đầu tiên nhận ra điều ấy. Trong một hình thức thường thức hơn, chính Thánh Kinh đã nói lên trước hết cái diễn trình một chiều của vạn vật. Trước nhất có sáng thế, rồi lịch sử vũ trụ và con người, tất cả đều hướng về chung thẩm (final judgment), về cái hoàn hợp sau cùng của vạn vật nơi trời mới đất mới.

Bất cứ nơi nào ta bắt gặp cái nhìn trực tuyến ấy, ta đều thấy Thánh Kinh đứng đàng sau. Ta sẽ thấy rõ điều ấy hơn, khi nhìn vào vũ trụ quan của các nền văn hóa vĩ đại cổ thời. Tất cả các nền văn hóa ấy đều nổi bật về niềm tin cho rằng mọi sự sẽ không ngừng tự lặp lại chính mình hay ý niệm phản hồi trường cửu (eternal returns). Khoa học hình như đành chết yểu (stillbirth) trong các nền văn hóa ấy.

Linh mục Stanley L. Jaki là người sáng chế ra thuật ngữ “chết yểu của khoa học” cách nay 30 năm. Thuật ngữ ấy vốn không được nền khoa bảng thế tục chú ý. Bởi thế giới thế tục không bao giờ lưu ý tới bất cứ hàm ý nào, huống hồ là một minh chứng có tính bác học, cho thấy mạc khải siêu nhiên, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh, rất thích hợp với khoa học. Ấy thế mà mạc khải Thánh Kinh không những thích hợp với khoa học, mà còn làm cho cuộc hạ sinh của khoa trở nên sống còn được.

Cuộc hạ sinh ấy quả đã xẩy ra tại Phương Tây, một Phương trước đây vốn theo Kitô giáo. Cả ngày nay nữa, chính cuộc hạ sinh ấy cung cấp nhiên liệu cho chủ nghĩa tân tư bản, là chủ nghĩa không những cần thị trường tự do, mà còn cần hàng hóa để mang tới thị trường, và cần nó với số lượng ngày một lớn lao hơn. Chỉ có khoa học mới cung cấp được khối lượng ấy. Sự ra đời của khoa học ấy, một sự ra đời hết sức chủ yếu đối với con người Phương Tây và đối với thế giới hiện đại, rõ ràng có nguồn gốc Thánh Kinh, hiểu như sách ghi chép niềm tin Kitô giáo.

Cho rằng con người hiện đại sẽ sẵn sàng học hỏi một cách chi tiết sự tùy thuộc của khoa học vào Thánh Kinh là một điều đáng hoài nghi. Nhưng nếu người Kitô hữu bỏ qua các chi tiết ấy là liều mình thua cuộc cạnh tranh văn hóa vĩ đại trong đó khoa học đang nắm được vai trò thật nổi bật.

Sáng Thế chương 1 và khoa học

Khái niệm trực tuyến tính của vũ trụ (cosmic linearity), vừa nhắc ở trên, bắt nguồn từ giáo huấn của Thánh Kinh về việc sáng tạo ra vạn vật từ hư không. Tuy nhiên, giáo huấn ấy chưa hiện diện trong tài liệu cổ điển của Thánh Kinh nói về việc tạo dựng, tức chương nhất Sách Sáng Thế. Cho rằng chương ấy chứa giáo huấn trên là điều có thể tha thứ được, giống như ai đó từng đi tìm khoa học trong chương ấy, một thứ không hề có trong đó bất cứ dưới hình thức nào. Nhưng quả không còn gì đáng buồn và gây hại cho Thánh Kinh hơn là cố gắng coi Sáng Thế 1 như một sách giáo khoa về khoa học. Cố gắng ấy không mới bắt đầu hôm qua. Nhưng bao lâu diễn trình ấy còn tiếp diễn, thì bất cứ luận điểm nào chủ trương coi Thánh Kinh là căn bản của khoa học Phương Tây đều sẽ bị dội ngược trở lại như chiếc boomerang của Thổ Dân Úc.

Bởi vì trước nhất, Sáng Thế 1 không chủ yếu nói về việc tạo dựng. Mà nói về tầm quan trọng của việc giữ ngày Sa-bát. Trong Sáng Thế 1, Thiên Chúa được mô tả như một mẫu mực làm việc sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Và vì Người đã được mô tả với vai trò đó, nên phải gán cho Người một công việc cao cả nhất người ta có thể nghĩ ra, đó là việc sáng tạo ra mọi sự.

Sáng Thế 1 nói về điều trên trong ba giai đoạn, mỗi giai đoạn đều dùng một ẩn dụ như nhau. Người nói tiếng Anh hay dùng ẩn dụ “cò, báng, nòng” (lock, stock, and barrel) hay ba phần của cây súng. Họ hay dùng ẩn dụ ấy để nói rằng họ xem sét một điều gì đó một cách toàn diện. Khi viết rằng Thiên Chúa tạo dựng trời và đất, Thánh Kinh đã sử dụng hai thành phần chính trong thế giới quan Do Thái để chuyên chở sứ điệp này là Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự. Cùng một thủ tục ấy được lặp lại khi nói tới công trình trong ngày thứ hai và ngày thứ ba, tức việc hoàn tất hai thành phần chính kia, tức bầu trời và trái đất. Cũng với cái đà ấy, Sáng Thế 1 nói tới công trình vào các ngày thứ tư và thứ năm, tức việc trang trí chính yếu cho hai thành phần kia. Thủ tục này là để khẳng định rằng mục tiêu công trình của Thiên Chúa là toàn bộ tính, tức vũ trụ.

Thánh Kinh không hề muốn hàm ý rằng: sáu ngày nói trên chỉ sáu thời kỳ địa chất học. Thánh Kinh cũng không hề muốn hàm ý mong ta lồng khái niệm hiện đại của khoa sinh vật học vào Sáng Thế 1, tức khái niệm chủng loại (species), chỉ vì nó viết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sinh vật tùy theo chủng loại của chúng.

Chính vì những lầm lẫn tai hại chồng chất lên Thánh Kinh như trên, mà ta không nên ngạc nhiên khi thấy gần như không thể nào làm cho nền văn hóa thế tục ngày nay chịu chấp nhận sứ điệp căn bản nhất của Thánh Kinh là sứ điệp dạy rằng: mọi sự đều hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, ngay các tầng trời và muôn vàn tinh tú đều có cùng một thân phận như địa cầu bụi bặm nếu nói về sự tùy thuộc đối với Thiên Chúa. Trong thế giới quan của Thánh Kinh, tựu chung ta có thể nói rằng trời và đất đều cùng được ‘cai trị’ bằng những ‘đạo luật’ như nhau. Nhưng điều ấy không thể nào có được trong thế giới quan của mọi nền văn hóa cổ xưa khác. Bởi trong các nền văn hóa ấy, trời vốn là thần minh.

Ngay người Hy Lạp cũng rút tỉa được tính luận lý của điều trên một cách hết sức chính xác và đấy là lý do tại sao khoa học đã chết yểu ngay trong nền văn hóa Hy Lạp cổ xưa. Trong nền văn hóa ấy, không thể nào quan niệm rằng chuyển động của mặt trăng và sự rơi của một trái táo đều do cùng một định luật điều khiển. Nói như thế là phạm thánh. Tuy nhiên, phải đợi tới Newton, điều ấy mới có được, vì Newton vốn là người thừa hưởng phúc lợi của niềm tin Kitô giáo lâu đời.

Niềm tin trên có tính Kitô giáo theo nghĩa căn bản nhất, bởi Thánh Kinh Kitô giáo dạy rằng Chúa Kitô là Người Con duy nhất do Thiên Chúa sinh ra (monogenes). Nghe điều ấy, người La Mã hay người Hy Lạp có học thẩy đều dẫy nẩy, cả trên bình diện tri thức lẫn bình diện luân lý. Bởi vì đối với La Mã và Hy Lạp cổ thời, hạn từ monogenes là thuộc tính của chính vũ trụ. Cho nên, một người ngoại đạo như thế, mà muốn trở lại, phải giáp mặt với một lựa chọn như sau: hoặc Chúa Giêsu hoặc vũ trụ là người con duy nhất. Nói cách khác, đức tin Kitô giáo và chủ nghĩa phiếm thần thực sự không thể nào hòa giải được với nhau do cái tính cụ thể của Chúa Giêsu. Bởi thế, chỉ có đức tin Kitô giáo, và chỉ có nó mà thôi, mới đề kháng được sức mạnh tàn phá hiện nay của việc tôn thờ tự nhiên giới.

Niềm tin vào Chúa Giêsu, mà trong Người, Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự, cũng chính là niềm tin biết cụ thể chống lại các cố gắng coi vũ trụ như một sự kiện tất yếu không thể nào khác được. Cả ngày nay nữa, những cố gắng như thế chắc chắn sẽ dẫn khoa học vào đường cùng.

Thiển nghĩ ở đây, chúng ta chỉ có thể thảo luận một khía cạnh trong chủ đề phức tạp này. Đó là giáo huấn Kitô giáo, giáo huấn của Thánh Kinh, về việc tạo dựng vũ trụ trong thời gian. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có thể tạo dựng vũ trụ đó một cách vĩnh viễn. Đây là một khả thể mà cả triết học lẫn khoa học đều không thể xác định được dù cách này hay cách khác. Khoa học chỉ có thể chứng minh được tính vĩnh viễn của vũ trụ nếu nó có khả năng thực hiện được cuộc thử nghiệm kéo dài từ hết vĩnh cửu này tới vĩnh cửu nọ. Một cuộc thử nghiệm như thế không thể nào có được.

Thánh Kinh mạnh dạn gợi ý, và đức tin Kitô giáo minh nhiên tuyên bố, rằng vũ trụ này được tạo dựng trong thời gian. Điều ấy có nghĩa là: lịch sử quá khứ của nó là hữu hạn. Không ai biết lịch sử ấy ngắn dài bao lâu. Ta chỉ biết các diễn trình vật lý của nó đã diễn tiến hàng 15 tỷ năm nay rồi. Nhưng không một khoa học nào có thể ấn định chính xác cái giờ phút tuyệt đối đầu tiên của việc nó hiện hữu. Bởi vì, để làm được điều đó, khoa học phải có khả năng quan sát được chuyển điểm từ hư vô tới hiện hữu, một điều vốn không phải là diễn trình vật lý.

Biến Khoa Học Thành Điều Có Thể

Khoa học nợ đức tin Kitô giáo cái tia sáng đầu hết làm cho khoa học của Newton trở thành khả thể: khoa học đó đặt căn bản trên ba định luật về chuyển động. Một khi ba định luật ấy được phát biểu, là khoa học trở thành tiện dụng và từ đó tiếp tục tự mình phát triển, không ngừng tiến bộ, không ngừng phát kiến, không ngừng đem tới hàng hóa mới cung ứng cho các thị trường tự do, và đôi lúc chẳng tự do chút nào, của chủ nghĩa tân tư bản.

Nhưng sức tiến bộ không thể nào ngăn chặn được ấy cần tia sáng ban đầu, tức khái niệm chuyển động quán tính (inertial motion) vốn là định luật đầu hết và căn bản nhất trong ba định luật của Newton. Việc lên công thức cho định luật đầu tiên ấy thực sự đã xẩy ra trước Newton cả ba trăm năm. Nó xuất hiện lần đầu trong các bình luận về sách vũ trụ luận của Aristốt tựa là On the Heavens (Luận Về Các Tầng Trời), do John Buridan trình bày tại Sorbonne khoảng năm 1348. Đến lúc đó, nhiều triết gia thời trung cổ vốn đã bình luận sách ấy rồi và triệt để bất đồng với Aristốt trong chủ trương của ông cho rằng vũ trụ này là trường cửu, và các thiên thể đời đời vần chuyển trên không. Bộ máy vũ trụ của Aristốt là bộ máy chuyển động vô tận. Chủ trương như thế là loại bỏ khả thể nhận ra một khởi đầu tuyệt đối cho chuyển động vật lý. Tuy nhiên, chính việc nhận ra ấy đã phát sinh ra cái nhìn thông sáng của Buridan.

Không giống các nhà thần học đi trước, ông không chỉ nhắc lại sự kiện khởi nguyên tuyệt đối mà thôi. Trái lại, ông còn tìm hiểu cái khởi nguyên ấy như thế nào nữa. Ông gần như muốn nói như thế này: Từ khởi thủy lúc Thiên Chúa tạo nên trời và đất, Người đã ban cho mọi thiên thể một số lượng chuyển động nào đó; các thiên thể này duy trì số lượng chuyển động trên vì chúng chỉ chuyển động trong khu vực không có ma sát. Hiển nhiên, điều ấy là một dự ứng trước cho định luật thứ nhất của Newton, tức luật về chuyển động quán tính. Phải có định luật ấy, rồi ta mới có thể nghĩ tới hai định luật kia.

Nền khoa bảng thế tục vẫn còn làm hết cách để coi nhẹ tầm quan trọng của Buridan và của cả Pierre Duhem, người cách nay gần một trăm năm từng trình bày bằng chứng về Buridan và khoa học trung cổ trong bộ sách vĩ đại, đầy tìm tòi anh hùng của ông. Liệu việc chống báng đối với nguồn gốc thánh kinh của khoa học Phương Tây có giảm đi hay không, là còn tùy một là ta có đọc Thánh Kinh một cách thông minh hay không, hai là ta có cần cù nghiên cứu lịch sử của khoa học hay không. Cả hai điều ấy đều cần thiết nếu ta muốn biện hộ cho chính nghĩa coi Thánh Kinh là nguồn gốc của khoa học Phương Tây, biện hộ một cách sống động nhưng đáng tôn trọng về phương diện trí thức.

Nói đáng tôn trọng về phương diện trí thức là nói tới việc phải chân thực về phương diện Thánh Kinh. Trong thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô, tức tài liệu vĩ đại về Ơn Thánh Chúa, ta tìm được lời cảnh báo như sau: Việc thờ phượng của Kitô giáo phải đáng tôn trọng về phương diện trí thức. Thuật ngữ logike latreia, chắc chắn không có nghĩa một đốn chặt hợp luận lý (logic chopping). Mà đúng hơn, có nghĩa là “hợp lý”(resonable) hay “tôn trọng lý trí”. Tại sao? Vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, một hình ảnh chắc chắn bao hàm lý tính. Lý tính này buộc ta phải tôn trọng đầy đủ khả năng và các quyền lợi của lý trí. Bởi thế, Thánh Augustinô từng đặt để ra quy luật sau đây: bất cứ khi nào một câu chữ của Thánh Kinh đi ngược lại điều mà lý trí ta biết chắc, thì ta phải tái giải thích chính câu chữ ấy. Ngài cho hay: làm khác thế, kẻ vô tín sẽ cười ngất và họ có lý làm vậy. Quy luật của Thánh Augustinô vốn được âm thầm tuân theo khi giải quyết điểm dị biệt giữa quan điểm của Thánh Kinh coi trái đất như một chiếc đĩa dẹp và sự thật đã được khoa học Hy Lạp thiết lập, coi trái đất như một quả cầu.

Chẳng may một điều: chính Thánh Augustinô đã không khai thác quy luật của mình đối với bầu trời, được ngài vô tình định vị trong cái tầng mây khói của qũy đạo Sao Thổ (Saturn). Quy luật của Thánh Augustinô cũng đã không được ai lưu ý khi, dưới ảnh hưởng của Copernicus, người ta buộc phải gán cho trái đất hai chuyển động. Căn cứ vào Thánh Kinh, Martin Luther gọi Copernicus là tên gian dối; sau ông ta, chính Rome cũng đã dựa vào Thánh Kinh mà kết án Galileo.

Một Thiên Chúa của những ngắt quãng?

Sau một thời gian dài, Giáo Hội Công Giáo đã học được một bài học chính xác khi để yên cho Darwin. Nhà khoa học này vẫn còn bị nhiều Kitô hữu phản kháng vì theo họ, chính Thiên Chúa đã dựng nên mọi thảo mộc và giống vật theo chủng loại của chúng. Họ phản kháng sai lầm một Darwin từng không nhận ra lý lẽ mạnh nhất bênh vực cho thuyết biến hóa của mình. Lý lẽ này vốn được các khả năng siêu hình của tâm trí con người cung hiến, những khả năng mà ông ta cố gắng bác bỏ vĩnh viễn. Bởi vì chỉ có tâm trí này mới có thể nhìn ra thể thống nhất cài chặt vào nhau xuyên suốt mọi thời gian và không gian: từ những phân tử hạ nguyên tử (subatomic particles) cho tới chính thân xác con người, không một ngắt quãng (gaps) bất cứ nào ở giữa.

Lẽ dĩ nhiên, sinh vật học biến hóa hiện chưa lấp đầy được mọi ngắt quãng này. Một số những ngắt quãng ấy, vì bị chôn vùi trong quá khứ quá xa xôi, nên không bao giờ còn được chắp nối nữa. Nhưng cố gắng trám đầy những ngắt quãng này bằng cách nại tới Thiên Chúa và Thánh Kinh là một việc phản Thánh Kinh hơn cả. Thứ nhất, lịch sử của khoa học đã đưa ra man vàn điển hình muốn trám đầy các ngắt quãng trong nhận thức, mỗi lần mỗi làm trò cười cho một Thiên Chúa mà một số Kitô hữu kém hiểu biết cứ muốn đặt hết lên ngắt quãng này tới ngắt quãng nọ trong nền khoa học của họ. Họ coi những điều có thể không có (bất cái nhiên=improbabilities) là điều không thể nào có được (bất khả thể=impossibilities), một ngụy biện sơ đẳng nhất trong khoa lý luận. Người ta có thể vui đùa mà tính toán tính bất cái nhiên của diễn trình vật lý này hay diễn trình vật lý kia. Nhưng khoa học đã nhiều lần thực hiện được “điều bất khả thể”. Chỉ cần nhớ lại việc tổng hợp chất urê vào năm 1828 của Wohler, người nhất cử nhất động đã loại bỏ được điều cho đến lúc đó vẫn được coi là dị biệt tuyệt đối giữa vật chất vô cơ và vật chất hữu cơ. Sau khi ông làm được thế, người duy vật thẩy đều cười vang thấu trời.

Một lý do nữa để bênh vực chân lý của biến hóa liên quan tới khẳng định được Thánh Kinh nhấn mạnh nhiều lần rằng mọi vật chất đều tốt. Khi nói vật chất tốt, Thánh Kinh chắc chắn muốn hàm nghĩa: vật chất không xấu, nhưng cũng muốn nói rằng cái tòa nhà được Chúa dựng nên cũng tốt như bất cứ tòa nhà tốt nào khác. Nhưng một tòa nhà chỉ tốt bao lâu nó cứng cáp, chắc chắn, bền đẹp. Nói cách khác, cái tòa nhà vật chất ấy phải hoàn toàn tuân theo lý tính của kiến trúc sư. Tại sao lại không nói như thế về vũ trụ vật chất do Chúa dựng nên? Chúa có phải là một kiến trúc sư bậc hai, một nhà vật lý hay hóa học, hay một nhà sinh vật học phân tử bậc nhì luôn luôn phải cải tiến điều mình đã thực hiện?

Thực ra, mọi lời ca tụng mà người duy vật dùng để ngợi ca vật chất chẳng thấm vào đâu so với những lời ca tụng mà người Kitô hữu vốn dành cho cùng một vật chất ấy. Ở đây ta thấy rõ lý do tại sao các Kitô hữu phải được coi như những nhà duy vật hàng đầu, miễn là phải trừ tâm trí của con người ra. Đấy cũng là lý do tại sao phải coi Kitô hữu là người hoàn toàn ủng hộ thuyết biến hóa, miễn là đồng thời phải coi tâm trí con người, và duy tâm trí ấy thôi, là sáng tạo đặc biệt của Thiên Chúa.

Thiếu bất cứ điều nào trong số ấy cũng khiến cái cười cao ngạo của người duy vật càng cao thấu trời bấy nhiêu. Người ta có quyền tin Carl Sagan (nhà thiên văn học và khoa học vệ tinh theo thuyết bất khả tri của Mỹ) hiện đang ở thiên đàng. Bởi Thiên Chúa vốn là một Thiên Chúa với tấm lòng từ bi vô tận đối với mọi linh hồn. Ngay đến Thiên Chúa Toàn Năng cũng không thể chỉ biết từ bi nguyên với vật chất. Nhưng Carl Sagan có cái đúng của ông. Người xã trưởng vô thần của thời ta này, hay đúng hơn nhà thủ diễn vô thần chính của làng khoa học biến hóa này, nay có thể cười một cách trọn vẹn vì biết rằng không hề có một vật lý học Kitô giáo, một hóa học Kitô giáo, một khoa học biến hóa Kitô giáo, bao lâu các môn đó là khoa học chứ không phải triết học. Nhưng Sagan cũng từng cười nhạo sự ngu xuẩn của chính mình vì đã cổ vũ chính nghĩa của nền khoa học vô thần. Cái cười đó đem lại cho khoa học một khả năng bất tận đối với mọi điều thuộc vật chất, bất kể có sự sống hay không.

Điều trên chứng tỏ rằng khóa chặt triết lý vào các xem sét hoàn toàn định lượng là điều nguy hiểm, vì các xem sét ấy là công việc của khoa học. Ta không thể bác khước khoa học bất cứ điều gì nó không có tư cách đòi hỏi, nếu ta không chịu công nhận mọi sự nó có quyền đòi hỏi.

Công việc của khoa học

Không điều gì có tính không định lượng mà lại là công việc của khoa học. Nhưng mọi sự có tính định lượng đều là công việc của nó. Khoa học không thể xử lý các khía cạnh không định lượng, như mục đích, tự do, kế sách, lòng trung thực, vì chúng là các định đề bất định lượng. Nhưng bất cứ mảnh vật chất nào cũng có tính định lượng và do đó, là công việc của khoa học. Há Thánh Kinh đã không dạy rằng Thiên Chúa “bố trí mọi sự theo cân đo, số lượng và trọng lượng của chúng” đó sao?

Có điều ta nên ghi nhận rằng Thánh Kinh không dạy: cân đo, số lượng và trọng lượng là tất cả mọi sự. Nhưng Thánh Kinh có nói: mọi sự đều có các đặc tính của cân đo, số lượng và trọng lượng. Bất cứ nơi nào có vật chất, là có số lượng. Điều ấy đưa lại cho khoa học một khả năng vô tận đối mọi sự có tính vật chất, bất kể có sự sống hay không. Nhưng đó cũng chính là lý do cho sự giới hạn triệt để của khoa học, nghĩa là nó chỉ quanh quẩn trong thế giới vật chất, một thế giới có thể cân đo được.

Ta thấy một nghịch lý rõ rệt ở đây. Nghịch lý này chắc chắn sẽ làm phiền những ai không chịu sử dụng thích đáng lý trí mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Họ không cần phải quá cố gắng. Chỉ cần xem sét việc này là trong số các phạm trù của tư duy con người, có một phạm trù hoàn toàn nổi bật so với các phạm trù khác, đó là phạm trù số lượng. Về mọi phạm trù khác, như các phẩm tính chẳng hạn, bạn chỉ có thể áp dụng thuật ngữ “ít nhiều”. Lòng tốt chẳng hạn có thể được thể hiện theo những mức độ khác nhau, ít nhiều khác nhau. Sự tỉnh táo cũng thế. Thực phẩm chẳng hạn mùi vị ngon ngọt, có ít nhiều khác nhau. Nhưng về con số 5 chẳng hạn, bạn không tài nào nói rằng nó ít 5 hay nhiều 5 được.

Sự dị biệt sâu sắc đó giữa số lượng và các khái niệm khác không hề hiện hữu đối với các thuần thần và chắc chắn không có nơi Thiên Chúa. Nhưng chắc chắn nó hiện hữu đối với ta bao lâu ta còn mang thân xác. Muốn bực thì bực, ta vẫn không thể làm gì đối với sự kiện này là Thiên Chúa đã dựng nên tâm trí con người, để đối với nó, số lượng và mọi điều khác phải được giữ trong hai cái hộc ý niệm riêng biệt. Nói cách khác, điều Thiên Chúa đã tách biệt, con người không được kết hiệp. Những ai cố gắng tổng hợp thần học với khoa học, thì nên dừng lại thôi.

Dĩ nhiên, đã có những người từng cố gắng thực hiện việc sau: chồng chất hết phẩm lượng này lên phẩm lượng nọ riết rồi ta sẽ có các phẩm tính, có khi còn có cả trí khôn và ý chí tự do nữa. Điều không may, là họ đã cố gắng viết khoa học trên căn bản đó. Việc ấy chỉ làm trò cười cho khoa học và tự biến mình thành những người ngu xuẩn. Điển hình là phe Hegel cánh hữu và phe Hegel cánh tả. Họ làm lộn xộn cách khủng khiếp cả sự sống nhân bản lẫn khoa học, kể cả khoa học biến hóa.

Điều Darwin không nhìn ra

Cơ phận biến hóa của Darwin bất toàn là điều không quan trọng. Nó còn có thể lầm lẫn một cách nặng nề là đàng khác. Nhưng học hỏi các lầm lẫn mới nhất trong lý thuyết của Darwin vẫn là điều hữu ích, vì các quán quân duy vật của nó thích trình bày nó như một điều không thể nào lầm lẫn được về phương diện khoa học. Phải nhận rằng các thông tuệ căn bản của Darwin vẫn có giá trị. Chỉ những ai thích khích bác sự kiện hay triết lý lành mạnh hay cả hai mới khích bác Darwin. Có điều, không điều gì bênh vực biến hóa mạnh bằng triết học lành mạnh và nhất là lời Thánh Kinh rằng: mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành và Người bố trí mọi sự theo cân đo, số lượng và trọng lượng của chúng...Ấy thế mà Darwin lại không nhận ra điều ấy, trái lại còn đề xuất cơ phận biến hóa của mình như một phản bác lại niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mà vào lúc ấy, ít nhất cũng trong bầu khí tổng quát của Darwin, từng được đồng nhất với Thiên Chúa tạo dựng nên muôn loài.

Đấy không phải là lần đầu trong lịch sử tri thức, Thiên Chúa cho phép cái thứ sự thực nửa vời như thế xuất hiện, để sự thực trọn vẹn được người ta nhận thức một cách hữu hiệu hơn. Sự thực nửa vời ấy chính là việc pha trộn cái cơ phận bất toàn của biến hóa với cái viễn tượng tuyệt vời về một gắn bó keo sơn của mọi hữu thể vật chất, cùng một lúc lại triệt để loại bỏ sự sáng tạo đặc biệt hết sức cần thiết. Lầm lẫn lớn nhất của Darwin là đã không chịu nhìn nhận cái viễn tượng ấy trong chính yếu tính của nó: vì quả nó là một viễn tượng hoàn toàn có tính siêu hình.

Siêu hình học, chứ không phải khoa học, mới là căn bản thuận lý chính yếu để có thể khẳng định rằng lãnh vực vật chất hoàn toàn gắn bó nghĩa là không cần đến các can thiệp đặc biệt nào từ bên ngoài, như Thiên Chúa chẳng hạn. Khoa học là và tiếp tục vẫn là duy vật chất bao lâu còn là khoa học, chứ không phải là điều gì khác. Mà khoa học duy vật chất chỉ vì vật chất đã được Thiên Chúa dựng nên. Chỉ có Đấng Thiên Chúa hóa công mới có khả năng ban quyền tự lập cho tạo dựng vật chất của mình, mà không vì thế mất mát chút gì trong tính toàn năng của mình. Đấng Thiên Chúa đó chính là Thiên Chúa của Thánh Kinh.

Ta sẽ phá hoại cách tệ hại nhất ý niệm coi Thánh Kinh là nguồn gốc của khoa học Phương Tây, nếu ta cứ khăng khăng đi tìm trong khoa học “một điều gì khác” trên căn bản khoa học và trong chính các điều kiện của nó. Vì nếu ta cứ hiểu thuật ngữ “theo chủng loại của chúng” trong Sáng Thế 1 theo nghĩa khoa học, ta sẽ phải hiểu mọi điều khác trong đó theo nghĩa khoa học... Nếu thế, ta phải giải thích làm sao mà có ánh sáng cho được trước khi mặt trời được tạo dựng vào ngày thứ tư. Quả là nực cười khi cho rằng ánh sáng của ngày thứ nhất là phản xạ của điện từ, huống hồ lại nói nó là phản xạ từ nền 2.7 ngàn độ trong vũ trụ. Nếu thế, cũng phải tìm ra cách giải thích cho bầu trời và các phi hành gia nữa. Thánh Kinh đáng được tôn trọng hơn là bị chường cho thiên hạ mặc tình cười nhạo vì được coi như sách dạy khoa học. Nhưng Thánh Kinh cũng đòi ta nhiều cố gắng tri thức nghiêm chỉnh nếu ta muốn bênh vực việc nó là nguồn gốc sản sinh ra khoa học Phương Tây.

Ta phải bênh vực chân lý ấy một phần vì tương lai của văn hóa Phương Tây tùy thuộc ở thế cân bằng. Nền văn hóa ấy cần nhiều điều hơn là khoa học. Ta phải sử dụng cả những phương tiện tốt nhất lẫn những phương tiện hữu hiệu nhất nếu ta muốn người khác lắng nghe “nhiều điều hơn” ấy. Ngày nay, phương tiện tốt nhất ấy chính là tham chiếu tới khoa học. Bất hạnh thay, khoa học đã trở nên một trong ba phương tiện chào hàng hữu hiệu nhất. Hai phương tiện kia là Thể Thao và Tình Dục, viết bằng chữ lớn. Nếu viết theo tiếng Anh, cả ba thứ ấy đều bắt đầu bằng chữ S: Science, Sports, Sex. Đó là ba chữ S đang thống trị cuộc sống ngày nay.

Dĩ nhiên, khoa học xứng đáng hơn thế, nó xứng đáng hơn cả phương thức là các cố gắng tri thức. Nó cũng có thể hơn cả hình thức chải chuốt của thường thức, nhưng khi giải thích khoa học một cách chính xác, một số thường thức kia lại hết sức cần thiết, không có không được. Thánh Kinh là nguồn gốc trổi vượt của thường thức, mà cũng là kho chứa chính cung cấp tín liệu về vô tận “nhiều điều hơn” kia, điều mà chúng ta vốn gọi là Nước Thiên Chúa. Tìm Nước Thiên Chúa trước nhất xưa nay vốn là phương pháp Chúa ban để đạt được mọi sự khác. Mọi sự khác đây, như lịch sử từng minh chứng, bao gồm luôn cả khoa học.

________________________________________

Theo Cha Stanley L. Jaki, giáo sư vật lý lỗi lạc tại Seton Hall University. Tạp chí America, 28-02-09