LUANDA. Sáng 20-3-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã rời thủ đô Yaoundé của Camerun, sang viếng thăm Angola, chặng thứ 2 trong cuộc viếng thăm thứ 11 của ngài tại hải ngoại.

Angola được chọn trong lộ trình vì đang kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại đây. Đến nơi vào lúc quá trưa, ĐTC đã viếng thăm tổng thống nước này và gặp gỡ chính quyền dân sự cùng với ngoại giao đoàn, trước khi gặp HĐGM Angola tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và dùng bữa tối với các vị. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Angola rộng gấp 3 lần Camerun, với gần 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, gần 4 lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 15 triệu người, tương đương với dân số Camerun.

Tin Mừng được các thừa sai người Bồ đào nha truyền vào Angola cách đây 500 năm. Giáo Hội tại đây hiện có 8 triệu 600 ngàn tín hữu Công Giáo tương đương với 55,6% dân số, và gồm 18 giáo phận.

Angola là nước sản xuất nhiều dầu hỏa thứ hai tại Phi châu, sau Nigeria, và nay trở thành nước xuất khẩu nhiều dầu hỏa nhất tại đại lục này. Nhưng Angola cũng là một trong những người nghèo nhất thế giới. 70% người dân nước này sống với lợi tức chưa tới 1 mỹ kim mỗi ngày. Hơn một nửa dân số Angola không có công ăn việc làm, và trung bình người dân nước này sống chưa tới 38 tuổi. 17% dân Angola không biết chữ.

Tiếp đón

Sau hơn 2 giờ bay từ Camerun, máy bay chở ĐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả đã đáp xuống phi trường quốc tế ”mùng 4 tháng 2” của thủ đô Luanda vào lúc 12 giờ 42 phút. Thành phố này có hơn 2 triệu 760 ngàn dân cư và giáo phận thủ đô có hơn 2 triệu 340 ngàn tín hữu Công Giáo.

Tổng thống José Dos Santos và phu nhân, cũng với các giới chức chính quyền và Đức TGM sở tại, Damião António Franklin, cũng là Chủ tịch HĐGM Angola, và các GM đã tiếp đón ĐTC tại chân thang máy bay.

Trong diễn văn đầu tiên tại Angola, ĐTC nói đến khát vọng hòa bình và cổ võ đối thoại. Ngài nói: ”Tôi đến từ một nước trong đó hòa bình và tình huynh đệ vẫn được tất cả mọi người dân đặc biệt quan tâm, nhất là những người, như tôi, đã từng phải trải qua chiến tranh và chia rẽ giữa những anh chị em cùng thuộc một quốc tộc, chỉ vì những ý thức hệ tàn hại và vô nhân đạo, những ý thức hệ đó, dưới cái vẻ giả tạo của những giấc mơ và ảo tượng, đã đặt nặng trên con người cái gông cùm áp bức. Vì thế, anh chị em có thể hiểu rằng tôi nhạy cảm dường nào đối với cuộc đối thoại giữa con người như phương thế để vượt tháng mọi hình thức xung đột và căng thẳng, cũng như để làm cho mọi quốc dân, như tổ quốc của anh chị em, thành một căn nhà hòa bình và huynh đệ. Để đạt tới mục đích đó, anh chị em cần kín múc từ gia sản tinh thần và văn hóa của mình những giá trị tốt đẹp nhất của Angola, gặp gỡ nhau không chút sợ hãi, chấp nhận chia sẻ những sự phong phú về tinh thần và vật chất để mưu ích cho tất cả mọi người”.

”Các bạn Angola thân mến, lãnh thổ của các bạn thật là giàu, quốc gia của các bạn thật là mạnh. Các bạn hãy dùng những đặc điểm này để cổ võ hòa bình và sự cảm thông giữa các dân tộc dựa trên căn bản liêm chính và bình đẳng, thăng tiến cho Phi châu một tương lai an bình và liên đới mà mọi người ao ước và có quyền được hưởng. Với mục đích ấy, tôi xin các bạn, đừng chiều theo luật của kẻ mạnh hơn! Bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người được bay bằng đôi cánh lý trí và đức tin, vượt lên trên những xu hướng tự nhiên của họ. Nếu các bạn bay lên với đôi cánh ấy, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nơi tha nhân người anh em của mình, được sinh ra với cùng những quyền căn bản. Rất tiếc là trong biên giới Angola này, vẫn còn bao nhiêu người nghèo đang đòi hỏi sự tôn trọng các quyền của họ. Chúng ta cũng không thể quên bao nhiêu người dân Angola đang sống dưới mức nghèo đói cùng cực. Các bạn đừng để họ bị thất vọng!”

Gặp chính quyền và ngoại giao đoàn

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 5 cây số. Dân chúng tiếp đón ngài hai bên đường rất nồng nhiệt như trong một đại lễ, dù họ chờ đợi hàng giờ dưới ánh nắng mặt trời. Rất nhiều người mặc áo T-Shirt có in hình ĐGH và họ vui mừng hô những câu ”ĐGH bạn, Angola ở với ngài”.

Ngài đến thăm Tổng thống Eduardo Dos Santos vào lúc 5 giờ chiều và gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn ngay tại phủ tổng thống.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nỗ lực tái thiết của chính quyền và nhân dân Angola và nói rằng: ”Các bạn thân mến, với một tâm hồn thanh liêm, đại đảm và từ bi, các bạn có thể biến đổi đại lục này, giải phóng dân tộc các bạn khỏi tệ nạn ham hố của cải, bạo lực và vô trật tự, hướng dẫn họ trên con đường được ghi những cột mốc không thể thiếu được đối với mọi nền dân chủ tân tiến, đó là tôn trọng và thăng tiến phẩm giá con người, một chính phủ minh bạch, một hệ thống pháp quan độc lập, một nền truyền thông tự do, một sự quản trị công cộng lương thiện, một hệ thống học đường và nhà thương tiến hành thích hợp, và quyết tâm bài trừ mọi hình thức tham nhũng, một quyết tâm ăn rễ sâu nơi sự hoán cải tâm hồn”.

Với các vị đại sứ, ĐTC khẳng định rằng ”sự phát triển kinh tế và xã hội tại Phi châu đòi phải có sự phối hợp giữa chính quyền quốc gia với những sáng kiến trong miền và với những quyết định quốc tế. Một sự phối hợp như thế đòi các nước Phi châu phải được coi không phải chỉ là những người tiếp nhận các kế hoạch và giải pháp do người khác đề ra. Chính người Phi châu, khi làm việc với nhau để mưu công ích cho cộng đoàn mình, cũng phải là những tác nhân đầu tiên của công việc phát triển chính mình. Về vấn đề này, càng ngày càng có những sáng kiến hữu hiệu đáng được hỗ trợ, trong đó có tổ chức Liên minh mới để phát triển Phi châu gọi tắt là Nepad, Hiệp ước về an ninh, ổn định và phát triển tại vùng Đại Hồ, v.v.

ĐTC nhắc nhở cộng đồng quốc tế nói chung cấp thiết phối hợp nỗ lực để đương đầu với sự thay đổi khí hậu, thực hiện trọn vẹn và chính đáng những cam kết về phát triển đã được đề ra tại Hội nghị Doha, và thực hiện lời hứa của các nước phát triển đã nhiều lần được lập đi lập lại sẽ dành 0,7% tổng sản lượng quốc gia để trợ giúp chính thức cho việc phát triển các nước nghèo. Sự trợ giúp này càng cần thiết hơn ngày nay vì cơn bão tố tài chánh hiện nay trên thế giới; mong ước rằng sự trợ giúp ấy không phải là một trong những nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới.

ĐTC kết thúc bài diễn văn với lời bênh vực gia đình và ngài nhận xét rằng ”như mọi người chúng ta đều biết, tại Angola này cũng có nhiều áp lực đè nặng trên các gia đình: những lo âu và tủi nhục do nạn nghèo đói, thất nghiệp, bệnh tật, lưu đày, gây ra. Một điều đặc biệt gây kinh hoàng, đó là cái ách kỳ thị phụ nữ và trẻ nữ đang đè nặng trên nhiều người, không kể vô số những hành vi bạo lực và khai thác tình dục, gây tủi nhục và chấn thương cho nữ giới. Tôi cũng phải nói đến một lãnh vực gây lo âu rất nhiều, đó là chính sách của những người nhắm ảo tưởng gọi là ”xây dựng tòa nhà xã hội, nhưng đồng thời lại đe dọa chính nền móng của tòa nhà ấy. Thật là cay đắng thái độ của những người cổ võ phá thai như một biện pháp gọi là để săn sóc sức khỏe của người mẹ. Thật là điều lạ đời chủ trương của những người cho rằng hủy hoại sự sống là một vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ (Hiệp định Maputo, art. 14).