VATICAN - "Noi gương thánh Bonifacio tiếp nhận Lời Chúa vào trong cuộc sống như điểm tham chiếu nòng cốt và say mê yêu mến Giáo Hội, cảm thấy có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo Hội và tìm sự hiệp nhất chung quanh người kế vị thánh Phêrô”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp 40.000 tín hữu và du khách năm châu sáng thứ tư 11-3-2009 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong các đoàn hành hương cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam thuộc tổng giáo phận Sài Gòn. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh Bonifacio tông đồ của người Đức. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta dừng lại trên gương mặt của một thừa sai lớn thuộc thế kỷ thứ VIII, là người đã phổ biến Kitô giáo tại Trung Âu châu, ngay trên quê hương của tôi: đó là thánh Bonifacio, được lịch sử coi như là ”tông đồ của người Germani”.

Sinh trưởng trong một gia đình anglosaxon vùng Wessex năm 675, người được rửa tội với tên thánh là Winfrido và gia nhập tu viện khi còn rất trẻ vì bị lý tưởng viện tu lôi cuốn. Là người có nhiều khả năng trí thức người trở thành thầy dậy văn phạm Latinh, biên soạn vài thiên khảo luận và sáng tác nhiều bài thơ bằng tiếng Latinh. Được thụ phong Linh Mục khoảng năm 30 tuổi, người cảm thấy ơn gọi tông đồ giữa các dân ngoại trong đại lục. Vùng đất của người đã được các tu sĩ Biển Đức rao giảng Tin Mừng 100 năm trước đó tỏ ra vững vàng trong đức tin và sốt sắng trong tình bác ái, đến độ gửi các thừa sai đi truyền giáo tại vùng trung Âu châu. Năm 716 Winfrido và một vài bạn đến vùng Frisia bên Hòa Lan ngày nay, nhưng đụng độ với lãnh tụ địa phương nên công cuộc truyền giáo thất bại phải trở về nước. Nhưng 2 năm sau người sang Roma để nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Gregorio II và nhận các chỉ dẫn của người. Đức Giáo Hoàng tiếp đón thánh nhân với gương mặt tươi cười và cái nhìn đầy hiền dịu và trong các ngày sau đó đã có các cuộc đối thoại quan trọng với người (Willibaldo, Vita S. Bonifatii, Ed Levison, tr.13-14). Sau cùng sau khi đặt tên cho người là Bonifacio, Đức Giáo Hoàng viết thư chính thức giao cho người sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Germani.

Được sự yểm trợ của Đức Giáo Hoàng củng cố và nâng đỡ thánh Bonifacio dấn thân rao giảng Tin Mừng trong các vùng này, chiến đấu chống lại các thói tôn thờ ngoại giáo và củng cố nền tảng luân lý nhân bản và Kitô. Trong một thư người viết rằng: ”Chúng tôi không phải là chó câm, hay người quan sát lầm lì, cũng không phải là các người làm thuê trốn chạy trước chó sói! Trái lại chúng tôi là các Chủ Chăn canh thức trên đoàn chiên của Chúa Kitô, loan báo ý muốn của Thiên Chúa cho các nhân vật quan trọng cũng như cho thường dân, cho người giầu cũng như kẻ nghèo... trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện” (Epistulae, 3,352,354: MGH). Vì các hoạt động không mệt mỏi, với tài tổ chức và tính tình mềm dẻo và dễ thương, thánh nhân gặt hái rất nhiều thành công tới độ chính Đức Giáo Hoàng Gregorio II đã tấn phong người làm Giám Mục miền này, tức toàn nước Đức.

Ngoài việc rao truyền Tin Mừng cho vùng đất được giao phó, thánh Bonifacio còn trải rộng hoạt động sang cả vùng Gallia tức nước Pháp nữa. Người thận trọng tái lập kỷ luật giáo hội, triệu tập nhiều công nghị, củng cố sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Cả các Giáo Hoàng kế vị cũng rất qúy mến thánh nhân. Đức Gregorio III chỉ định người làm Tổng Giám Mục của tất cả các bộ lạc Đức, gửi dây Pallium cho người và cho người quyền tổ chức hàng giáo phẩm địa phương. Đức Giáo Hoàng Zaccaria tái xác định nhiệm vụ này và ca ngợi dấn thân của thánh Bonifacio. Đức Giáo Hoàng Stefano III vừa mới lên ngôi đã nhận được một bức thư của thánh nhân bầy tỏ tình con thảo.

Ngoài việc truyền giáo và tổ chức Giáo Hội qua việc thành lập các giáo phận và cử hành các Công Nghị, vị Giám Mục lớn lao này còn thành lập các tu viện nam nữ khác nhau để chúng như đèn pha giãi tỏa ánh sáng đức tin và nền văn hóa nhân bản và Kitô trong vùng. Người cho gọi các tu sĩ Biển đức nam nữ từ quê hương của người sang để họ trợ giúp công tác rao truyền Tin Mừng và phổ biến các khoa học nhân văn và nghệ thuật. Người xác tín rằng công tác truyền giáo cũng phải là công tác phổ biến một nền văn hóa nhân bản đích thật. Đặc biệt là tu viện Fulda, được thành lập năm 743, đã trở thành con tim và trung tâm tỏa chiếu tinh thần tu đức và nền văn hóa tôn giáo, nơi các tu sĩ cố gắng nên thánh qua lời cầu nguyện, công việc làm và sự hãm mình, tự đào tạo mình trong việc học hỏi nghiên cứu các môn học thánh và đời, và chuẩn bị trở thành thừa sai cho công tác rao truyền Tin Mừng.

Nhờ thánh Bonifacio và các tu sĩ nam nữ của người, chị em phụ nữ cũng đã góp phần quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Nền văn hóa nhân bản cũng nở hoa: nó không thể tách rời khỏi lòng tin và vén mở vẻ đẹp của lòng tin. Chính thánh Bonifacio cũng đã để lại các tác phẩm trí thức ý nghĩa, trong đó có các thư tín của người gồm các thư mục vụ, các thư chính thức và cá nhân, vén mở cho thấy các sự kiện xã hội, và nhất là tính tình nhân bản phong phú và lòng tin sâu sắc của người. Thánh nhân cũng viết một cuốn văn phạm Latinh và biến nó trở thành dụng cụ phổ biến lòng tin và nền văn hóa. Người ta cũng gán cho ngài một tác phẩm dậy làm thơ và nhiều bài thơ khác cũng như 15 bài giảng.

Mặc dù đã gần 80 tuổi, thánh nhân chuẩn bị cho một cuộc truyền giáo mới: với 50 tu sĩ người trở lại vùng Frisia nơi đã bắt đầu công tác rao giảng Tin Mừng. Như có linh tính báo trước cho biết cái chết gần kề, thánh nhân gứi cho Đức Cha Lullo Giám Mục Mainz và là môn đệ của ngài một bức thư cho biết ngày cuối cùng của người đã gần và khích lệ Đức Cha Lullo xây cho xong nhà thờ chính tòa Fulda và chôn xác ngài trong đó. Ngay mùng 5 tháng 6 năm 754 trong khi thánh nhân bắt đầu dâng thánh lễ tại Dokkum, miền bắc Hòa Lan, thì bị một toán dân ngoại tấn công. Người bình tĩnh tiến về phía họ và cấm các người tùy tùng chiến đấu, vì Kinh Thánh dậy ”không lấy ác đáp trả điều ác, nhưng lấy điều thiện đáp trả lại điều ác. Đây ngày ước mong biết bao đã tới, giờ cuối cùng của chúng ta đã tới: hãy can dảm lên trong Chúa!”. Thánh nhân đã bị các người tấn công đánh chết. Thi hài tử đạo của người được đưa về tu viện Fulda và chôn cất tại đó. Ngài được gọi là người cha của dân tộc Đức vì đã sinh họ ra trong lòng tin.

Sau bao thế kỷ, đâu là sứ điệp mà chúng ta có thể tiếp nhận từ giáo huấn và từ các hoạt động kỳ diệu của vị thừa sai tử đạo lớn lao này? Điều hiển nhiên đầu tiên đối với ai tìm hiểu thánh Bonifacio: đó là tính cách trung tâm của Lời Chúa, được sống và giải thích trong lòng tin của Giáo Hội. Thánh nhân đã sống, rao giảng và làm chứng cho Lời Chúa cho tới chỗ tử đạo. Người say mê Lời Chúa tới độ cảm thấy cấp thiết phái đem Lời Chúa tới cho người khác, cả khi có nguy hiểm tới tính mạng đi nữa. Khi thụ phong Giám Mục, người đã long trọng dấn thân tuyên xưng sự tinh tuyền của lòng tin công giáo. Điểm thứ hai rất quan trọng đó là sự hiệp thông với Tông Tòa như là trung tâm điểm chắc chắn cho công tác truyền giáo của người và như là di chúc của người. Trong một thư viết cho Đức Giáo Hoàng Zaccaria thánh nhân khẳng định rằng người không ngừng mời gọi vâng phục Tông Tòa tất cả những ai muốn ở trong lòng tin công giáo và sự hiệp nhất của Giáo Hội Roma cũng như tất cả những ai lắng nghe và là môn đệ của người trong sứ mệnh Chúa giao phó. Thánh nhân thông truyền tinh thần gắn bó với Người Kế Vị Thánh Phêrô cho các Giáo Hội trong vùng truyền giáo của người, nối liền các nước Anh, Đức và Pháp với Roma, góp phần định đoạt vào việc đặt gốc rễ Kitô cho Âu châu sẽ đâm hoa trái trong các thế kỷ sau đó. Điểm thứ ba đó là sự gặp gỡ giữa nền văn hóa Roma Kitô và nền văn hóa Đức. Người biết rằng nhân bản hóa và truyền giảng Tin Mừng cho nền văn hóa là nhiệm vụ của Giám Mục. Khi thông truyền gia tài các giá trị Kitô, thánh nhân tháp vào các dân tộc Đức một kiểu sống nhân bản hơn, nhờ đó các quyền bất khả xâm phạm của con người được tôn trọng. Như là con của thánh Biển Đức thánh nhân biết kết hiệp lời cầu nguyện với việc làm, bút và cầy.

Chứng tá can đảm của thánh Bonifacio là một lời mời gọi chúng ta tiếp nhận Lời Chúa vào trong cuộc sống như điểm tham chiếu nòng cốt và say mê yêu mến Giáo Hội, cảm thấy có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo Hội và tìm sự hiệp nhất chung quanh người kế vị thánh Phêrô. Đồng thời người nhắc cho chúng ta biết rằng khi phổ biến nền văn hóa, Kitô giáo thăng tiến sự tiến bộ của con người. Chúng ta phải sống xứng đáng với gia tài cao qúy ấy và truyền lại cho các thế hệ đến sau.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.