SUBPRIMES VÀ LIÊN HIỆP ÂU CHÂU (3)

D. NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRONG KHỦNG HOẢNG.

I. TINH THẦN BẤT AN VÀ TƯƠNG LAI VÔ VỌNG.

Người Pháp cảm thấy các vị cầm quyền đem tiền công quỹ trợ giúp cho giới ngân hàng, còn họ không được gì cả. Tâm lý người làm công luôn lo sợ bị sa thải, nói chi đến việc tăng lương, dù lời hứa ‘tăng mãi lực’ của ứng cử viên Nicolas Sarkozy vẫn còn nghe đâu đó. Việc ‘tăng mãi lực’ có thật… nhưng chỉ tăng cho một thiểu số nhỏ được làm thêm giờ phụ trội và lương giờ phụ trội này không bị trừ tiền phải góp các quỹ an ninh xã hội và khỏi phải tính thuế lợi tức. Theo một báo cáo của Bộ Kinh tế, Công nghệ và Việc làm, chỉ 5,5 triệu người Pháp đã lao động 750 triệu giờ phụ trội trong năm 2008.

[Ý kiến chúng tôi thì việc trợ giúp ngân hàng để ngân hàng có tiền cho các xí nghiệp vay để không bị trở ngại sản xuất. Lãi suất tín dụng (Chính phủ đòi ngân hàng trả 8%) cần phải thấp hơn để người mua ít bị mất mãi lực và hàng xuất cảng không bị mất tính cạnh tranh. Biện pháp bỏ mức (tranche) thấp nhất thuế lợi tức (xin xem phần dưới đây) có thể công bằng hơn lương giờ phụ trội vì sự khiếm hụt các quỹ an ninh xã hội đòi hỏi những người kém lợi tức hơn phải trả bù vào đó. Chưa kể, biện pháp nầy cho phép giới chủ không cần mướn thêm người]

Chủ lẫn thợ trong tất cả mọi ngành, nghề hoạt động kinh tế đều lo lắng. Mọi người bi quan về tương lai của cuộc sống: khả năng tiết kiệm giảm nhiều và cho rằng bây giờ không phải là lúc mua sắm vật dụng quan trọng, đắt đỏ.

Số người thất nghiệp gia tăng trong tháng 12/2008 là 45.800 người để đưa con số thất nghiệp trọn năm 2008 là 217.000 người, tức tăng 11,40% so với năm 2007. Chánh phủ cũng không tin tưởng sẽ có tăng trưởng kinh tế Pháp năm 2009 hầu có thể làm giảm bớt số thất nghiệp.

Bất mãn xã hội do thấy số người thất nghiệp ngày càng tăng và tăng nhanh hơn, nhất là giới trẻ với các hợp đồng làm việc sắp đáo hạn, không việc làm. Không ai ước lượng được là quy mô và thời gian khủng hoảng là những ẩn số mà phương trình xã hội tùy thuộc vào. Do đó, cuộc biểu tình ngày 29.01.2009 đã xảy ra.

Theo kết quả một thăm dò ý kiến do báo ‘le Parisien’ cho thấy có đến 69% người Pháp ủng hộ ngày đình công và biểu tình này. Một thăm dò khác cho biết có đến 75% người được hỏi trả lời: cuộc tranh đấu này là chính đáng.

Đa số công nhân ủng hộ ngày tranh đấu vì đây là dịp để chứng tỏ lòng bất mãn mà họ không dám biểu lộ trong xí nghiệp vì sợ bị sa thải.

II. ĐÌNH CÔNG VÀ BIỂU TÌNH NGÀY 29.01.2009.

Biểu tình là một tập thể hành động bất bạo động để bày tỏ một cách công khai những ý kiến chung của nhóm người này… Những người biểu tình có thể có mục đích trình bày tỏ những quan điểm ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề công cộng, cách riêng để chống những bất công xã hội... Các biểu tình thường có liên quan đến vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định. Đó là những tiếng chuông cảnh cáo Chánh phủ biết rõ lòng dân, hầu quan tâm và hành xử trách nhiệm giải quyết một vấn đề nào đó khiến nhân dân bức xúc, không chỉ trong lãnh vực chính trị, mà ngay cả kinh tế, xã hội…

Quyền đình công và biểu tình được Hiến pháp 1958 công nhận. Do đó, Nhà Nước và mọi công dân Pháp đều phải tôn trọng. Các cuộc biểu tình phải được thông báo Đại biểu Chánh phủ (Préfet) để cảnh sát được gởi đến giữ trật tự.

1,08 triệu người theo Bộ Nội vụ (2,5 triệu theo nghiệp đoàn thợ) tham gia 195 cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Pháp theo lời yêu gọi các nghiệp đoàn thợ với các yêu sách là bảo vệ việc làm, mãi lực và các dịch vụ công cộng trước những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra.

Trên một triệu công chức đình công, đạt tỉ lệ 26% theo số chánh thức được các Bộ công bố, nhiều hơn cuộc vận động chống chế độ hưu bổng đặc biệt năm 2007. Nhiều công nhân công ty Điện Pháp quốc tuy đình công nhưng cũng đã làm việc khẩn cấp nối các đường dây điện cho các vùng vừa bị bảo tàn phá miền Nam nước Pháp trước đó.

Để đáp lại số người tham gia đình công và biểu tình, Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố tham dự cuộc phỏng vấn truyền hình vào ngày 05.02.2009.

III. PHỎNG VẤN TRUYỀN HÌNH NGÀY 05.02.2009

20 giờ 15 ngày 05.02.2009, mở đầu chương trình ‘Đối diện với khủng hoảng’ (Face à la crise), Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố trên các đài truyền hình TF1, FR2, M6 và RTL: « Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng không hề biết từ một thế kỷ nay nên người Pháp cảm thấy lo âu. Đó là điều bình thường ». Ông cầu chúc « nước Pháp đi vào càng trể càng tốt cuộc khủng hoảng và thoát càng sớm càng tốt cuộc khủng hoảng » và nhấn mạnh ông cũng phải « nghe những người không dự biểu tình. Tôi không có ý định trốn tránh trách nhiệm. Ông xác nhận ề tiền cho các ngân hàng vay không tốn một xu nào nhưng mang lại tiền cho người Pháp. »

- Số tiền lời 1,4 triệu euro mà Nhà Nước cho các ngân hàng vay năm nay sẽ được dùng trọn để tài trợ các ‘biện pháp xã hội’.

- Các chương trình cải tổ quốc gia vẫn tiếp tục theo cùng nhịp độ. Nếu phải ngưng lại, như đã thường làm trong quá khứ mỗi khi có biểu tình, thì tốt hơn là đừng làm cải tổ nào cả. Và như vậy người ta được yên ổn. Đoạn tuyệt ? Đó là đoạn tuyệt với thói quen này.

- Sau đó, ông Sarkozy cho biết ông sẽ tiếp các nghiệp đoàn chủ và thợ trong phiên họp ngày 18.02.2009 để thảo luận về việc tăng tiền bồi thường cho các công nhân phải rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật (hay từng phần) từ 50% lên 60% tiền lương bình thường.

- Để giúp giới trung lưu có lợi tức thấp bằng bỏ mức (tranche) thấp nhất, từ 5.688 tới 11.344 euro, để tính thuế lợi tức cho khoảng 2 triệu hộ thuế (contribuable) và miễn thu một phần ba (1/3) thứ nhì (deuxième tiers) ứng trước tiền thuế này. Thí dụ, anh A khai thuế lần đầu nộp cho Trung tâm Thuế hồi tháng 05.2008 cho lợi tức anh thu được năm 2007. Tháng 8.2008, Trung tâm Thuế gởi giấy đòi thuế 2007 là 1.500 euro và phải trả trước ngày 15.09.2008. Sang năm 2009, ngày 15.02.2009 (năm 2009, ngày này rơi vào chúa nhật nên được dời sang 24 giờ ngày 16.02.2009) là hạn chót anh A phải trả một phần ba thứ nhất là 500 euro. Sau đó, anh A phải nộp tờ khai anh thu được năm 2008 trước ngày 31.05.2009. Trước ngày 15.05.2009, anh A phải trả một phần ba thứ nhì là 500 euro tức số tiền Tổng thống Sarkozy đề cập nhưng chưa đưa chi tiết. Tháng 8.2008, anh A sẽ nhận được giấy đòi thuế lợi tức 2008. Nếu số thuế trên 1.000 euro, anh A phải trả số sai biệt. Nếu số thuế dưới 1.000 euro, anh A phải được hoàn trả số sai biệt.

- Trong phiên họp ngày 18.02.2009, Tổng thống Sarkozy sẽ đề cập đến vấn đề chia lợi nhuận công ty theo thể thức 3 lần một phần ba (1/3) tức lợi nhuận 100 euro thì phải chia 33 euro cho các cổ đông, 33 euro cho các công nhân và 33 euro cho các vị điều hành công ty. Nhưng ông quên nói tới euro thứ 100 sẽ chia cho ai ?

- Tổng thống Sarkozy không đồng ý tăng Lương tối thiểu liên ngành (Salaire minimum interprofessionnel de croissance, SMIC) vì ‘người ta quên 83% số người làm việc’. Ông sẳn sàng làm một cố gắng để giúp các người thất nghiệp trẻ.

Trong khi chờ kết quả phiên họp ngày 18.02.2009, các nghiệp đoàn thợ đã họp và quyết định có thể có ngày ‘hành động’ (tức đình công và biểu tình) vào ngày 19.03.2009. Chúng ta có thể xem đó là một áp lực để họ đạt được kết quả nhiều hơn trong phiên họp ngày 18.02.2009. Đây là một tiến trình bình thường trong một chế độ tự do, dân chủ.

Cuộc đình công và biểu tình ngày 29.01.2009 đã tốn khoảng 250 triệu euro cho nền kinh tế nước Pháp và cho chính những người tham gia đình công và biểu tình.

Tự do, dân chủ luôn luôn có một giá phải trả và thường với một giá thật đắt.

Nhiều người Việt-Nam chúng ta biết điều đó.

(Còn tiếp)