Tuần này, bà Chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ Nancy Pelosi sẽ gặp Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican. Sau khi Thượng nghị sĩ Ted Kennedy bị suy nhược vì bệnh tật, Pelosi đã nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo những thành viên Công giáo bất đồng trong Quốc hội Mỹ.

Chỉ có Pelosi là thích hợp thay thế vào chỗ của Kennedy. Tháng giêng năm 2006, khi trở thành Chủ tịch Hạ viện, bà đã chọn Linh mục Dòng Tên Robert Drinan làm người cử hành thánh lễ ăn mừng. Linh mục Drinan nay đã qua đời, là giáo sư dạy luật nhiều năm tại trường Đại học Georgetown, đã là kiến trúc sư của những lý luận hiện nay được dùng làm lớp vỏ che đậy cho những chính trị gia Công giáo nào muốn lẩn tránh vấn đề phá thai. Nỗ lực đó khởi đầu từ năm 1964, khi linh mục Drinan là một trong một nhóm nhỏ những nhà thần học đã đến thăm viếng Hyannis Port tiểu bang Massachusetts, để dậy dỗ cho người trong gia tộc Kennedy cách mưu mẹo về vấn đề phá thai trong lãnh vực chính trị.

Thánh tích 100% bỏ phiếu ủng hộ phá thai của Pelosi – theo lời tổ chức phò phá thai NARAL – đã là chuyện thường xuyên trong giới những đảng viên Dân chủ theo đạo Công giáo tại Hạ viện Mỹ, nhưng có lẽ Pelosi là người lớn lối nhất trong bọn họ. Chẳng hạn, trong bản dự thảo đầu tiên về tổng số tiền dùng để kích hoạt kinh tế, hàng triệu đôla dùng cho việc ngừa thai đã bị cắt bỏ, nhưng chỉ có mình Pelosi đứng lên bênh vực cho quỹ này.

Tháng 8 năm ngoái, bà đã đưa ra những lời bình luận kỳ quặc về Giáo hội trong chương trình truyền hình Meet the Press (Gặp gỡ Báo chí) đến nỗi đã đơn thương độc mã làm nguy hiểm cho nỗ lực tìm tới các cử tri Công giáo của Tổng thống Barack Obama. Để ủng hộ cho lập trường ủng hộ phá thai của mình, khi được hỏi khi nào thì sự sống bắt đầu, bà đã khẳng định: “Hàng bao nhiêu thế kỷ, các vị tiến sĩ của Giáo hội đã không thể nào xác định được điều đó.” Lời bình luận của bà đã khơi động phản ứng khiển trách không phải chỉ từ vị Tổng giám mục George Niederauer trong giáo phận San Francisco, mà còn từ hàng chục vị giám mục khác nữa.

Vì thế, tin Pelosi sẽ gặp Đức giáo hoàng Bênêđictô đã loan truyền nhanh như một đám cháy qua các blogs Công giáo (nhật ký trên mạng) từ hôm thứ Năm tuần qua. Nhiều người Công giáo, ghê tởm đường lối chính trị phò phá thai cuồng tín của bà, đã phẫn nộ ngay cả đến việc Đức giáo hoàng bằng lòng tiếp kiến bà. Họ quên rằng Đức thánh cha là nguyên thủ của một quốc gia và thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị từ khắp các nước, bất kể lập trường của những vị này như thế nào đối với những vấn đề Giáo hội cho là quan trọng.

Tuy nhiên việc Đức giáo hoàng gặp Pelosi cũng là điều hay, bởi vì người ta không bao giờ có thể coi nhẹ ảnh hưởng do sự hiện diện của ngài. Cũng còn một điều đáng nhớ, đó là, nếu nghi thức ngoại giao của những lần gặp gỡ trước đây vẫn giữ nguyên, thì Đức thánh cha sẽ đưa ra những ý kiến chính thức với báo giới trước bất cứ cuộc hội kiến riêng nào. Rất có thể là Bênêđictô sẽ đưa ra những lời bình luận chỉ trích chính quyền Obama đã chấm dứt Chính sách Đô thị Mexcio (Mexico City Policy, chính sách của chính phủ Mỹ cấm các tổ chức phi chính phủ không được dùng quỹ viện trợ Hoa kỳ vào những dịch vụ phá thai), và cảnh báo tân Quốc hội về việc thông qua Dự luật Tự do Chọn lựa (Freedom of Choice Act).

Tháng 7 năm 2001, trong lần đầu gặp Tổng thống George W. Bush, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra những nhận xét phê phán nhẹ nhàng lập trường của Tổng thống về vấn đề nghiên cứu tế bào phôi gốc, và giới báo chí chỉ nói về vấn đề đó mà không đề cập đến đề tài nào khác. Do đó, sẽ có điều thích thú khi so sánh phản ứng của giới truyền thông trước những điều Bênêđictô có thể phát biểu về Pelosi và Obama.

Cũng quan trọng như việc Pelosi hội kiến với Đức thánh cha là tất cả những gì liên quan đến bà khi tới thăm viếng Vatican. Bà có tham dự thánh lễ không? Bà có rước Mình thánh không? Có bao nhiêu người trong giới truyền thông sẽ hiện diện? Hình ảnh cuộc tiếp đón bà sẽ truyền đi trên khắp thế giới rầm rộ như thế nào? Có bao nhiêu người trong nhóm bạn Công giáo ủng hộ phá thai đi theo bà?

Quý vị có thể biết chắc là Pelosi sẽ đạo diễn cuộc thăm viếng này để đạt được tới mức tối đa cái căn cước Công giáo của mình – tới mức chắc chắn là sẽ có tấm hình bà đầu choàng khăn voan đi vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Dĩ nhiên, đáng lẽ là bà sẽ bị từ chối không được rước lễ, nhưng điều đó khó xảy ra. Bất cứ linh mục nào cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của Pelosi cũng sẽ được chọn lựa trước để tránh cảnh bối rối cho bà Chủ tịch và đoàn tuỳ tùng của bà. Nhưng tôi không loại bỏ việc đại loại sẽ có sự phản kháng nào đó từ nhóm các sinh viên Công giáo chính thống và các chủng sinh đang theo học tại Roma.

Căn cứ vào tính cách khoa trương mà Pelosi sẽ nhận được trong chuyến đi này, tổng giám mục Niederauer nên phát hành một bản tuyên bố công khai nhắc lại những lời chỉ trích của ngài về lập trường ủng hộ phá thai của bà – và hơn nữa, nếu sau này bà lên rước lễ, ngài nên từ chối không đưa Mình Thánh Chúa cho bà. Nếu ngài im lặng, ngài có thể cảm thấy bối rối khi các vị giám mục Hoa kỳ khác, thay mặt ngài và nhân danh Giáo hội, phê phán Pelosi.

Linh mục Tom Euteneuer đã có một lập trường táo bạo, bày tỏ niềm tin tưởng rằng Pelosi phải bị công khai và chính thức rút phép thông công. Bất hạnh thay, lời tuyên bố công khai đó của ngài ít có hy vọng xảy ra: Các vị giám mục không muốn bị coi như bị sai bảo phải thực hiện những việc do người đứng đầu tổ chức Quốc tế Sinh mạng Con người (Human Life International, viết tắt là HLI), hay do bất cứ người hoạt động tông đồ Công giáo nào khác đưa ra về vấn đề đó. Nhưng người bạn tốt của chúng ta tại tổ chức HLI đã rất đúng khi đưa ra ý kiến đó.

Nguồn: Deal W. Hudson, giám đốc InsideCatholic.com

Tổ chức Quốc tế Sinh mạng Con người (Human Life International, viết tắt là HLI) là một tổ chức tại Mỹ của nhóm người Công giáo phò sinh, do linh mục Paul Marx thành lập năm 1981, trụ sở đặt tại Front Royal, Virginia,, hiện nay do linh mục Thomas J. Euteneuer lãnh đạo. Tổ chức này hiện có 99 văn phòng tại 80 quốc gia, được coi là tổ chức quốc tế, phò sinh, phò gia đình, phò phụ nữ lớn nhất thế giới.

Tuy là một tổ chức Công giáo và người thành lập đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II ủng hộ, nhưng HLI cũng nhận được sự hợp tác của nhiều tổ chức khác ngoài Công giáo.