Trong một bài dưới dầu đề “Dưới mặt trời này, không có cái gì cho không cả” (Nothing under the sun for free) được đăng trên tờ The Christian Science Minitor, ký giả Ron Scherer cho biết Mỹ sẽ tốn tới 2.000 tỷ USD trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Báo cáo của Trung Tâm Thẩm Định Chiến Lược và Tài Chính (CSBA) của Mỹ cho biết, tính từ năm 2001 đến nay Mỹ đã đổ vào cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan tổng cộng 904 tỷ USD. Tính riêng chi phí bỏ ra cho cuộc chiến Iraq là 687 tỷ USD.

Báo cáo của Trung Tâm cũng nói rằng mặc dù đến năm 2011 Mỹ sẽ rút quân ra khỏi Iraq với số lượng lớn nhưng tính đến năm 2018, tổng số tiền mà Mỹ phải chi cho hai cuộc chiến này sẽ lên tới từ 1.300 đến 1.700 tỷ USD.

Một trong những yếu tố làm cho nền kinh tế Mỹ suy sụp hiện nay là sự sa lầy của hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Năm 2008, ngân sách quốc phòng Mỹ đã lên đến 620 tỷ USD. Do đó, muốn giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, Tổng Thống Obama phải tìm giải pháp cho hai cuộc chiến này. Hiện nay Mỹ đang có kế hoạch Iraq hoá (Iraqization) cuộc chiến, tức giao cuộc chiến Iraq lại cho người Iraq, như đã Việt Nam hoá cuộc trước đây. Còn số phận của Afghanistan sẽ như thế nào?

Nhìn qua diễn biến của tình hình, chúng ta sẽ thấy lịch sử cũng đang tái diễn ở Afghanistan.

NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Afghanistan có diện tích 647.500 cây số vuông, tức chỉ bằng tiểu bang Texas của Hoa Kỳ, nhưng rừng núi chiếm đa số. Dân số hiện nay khoảng 27.800.000 người, hầu hết theo Hồi Giáo: 84% theo giáo phái Sunni, 15% theo giáo phái Shiite, và 1% các tôn giáo khác. Chỉ có 29% dân số biết chữ, nhưng đến 88% chưa hề được đi học. Có đến 80% dân chúng làm nghề nông, nhưng đất đai khai thác chỉ mới 13%. Tỷ lệ lạm phát 240%. Trong tiến trình lịch sử, đất nước Afghanistan đã chịu nhiều biến động đau thương và nhiều đoàn quân ngoại quốc đã bị chôn vùi tại đó.

Vua Darius I và Alexander Đại Đế của Nga là người đầu tiên khai phá Afghanistan làm con đường đi qua Ấn Độ. Hồi Giáo được truyền vào Afghanistan vào thế kỷ thứ 7. Afghanistan bị Thành Cát Tư Hản và Mông Cổ chiếm vào thế kỷ 13. Đến thế kỷ 19, Afghanistan trở thành trận địa chiến giữa Anh và Nga Hoàng Czar để giành quyền kiểm soát Trung Á. Dân Afghanistan đã mở các cuộc chiến giàng độc lập từ 1838 đến 1842 và từ 1878 đến 1881 dưới sự lãnh đạo của Dost Mohammed và con của ông, nhưng đều bị thất bại. Hiệp ước Anh - Nga 1907 dành cho Afghanistan quyền tự trị và đến năm 1919, sau Đại Chiến thứ I, Anh và Nga trao trả độc lập cho Emir Amanulla. Chế độc quân chủ được thiết lập tại đây từ 1926. Năm 1978 Noor Taraki làm đảo chánh, lật đổ chế độ quân chủ và thành lập một chế độ thân Cộng Sản. Babrak Karmal kế vị Taraki ký hiệp ước liên minh phòng thủ với Liên Sô. Các tổ chức Hồi Giáo nổi lên chống lại. Các tổ chức này được Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác ủng hộ.

TRAO CUỘC CHIẾN VN CHO LIÊN SÔ!

Quân đoàn 40 Liên Sô bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25.12.1979, để bảo vệ chế độ Karmal.

Quân đoàn 40, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Sergei Leonidovich Sokolov, gồm 3 sư đoàn pháo cơ giới, 1 sư đoàn không quân, 1 lữ đoàn tấn công, 2 lữ đoàn pháo độc lập và 5 trung đoàn pháo cơ giới riêng biệt. Tổng cộng, lực lượng Liên Sô gồm khoảng 1.800 chiếc xe tăng T-62, 2.000 thiết giáp chiến đấu (AFV) và 80.000 quân.

Ngày 27.12.1979, 700 lính Liên Sô trong trang phục lính Afghanistan, gồm cả các lực lượng đặc biệt OSNAZ của KGB và GRU SPETSNAZ từ Alpha Group và Zenit Group, đã chiếm các cơ sở chính phủ, quân đội và thông tin trọng yếu tại Kabul, kể cả dinh Tổng thống Tajbeg. Nhiệm vụ đầu tiên của quân đội Liên Sô là bảo vệ các thành phố và các cơ sở chiến lược, được mở rộng sang cả chiến đấu với các lực lượng Mujahideen. Tuy nhiên, quân đội Liên Sô không thể thành lập chính quyền bên ngoài Kabul. Tới 80% vùng nông thôn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Zbigniew Brzezinski, Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ Carter đã viết: "Theo lịch sử chính thức, CIA đã bắt đầu giúp Mujahadeen từ năm 1980, có nghĩa sau khi quân đội Liên Sô tiến vào Afghanistan ngày 24.12.1979... Hiện chúng ta đã có cơ hội để trao cho Liên Sô cuộc Chiến tranh Việt Nam của họ."

Tới giữa thập niên 1980, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Anh Quốc, Trung Quốc, Saudi Arabia, Pakistan và nhiều nước khác, du kích quân Afghanistan được huấn luyện chủ yếu do Hoa Kỳ và Pakistan đã nổi lên khắp nơi khiến Liên Sô phải chịu nhiều tổn thất về quân sự cũng như bị đặt vào tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Năm 1982, Osama bin Laden đã vào sâu trong lãnh thổ Afghanistan để thăm dò tình hình và có khi đã tham gia vào các trận đánh. Năm 1984, Osama bin Laden thành lập một trạm giao liên tại Peshawar để dưỡng quân. Thấy Bin Laden là người có khả năng và có quyết tâm, cơ quan CIA đã huấn luyện Bin Laden thành một người biết tổ chức tình báo và chiến đấu có kỷ thuật cao để chống lại Liên Sô. Năm 1986, với sự giúp đỡ của CIA, Bin Laden thành lập những trại huấn luyện riêng của mình và trong 2 năm đã xây dựng được 6 trại. Hoa Kỳ đã viện trợ vũ khí và phương tiện cho Bin Laden, nhờ vậy ông đã trực tiếp điều khiển các binh sĩ mở 5 trận đánh lớn với quân Liên Sô và hàng trăm trận giao tranh lẻ tẻ, làm quân Liên Sô điêu đứng.

Các lãnh đạo Mujahideen rất chú trọng tới các chiến dịch phá hoại. Hành động thường thấy nhất là tấn công các đường dẫn năng lượng, ống dẫn dầu, các đài phát thanh, các trụ sở cơ quan chính phủ, sân bay, khách sạn, rạp chiếu bóng, v.v. Từ năm 1985 tới năm 1987, hơn 1.800 hành động khủng bố đã được ghi nhận. Tại vùng biên giới với Pakistan, quân Mujahideen thường phóng 800 quả rocket mỗi ngày. Giữa tháng 4 năm 1985 và tháng 1 năm 1987, họ đã tiến hành hơn 23.500 lần bắn pháo vào các mục tiêu của chính phủ.

Những cuộc đàm phán không chính thức về việc rút quân đội Liên Sô ra khỏi Afghanistan đã được tiến hành từ năm 1982. Tháng 4 năm 1988, Liên Sô đã phải ký Hiệp định Genève với chính phủ Pakistan, Afghanistan và Hoa Kỳ, thoả thuận về các vấn đề chủ chốt, chấm dứt chiến tranh và quân Liên Sô phải rút khỏi Afghanistan năm 1989. Liên Hiệp Quốc thành lập một phái đoàn đặc biệt để giám sát quá trình rút quân của Liên Sô.

Tổng cộng số thiệt hại nhân mạng của các lực lượng vũ trang Liên Sô, quân biên phòng và các lực lượng bộ nội vụ là 14.453 người. Các đơn vị thuộc tổng hành dinh mất 13.833 người, Có 469.685 người bị thương và đau ốm, trong số đó có 53.753 người (11,44%) bị thương tật hay chấn động tâm lý và 415.932 người (88,56%) bị đau ốm.

NỒI DA XÁO THỊT

Sau khi Liên Sô rút khỏi Afghanistan, năm 1992 lực lượng kháng chiến đã kiểm soát gần hết toàn lãnh thổ Liên Sô. Các thành phần kháng chiến cố gắng lôi kéo các phe phái vào một chính phủ đoàn kết, nhưng vì có sự can thiệp của Pakistan và Iran nên không thành: Pakistan muốn Taliban nắm chủ quyền, nên các phe vũ trang lại bắn giết lẫn nhau. Thủ lãnh những lực lượng mạnh nhất chia nhau chiếm đóng các vùng trong nước. Tình trạng vô chính phủ và sứ quân lại tiếp diễn ở Afghanistan.

Tháng 4/1994 Tổng Thống cộng sản Najibullah bị lật đổ, phe kháng chiến Afghanistan vào thủ đô Kabul và tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo. Rabbabi trở thành Tổng Thống. Nhưng liền sau đó cuộc nội chiến bắt đầu. Có khoảng 3 triệu người phải chạy qua Pakistan lánh nạn.

Năm 1995 phe Hồi Giáo Taliban chiếm được hầu hết lãnh thổ Afghanistan. Ngày 27.9.1996 Tổng Thống Rabbabi chạy về phí Bắc cùng với các binh sĩ của ông tiếp tục chiến đấu. Phe Taliban vào trụ sở quốc tế ở Kabul bắt anh em cựu Tổng Thống Najibullah đem treo cổ giữa chợ.

Đến năm 1998, phe Taliban dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Mullah Mohammad Omar, thường được gọi là Emir al-Momineen, đã kiểm soát được phần lớn lãnh thổ, cho áp dụng luật lệ Hồi Giáo một cách khắt khe, bao gồm các quy định giới hạn quyền lợi và sinh hoạt của phụ nữ trong xã hội.

Vì Hoa Kỳ chỉ giúp kháng chiến quân Afghanistan đánh Liên Sô, nhưng không giúp họ xây dựng lại đất nước, nên hậu quả rất nghiêm trọng.

HOA KỲ TRỞ THÀNH KẺ THÙ

Khi Liên Sô rút chạy khỏi Afghanistan vào năm 1989, Bin Laden trở về Saudi Arabia. Ngày 2.8.1990 Saddam Hussein đã đem quân xâm lược Kuwait. Bin Laden hô hào khối A-rập giúp Kuwait đẩy lui sự xâm lược của Iraq. Ông đề nghị đưa 4.000 quân Mujahedin của ông từ Afghanistan về bảo vệ Saudi Arabia, nhưng bị bác bỏ.

Chỉ vài tuần sau, Hoa Kỳ tiến vào Saudi Arabia để giải phóng Kuwait khiến Bin Laden bất mãn vô cùng. Ông cho rằng vấn đề của người A-rập phải để người A-rập giải quyết với nhau, Hoa Kỳ không được can thiệp vào. Từ đó, Bin Laden bắt đầu chống Mỹ. Ông xúi giục các giáo sĩ Hồi Giáo chống Mỹ và chính quyền Saudi Arabia. Ông thành lập trại huấn luyện để huấn luyện kháng chiến quân. Cảnh sát Saudi Arabia khám phá ra trại này và bắt ông phá hủy. Ông tức giận, đem khoảng 4000 người ông chiêu một được chạy qua Afghanistan vào tháng 4 năm 1991. Do sự thúc đẩy của Mỹ, tình báo Saudi Arabia và Pakistan đã nhiều lần tổ chức bắt cóc hay giết Bin Laden, nhưng không thành công.

Tháng 5 năm 1998 Bin Laden thành lập tổ chức “International Islamic Front for Jihad against America and Israel” (Mặt Trận Hồi Giáo Quốc Tế ủng hộ Jihad chống Mỹ và Israel) và hô hào chống người Mỹ bất cứ nơi đâu. Ông còn lập một tổ chức khác lấy tên là Al-Qaida có nhiệm vụ thực hiện các vụ khủng bố quốc tế.

TRẢ CUỘC CHIẾN VIỆT NAM N LẠI CHO MỸ!

Khi quân khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York ngày 11.9.2001, Bin Laden được coi như là nghi can đầu tiên trong biến cố này.

Ngày 7.10.2001, sau khi Taliban nhiều lần từ chối giao nộp Bin Laden cho Hoa Kỳ và lên tiếng thách thức, Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu oanh kích các cơ sở quân sự và các doanh trại huấn luyện của quân Afghanistan, sau đó đổ quân vào.

Vì thiếu kinh nghiệm, thay vì lợi dụng những đồi núi và hang động hiểm trở của Afghanistan để dùng du kích chiến chống lại liên quân, Taliban và Al-Qaida lại thiết lập các căn cứ quân sự để chống đỡ. Chỉ 5 tuần sau, với sự yểm trợ của không quân Mỹ, liên quân đã chiếm thành phố nòng cốt Mazar-i-Sharif và thủ đô Kabul. Ngày 7.12.2001, chế độ Taliban sụp đổ hoàn toàn khi quân sĩ bỏ trốn khỏi pháo lũy phòng thủ cuối cùng.

Tháng 12/2001, Hamid Karzai, một người Pastun thuộc nhóm sắc tộc chiếm đa số ở Afghanistan, đã từng du học ở Mỹ, được Mỹ đưa ra lãnh đạo chính quyền lâm thời của Afghanistan. Sau một cuộc bầu cử, tháng 12/2002 ông chính thức trở thành Tổng thống Afghanistan.

Tháng 8/2003, theo nghị quyết của Hội Dồng Bảo An LHQ, khối NATO thành lập Lực Lượng Yểm Trợ An Ninh Quốc Tế (International Security Assistance Force - ISAF) để bảo vệ an ninh ở Afghanistan dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ của ISAF lúc đầu là bảo vệ an ninh cho Kabul và vùng phụ cận.

Nhưng mọi sự đã không êm xuôi như vậy. Osama Bin Laden và lãnh tụ Taliban Mullah Muhammad Omar vẫn chưa bị bắt. Các thành viên Al-Qaida và Mujahideen từ các bộ phận khác nhau của thế giới Hồi Giáo, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót, đã chỉnh đốn lại hàng ngũ và phản công bằng chiến thuật du kích chiến. Tháng 5/2005, kháng chiến quân bắt đầu mở những cuộc tấn công liên tục vào liên quân. Năm 2006 là năm cuộc chiến trở nên dữ dội nhất. Quận đội Hoa Kỳ từ 10.000 phải tăng lên 18.000. Kháng chiến quân đã xâm nhập vào Nam Afghanistan, khủng bố dân làng địa phương và tấn công cả quân Afghanistan lẫn Hoa Kỳ.

Tháng 8/2006, quân NATO phải tổ chức nhiều cuộc hành quân ở Nam Afghanistan với liên minh do Hoa Kỳ cầm đầu. Đây là những cuộc hành quân rất căm go, được coi là những cuộc hành quân nguy hiểm nhất mà NATO đã đảm nhận trong lịch sử 57 năm của tổ chức này.

Để đối phó với tình hình, Quân Đội Afghanistan (Afghan National Army - ANA) được thành lập. NATO hy vọng sẽ huấn luyện và trang bị cho khoảng 120.000 quân Afghanistan trong 5 năm với chi phí khoảng 17 tỷ USD để họ tự bảo vệ lấy xứ sở của họ. Một nguồn tin cho biết Mỹ và NATO đã huấn luyện được khoảng 80.000 quân Afghanistan. Nhưng khả năng và kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Afghanistan hiện nay chỉ ngang với địa phương quân và nhân dân tự vệ của VNCH mà thôi.

NATO và liên quân đã cố gắng kết hợp giữa các chiến dịch quân sự và sự phát triển dân sự với hy vọng rằng trong một thời gia, chính phủ Afghanistan sẽ đủ mạnh để "tự lực cánh sinh". Nhưng thực tế lại không đúng như điều NATO mong muốn: Tình hình an ninh ở Afghanistan đang ngày càng xấu đi.

Hiện nay tại Pakistan có khoảng 7 triệu người thuộc sắc tộc Taliban, cộng thêm khoảng 3 triệu người Taliban tỵ nạn ở biên giới Pakistan và Afghanistan. Do đó, Taliban và Al-Qaida đã biến vùng biên giới đầy núi non hiểm trở này thành hậu cứ và khu an toàn của kháng chiến quân. Hoa Kỳ đã yiểm trợ Tướng Pervez Musharrat lên làm Tổng Thống Pakistan với hy vọng ông sẽ hợp tác với liên quân trong việc tảo thanh kháng chiến quân, nhưng Tướng Musharrat đã không thể thực hiện được điều Hoa Kỳ mong muốn vì ba lý do chính sau đây: (1) Các nhóm Hồi Giáo ủng hộ kháng chiến quân cương quyến phải đối sự xâm nhập của liên quân vào Pakistan. (2) Taliban và Al-Qaida dọa nếu chính quyền Pakistan để cho liên quân xâm nhập vào biên giới Pakistan, họ sẽ biến Pakistan thành biển máu như ở Iraq. (3) Pakistan không bao giờ muốn diệt Taliban vì Taliban vốn là cánh tay mặt của Pakistan. Nếu liên quân thất bại, Pakistan sẽ lại yểm trợ Taliban lãnh đạo đất nước Afghanistan.

Liên quân còn gặp một khó khăn khác là sự yểm trợ của Iran cho kháng chiến quân cả về vũ khí lẫn tiếp liệu. Tài liệu của Tây phương cho biết trong năm 2007, Iran đã gởi nhiều võ khí cho Taliban. Đại Tá Rahmatullah Safi, chỉ huy cảnh sát Afghanistan, cho biết đã bắt được nhiều võ khí từ Iran sang gồm có chất nổ C-4. mìn chống tăng, súng cối 107 ly, AK47, v.v.

Tại sao Taliban có thể phục hồi một cách nhanh chóng như vậy? Ông Christophe Jaffrelot, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp CERI đã đưa ra một số lý do như sau:

Trước tiên, không thể phủ nhận tài năng tổ chức của hai nhân vật lãnh đạo kháng chiến quân. Giáo sĩ Omar, thủ lãnh Taliban, và trùm khủng bố Ben Laden, thủ lãnh Al Qaida, có lẽ đang ẩn náu ở vùng biên giới Pakistan-Afghanistan và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Omar thiết lập một mạng lưới cơ sở và thận trọng không để một cán bộ chỉ huy nào trụ lâu ở một chỗ để tạo uy tín cá nhân.

Về phần Ben Laden, một trong những cái hay của ông là trao bớt quyền cho những thuộc hạ có khả năng thích nghi với tình hình và điều kiện hoạt động tại địa phương. Điển hình là có khá nhiều người được gọi là “thủ lãnh số ba” bị bắt tại Pakistan.

Thứ hai là các cán bộ của kháng chiến quân được lệnh phải hết sức giúp đỡ dân chúng để được dân che chở. Hiện nay, chiến dịch trồng thuốc phiện đang giúp dân có cuộc sống khá hơn (sẽ nói sau)

Thứ ba, không phải tất cả các đồng minh trong NATO đều hào hứng chiến đấu. Các nhà lập kế hoạch của NATO giờ đây phải chấp nhận một thực tế là người Hà Lan và người Canada sẽ rút khỏi các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan vào tháng 11/2010 và chỉ tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện quân đội nước chủ nhà. Điều này sẽ đẩy áp lực về phía Anh, buộc nước này phải xem xét lại mức độ tận tuỵ của mình.

Thứ tư, Giáo sĩ Omar đã khôn lanh từ bỏ chủ trương chống trồng cây á phiện do ônh đưa ra lúc còn nắm quyền.

Trong phúc trình hằng năm đưa ra ngày 5.3.2008, Ủy Ban Kiểm Soát Ma Túy của Liên Hiệp Quốc nói rằng trong năm 2007, việc trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan đã lên tới cao nhất từ trước tới nay mặc dầu có những nỗ lực của quốc tế để giúp dẹp bỏ tình trạng này.

Ủy Ban cho biết việc trồng cây thuốc phiện đã gia tăng 17% so với năm trước và việc sản xuất thuốc phiện đã đạt tới 8.200 tấn vào năm 2007. Afghanistan đã chiếm khoảng 93% số thuốc phiện trên thị trường thế giới. Trung tâm buôn bán thuốc phiện nhiều nhất là tỉnh Helmand ở miền Nam Afghanistan và việc buôn bán ma túy đã trở nên tinh vi hơn.

Việc trồng cây thuốc phiện dưới sự bảo trợ của kháng chiến quân có thể bảo đảm cuộc sống của người dân nên đã thu hút một số lớn dân chúng đi theo Taliban để có cuộc sống khá hơn. Buôn bán ma túy bất hợp pháp đã trở thành nguồn lợi chính của Taleban.

Ông Antonio Maria Costa, Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ, cho biết hiện nay các viên chức chính phủ Afghanistan, từ nghị sĩ cho đến cảnh sát, đều có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.

Theo tướng David Richards, chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanistan, cho rằng nước này hiện đang ở ngã rẽ quan trọng: phần lớn dân chúng tại Afghanistan sẽ ngả về phe Taliban nếu họ không thấy cải thiện về mức sống trong vòng 6 tháng tới.

Một nhà báo bị Taliban bắt giữ gần đây cho biết một thủ lĩnh cấp cao của phong trào này đã xác định rõ họ cần 20 năm để đánh đuổi binh sĩ ngoại quốc ra khỏi đất nước chứ không đơn giản chỉ trong vài tháng hay vài năm.

Bây giờ các phe đối ngịch của Hoa Kỳ có thể nói: “Trao lại cho Hoa Kỳ cuộc Chiến tranh Việt Nam của họ."

DECENT INTERVAL?

Nói chuyện với đài BBC, ông Jaap de Hoop Scheffer, Tổng Thư Ký NATO, nói Afghanistan là mặt trận hàng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, và nếu người ta không giải quyết khủng bố tại Afghanistan thì hậu quả sẽ lan tới các nước phương Tây, “tới London, Brussels, Amsterdam”. Ông xác định rằng sứ mạng của liên quân tại Afghanistan không hề thất bại, mặc dù còn nhiều thách thức lớn đặt ra, trong đó có vấn đề huấn luyện và cấp trang thiết bị cho quân đội quốc gia Afghanistan. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sứ mạng của NATO tại Afghanistan là vấn đề cần thiết chứ không phải một sự lựa chọn.

Nhưng đó không phải là quan điểm của Chuẩn tướng Mark Carleton-Smith, người lãnh đạo Lữ đoàn không kích 16 của quân Anh ở Helmand. Tướng Carleton-Smith nói với tờ Sunday Times rằng không thể mong đợi "chiến thắng quân sự mang tính quyết định" ở Afghanistan. Mục tiêu của các chiến dịch chỉ nhằm bảo đảm quân đội Afghanistan có thể tự kiểm soát tình hình. Ông nói sẽ không thực tế khi mong đợi lực lượng đa quốc gia quét sạch tất cả các nhóm nổi dậy có vũ trang ra khỏi nước này. Theo ông, "Chúng ta sẽ không thắng cuộc chiến này".

Tướng Carleton-Smith nói tiếp: "Nếu Taleban sẵn sàng ngồi phía bên kia của bàn đàm phán và nói chuyện về việc ổn định chính trị, thì đó chính là cái tiến bộ sau những đợt càn quét như thế này.”

Phóng viên Martin Patience của BBC ở Kabul nói bình luận của tướng Carleton-Smith mang âm hưởng của những ý kiến thường gặp ở đây, dù hiếm khi lên báo, trong giới ngoại giao và quân sự Anh ở Afghanistan.

Năm 2006, NATO có 33.000 quân ở Afghanistan, trong đó có 13.250 quân Hoa Kỳ. Năm 2008, NATO có đến 42.000 quân, trong đó có 15.000 quân Hoa Kỳ và 7.800 quân Anh. Tính đến ngày 25.1.2009, cuộc chiến đã gây ra cho 19.529 người bị chết và 51.924 bị thương.

Tổng Thống Obama đã ra lệnh xem xét lại chiến lược của Mỹ ở Afghanistan. Ông muốn tăng quân số Mỹ ở Afghanistan lên khoảng 30.000 quân. Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates nói rằng kế hoạch chiến tranh mới sẽ tập trung vào "những việc rất cụ thể", chẳng hạn như thiết lập quyền kiểm soát tại nhiều vùng ở Afghanistan, truy quét al-Qaeda và cung cấp các dịch vụ, an ninh cho người dân Afghanistan.

Hôm 3.11.2007, Tổng Thống Karzai đã kêu gọi cộng đồng quốc tế Afghan hoá (Afghanization) cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng không ai tin rằng sau khi Quân Đội Quốc Gia Afghanistan được huấn luyện và cấp trang thiết bị, quân đội này có thể giữ được Afghanistan. Trên 50.000 quân NATO (và sắp tăng cao hơn) với võ khí tối tân nhất mà không bình định được, làm sao đoàn quân thô sơ này có thể bảo vệ được Afghanistan?

Tổng thống Karzai tỏ ý muốn thương thuyết với Taliban-Afghanistan và loại trừ các thành phần Ả rập và Pakistan. Nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng, vì không ai biết được cơ cấu tổ chức của Taliban thực sự như thế nào và không chắc gì các thành phần Ả rập và Pakistan chịu đứng bên ngoài.

Qua kinh nghiệm “Đồng Minh tháo chạy” ở Nam Việt Nam, với các kế hoạch mà Tổng Thống Obama và Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra, chúng ta thấy lịch sử đang tái diễn tại Afghanistan: Trước khi trao quyền lại cho chính quyền Afghanistan và bỏ chạy, Hoa Kỳ đã tăng thêm quân để gây thiệt hại nặng cho phe kháng chiến và đẩy phe này ra xa thủ đô Kabul, đồng thời cũng cố cho chế độ ở Kabul vững mạng hơn lên, để tạo ra một gian đoạn mà Kissinger gọi là “decent interval”, tức một “khoảng cách vừa phải”. Đây là khoảng cách được ước tính từ một đến hai năm, một khoảng cách mà phiếm quân có thể kiện toàn lại lực lượng và tiến chiếm Kabul. Lúc đó, Mỹ và liên quân đã bay xa rồi!