Đây là chủ đề Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chọn cho Sứ điệp Hoà Bình Thế Giới ngày 01.01.2009, được cử hành hàng năm do sáng kiến của Đức Phaolô VI từ năm 1968.

Sau khi gửi đến mọi người lời cầu chúc Hòa Bình nhân dịp đầu năm mới, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc lại lời Đức Gioan Phaolô 2 viết trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1993 để nêu rõ những ảnh hưởng tiêu cực mà tình trạng nghèo đói của các dân tộc gây ra cho Hòa Bình. Thực vậy, nghèo đói thường là một trong những yếu tố góp phần hoặc làm cho các cuộc xung đột trầm trọng thêm, kể cả các cuộc xung đột võ trang. Đối lại, các cuộc xung đột này nuôi dưỡng thảm trạng nghèo đói.

Đức Thánh Cha Biển Đức chia Sứ điệp Hoà Bình 2009 thành hai phần trong chủ đề chống đói nghèo... nó ràng buộc với các khía cạnh đa dạng nhằm thăng tiến hòa bình. Thứ nhất giải quyết những quan hệ đạo đức gắn liền với đói nghèo; thứ đến, chống đói nghèo cần gắn liền với sự cần thiết liên đới toàn cầu hơn nữa ".

I. NGHÈO ĐÓI VÀ NHỮNG HỆ LỤY VỀ LUÂN LÝ.

Đức Thánh Cha nhận xét: Nghèo đói thường được đặt trong quan hệ với sự gia tăng dân số, như thể đây là nguyên nhân gây nên nghèo đói. Bởi thế, những chiến dịch giảm bớt sinh sản đang được phát động và dùng cả những phương pháp không tôn trọng phẩm giá phụ nữ cũng không tôn trọng quyền của đôi vợ chồng được xác định số con của họ trong tinh thần trách nhiệm và nhiều khi, trầm trọng hơn nữa, người ta dùng cả những phương pháp không tôn trọng quyền sống. Sự tiêu diệt hàng triệu hài nhi chưa sinh ra, nhân danh cuộc chiến chống nghèo đói, trong thực tế, đó là một sự loại trừ những người nghèo và yếu nhất trong nhân loại.

Nhân danh ‘Freedom of choice’ (tự do chọn lựa), người mẹ cho rằng mình quyền quyết định sự sống chết của đứa con của bà. Đây là lý do không có tính cách thuyết phục. Thật hiếm trường hợp người mẹ tự do giết con mình, nhưng bà ta phải làm như thế dưới áp lực vô nhân đạo của ‘cha’ bào thai hay gia đình để giữ thể diện hoặc do người chủ xí nghiệp bắt buộc để công việc sản xuất không bị gián đoạn.

Nhân ngày Dân số Việt-Nam hôm 26.12.2008, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội cải thiện chính sách kế hoạch hóa gia đình: mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày đầu năm 2009.

Chương trình thời sự tối đó, qua màn ảnh nhỏ, cho biết rằng tỷ lệ tăng dân số Việt-Nam đang ở tình trạng báo động, đột biến so với những năm khác. Bên cạnh cái tỷ lệ tăng đột biến đó còn có một nỗi lo đó là tỷ lệ giữa trẻ sơ sinh nam và nữ. Lý do là người Việt-Nam thích đã chọn cho mình con trai chứ không phải là con gái. Tại sao ? Vì người ta lý luận rằng có con gái thì gia đình phải lo lắng, phải vất vả hơn khi có con trai hay con trai là con của mình, con gái là con người ta. Những lý luận vô cùng sai trái sai lạc này đang lan nhanh trong xã hội. Các bậc làm cha mẹ trẻ ngày hôm nay bỗng dưng trở thành những kẻ sát nhân không gớm tay.

Ngày xưa, tuy còn nhiều thiếu thốn c ác phương tiện y tế và vật chất, bà mẹ cứ mang thai và vui vẻ hân hoan đón mừng đứa trẻ trong bụng mình chào đời bất luận gái trai, nhưng nào có chuyện phá thai như bây giờ. Thật nguy hiểm khi người ta bình thường hóa việc phá thai.

Năm 2008, sản lượng lúa thu hoạch tại Việt-Nam tăng hơn năm ngoái tới 2,6 triệu tấn, mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Thượng đế vẫn thương người Việt-Nam, nhất là trong năm lương thực thế giới gặp nhiều khó khăn. Rất tiếc tại Việt-Nam, người lãnh đạo không biết quản lý, nhìn xa thấy rộng và thiểu số người dân hưởng thụ vô trách nhiệm. Tại sao người ta không dùng những biện pháp ngừa thai thiên nhiên hay nhân tạo. Dù không hoàn hảo, nhưng tránh được việc sát nhân.

Đức Thánh Cha chứng minh cho chúng ta: « Đứng trước tình trạng đó, có sự kiện này là: hồi năm 1981, khoảng 40% dân số thế giới sống dưới mức nghèo đói tuyệt đối, nhưng ngày nay tỷ lệ ấy được giảm bớt một nửa, và có những dân tộc đã ra khỏi tình trạng nghèo đói, và hơn nữa dân số gia tăng đáng kể. Sự kiện ấy chứng tỏ điều này là: có những nguồn tài nguyên để giải quyết vấn đề nghèo đói, cho dù dân số gia tăng. Cũng không nên quên rằng, từ cuối thế chiến thứ hai đến nay, dân số trên trái đất tăng thêm 4 tỷ người, và phần lớn hiện tượng này có liên quan tới những nước mới trổi lên trên trường quốc tế như những tân cường quốc kinh tế và đã phát triển mau lẹ nhờ dân số đông. Ngoài ra, trong số những nước phát triển cao, nước nào có tỷ số sinh sản cao hơn thì có tiềm năng phát triển nhiều hơn. Nói khác đi, dân số đang tỏ ra là điều phong phú chứ không phải là một nhân tố gây nên nghèo đói. »

Nơi đoạn số 7 Sứ điệp, Đức Thánh Cha nói đến một khía cạnh khác của cuộc đấu tranh chống đói nghèo là khủng hoảng lương thực, không phải vì thiếu lương thực hay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lương thực mà do những hiện tượng đầu cơ, và vì thiếu những tổ chức chính trị và kinh tế có khả năng đương đầu với các nhu cầu và tình trạng khẩn cấp.

Thật vậy, ngày 26.04.2008, cơn sốt gạo đã đột ngột bùng lên tại các tỉnh và thành phố ở Việt-Nam, gây nên tình trạng khan hiếm ảo đã đẩy giá gạo tăng vọt trong khi nhiều đại lý đã ngừng bán. Những kẻ đầu cơ thu được một số tiền khá lớn. Sau đó, dù Nhà Nước có đe dọa trừng trị, nhưng thời gian trôi qua, có ai bị bắt điều tra đâu thì làm gì có việc trừng trị.

Ngày 09.12.2008, tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO - Food and Agriculture Organization), đã công bố bản tường trình về nạn đói trên thế giới năm 2008. Bản tường trình cho biết nạn giá cả thực phẩm đã leo thang trong năm nay đã khiến cho số người đói tăng thêm 40 triệu nữa. Và hiện nay trên thế giới có 963 triệu người phải chịu cảnh thiếu dinh dưỡng. Để có thể loại trừ nạn đói hàng năm phải có ngân khoản 30 tỷ mỹ kim, tức 8% ngân khoản mà các nước kỹ nghệ tân tiến đã dùng để yểm trợ cho ngành nông nghiệp của họ và không là gì cả đối với số tiền các chính quyền dành cho việc mua sắm khí giới. Năm 2000, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt quyết tâm loại trừ nạn đói trong năm 2015, bằng cách đóng góp 0,7% lợi tức quốc gia cho quỹ chống nghèo đói, nhưng đa số các quốc gia, kể cả các cường quốc kinh tế, đã không giữ lời hứa.

Một lãnh vực khác đáng được đặc biệt chú ý về phương diện luân lý là tương quan giữa sự giải trừ võ trang và phát triển. Mức độ chi phí quân sự hiện nay trên thế giới đang gây lo âu. Chính phủ các quốc gia đang sử dụng những tài nguyên lớn lao về vật chất và nhân sự cho những chi phí quân sự và việc võ trang rút từ các dự án phát triển các dân tộc. Hành động này vi phạm điều 26 Hiến Chương Liên Hợp Quốc về ‘thăng tiến sự ổn định và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế với chi phí tối thiểu về nhân lực và tài lực cho việc võ trang’. Đức Phaolô VI đã quả quyết chí lý ‘Phát triển chính là danh xưng mới của hòa bình’ (Thông Điệp ‘Populorum progressio’, số 87)

II. CHIẾN ĐẤU CHỐNG NGHÈO ĐÓI VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI HOÀN CẦU.

Con đường tốt nhất để xây dựng hòa bình là sự hoàn cầu hóa nhắm đến lợi ích của đại gia đình nhân loại. Nhưng để quản trị sự hoàn cầu hóa, cần có một sự liên đới hoàn cầu mạnh mẽ giữa các nước giàu và các nước nghèo, cũng như giữa lòng mỗi nước, dù đó là nước giàu. Cần có một ‘bộ Luật luân lý đạo đức chung’, các điều luật này không phải chỉ có tính chất qui ước, nhưng được ăn rễ sâu nơi luật tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã ghi khắc trong lương tâm mỗi người (xem Rm 2,14-15).

Trong lãnh vực thương mại và những giao dịch tài chánh quốc tế đang có tiến bộ giúp hội nhập tích cực các nền kinh tế, nhưng cũng còn những chia rẽ và gạt các dân tộc ra ngoài lề, tạo nên những tiền đề cho các cuộc xung đột. Tài chính là lĩnh vực mang ý nghĩa đặc biệt bởi do toàn cầu hóa, điện tử hiện đại, và tự do lưu thông vốn đầu tư. Dù ‘cuộc khủng hoảng gần đây chứng minh hoạt động tài chính cũng có thể bị xáo trộn, không tôn trọng lợi ích chung và bền vững’, không kích thích tạo ra những cơ hội mới cho sản xuất và việc làm trong dài hạn. Theo chiều hướng này, nền tài chính hạn chế nhắm đến ngắn hạn và rất ngắn hạn sẽ trở nên nguy hiểm cho tất cả mọi người.

« Cuộc đấu tranh chống đói nghèo đòi hỏi phải có sự hợp tác cả trên bình diện kinh tế và bình diện pháp lý, cũng như cho phép cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là các nước nghèo hơn xác định và thực hiện các chiến lược phối hợp để đối phó với các vấn đề được thảo luận trên đây, do đó cung cấp một khuôn khổ pháp lý có hiệu quả cho nền kinh tế ». Kinh nghiệm cho thấy rằng: có những sự trợ giúp sẽ là nguyên nhân cho sự thất bại trong việc cung cấp viện trợ cho các nước nghèo. Đầu tư vào giáo dục con người, tạo thành và phát triển nền văn hóa đặc trưng và toàn diện nơi doanh nghiệp dường như là lối tiếp cận đúng đắn hiện nay trong trung và dài hạn.

Sự thăng tiến con người và hội nhập vào xã hội những thành phần dân chúng thường ở dưới mức độ nghèo đói cùng cực, khó nhận được những trợ giúp từ phía chính quyền. Lịch sử phát triển kinh tế trong thế kỷ 20 dạy rằng những chính sách phát triển tốt đã được ủy thác cho trách nhiệm của con người và cho việc kiến tạo sự hợp lực tích cực giữa thị trường, xã hội dân sự và Nhà Nước. Đặc biệt xã hội dân sự giữ một vai trò chủ yếu trong mỗi tiến trình phát triển, vì sự phát triển chủ yếu là một hiện tượng văn hóa và văn hóa nảy sinh và phát triển trong những môi trường dân sự.

Tại Hoa kỳ, những con nợ không còn khả năng thanh toán ‘subprimes’ bị mất nhà không được Nhà Nước trực tiếp giúp đở, nhưng họ còn có thể trông nhờ các tổ chức từ thiện trợ giúp. Họ còn hy vọng Tòa hòa giải dành cho một ân hạn để tiếp tục ở lại trong nhà. Trong khi đó, các ‘dân oan’ bị mất nhà một cách bất công ở Việt-Nam đã không được xét đơn khiếu kiện thì còn trông cậy gì nơi Nhà Nước thương hại.

Đức Gioan Phaolô 2 đã quả quyết ‘sự hoàn cầu hóa xuất hiện với đặc tính nổi bật là có hai mặt’ và vì thế cần được quản trị một cách khôn ngoan thận trọng. Trong sự khôn ngoan này, trước tiên cần để ý đến những đòi hỏi của người nghèo trên thế giới, vượt thắng gương mù là sự chênh lệch thái quá giữa những tình trạng nghèo đói và các biện pháp mà con người đưa ra để đối phó với chúng. Sự thiếu tương ứng đó thuộc bình diện văn hóa và chính trị cũng như trên bình diện tinh thần và luân lý. Thực vậy, người ta thường chỉ dừng lại ở những nguyên nhân hời hợt và phụ thuộc gây ra nghèo đói, mà không đi tới những nguyên nhân ở trong tâm hồn con người, như sự hám lợi và quan niệm hẹp hòi.

Trong Thông điệp ‘Centesimus annus’, Đức Gioan Phaolô 2 cảnh giác về sự cần thiết phải ‘từ bỏ não trạng coi người nghèo, cá nhân và các dân tộc, như gánh nặng’ vì ‘người nghèo yêu cầu được quyền tham gia vào việc hưởng các của cải vật chất và làm cho khả năng làm việc của họ được sinh lợi, nhờ đó tạo nên một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người’. Do đó, chỉ có điên mới có thể khiến cho người ta xây cất một căn nhà vàng, xung quanh là sa mạc hoặc những cảnh sa sút. Sự hoàn cầu hóa tự nó không thể xây dựng hòa bình, và trong nhiều trường hợp nó còn tạo nên chia rẽ và xung đột. Chúng tôi nghĩ đến những nhà thờ được xây dựng thật giàu sang giữa những đồng bào sống lầm than nghèo khó… Chúa Giêsu chỉ sinh ra trong hang đá và chết trên Thánh Giá để chuộc tội chúng ta.

Để công cuộc ‘Bài trừ đói nghèo, Xây dựng Hòa Bình’ được thành công không điều gì khác hơn hiểu biết và tham chiếu Học thuyết Xã hội Công giáo trong tương quan giữa người dân và Chính quyền trong một quốc gia, và giữa các quốc gia với nhau. Học thuyết Xã hội Công giáo hình thành căn cứ vào Tin Mừng Đức Kitô, gần với Luật Thiên Nhiên, và luôn được cập nhật hóa, hầu việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng trong một quốc gia và toàn thế giới được hoàn hảo hơn (xem Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 2006, số 27 và 28).