WASHINGTON - Bộ quốc phòng Mỹ cho biết sẽ gởi thêm chừng 60 ngàn lính Mỹ nữa tới vùng Vịnh nhưng có lẽ sau khi cuộc chiến chống Saddam Hussein thành công.

Trên 200 ngàn lính Mỹ đã sẵn sàng tại vùng Vịnh, theo các quan chức quốc phòng thì như thế là đã quá đủ để bắt đầu cuộc chiến ngay khi tổng thống Bush ra lệnh.

Thế nhưng, nhìn nhận rằng chiến tranh chỉ là nhiệm vụ khởi đầu, Lầu Năm Góc nói 60 ngàn binh lính nữa sẽ sớm được gửi tới Iraq.

Lực lượng này sẽ được phối hợp hoạt động trong các giai đoạn sau của cuộc chiến, nhưng chủ yếu là lực lượng này sẽ thay thế một phần những bộ phận đang có mặt ở khu vực trong việc tiếp tục ở lại sau cuộc chiến.

Saddam Hussein đã thật lòng?

Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld trong một cuộc phỏng vấn với Đài BBC đã nói rằng ông không coi việc ông Saddam Hussein huỷ tên lửa al Samoud 2 là tín hiệu cho thấy tiến trình thanh tra vũ khí đang buộc nhà lãnh đạo Iraq giải giáp.

"Saddam Hussein chỉ thực hiện những gì có thể coi là hành động hợp tác sau một thời gian dài thách thức, ông ta đầu tiên là khước từ thực hiện và cuối cùng lại tự nguyện thực hiện một phần yêu cầu; đó là một sự chần chừ kéo dài đến hàng năm trời nên chẳng thể tin được đó là việc ông ta đang giải giáp."

Ông Rumsfeld nói ông tin rằng Iraq hoàn toàn có đủ khả năng chế tại ra vũ khí phá huỷ hàng loạt mới trong khi các thanh tra vũ khí vẫn đang có mặt ở nước này.

Mỹ Anh tiếp tục vận động ngoại giao

Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov đang có mặt ở Luân Đôn để thảo luận về chuyện Iraq. Trước đó ông đã trao đổi qua điện thoại với ngoại trưởng Pháp và Đức. Cả ba nước này đã tái khẳng định quan điểm chính trị trong việc giải quyết khủng hoảng thông qua chính trị ngoại giao.

Nhưng các quan chức Anh tin rằng vẫn có cơ hội đẩy Nga rời khỏi Pháp, ít nhất là thông qua việc gia tăng thuyết phục các nước này không sử dụng quyền phủ quyết.

Người ta cho rằng việc Nga đánh giá quá cao mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ sẽ khiến Nga không đẩy sự chống đối của Nga lên điểm giới hạn.

Nếu Anh Quốc và Hoa Kỳ có thể thu được 9 phiếu thuận tại hội đồng bảo an, thì họ hy vọng sẽ cô lập Pháp và đặt Pháp trước khó khăn trong việc quyết định sử dụng quyền phủ quyết của chính nước này.

Pháp tỏ ra chống đối Washington hơn là Nga khi đề nghị kéo dài việc tranh tra vũ khí và lao vào các cuộc tranh cãi với từng quan điểm mà Hoa Kỳ và Anh Quốc đưa ra. Chính tổng thống Pháp Jacques Chirac là người đã có mặt tại Algeri với tư cách là người bảo vệ Hòa Bình cho người Ả rập.(BBC)