Đức cha Nguyễn Văn Sang nói về Giáo Hội Việt Nam

PARIS - Chủ nhật 26.10.2008. Trên đường công du mục vụ Âu Châu, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục địa phận Thái Bình đã ghé thăm giáo xứ Việt Nam Paris, chủ tế cử hành thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa. Lời Chúa hôm nay, 26.10.2008, chủ nhãt XXX thường niên (năm A) trích Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu (Mt 22, 34-40). “Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy".

Chia sẻ tin mừng với cộng đoàn giáo dân, Đức Cha Nguyễn Văn Sang không nói gì khác hơn là lập lại giáo lý «TÌNH YÊU” của Lời Chúa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy". Nhưng « ngôn ngữ nói ra sự phong phú của tâm hồn”. Đức cha có ngôn ngữ diễn tả được lòng mình và đánh động được lòng người.

Sau lễ, nhiều người đến hỏi tôi “Đức Cha Sang là ai vậy? Ngài Nghĩ gì về Giáo Hội Việt Nam hiện nay”. Tôi chỉ vắn tắt trả lời: Ngài là Giám Mục Địa Phận Thái Bình, rất lo lắng cho đoàn chiên Chúa và cởi mở với lương dân, đối thoại với mọi người. Cai quản Địa phận có đường lối và nhìn tương lai có đường hướng. Câu hỏi của mấy người bạn tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, cũng là dịp để tôi tìm biết thêm về Đức Cha Nguyễn Văn Sang. Sau đây, trước khi trích lời Đức cha nói về Giáo Hội Việt Nam, xin ghi một vài điều về đời sồng của Ngài.

1. Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang kỷ niệm, trong năm 2008 này, 50 năm lễ vàng linh mục, 27 năm giám mục và 18 năm giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình.

Sinh ngày 08.01.32, tại Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội, nhập tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, rồi Đại chủng viên Xuân Bích Liễu giai; vào Nam và được Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê gọi trở về Hà Nội tháng 10.54, thầy Nguyễn Văn Sang đã được thụ phong linh mục ngày 12.04.1958. Cha được bổ nhiệm phó xứ Hàm Long, kiêm giáo sư tiểu chủng viện. Sáu năm sau, 1964 cha được trao trách nhiệm Thơ Ký Văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, kiêm giáo sư đại chủng viện. Năm 1978 cha Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm chánh xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội.

Ngày 24.03.1981 Ngài được bổ nhiệm giám mục phụ tá. Được tấn phong ngày 22.04.1681 tại Nhà thờ Lớn Hà Nội do Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Đức cha Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm Tổng Đại Diện giáo phận ngày 05.04.1981, kiêm Giám Đốc Đại Chủng Viện Hà Nội.

Ngày 18.06.1990, Đức cha Nguyễn văn Sang được Tòa Thánh thuyên chuyển về làm Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Thái Bình. Sáu tháng sau, ngày 03.12.1990, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Tòa Thái Bình.

Đức cha Nguyễn văn Sang là vị giám mục thứ sáu cai quản giáo phận Thái Bình, tách ra từ Giáo Phận Bùi Chu từ ngày 09.03.1936, sau các Đức cha: Jean Casado Obispo Thuận (1936-1941), Santos Ubierna Ninh (1942-1966), Đaminh Đinh Đức Trụ (1960-1982), Guiuse Đinh Bỉnh (1982-1989) và Giuse Trịnh Văn Căn (1989-1990).

Với khẩu hiệu Giám mục « Chân lý trong Tình thương”, Đức cha Nguyễn Văn Sang đã đưa ra một chương trình mục vụ 3 điểm: 1- Nâng cao trình độ các linh mục và đào tạo các thợ gặt tương lai; 2- Hết sức quan tâm trợ giúp, tạo điều kiện để các họ đạo có tài chánh kinh phí sửa sang, kiến thiết các nơi thờ phượng; 3- Thiết lập và điều hành chương trình « Xóa đói giảm nghèo”.

Trong nhiều công nghiệp mà Đức cha đã làm cho giáo phận Thái Bình, người ta đặc biệt phải nhớ đến công trình xây cất Nhà Thờ Chính Tòa mới, khánh thành vào ngày 13.10.2007, trước sự hiện diện của « 25 Ðức Giám mục, các linh mục trong các giáo phận và đông đảo cộng đoàn Dân Chúa trong nước cũng như hải ngoại. Cùng về dự lễ còn có sự hiện diện của các vị đại diện chính quyền Trung Ương và các ban nghành trong tỉnh Thái Bình”. (Xin xem http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/07news/7news528.htm).

Đức cha Nguyễn Văn Sang tham gia rất tích cực vào Hội Đồng Giám Mục: Tổng Thư Ký 6 năm (1983-1989), Phó Chủ Tịch 6 năm (1989-1995), Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dân 9 năm (1995-2003). Có thể nói rằng: trong HĐGM VN hiện nay, Đức cha Nguyễn Văn Sang là một trong những vị nhiều kinh nghiệm nhất về đạo và đời.

Một số kinh nghiệm đã được chép ra thành sách. Những sách quan trọng mà Đức cha đã biên soạn là:

• Bước Đường Hành Hương I, 1989, 440 trang;
• Bước Đường Hành Hương II, 1989, 270 trang;
• Kỷ Niệm về Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, 1990, 156 trang;
• Hồi ký Manila, 1994, 45 trang;
• Kỷ Yếu Năm Thánh Giáo Phận Thái Bình, 1996, 250 trang;
• 5 năm phục vụ Dân Chúa tại Thái Bình, 1996, 690 trang;
• Hồi Ký Năm Thánh Giáo Phận Thái Bình, 1997, 430 trang;
• Tin mừng cho người nông thôn, 1999, 500 trang;
• Tĩnh tâm, 1999, 154 trang;
• Tĩnh Tâm với Chúa Giêsu, 1999, 154 trang;
• Rao giảng tin mừng theo cung cách Việt Nam, 2000, 480 trang,…

(Xin xem Lm Trần Anh Dũng, «Hàng Giám Mục Việt Nam 1933-2003», Paris: Đắc Lộ Tùng Thư, 2005, trang 390-393)

2. Đức Cha Nguyễn Văn Sang nghĩ gì về «Hiện tình và Hướng tiến tương lai của Giáo Hội Việt Nam”

Chọn khẩu hiệu « Chân lý trong tình thương”, Đức cha Nguyễn Văn Sang đã tìm ra một cách xử sự khôn ngoan là đối thoại. Đối thoại là phương pháp đã giúp Đức cha hỗ trợ giải quyết nhiều khó khăn tôn giáo với Chính quyền ở Việt Nam, nhờ đó, Đức cha càng ngày càng được tín nhiệm.

Trong những năm gần đây, Đức cha Nguyễn Văn Sang viết nhiều bài đăng trên Vietcatholic. Trong những bài viết về hiện tình và hướng tiến tương lai cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt có hai bài đưa ra một cái nhìn tổng hợp, vắn gọn mà rõ rệt. Đó là bài « Vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II, trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại”, phổ biến hai ngày trên VietCatholic News, Chúa Nhật 25/09/2005 và Thứ Ba 15/11/200; và bài « Ðức tin của các tín hữu vùng châu thổ sông Hồng”, phổ biến trên VietCatholic News, Thứ Năm 01/04/2004. Bài thứ hai dường như có cái nhìn xa hơn và rộng hơn, đã được Đức cha trình bày trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu.

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu 1998, Đức cha Nguyễn Văn Sang đã phát biểu về « Sự thực hành đức tin của các tín hữu Việt Nam tại vùng châu thổ sông Hồng”. Mười năm sau, 2008, trong chương trình chuẩn bị Năm Thánh 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn chuẩn bị kỷ niệm 350 năm (1659-2009) thiết lập Giáo Hội Tông Tòa và 60 năm (1960-2010) thành lập Giáo Hội Chính Tòa ở Việt Nam. Trong dịp này, Giáo Hội Việt Nam muốn nhận định quá khứ và hiện tại, hầu đưa ra đường hướng cho tương lai. Những điều Đức Cha Nguyễn Văn Sang đã nêu ra, về tình hình sống đạo của các tín hữu miền Châu thổ sông Hồng vào năm 1998 và về đường hướng tương lai có còn tính chất thời sự không? Xin trích bài thuyết trình của Đức Cha Nguyễn Văn Sang để chia sẻ:

A. Sự thực hành Ðức Tin lúc khởi đầu và hiện tại

Không kể những Nhà Truyền Giáo lác đác tới Việt Nam từ năm 1533, việc rao giảng Ðức Tin được hệ thống hóa với các Cha Dòng Tên từ năm 1615 ở miền Nam và 1627 ở miền Bắc.

Các Ngài có tổ chức những tín hữu đầu tiên thành các cộng đoàn như các làng xã lúc đó, trao cho họ một Ban Hành Giáo, có ông Trùm đứng đầu và một số cộng tác viên. Các Thừa Sai qua lại một năm vài lần để dạy Giáo Lý và ban các Bí Tích. Như vậy, dù sau đó các Ngài bị trục xuất ra khỏi Nước, cộng đoàn Tín Hữu vẫn sống động, tự tổ chức, tự cai quản nhờ giáo dân. Cuộc thi hành Ðức Tin lúc đó sốt sắng đầy Thánh Linh. Trong cuốn ký sự của Cha A-lếch-sơn de Rốt đã viết:

"Tôi có thể nói thật rằng: không gì đã làm cho tôi cảm động hơn là thấy trong Nước này có bao nhiêu Giáo Hữu là có bấy nhiêu Thiên Thần và ơn phép Rửa Tội đã ban cho họ tất cả cùng một Tinh Thần để cộng tác trên các Tông Ðồ và các Vị Tử Ðạo thời sơ khai".

Cha Courtelin viết cho Ðức Cha Lambert de la Motte rằng: "Tôi giải tội ở đây một nghìn lần thì thấy số tội nặng bằng một lần xưng tội ở Pháp", nhất là họ đạt tới dấu chỉ duy nhất để nhận ra Môn Ðệ Chúa Kytô: Luôn yêu thương nhau.

Sau 5 năm giảng Tin Mừng ở Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam lúc đó, năm 1632, Linh Mục Dòng Tên Vaspar d'Amaral trong bản tường trình gửi về Rôma, đã tả vẽ Cộng Ðoàn Giáo Hữu đầu tiên của thành phố đó như sau:

"Cộng Ðoàn Kytô ở đây vào khoảng 1,000 người. Họ yêu thương nhau đến nỗi những người chung quanh không biết gọi tên Cái Ðạo mới này là gì, nên đã gọi họ là Những Người Theo Ðạo Yêu Thương Nhau"

Trong bài này tôi không thể tóm lược 300 năm lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nên xin giới hạn vào 50 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, để nhìn vào Ðức Tin của Tín Hữu miền Châu Thổ Sông Hồng như sau:

- Tham dự các lễ nghi Phụng Vụ và lãnh nhận các Bí Tích, đây là một cách thực hành Ðức Tin đạt tỷ lệ cao, nếu không phải là nhất thế giới, thì cũng vào số những nơi cao nhất.

Các Tín Hữu miền Bắc Việt Nam có thói quen họp nhau đọc kinh sáng, trưa, chiều ở Nhà Thờ Xứ, Họ, nhất là vào mùa Chay.

Họ giữ ngày Chúa Nhật và lễ trọng 95% ở nông thôn và 80% ở thành thị.

Một ngày 3, 4 lễ, mà lễ nào cũng đông nghịt nhất là các ngày Khai Mạc, Bế Mạc Năm Toàn Xá ở địa phương, ở một Giáo Phận nho nhỏ, con số người tới tham dự cũng từ 100 tới 200 ngàn người. Họ đi từ những làng mạc xa xôi bằng xe đò, xe máy, xe đạp, kể cả đi bộ, tới địa điểm hành lễ từ một giờ sáng và ở lỳ đó tới 12 giờ trưa, mặc cho trời nắng, trời mưa, rất trật tự và im lặng không ai xô đẩy, bị thương, hay mất trộm cắp gì, gây ra niềm thán phục cho Chính Quyền và đồng bào Lương Dân. Về việc lĩnh thụ các Bí Tích nhất là phép Rửa Tội làm cho các Linh Mục phải coi sóc nhiều xứ Ðạo đông đúc, đôi khi khiếp sợ.

Tín hữu miền này có ưu điểm và khuyết điểm là thích xưng tội riêng và năng xưng tội. Các Cha phải ngồi Tòa vào các dịp lễ trọng nhất là Mùa Hoa, hầu như cả ngày, nhiều khi thâu đêm.

- Tham dự các lễ nghi bán Phụng Vụ, như rước kiệu, kèn trống, dâng Hoa, chầu Thánh Thể, v.v... cũng rất đông đúc và sốt sắng.

Việc sùng kính Ðức Mẹ, nhất là tràng hạt Mân Côi được đề cao và thực hành chăm chỉ. Người ta kể lại một phụ nữ Công Giáo đi chợ: đầu đội thúng gạo, tay trái dắt đứa con nhỏ, tay phải lần Tràng Hạt Mân Côi, người qua đường nhìn thấy lẩm bẩm: "Mê tín như vậy làm sao có thể cải tạo được". Một số Nhà Văn chống Tôn Giáo khi đề cập tới sự thực hành Ðức Tin quá say mê như vậy đã kết luận một cách bi quan rằng:

"Những thói quen đó giống như lớp váng đóng trên ao tù, một vài hòn gạch ném xuống, lớp váng đó tan ra trong chốc lát, rồi lại hội tụ nguyên như cũ"

- Sự ham học hỏi Lời Chúa và Giáo Lý.

Có sự an ủi vui mừng cho các chức bậc trong Giáo Hội Việt Nam là từ ít lâu nay, Nhà Nước Việt Nam tạo điều kiện cho việc in ấn sách Tôn Giáo dễ dàng hơn, nên Giáo Hội đã cho xuất bản một số sách dịch Kinh Thánh Tân Cựu Ước, sách Lễ, sách Kinh Phụng Vụ, sách Giáo Lý, v.v... Người giáo dân rất ham học hỏi Lời Chúa và chịu khó truy tìm Giáo Lý gây ra những phong trào rộng lớn trong các Giáo Phận miền Bắc.

- Sự thực hành Ðức Tin trong đời sống thường ngày, tuy có nhiều khuyết điểm, song đa số các tín hữu sống giữ trọn các Giới Răn của Chúa và Giáo Hội, trung thành với Ðức Thánh Cha, nghe lời các Giám Mục trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, tránh xa các tệ nạn xã hội, ít ly dị, ít phá thai, gia đình hòa thuận, con ngoan, trò giỏi, nam nữ thanh niên sống trong sạch có lý tưởng cao cả, cuộc sống của họ gương mẫu đến nỗi, các vị trong Chính Quyền nhiều nơi xác nhận: "Vùng nào có nhiều đồng bào Công Giáo sinh sống, vùng đó an ninh, trật tự, ít có tệ nạn xã hội". Ðấy là một lý do họ để cho việc giảng dạy và học Giáo Lý dễ dàng hơn, vì học biết Giáo Lý, theo họ, sẽ hạn chế được tệ nạn xã hội, ai cũng mong muốn cho xã hội Việt Nam đổi mới.

- Thực hành Ðức Tin trong các công việc xã hội: Tín Hữu miền Bắc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa hơn nửa thế kỷ rồi (1945-1998), nên đã hòa mình vào cuộc sống như mọi người trong các làng xã thị thành, học hành trong các trường học, lao động nơi đồng ruộng, xí nghiệp nhà máy, nhiều người ở trong quân đội và hợp tác với mọi người Việt Nam để xây dựng một Nước: "Dân giầu Nước mạnh xã hội Công Bằng và Văn Minh”như khẩu hiệu Nhà Nước đề ra, và "Sống Phúc Âm giữa lòng dân Tộc”như chủ trương trong bức thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1980.

Ðặc điểm nổi bật trong cuộc sống xã hội, là Tình Yêu Thương dành cho mọi người, nhất là những người nghèo khó bệnh tật. Công việc Từ Thiện trước đây xuất phát từ người có Ðạo Kytô bị coi như "tàn dư của tiểu tư sản, đế quốc, mua chuộc nhân tâm", nay đã cổ vũ, được công nhận và lan rộng khắp nơi, với khẩu hiệu đề ra "Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện".


B. Hướng Về Tương Lai

1. Sự thực hành Ðức Tin của tín hữu miền châu thổ Sông Hồng khiến Cộng Ðoàn trở thành cây cao bóng cả, cành lá xum xuê, trỉu quả, song bộ rễ chưa sâu. Ðức Tin còn thủ cựu cổ truyền, bám quá nhiều vào hình thức bên ngoài.

Phải tạo Ðạo Lý vững vàng, đó là Một Nền Văn Minh của Tình Yêu. Kính Chúa phi thường và chan hòa Yêu Thương lẫn nhau, nhất là đây đó trong Giáo Hội Việt Nam đã manh nha những dấu hiệu của Chia Rẽ.

Lòng Bác Ái phải rộng khắp tới mọi người trong xã hội Việt Nam, phải biến thành cụ thể phục vụ, nhất là đối với người nghèo.

2. Là thành phần thiểu số trong xã hội, phải triệt để khai thác quan niệm anawim những người nghèo và Ðàn Chiên nhỏ (pusillus grex) khiêm nhường, tự hạ rút kinh nghiệm cay đắng từ hình ảnh Giáo Hội hành tiến trong dĩ vảng của lịch sử Dân Tộc.

3. Xây dựng đối thoại chân thành với mọi cộng đoàn tôn giáo, kể cả với những người vô thần. Ðối thoại không tìm cái chia rẽ, song cái tốt chung để xây dựng.

Ðối thoại để công nhận và tôn trọng dấu chỉ Cứu Ðộ của Thiên Chúa trong các Cộng Ðoàn khác, để chia sẻ và hiệp thông bầu không khí đạo đức, huyền nhiệm của các tôn giáo cổ truyền Á Ðông. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải cổ vũ cuộc sống các Dòng Tu, đào sâu nội tâm đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi để đối lại trào lưu vật chất hưởng thụ trong xã hội.

4. Ðẩy mạnh hội nhập Văn Hóa không phải là con đường một chiều song là tiến trình làm phong phú cả hai phía. Hội nhập văn hóa trong mọi lãnh vực... làm sao cho sự thực hành Ðức Tin không xa lạ với đồng bào và người Công Giáo cảm thấy giữ Ðạo như ở nhà (at home).

5. Liên hệ với các Giáo Hội trên hoàn cầu, nhất là Âu Châu, không phải như mẹ con, nhưng như anh chị em: giúp đỡ tinh thần vật chất như những người chia sẻ, hiệp thông không phải như ban ơn, bố thí: xin hiểu biết và thông cảm cho Giáo Hội và cần có Thánh Linh hướng dẫn để biết tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh môi trường khác xa với quan niệm và thực tế của nhiều người.

6. Hy vọng vào đường lối cởi mở và đổi mới trong nhiều lãnh vực Nhà Nước Việt Nam sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi và cụ thể hơn nữa để việc thực hành Ðức Tin của đồng bào Công Giáo miền châu thổ Sông Hồng miền Bắc Việt Nam được ngày càng hoàn hảo góp phần xây dựng Ðất Nước.

Kết Luận

Trên đây là bức tranh khái quát về việc thực hành Ðức Tin của các tín hữu Công Giáo Việt nam ở miền châu thổ Sông Hồng Bắc Việt Nam.

Bức họa có nhiều điểm sáng tươi, đẹp đẽ, song không phải không có những vùng chập chờn bóng tối, chúng tôi mong Hội Nghị giúp đỡ đóng góp những tích cực để xây dựng một Giáo Hội Việt Nam cùng với các Giáo Hội khác ở Á Châu, thành người đồng hành với dân Tộc mình trên con đường phục vụ Con Người, nhất là người nghèo bằng cách khắc họa rõ rệt và sống theo Ðức Kytô là Ðấng Cứu Thế với Sứ Mệnh Tình yêu và Phục Vụ nơi miền Á Châu: "Ðể cho họ có sự sống và sống dồi dào sung mãn"

Xin cám ơn các vị đã lắng nghe.


Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang
Giám mục Thái Bình, Việt Nam


(Xin xem http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=17159)

LỜI KẾT

Sự nghiệp của một chủ chăn 50 năm linh mục và 27 năm giám mục quả là đa dạng và phong phú. Người chủ chăn ấy tuổi đời dẫu đã 77, nhưng nhờ hồng ân Chúa vẫn tráng kiện, vẫn minh mẫn và vẫn nhiệt tình.

Sau thánh lễ, Đức cha Nguyễn Văn Sang đã dùng cơm và nói chuyện với năm giảng viên khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân của Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình của Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Mở đầu buổi nói chuyện, Đức Ông Mai Đức Vinh đã chúc Đức Cha « Ad multos annos”, “Trường Thọ”, để phục vụ Dân Chúa, hầu họ được sống và sống dồi dào hơn.

Paris, ngày 28 tháng 10 năm 2008