GIAN TRÁ, ĐỒNG MINH LÝ TƯỞNG CỦA BẠO LỰC

Trong bài diễn văn gửi đến Hội Đồng Giải Nobel về văn chương tổ chức tại thủ đô của Vương quốc Thụy Điển năm 1970, nhà văn Alexandr Isayevich Solzhenitsyn, người trúng giải thưởng cao quý này nhưng không đến nhận giải được, vì tình hình tác giả ở Liên Xô không cho phép, đã có viết rằng: “Chúng ta đừng quên điều này: bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình; nó buộc phải đan xen với dối trá. Giữa chúng có một mối dây liên kết tự nhiên, mật thiết và sâu đậm nhất. Bạo lực lấy gian dối làm nơi trú ẩn, gian dối lấy bạo lực làm chỗ nương tựa. Người nào từng một lần tuyên bố lấy bạo lực làm PHƯƠNG PHÁP thì người đó buộc phải chọn dối trá làm NGUYÊN TẮC” (But let us not forget that violence does not live alone and is not capable of living alone: it is necessarily interwoven with falsehood. Between them lies the most intimate, the deepest of natural bonds. Violence finds its only refuge in falsehood, falsehood its only support in violence. Any man who has once acclaimed violence as his METHOD must inexorably choose falsehood as his PRINCIPLE.” (Http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature... Trần Duy Nhiên, Thái hà – Tòa Khâm sứ: Có thể chiến thắng sự gian dối! Vietcatholic ngày 28-9-2008). Quan điểm của nhà văn Solzhenitsyn đưa ra nhờ vào nhiều kinh nghiệm quý giá trải qua thời gian chung sống dưới chế độ Cộng Sản tại Liên Xô, với nhiều năm tháng tù đày khổ cực trong các trại tập trung cải tạo đã cho phép nhà văn phát biểu như vậy mà không sợ sai lầm. Người Cộng Sản VN thường công khai tuyên bố đường lối hành động của họ dựa trên “bạo lực cách mạng” hay “bạo lực của nền chuyên chính vô sản”. Căn cứ trên các quan điểm và tuyên bố đó chúng ta thử nhìn lại lịch sử, đối chiếu với thực trạng Việt nam từ năm 1945 đến ngày nay để hiểu thêm bộ mặt gian trá của chế độ cầm quyền Việt nam và nhất là có thái độ ứng xử thích đáng nhân biến cố Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội.

1.- Gian trá, nguyên tắc hành xử độc ác của người Cộng Sản trong quá khứ.

Gian trá là gì? Theo từ nguyên của Hán tự chữ gian viết bên trái bộ nữ và bên phải chữ can đọc là gian. Người Tàu trước đây thường hay kỳ thị đàn bà, con gái (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) nên một số tính từ xấu đều viết có chữ nữ một bên. Chữ gian được viết theo lối hài thanh và hội ý. Chữ trá một bên viết chữ tạc và một bên viết chữ ngôn (tiếng nói), có nghĩa dùng lời nói để đánh lừa một việc gì đó. Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu (trang 622) cho một lời giải thích về chữ trá là: “Tục gọi kẻ lạ cớ gì lấy của người là trá (lừa)” .

Gian trá tự trong bản chất là phương cách xử thế của người ác và phạm vi hoạt động chỉ giới hạn trong một số ít nạn nhân hay tập thể nhỏ. Tuy nhiên một khi gian trá trở thành phương thức hành động của một chế độ cầm quyền thì tầm tác hại của nó lớn biết bao nhiêu!

Gian trá nói chung là giả dối có thể chỉ về lời nói, hành động, tư tưởng, cử chỉ. Nó đối lập với thành thật hay chân lý. Gian trá do tự phát từ tâm thức cá nhân hay bắt chước từ tha nhân hoặc tập thể, học lóm từ một tập thể nào đó.

Trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh ông đã dùng hàng chục tên giả, bí danh, mật số để đánh lừa mọi người, mọi chính phủ, kể cả những đồng chí thân cận của ông. Trong cuộc sống đời thường của Hồ cũng đã có rất nhiều mẩu chuyện về sự dối trá của ông, thí dụ ông là người luôn luôn hút thuốc lá Mỹ Philips Morris thường để tận túi áo trong, nhưng khi mời khách thì ông lại lôi báo thuốc là Điện Biên bỏ ở túi áo ngoài ra mời kẻ khác. Một số nhà nghiên cứu sử học ngoại quốc đều đồng ý với nhau rằng ông Hồ là người đóng kịch rất khéo, nghĩa là biết che dấu hành tung, thái độ giả dối của mình trong mọi tình huống. Sau đây là một số những thủ đoạn gian trá tiêu biểu.

Trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Một kẻ ngụy trang chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, tác giả Tưởng Vĩnh Kính đã lột trần bộ mặt gian trá của Hồ Chí Minh từ những năm 20 của thế kỷ XX khi họ Hồ sử dụng bộ áo “dân tộc” để che đậy khuôn mặt làm tay sai cho cộng sản quốc tế của ông ta. Nhận định của Tưởng Vĩnh Kính được ghi lại: “Hồ Chí Minh rời Mạc-tư-khoa đi Quảng-châu (miền nam Trung-quốc) vào khoảng cuối năm 1924. Tháng 4 năm 1927 ông lại rời Quảng-châu để đi Vũ-Hán, và đến tháng 7 năm ấy thì trở về lại Liên-xô. Đây là lần đầu tiên ông đến Trung-quốc và đã lưu lại đó trong thời gian hai năm rưỡi. Nhiệm vụ chủ yếu của ông lúc bấy giờ - dưới sách lược về Đông-phương của Liên-xô – là vận dụng cuộc cách mạng của Trung-quốc đang có ảnh hưởng mạnh đối với Việt-nam, dùng chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để lập nên một tổ chức gọi là Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (gọi tắt là Đồng Chí Hội), tiến hành các hoạt động tổ chức và tuyên truyền hướng vào Việt-nam. Đồng Chí Hội chính là tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt-nam.” (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Bản dịch của Thượng Huyền, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1999, trang 71). Hoạt động đáng chú ý của Hồ Chí Minh trong năm 1925 là cùng với Lâm Đức Thụ lừa bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp lấy 100,000 đồng (tiền Việt-nam) và thu tóm tất cả các cán bộ của Tâm Tâm Xã vào Đồng Chí Hội. Thủ đoạn gian trá này của họ Hồ được tay chân bộ hạ giải thích một cách bất nhân là cụ Phan đã già rồi, không còn thích hợp với cách mạng nữa. Cũng theo Tưởng Vĩnh Kính, “Sự việc xong, hai người chia đôi số tiền một trăm ngàn đồng đó. Ông Hồ đã dùng phần tiền của ông để tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, còn Thụ thì dùng tiền đó tiêu phí trong các hộp đêm tại Hương-cảng. Và từ đó, Hồ, Thụ hai người còn tiếp tục hợp tác trong nhiều năm nữa để bán các đồng chí của cụ Phan. Nguyên vì lúc bấy giờ, các thanh niên Việt-nam trốn sang Quảng-châu để xin vào học trường võ bị Hoàng Phố rất đông. Những ai chịu theo Hồ gia nhập Đồng Chí Hội, thì sau khi học xong, sẽ được bảo đảm bí mật trở về nước an toàn; còn những ai vẫn trung thành với tổ chức của cụ Phan, khi về đến biên giới Hoa –Việt, tức thì bị mật thám Pháp bắt ngay. Những người này sở dĩ bị bắt, vì trước đó Hồ đã báo cho Thụ ở Hương-cảng biết, Thụ đem ảnh của họ nộp cho lãnh sự Pháp ở Hương-cảng. Sau khi họ bị bắt, Hồ và Thụ lại được chia nhau tiền thưởng.” (Tưởng Vĩnh Kính, Sách đã dẫn, trang 84).

Sau khi cướp được chính quyền năm 1945, đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành các hoạt động khủng bố với các thủ đoạn gian trá nhằm tiêu diệt các chính đảng quốc gia không cùng lập trường với mình, cụ thể là vụ Ôn Như Hầu tại Hà Nội và vụ cầu Chiêm-Sơn tại Quảng Nam.

Khoảng tháng 5-1946, Mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh và Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam kết hợp lại với nhau để chống Việt Minh tại Hà Nội. Ngày 31-5-1946 Hồ Chí Minh rời Hà Nội theo phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, trao quyền lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền chủ tịch. Võ Nguyên Giáp tung tin giả là Mặt Trận Quốc Dân Đảng sẽ tấn công các nhân viên chính phủ nhân dịp họ tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày Cách mạng Pháp 14-7. Ngày 13-7-1946, Võ Nguyên Giáp cho công an tấn công lục soát trụ sở của Ban tuyên huấn Đệ thất khu Đảng bộ của Quốc Dân Đảng tại số 9 phố Ôn Như Hầu. Trụ sở này trước đây vốn do quân đội Nhật trưng dụng, về sau bàn giao lại cho quân đội Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch. Trong vườn nhà này vốn đã có chôn một số lính Tàu chết vì bội thực hoặc phù thủng theo sự tiết lộ của nhà thầu sửa chữa trụ sở, ông Nguyễn Duy Hợi. Võ Nguyên Giáp chiều ngày 12-7 đã cho tay chân đến nhà thương Bạch Mai lấy một số xác chết vô thừa nhận đem vứt vào trụ sở rồi ngày 13-7 gian trá tung tin rằng trong khi lục soát trụ sở nói trên, chính quyền VM đã tìm thấy nơi đây một số xác người nên tiến hành lập biên bản cho rằng QDĐ đã tổ chức “hắc điếm”, bắt cóc, giết người, tống tiền, cướp của nên bắt đi một số cán bộ QDĐ như Phan Kích Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Chữ, Phan Quán, Phạm Văn Thắng. Việt Minh lại đem sự vụ này đánh lừa cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ thay mặt ông Hồ xử lý công việc ở nhà, nên cụ Huỳnh đã ra nghị định lên án QDĐ rất gắt gao. Tất cả những việc làm đó đều do Hồ Chí Minh chỉ đạo mà bằng chứng là ghi nhận của Jean Lacouture, trong tác phẩm Ho Chi Minh, A Political Biography xuất bản lần đầu năm 1967, về việc ông Hồ đối đáp với tướng Salan khi viên tướng Pháp hỏi Hồ Chí Minh rằng có lo ngại gì khi đi xa để đất nước trong tay những cán bộ trẻ nóng nảy như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp không, ông Hồ đã trả lời: “Họ làm được cái gì mà không có tôi? Chính tôi đã tác thành cho họ mà!” (Minh Võ, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006, trang 75).

Sử dụng gian kế trong chính sách tiêu diệt các chính đảng quốc gia, Việt Minh ngụy tạo ra vụ cầu Chiêm Sơn ở Quảng Nam. Lúc bấy giờ là cuối tháng 7 năm 1946, Trưởng công an Việt Minh ở Quảng Nam đã mua chuộc được Nguyễn Phúc tức Phó Đảnh với đứa con trai 15 tuổi âm mưu cùng một số người khác chận chuyến xe lửa xuôi nam, ngừng lại tại cầu Chiêm Sơn cướp vũ khí để làm loạn. Người tài xế xe lửa khai có thấy mấy người tháo bù lon dưới gầm cầu nên hôm sau hai cha con Nguyễn Phúc bị bắt, được mớm cung khai cho một số cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại địa phương như Phan Bá Lân, Huỳnh Hòa, Phan Ngô là có liên hệ. Các vị này bị tra tấn nhưng không nhận tội và bị đưa đi giam tại trại Nghi Hạ, Trà Linh. Những ngày sau đó VM tiến hành bắt rất nhiều đảng viên QDĐ bỏ vào bao bố thả trôi sông.

Đặc biệt trong cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp 1945-1954, Việt Minh thiết lập rất nhiều nhà tù để giam giữ các cán bộ Việt Quốc và Đại Việt trên các vùng sơn cước Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh v.v… vu cáo họ với tội Việt gian.

Tại Hà Nội một số sinh viên cán bộ Đại Việt như hai anh em Đặng Văn Bút, Đặng Văn Nghiên, Đỗ Ngọc Phúc tức Phúc Toét (bí danh Trí), Đặng Vũ Chứ (con trai Bác sĩ Đặng Vũ Lạc) anh em họ của Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện), Quản Trọng Ứng, rồi Đảng trưởng Đại Việt Trương Tử Anh lần lượt bị thủ tiêu trước ngày nổ ra chiến tranh Việt Minh – Pháp ngày 19-12-1946. Nỗi u uất của anh em cán bộ Việt Quốc bị VM giết trong kháng chiến chống Pháp đã được diễn tả trong hai câu dưới đây:

Trăng hai tròn xác chết đã năm thây, mượn đất Trà Linh chôn sấp ngửa;
Chiếu một manh kẹp tre năm bảy tấm, gọi hồn Tổ Quốc chứng ngay gian.


Tuy nhiên có lẽ không đâu mà sự kiện đẫm máu hơn, khốc liệt hơn và gian trá hơn cho bằng cuộc Cải cách Ruộng đất được chính quyền Việt Minh thi hành từ năm 1953 đến 1956 đã giết hại khoảng 172.008 người trong đó có 123.266 người được xác nhận là vô tội. Đau đớn nhất là trường hợp bà Nguyễn Thị Năm tức là Cát Thành Long, người mà thời trước cách mạng đã từng nuôi ăn, che giấu, giúp đỡ các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản. Chính bà Năm đã từng đóng góp hơn 100 lạng vàng trong Tuần Lễ Vàng cho chính quyền mới. Bản thân bà tham gia Hội Phụ Nữ, có con trai đi bộ đội là Trung đoàn trưởng. Thế mà bà Nguyễn Thị Năm vẫn bị quy là địa chủ, cường hào ác bá và lãnh án tử hình trong cuộc CCRĐ. Hồ Chí Minh và đồng bọn đã tỏ ra vô ơn và lãnh đạm trước cái chết của bà Năm. Dưới cái nhìn của đảng CSVN, cuộc cải cách ruộng đất chính là cuộc cách mạng “long trời lở đất” mà trong đó việc tố giác lẫn nhau giữa các thành phần dân chúng, dĩ nhiên là tố láo, tố điêu được đảng khuyến khích, như ông Nguyễn Minh Cần ghi nhận như sau: “Một điều kỳ quái cần nói nữa là: mọi lời tố của nông dân đều không cần bằng chứng, hơn nữa mọi lời “ tố”của họ đều được coi là bằng chứng, đều được ghi vào hồ sơ tội trạng! Không cần có bất cứ một sự kiểm chứng nào hết! “Lý luận” chung hồi đó là “phải tin tưởng ở quần chúng”, “nông dân lao động đã nói là đúng”. Thế là không còn ai cãi được nữa! Chính vì thế, khi đội cần “đánh vào”bí thư hay chủ tịch ủy ban kháng chiến trước ở vùng tạm bị chiếm, nay bị coi là tổ chức cũ, mà có một ai đó “tố” là “chúng nọ họp Quốc Dân Đảng” thì bị “lên hồ sơ” ngay là “bí thư Quốc Dân Đảng”, và anh ta khó tránh khỏi cái án tử hình! Một nông dân “tố” một người bị “kích” lên địa chủ là “hồi kháng chiến, khi máy bay địch tới, tôi thấy hắn nhìn lên trời và chỉ chỏ cái gì đó”, tức thì bị quy ngay là “gián điệp”và số phận anh ta coi như “đi đứt” . (Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên! Nửa thế kỷ trước... bài báo đăng trong tạp chí Thế kỷ 21, số 165 & 166, Tháng Giêng và Tháng Hai năm 2003, tr. 34.)

Ở một đoạn khác, tác giả Nguyễn Minh Cần cho biết: Chưa bao giờ sự giả dối trắng trợn được đề cao như trong CCRĐ. Chẳng cần phải nói tới việc các “anh đội”, “chị đội”báo cáo láo cho đoàn, vì nó quá thường, mà cái cần vạch ra ở đây chính là người ta ép buộc, khuyến khích người nông dân nói dối, làm láo.. Dần dà rồi người nông dân cũng thấy cần phải nói dối, làm láo để “qua khỏi cái dận CCRĐ”, họ cũng “tố bậy”, “tố điêu”, dù trong thâm tâm biết mình đang nói dối, vu khống. Cũng có người cố giữ lương tâm trong sạch, nhưng thường họ phải trả giá đắt cho điều đó. Cho nên cơn dịch dối trá cứ lan tràn. Đội cũng dạy thêm cho nông dân quen làm những việc giả dối, chẳng hạn như dặn họ: khi thấy trên màn ảnh xuất hiện hình địa chủ thì phải hô “đả đảo”, hay vừa hô vừa ném đá vào hình địa chủ để tỏ lòng uất hận của mình.” (Nguyễn Minh Cần, Bài đã dẫn, tr. 35)

Nhận định về hậu quả bi thảm của cuộc CCRĐ, Nguyễn Hữu Đang, một nhân vật trọng yếu trong phong trào Giai Phẩm – Nhân Văn (1956) đã viết: “Trong Cải cách ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hòi... Do pháp trị thiếu sót mà cải cách ruộng đất hỏng to đến thế.” (Trần Gia Phụng, Án tích Cộng sản Việt Nam, bản in lần thứ hai, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 193). Một chế độ không có nền tảng pháp trị hẳn hòi chính là chế độ xây dựng trên sự dối trá, lừa gạt do chính quyền chủ xướng với mục đích thu tóm mọi quyền lợi về cho phe phái của mình, phe thống trị mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của lớp người bị trị tức nhân dân.

Sau khi tổng kết cuộc CCRĐ, đảng CSVN coi như giành được thắng lợi lớn là đem ruộng đất lại cho dân cày nhưng trong thực tế ruộng đất nông dân được chia thì một phần đáng kể là của những người bị quy oan, khi sửa sai cuối cùng phải trả lại. Nông dân được chia phần ruộng thì chẳng bao lâu lại không thoát khỏi thủ đoạn gian trá của nhà cầm quyền khi đảng CS bắt đầu lùa họ vào hợp tác xã để tập thể hóa nông nghiệp trong năm 1957-1958.

2.- Gian trá, nguyên tắc xử trí quen thuộc của CS từ vụ án Giai Phẩm (1956) – Nhân Văn đến sự kiện Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà (2007-2008).

Vụ án Giai Phẩm và Nhân Văn bùng nổ tại Hà Nội vào thời gian đầu năm 1956 và kéo dài cho đến năm 1960 khi một số văn nghệ sĩ như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Dần, Thụy An Lưu Thị Yến, Trần Thiếu Bảo cùng rất nhiều văn nghệ sĩ khác mở ra một phong trào đòi tự do sáng tác, đòi thoát khỏi sự lãnh đạo văn nghệ của nhà nước Cộng Sản, mà người khai pháo có lẽ là Trần Dần, và người chủ trì kiên cường là Nguyễn Hữu Đang. Nhân một chuyến đi công tác Trung quốc, Trần Dần có đọc một lá thư của Hồ Phong gửi Trung ương Đảng CSTQ phản đối sự can thiệp của đảng vào sự sáng tác của nhà văn cách mạng, nên ông chịu ảnh hưởng lá thư đó. Lúc bấy giờ Trần Dần yêu một thiếu nữ Công Giáo con nhà giàu và gia đình đã di cư vào Nam. Cô gái bị đảng quy là thành phần bóc lột và mặc dù cô giao nhà cửa cho Ban quản lý tài sản, đảng vẫn không cho họ lấy nhau. Dù vậy Trần Dần vẫn cứ đến chung sống với cô gái ở phố Sinh Từ, nên bị đảng thuyên chuyển lên Việt bắc. Ông nghỉ việc về Hà Nội rồi xin ra khỏi đảng. Cùng với những văn nghệ sĩ khác như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hoàng Yến, ông đã phê bình thơ Tố Hữu khá nặng lời mà Tố Hữu lúc bấy giờ được coi như thần tượng thi ca Cộng Sản. Giả sử người yêu của Trần Dần lúc đó là một người Phật giáo hay đạo ông bà thì chắc là không có vấn đề gì, nhưng đàng này là một người Công Giáo, mà chế độ Cộng Sản vốn rất dị ứng với Công Giáo.

Nhân dịp Tết Bính thân (1956) Đặc san Giai Phẩm 1956 ra đời do Nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo ấn hành trong đó có ba bài quan trọng là “Cái chổi quét rác rưởi” của Phùng Quán, “Ông bình vôi” (thơ) của Lê Đạt, và “Nhất định thắng” (thơ) của Trần Dần trong đó có những câu như:

“Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ.”


Những câu thơ sau đây của Trần Dần bị quy chụp là chỉ trích lãnh tụ:

“... Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tôi bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ả.

- Chúng phá hiệp thương!
- Liệu có hiệp thương?
- Liệu có tuyển cử?
- Liệu tổng hay chẳng tổng?
- Liệu đúng kỳ hay chậm vài năm?
- Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.

Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người.
Người vẫn thường kinh hoảng trước tương lai.”


Dưới chế độ Cộng Sản chữ “Người” viết hoa thường là để chỉ Hồ Chí Minh, nay Trần Dần viết hoa chữ người nói trên tức muốn ám chỉ Hồ Chí Minh, có tư tưởng bài xích lãnh tụ nên ông bị bắt giam ngay. Đây là một lối lập luận đầy gian trá và rất độc đoán của chế độ Cộng Sản, còn khắc nghiệt hơn cả vấn đề “phạm trường quy” trong luật lệ thi cử của nước ta dưới thời phong kiến.

Lúc bấy giờ ở Hà Nội lại có giải thưởng văn học 1954-55 mà một số người vừa có tác phẩm dự giải, vừa là giám khảo và sau đó lại là kẻ trúng giải đó là Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh. Giới văn nghệ sĩ lúc đó chia ra hai phe (theo nhận định của cụ Phan Khôi) một bên là các quan văn nghệ tức nhóm người đi với chính quyền và một nhóm gọi là quần chúng văn nghệ là nhóm đòi tự do sáng tác. Hoài Thanh là người nổ phát súng đầu tiên vào Trần Dần, ghép ông vào tội phản động. Tiếp tay với Hoài Thanh còn có Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi. Sau Giai Phẩm Mùa Xuân còn có thêm Giai Phẩm Mùa Thu (ba tập), và Giai Phẩm Mùa Đông.

Trong Giai Phẩm Mùa Thu tập 1, có bài viết của Phan Khôi nhan đề “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” mà ông cho rằng “nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.” Trong tập này cũng có bài “Ông bình vôi” của Phan Khôi mà ông là một nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến, tiếng tăm ngang hàng với Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Trần Trọng Kim. Phan Khôi cũng còn là cháu ngoại của cụ Hoàng Diệu. Ngoài việc phê bình lãnh đạo văn nghệ, Phan Khôi còn “phang” tới lãnh đạo đảng.

Ngày 20-9-1956 Phan Khôi cho ra tờ Nhân Văn số 1, với Nguyễn Hữu Đang làm tổng biên tập, trong đó có bài “Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề Mở rộng tự do dân chủ” có phần trả lời của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (nổi danh từ thời còn du học ở Pháp) và nhiều bài giá trị khác như “Chống bè phái trong văn nghệ” của Trần Công, bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm. Nguyễn Chương, Phó trưởng ban tuyên huấn trung ương đảng viết trên báo Nhân Dân cho rằng Nhân Văn là tay sai của địch.

Trong tờ Nhân Văn số 2 ra ngày 5-10-1956, học giả Đào Duy Anh lên tiếng: “Trong quá trình xây dựng chế độ, chúng ta gặp trong chính nội bộ của chúng ta, những hạn chế và ngăn cản tự do. Tên tuổi của những kẻ thù nội bộ của tự do ấy, người ta đều biết cả: tức là tệ quan liêu,, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái...” Ba tác giả Hoàng Cầm, Hữu Loan, và Trần Duy viết bài “Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị” để trả lời Nguyễn Chương.

Trong Nhân Văn số 3 bài của Trần Đức Thảo “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ” có viết: ”Người trí thức hoạt động văn hóa, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới nay mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân...” Những lời đầy tâm huyết và can đảm của giáo sư Trần Đức Thảo cách nay hơn nửa thế kỷ chính là lời kêu gọi đối với các nhà trí thức trong nước về trách nhiệm của mình đối với dân tộc ngày nay.

Một người đứng trong hàng ngũ bênh đảng, giáo sư thạc sĩ Hoàng Xuân Nhị trong một bài viết có tên “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” đăng trên báo Nhân Dân ngày 16 và 17-10-1956 vận dụng thuyết Mác Lê để chứng minh “văn nghệ phải có đảng tính và văn nghệ sĩ phải triệt để phục tùng sự lãnh đạo của đảng” (Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 172). Trên Nhân Văn số 4 Bùi Quang Đoài lúc bấy giờ chỉ là một sinh viên, sau khi chứng minh lập luận của ông Hoàng Xuân Nhị là sai lầm, đã viết rằng: “Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng. Như thế thì rõ ràng không phải có Đảng người nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay cả những thế kỷ trước, cũng như thời kỳ cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo “cái xã hội đểu”buộc tội giới cầm quyền lúc bấy giờ. Lúc ấy họ có là đảng viên đâu... Như thế thì tự do tư tưởng không phải là một vấn đề Đảng ban ơn cho quần chúng như ông Nhị đã lầm tưởng...” Bùi Quang Đoài đã công khai phủ nhận sự ban ơn của Đảng trong lãnh vực tự do tư tưởng. Đảng không có quyền ban ơn tự do tư tưởng cho ai hết!

Từ hơn nửa thế kỷ về trước quan điểm của Bùi Quang Đoài sao mà giống quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đến thế khi Đức Tổng Kiệt nói thẳng vào mặt Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội rằng: “Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Ủy ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel... chúng ta phải công nhận trong những nasm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho.

Giai phẩm Mùa Thu tập 2 phát hành vào tháng 10-1956 có các bài xuất sắc như “Những người khổng lồ“ của Trần Duy, bài thơ “Những ngày báo hiệu mùa xuân” của Văn Cao, và bài thơ “Chống tham ô lãng phí” của Phùng Quán. Giai Phẩm Mùa Thu tập 3 có vở kịch nổi tiếng “Chúng ta gắng nuôi con” của Chu Ngọc.

Trong Giai Phẩm Mùa Đông tháng 12-1956, giáo sư Trần Đức Thảo có một bài viết nhan đề “Nội dung xã hội và hình thức tự do” với lời kết như sau: “Trong bản tham luận đọc trước Đại hội 8 của đảng Cộng sản Trung quốc, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hiện giờ là Tổng bí thư đảng Cộng sản trung quốc đã nói: “Đảng không có quyền vượt lên trên quần chúng nhân dân, tức là đảng không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân, đảng không có quyền xưng vương xưng bá trên đầu nhân dân.”

Theo chân báo Nhân Văn, một số các tờ báo khác xuất hiện như Đất Mới của Bùi Quang Đoài, Trăm Hoa của Nguyễn Bính, Thời Mới của Hiền Nhân. Nhân Văn số 5 ra đời ngày 20-11-1956 có bài Thi sĩ máy của Châm Văn Biếm (bút danh của Hoàng Như Mai hay Như Mai). Nhân Văn số 6 vừa lên khuôn thì bị chết yểu ngày 15-12-1956.

Nói chung Giai PhẩmNhân Văn đã khuấy động bầu không khí chính trị ở Bắc Việt qua vấn đề tự do cho người văn nghệ sĩ. Chính quyền CS đã tìm cách khống chế một mặt dùng bọn bồi bút đánh phá như Hoài Thanh hạch tội Trương Tửu, Thế Lữ tố khổ Phan Khôi, Xuân Dung viết bài đánh bà Thụy An, Nguyễn Đình Thi tố Nhân Văn Giai Phẩm là bọn lái buôn văn nghệ, Bùi Huy Phồn “đánh” Trương Tửu, Phạm Huy Thông phê phán giáo sư Trần Đức Thảo, Hồng Vân tố giác Nguyễn Hữu Đang, Xuân Diệu đả kích Văn Cao... Tất cả đều làm theo lệnh của Tố Hữu. Ngoài ra chính quyền ra lệnh cơ quan Mậu dịch không bán giấy in báo Nhân Văn, vu khống cho những người viết báo là tay sai của địch, gián điệp của đế quốc. Trường Chinh ra nghị quyết ngày 6-1-1958 nói về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ trong đó có việc đưa các văn nghệ sĩ xuống lao động tại các cơ sở sản xuất (lao cải), học tập các vấn đề thời sự, cải tạo tư tưởng có hệ thống. Tiểu ban Văn nghệ trung ương tổ chức hai đợt học tập với gần 500 người tham dự trong số có bốn người không chịu tham dự các đợt học tập này, đó là Phan Khôi, Thụy An Lưu Thị Yến, Nguyễn Hữu Đang và Trương Tửu. Năm người bị đưa ra tòa án là Thụy An Lưu Thị Yến, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo cùng hai người khác lo việc in ấn là Phan Tài và Lê Nguyên Chi. Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 21-1-1960 kêu án Thụy An (15 năm tù), Nguyễn Hữu Đang (15 năm), Trần Thiếu Bảo (10 năm), Phan Tài và Lê Nguyên Chi mỗi người 5 năm.

Các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Phùng Quán, Bùi Quang Đoài, Văn Cao và các trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Đào Duy Anh đã phải chịu nhiều đòn trả thù khốn nạn của chính quyền Cộng Sản như bị khủng bố, hăm dọa, sa thải, cô lập, chỉ định cư trú, bao vây kinh te, cụ thể là luật sư Nguyễn Mạnh Tường cuối đời trốn được qua Pháp đã viết lại cuộc đời ông trong tác phẩm L’excommunié (Kẻ bị vạ tuyệt thông). Nhiều người bị đày lên vùng cao mạn ngược sống với đồng bào các sắc tộc thiểu số như Mèo, Nùng, Mán, Dao không biết tiếng Việt, bị các nhóm người đó canh chừng không cho đi đâu hết, rốt cục đa số bị sốt rét, đói mà chết. Việc nhóm văn nghệ sĩ Giai Phẩm –Nhân Văn đấu tranh cho sự tự do sáng tác, vượt thoát ra ngoài sự lãnh đạo văn nghệ của đảng CSVN cũng không khác gì tập thể người Công Giáo Việt Nam đang đấu tranh cầu nguyện cho công lý, sự thật và hòa bình trên đất nước Việt Nam. Hai biến cố xảy ra cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn có những nét tương đồng mà nếu tìm hiểu cặn kẽ chúng ta cũng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích.

Các sự kiện xảy ra tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội và giáo xứ Thái Hà từ tháng 12-2007 qua việc giáo dân cầu nguyện trong tinh thần bất bạo động để đòi hỏi công lý cùng việc Tòa Thánh Rôma, qua Đức Hồng Y Bertone, gửi thư cho TGM Hà Nội và một thư cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng mở ra một triển vọng giải quyết việc tranh chấp một cách tốt đẹp. Vào ngày 30/01/2008, cơ quan thông tấn xã VietCatholic có viết rằng: “Trong 2 ngày qua 30-31/01/2008 đang có những nỗ lực và cũng có thể nói là những áp lực từ nhiều phía để UBND thành phố Hà Nội và Tòa Tổng Giám Mục ngồi lại với nhau, tiến tới một giải pháp tốt đẹp cho vụ việc Tòa Khâm Sứ. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phía chính quyền Hà nội cũng chỉ mong thoát ra được cái tròng ngày càng xiết chặt, nghĩa là làm sao còn giữ được chút “thể diện”, hay như có người nói trước đây là muốn “biểu hiện quyền uy” của mình.” Chính ông TT Dũng cũng đã đích thân tới hiện trường Tòa Khâm Sứ “thị sát” .

Sau đó, một tin khác cũng được VietCatholic loan ngày 01/02/2008 như sau: “Tin về việc trao lại Tòa Khâm Sứ cũng đã được cơ quan thông tấn AsiaNews đăng với tít lớn như sau: “Yêu cầu của những người Công Giáo Hà Nội xin hoàn trả tòa nhà, xưa là nơi làm việc của tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, dường như đã được trả lời. Các nguồn tin Giáo Hội tại Việt Nam nói với AsiaNews rằng các cấp thẩm quyền đã quyết định cho phép những người Công Giáo sử dụng tòa nhà đó “để biểu lộ thiện chí và sự kính trọng của họ đối với Đức Giáo Hoàng.” Cũng những nguồn tin này nói rằng toàn bộ vấn đề sẽ được giải quyết “ trong vài ngày, có lẽ trước Tết, năm mới của Việt Nam, rơi vào ngày mùng 6 tháng 2” .

Nhưng, biến cố xảy ra trong ngày 19-9-2008 tại khu vực Tòa Khâm Sứ Hà Nội và rồi tiếp đến tại Linh địa Đức Bà ở Thái Hà đã chứng minh thái độ lật lọng, gian trá bỉ ổi của cái gọi là chính quyền Việt Nam Cộng Sản.

Lời Cố TT Nguyễn Văn Thiệu nói quả thật chí lý: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.”

3.- Vai trò của người Công Giáo và giới văn nghệ sĩ trong việc chiến đấu chống gian trá.

Trong một cuốn sách có tên Người Trung Quốc Xấu Xí, tác giả Bá Dương có viết: “Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: “Chúng tôi đang thì thầm với nhau”. Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế ?” (Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1999, trang 40). Bá Dương là một sử gia kiêm nhà thơ, nhà văn và nhà báo, sinh năm 1920 tại Hoa Lục, chạy trốn Cộng Sản qua Đài Loan năm 1949 khi Cộng Sản chiếm Trung Quốc. Ông bị giam tù tại Lục Đảo (Đài Loan) mười năm vì dịch sang tiếng Trung Quốc một bức tranh hí họa Popeye mà chính phủ Đài Loan cho là phạm thượng. Năm 1977, sau khi ra khỏi tù, ông bắt đầu đi nói chuyện về hiện tượng “Người Trung Quốc xấu xí” và tập trung tất cả các bài nói chuyện để in thành cuốn sách với cái tên nêu trên. Vợ ông là bà Dương Hương Hoa cũng là một nhà thơ. Cả hai hiện sống ở Đài Loan.

Những chữ mà chúng tôi in đậm ở trong câu vừa trích ở trên xin dành để nhận định về việc làm hiện tại của báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình VN trong nước theo lệnh của đảng CSVN trong chủ trương vừa ăn cướp vừa la làng, vu khống, cao giọng, cả vú lấp miệng em trong ý đồ cắt xén với ác ý lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trước Ủy Ban Nhân Dân Tp Hà Nội ngày 20-09-2008, nhằm chuẩn bị dư luận nhân dân cho những hành động bạo tàn của chính quyền CS đối với giới Công Giáo trong tương lai. Tuy nhiên việc làm một chiều của giới truyền thông trong nước thật sự không lừa bịp được ai vì dư luận truyền thông bên ngoài và ngay cả nhân dân trong nước, nhất là Công Giáo đã đề cao cảnh giác, đã lột trần việc làm gian trá của ngụy quyền CS.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong khi đối đầu với bạo lực, và là một nhà văn, Alexandr Solzhenitsyn đưa ra một nhận định rằng: “Bước đi bình thường của người can đảm bình thường là không tham gia vào dối trá, không ủng hộ dối trá. Cứ để NÓ xâm nhập vào thế giới, thậm chí cai trị thế giới này – mà không có sự trợ lực của mình. Nhưng văn sĩ và nghệ sĩ thì có thể làm hơn như thế: họ có thể CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI! Trong cuộc chiến chống lại gian dối thì nghệ thuật đã từng chiến thắng và sẽ chiến thắng mãi. Một cách rõ ràng và không thể phủ nhận được, vì mọi người! Gian dối có thể khuất phục nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể khuất phục nghệ thuật được.

Và ngày nào gian dối bị xua tan thì bạo lực trần trụi sẽ tỏ lộ thân hình gớm ghiếc – và bạo lực, thối rữa, sẽ đổ nhào.”(And the simple step of a simple courageous man is not to partake in falsehood, not to support false actions! Let THAT enter the world, let it even reign in the world – but not with my help. But writers and artists can achieve more: they can CONQUER FALSEHOOD! In the struggle with falsehood art always did win and it always does win! Openly, irrefutably for everyone! Falsehood can hold out against much in this world, but not against art. And no sooner will falsehood be dispersed than the nakedness of violence will be revealed in all its ugliness – and violence, decrepit, will fall.”
(Trần Duy Nhiên, Bài đã dẫn.- Alexandr Solzhenitsyn, Nobel Lecture).

Dĩ nhiên đối với tập thể người Công Giáo cầu nguyện là phương thức hiệu nghiệm nhất để giữ cho tâm trở nên vững vàng trước mọi sóng gió và sáng suốt trước gian kế của bạo quyền, bình tĩnh ứng phó với các mưu mô của ma quỷ hiện thân qua hành động của bầy quỷ đỏ. Người Công Giáo Việt Nam hiệp thông chặt chẽ với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thông qua các giám mục và linh mục của từng giáo xứ. Trong lúc bạo quyền dùng mọi mánh khóe gian xảo để bóp méo sự thật bằng các phương tiện truyền thông, thì mỗi người Công Giáo đều phải trở thành một cán bộ thực hiện công tác “công-giáo-tiến-hành” phản công lại các luận điệu tuyên truyền xảo trá của bạo quyền, trong công sở, ngoài chợ búa, trường học, trên xe buýt v.v... trong tinh thần từ tốn, khôn ngoan nhưng tức khắc và liên tục.

Trong bài thơ Lời mẹ dặn, nhà thơ Phùng Quán (1931-1995) đã viết những câu mở đầu như sau:

Tôi mồ côi cha năm hai mươi tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu nuôi tằm dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không. Mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi!
Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con, suốt đời
Phải làm người chân thật
Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt.

Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dầu ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dầu ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...


Có thể mượn những câu thơ của Phùng Quán để hoài niệm về một tâm hồn chân thật của một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam trước đây vốn là một kiện tướng trong nhóm Giai Phẩm – Nhân Văn. Trong bài viết Chuyện Phùng Quán, nhà văn Ngô Minh đã có những lời kết như sau: “Ôi, Phùng Quán, nhà văn trọn đời viết ngay viết thẳng từ dòng đầu đến dòng cuối!” . (Talawas, 20-12-2006). Chính sự thẳng thắn, không gian trá, không lọc lừa của nhà văn Phùng Quán từ những năm tháng khi nổ ra sự biến Giai Phẩm – Nhân Văn tại Hà Nội năm 1956 đã làm cho chế độ CS sợ hãi những người dám nói sự thật.

Trong tác phẩm “Viết cho mẹ và quốc hội” , Nguyễn Văn Trấn cho biết khi viết cuốn sách về Trương Vĩnh Ký, ông đã để tên cuốn sách là “Trương Vĩnh Ký – Con người và Sự thật” nhưng người quen là Đoàn Thanh Hương đã xin đổi hai chữ “sự thật” ra “sự nghiệp” để đỡ “chiếu tướng” vào nhà nước. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và quốc hội, Nxb. Văn Nghệ, 1995, trang 241).

Tuy nhiên trong khi nhà nước luôn sợ sự thật nên tìm mọi cách che dấu sự thật trong mọi lãnh vực của xã hội, thì nhà văn, nhà thơ, nhà báo lại cố gắng triển dương sự thật, thí dụ nhà văn Nguyễn Khắc Phê có lần trải niềm mong ước của mình qua nguyện vọng đầu năm, đã viết: “Lời chúc năm mới: Sự thật lên ngôi” (Phạm Xuân Nguyên, Từ một giải thưởng, Talawas ngày 28.3.2007).

Một nhà văn khác, bà Trần Thị Trường trong bài “Vĩnh biệt Nguyễn Hữu Đang: Giữa cô đơn – một vòng hoa tang trắng” kể lại chuyện đám tang Nguyễn Hữu Đang tại Hà nội trong đó có đoạn như sau: “Xong phần tang lễ. Trong lúc linh cữu của ông được đưa ra ôtô để đến nhà hóa thân hoàn vũ, có người ghé tai tôi hỏi: “Chị có biết thì giải thích giùm tôi, tại sao trong điếu văn (của Bộ Giáo dục – Đào tạo) lại bảo cụ mắc sai lầm tham gia nhóm Nhân văn – Giai phẩm... Theo chỗ tôi biết thì bây giờ chuyện ấy có còn bị coi là sai lầm nữa đâu? Bây giờ là thời đại của minh bạch rồi. Cụ không sai, ai sai, thì phải nói rõ người đó ra chứ sao lại bảo cụ sai?”Tôi trả lời: “Bác ơi, đấy là cả một câu chuyện dài... Ai cũng biết sự thật rất đep nhưng rồi ai cũng sợ sự thật. Sợ khi nhận mình sai thì mọi thứ sẽ lung tung ồn ĩ ra...”Tôi đã lên xe đi rồi mà ông ấy còn níu lại hỏi với: “Tôi muốn tìm sự thật. Sự thật ở đâu? Tôi không sợ. Tôi thấy trong điếu văn có nhiều chỗ mâu thuẫn. Tại sao cụ mất quyền công dân để rồi mới được trở lại? Các con tôi chúng cũng muốn biết tại sao một con người lại có một số phận như vậy. Tài đức như thế tại sao lại bị ta cho mất quyền công dân và địch bỏ tù? Trước khi tôi đến đây, chúng bảo tôi, ông đi và cố nhớ về cho chúng con câu chuyện sự thật... Tôi cũng chỉ là một thường dân nhưng tôi kính trọng người có lý tưởng đẹp, có cuộc sống giản dị khiêm nhường, dũng cảm và chân thật như ông Đang. Hãy chỉ cho tôi con đường có sự thật. ”Tôi nghẹn lời: “Trí thức bao giờ cũng là những người giỏi giang chân thật và chỉ biết sống hồn nhiên cho lý tưởng của mình. Con đường ấy nhiều đau thương bác ạ. Cháu cũng ngại có khát vọng mà không đi được...” (Talawas ngày 12.2.2007).

Nói chung, những người cầm bút, các văn nghệ sĩ, nhất là những người có tôn giáo chính là những người đang phụng sự cho chân lý, cho sự thật, đối lập với xảo trá, với gian dối và là niềm kỳ vọng sâu xa mà văn hào Alexandr Solzhenitsyn đã bày tỏ qua niềm tin mãnh liệt, dứt khoát khi ông nhấn mạnh rằng “họ có thể chiến thắng sự gian dối... và ngày nào gian dối bị xua tan thì bạo lực trần truồng sẽ tỏ lộ thân hình gớm ghiếc – và bạo lực, thối rữa, sẽ đổ nhào.”

New Jersey 07-10-2008