Hồng Y Etchegaray hy vọng cuộc viếng thăm giúp dẹp tan "Những áng mây đen" trên Iraq

BAGHDAD, Iraq16/2/2003 (ZENIT.org-Avvenire).- Ðức Hồng Y Roger Etchegaray tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ một tiếng rưỡi đồng hồ của Ngài hôm thứ Bảy với Saddam Hussein đã giúp mở ra những khả năng mới cho hòa bình tại Iraq.


"Tôi tin rằng sự viếng thăm này có thể góp phần làm tan đi đến mức độ nào đó những mây đen giăng trên bầu trời Iraq. Tôi nghĩ tôi đã làm tất cả mọi sự tôi có thể làm với tư cách sứ giả của Ðức Giáo Hoàng và chứng nhân hành động cho hòa bình của Ngài," Hồng Y nói tại tòa sứ thần tông đồ ở đây.

Hồng Y có cảm tưởng gì từ việc gặp gỡ với một trong những nhà chính trị khó tới gần, bí ẩn và đáng sợ nhất trên thế giới? Hồng Y gán cho cuộc viếng thăm của Ngài ý nghĩa gì?

Hồng Y Etchegaray: Tổng thống Iraq, như được biết, cho phép rất ít cuộc phỏng vấn. Do đó sự kiện ông tiếp kiến tôi một tiếng rưỡi đồng hồ, là một dấu công nhận uy quyền luân lý của Ðức Giáo Hoàng.

Saddam Hussein xem ra vui mừng tiếp nhận sứ điệp cá nhân Đức Gioan Phaolô II đã trao cho tôi. Ông xem ra là một con người sức khỏe tốt, ý thức nghiêm chỉnh về những trách nhiệm ông phải gánh vác trước dân của ông. Tôi xác tín rằng Saddam Hussein ngày nay có lòng muốn tránh chiến tranh.

Ý nghĩa cuộc viếng thăm của Hồng Y là gì? Một sự trung gian Vatican có thể làm đổi hướng cách nào đó vụ xung đột chăng?

Hồng Y Etchegaray: Tôi có thể hiểu những sự trông đợi lớn mà một cuộc gặp mặt quan trọng như thế có thể nêu lên, nhưng bản chất thiêng liêng của sứ vụ tôi làm cho những lời nói tôi có một giọng riêng biệt.

Giáo hội có cách riêng mình để nói về hòa bình, để kiến tạo hòa bình, giữa những kẻ mà, với một quyền lợi khác, làm việc cho hòa bình hôm nay với sự kiên trì thể đó. Tôi muốn nhắc lại, bằng cách trưng dẫn lời Đức Gioan Phaolô II, rằng Giáo hội trở nên người phát ngôn cho "lương tâm luân lý của nhân loại ao ước hòa bình, cần hòa bình."

Hồng Y có thể tóm tắt cho chúng tôi ý nghĩa cuộc gặp của Hồng Y với Saddam Hussein?

Hồng Y Etchegaray: Dĩ nhiên, chúng tôi bàn tới một số vấn đề cụ thể mà tôi không thể tiết lộ vì tôn trọng người đã sai tôi và người đã tiếp tôi. Đó là một cố gắng xem xét đã làm hết sức chưa để bảo đảm hoà bình, bằng cách tái lập một bầu khí tin tưởng sẽ cho phép Iraq tìm lại chỗ đứng của mình trong cộng đồng quốc tế.

Hiện diện trong trung tâm cuộc gặp mặt là toàn dân Iraq, từ Baghdad tới Mossoul tôi có bằng chứng họ ao ước một hòa bình chính đáng và vững bền, sau nhiều năm đau khổ và nhục nhã, một sự đau khổ mà Giáo hội phổ quát và Ðức Giáo Hoàng luôn luôn chứng tỏ mình có sự liên đới.

Làm sao có thể thiết lập cách cụ thể một bầu khí tin tưởng bên trong Iraq và làm sao các nước ngoài có thể tin tưởng Iraq?

Hồng Y Etchegaray: Tôi đến không với tư cách một nhà chính trị, nhiệm vụ tôi không phải là chuẩn bị những hành động cụ thể, nhưng tôi xác tín rằng lúc này, điều cơ bản là phục hồi một bầu khí tin tưởng--nền tảng của tất cả những cố gắng đang được thực hiện.

Việc tái lập sự tin tưởng là một việc cả thể, và đòi hỏi thời gian; nó bắt đầu với những cử chỉ nhỏ. Hơn nữa, điều quan trọng là tin tưởng vào công việc của các thanh tra Liên Hiệp Quốc.

Hồng Y đã muốn cho "Iraq có lại một chỗ trong cộng đồng quốc tế." Điều này có nghĩa là, nếu việc giải giới của Iraq kết thúc và được chứng minh, thì Toà Thánh sẽ xin chấm dứt cấm vận phải không?

Hồng Y Etchegaray: Không nghi ngờ gì. Nhưng không phải là tôi đã nói điều đó; Ðức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói bỏ cấm vận.

Hồng Y có nghĩ rằng sự nhấn mạnh những đau khổ của dân chúng, để kết luận như một lý do đối với những gì là trách nhiệm của chế độ, như thế có đúng không?

Hồng Y Etchegaray: Có thể là vậy, nhưng với một dân tộc đã chịu đau khổ nhiều năm để sống còn, người ta không thể nói tói những lý do; không có những lý do.

Do đó, cái gì là ưu tiên?

Hồng Y Etchegaray: Nhân danh Ðức Giáo Hoàng, tôi muốn kêu đến lương tâm của tất cả mọi người, trong những ngày quyết định này, có thể ảnh hưởng tới tương lai hòa bình. Bởi vì rốt cuộc, chính lương tâm sẽ có tiếng nói cuối cùng, mạnh hơn tất cả những chiến lược, tất cả những ý thức hệ và tất cả các tôn giáo nữa.

Những cuộc biểu tình, những tranh luận, những đêm canh thức cầu nguyện cho hòa bình, gia tăng trong những ngày này. Có phải một ý thức mới nổi lên trong dư luận chung thế giới về hòa bình không?

Hồng Y Etchegaray: Thế giới cần những cử chỉ diễn tả lòng ước ao hòa bình. Tôi nghĩ điều cần thiết là công luận ảnh hưởng quyết định đến những người có trách nhiệm, nhưng dư luận cần phải có cơ sở và thông thạo, tôi nói một cách chung, bởi vì có nguy cơ cho những cuộc vận động.

Một công luận có cơ sở và thông thạo là một điều kiện cần thiết, mặc dầu không đủ cho hòa bình. Dân Iraq có một lòng tốt tự nhiên về mặt tinh thần, nhưng sau hai trận chiến và cấm vận, họ bị đập mạnh trong mọi phương diện của đời sống họ, và không có khả năng để nắm được tình hình.

Cuộc viếng thăm của Hồng Y chủ yếu có tính cách mục vụ được kết thúc hôm nay. Hồng Y đã tiếp xúc Giáo hội nào tại Iraq?

Hồng Y Etchegaray: Một Giáo hội sinh động và có lòng trìu mến sâu xa với Ðức Giáo Hoàng. Trong một ít phần thế giới có một cảm giác lây lan như thế, hầu như thấy được, đối với một vị đại diện Vatican--một sự trìu mến phát sinh từ hoàn cảnh phức tạp của một thiểu số sống trong sự tìm kiếm hiệp nhất với Roma

Hơn nữa, sau hai ngày viếng thăm Mossoul, tôi muốn nhấn mạnh phương diện đại kết của nó. Một chủ nghĩa đại kết có tính liên đới cụ thể giữa những người Công giáo và Chính thống giáo: ngày Chúa nhật, họ trao đổi những nhà thờ và hai cộng đồng giúp nhau về mặt tài chánh để xây dựng nơi thờ phượng của mình. Đó là một cái gì lạ lùng phải được nhấn mạnh tới.

Hồng Y có quan tâm đến số phận của người Kitô giáo Iraq không?

Hồng Y Etchegaray: Ở đây, những Kitô hữu là người Iraq trước hết, và họ sẽ chịu cùng một hoàn cảnh như phần còn lại trong nước. Trừ những trường hợp họa hiếm bất khoan dung giữa những người Hồi giáo và Kitô giáo, nói chung có sự chấpnhận nhau trong đời sống hằng ngày. Những người Kitô hữu được xem như những người Iraq đích thực và họ sẽ theo số phận của quốc gia họ