Phỏng vấn Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trên chuyến bay từ Roma đến Sydney, Australia



Quý vị và các bạn thân mến,

Trên chuyến bay từ Roma đi Sydney Úc Châu, hôm thứ bảy tuần qua, ngày 12 tháng 7, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã dành cho các phóng viên tháp tùng một cuộc phỏng vấn. Linh Mục Federicô Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã đọc các câu hỏi do các phóng viên đề ra. Trước khi đọc các câu hỏi, Linh Mục Lombardi đã có vài lời chào và cám ơn ĐTC nhân danh tất cả các phóng viên có mặt như sau:


Thưa ĐTC, chúng con cám ơn ĐTC vô cùng vì ngài đến với chúng con nơi đây vào lúc bắt đầu chuyến đi dài ngày này. Chúng con dâng lên ĐTC những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và chúng con cảm thấy thật vinh dự vì ĐTC luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi chúng con. Những câu hỏi mà giờ đây chúng con trình lên cho ĐTC là những câu hỏi của những người có mặt nơi đây. Con xin được gom chung lại những câu hỏi có tầm quan trọng nhiều hơn. Chúng con đây là một cộng đồng có tính cách quốc tế, như trong mọi chuyến viếng thăm khác. Nếu được, chúng con xin ĐTC trả lời bằng tiếng Anh cho hai câu hỏi của các ký giả người Úc; còn những câu hỏi khác, ĐTC có thể trả lời bằng tiếng Ý.

Câu hỏi thứ nhất là do phóng viên Lucio Brunelli của đài Phát Thanh Italia như sau:

Thưa ĐTC, đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ hai của triều giáo hoàng của ngài. Nhưng, chúng ta có thể nói rằng đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần đầu tiên hoàn toàn thuộc về ngài. (Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ I là do Đức Gioan Phaolô II quyết định và chọn chủ đề). Vậy ĐTC có những tâm tình như thế nào, và đâu là sứ điệp chính ĐTC muốn gởi đến các bạn trẻ? ĐTC có nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ có ảnh hưởng sâu đậm trên Giáo Hội tại Australia đang đón tiếp ngài hay không? Và cuối cùng, ĐTC có nghĩ là mô hình tổ chức cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, còn có giá trị trong tương lai hay không?

ĐTC: Tôi đến Úc Châu với bao tâm tình và niềm vui khôn tả. Tôi còn lưu giữ trong tâm trí những kỷ niệm thật đẹp của Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Colonia bên Đức. Ngày đó, không chỉ đơn thuần là biến cố của quần chúng, nhưng nhất là một lễ hội lớn của đức tin, một cuộc gặp gỡ nhân bản nói lên sự hiệp thông trong Chúa Kitô. Chúng ta đã chân nhận tác động mạnh mẽ của đức tin như thế nào khi đức tin mở tung các ranh giới, mà thật sự, đức tin có khả năng hiệp nhất các nền văn hoá khác nhau và kiến tạo niềm vui. Và tôi hy vọng điều đó cũng xảy ra cho Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Australia. Vì thế, tôi vui mừng vì được thấy nhiều người trẻ hiệp nhất với nhau trong cùng một khát vọng hướng về Thiên Chúa và trong ước mong xây dựng một thế giới thật sự nhân bản. Sứ điệp thiết yếu của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được nói lên qua những lời kết thành khẩu hiệu của Đại Hội: Chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Kitô. Vì thế tôi muốn quy hướng sứ điệp của tôi nói về chính thực tại nầy là Chúa Thánh Thần trong những chiều kích khác nhau. Chúa Thánh Thần là Đấng tác động trong các tạo vật. Chiều kích tạo vật này được thấy rõ ràng, bởi vì Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo. Tôi nghĩ đây là chủ đề quan trọng trong thời đại ngày nay. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng là Đấng linh ứng trong Kinh Thánh: trong cuộc hành trình chúng ta, theo ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta có thể tiến bước cùng với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Kitô; do đó, ngài hướng dẫn chúng ta sống hiệp thông với Chúa Kitô; và cuối cùng, theo lời dạy của thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần được thể hiện trong những ơn đoàn sủng, nghĩa là trong những hồng ân không ngờ trước có sức thay đổi những thời đại khác nhau và trao ban cho Giáo Hội sức mạnh mới. Do đó, những chiều kích vừa nói mời gọi chúng ta nhìn thấy những dấu vết của Chúa Thánh Thần và làm cho kẻ khác nhìn thấy sự hiện diện Ngài. Ngày Quốc tế Giới Trẻ không chỉ đơn thuần là biến cố xảy ra trong giây phút hiện tại mà thôi, nhưng được chuẩn bị bởi cuộc hành trình dài của cây Thánh Giá Ngày Giới Trẻ và của Bức Ảnh Đức Mẹ, một cuộc hành trình được chuẩn bị trên bình diện tổ chức, và trên bình diện thiêng liêng nữa. Do đó, những ngày sắp tới chỉ là những ngày cao điểm của một cuộc hành trình lâu dài trước đó. Tất cả là hoa trái của một cuộc hành trình, của một cuộc đồng hành cùng chung với nhau tiến về Chúa Kitô.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tạo ra một lịch sử, nghĩa là tạo ra những tình bạn, những gợi hứng mới, và như thế Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cứ tiếp tục. Tôi cho đây là điều hết sức quan trọng: người ta không chỉ nhìn thấy ba hay bốn ngày này mà thôi, nhưng nhìn thấy trọn cả cuộc hành trình trước và tiếp theo sau biến cố. Theo ý nghĩa này, tôi nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ, ít ra là trong tương lai gần chúng ta đây, là một phương thức có giá trị để chuẩn bị cho chúng ta hiểu rằng từ nhiều phía và từ nhiều nơi trên thế giới, chúng ta tiến tới Chúa Kitô và tiến tới trong sự hiệp thông với nhau. Như thế, chúng ta học được cách thức mới cùng nhau tiến bước. Tôi hy vọng đây có thể là công thức hành động trong tương lai.

LM Lombardi: Thưa ĐTC, câu hỏi thứ hai đây là của Ký Giả Paul John Kelly, phóng viên của nhật báo “Người Australia” (the Australian), một trong những nhật báo lớn tại Úc Châu. Câu hỏi như sau:

Thưa ĐTC, con muốn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Australia là một đất nước hết sức thế tục, với việc thực hành đạo ở mức thấp và với nhiều lãnh đạm tôn giáo. Con muốn hỏi ĐTC có lạc quan về tương lai của Giáo Hội tại Autrralia hay không? ĐTC có lo lắng Giáo Hội Australia sẽ tiến theo con đường của các Giáo Hội tại Âu Châu hay không? ĐTC có sứ điệp nào cho nước Úc để vượt qua tâm thức lãnh đạm tôn giáo hay không?

ĐTC: Tôi cố gắng trả lời bằng tiếng Anh. Nhưng xin hãy tha thứ cho những giới hạn của tôi khi dùng tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng Australia trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay là thành phần của thế giới Tây Phương, trên bình diện kinh tế và chính trị; và như thế rõ ràng Australia chia sẻ những thành công và những vấn đề của thế giới Tây Phương. Trong 50 năm qua, thế giới Tây Phương đã có những thành công lớn: thành công kinh tế và thành công kỹ thuật; còn trên bình diện tôn giáo, trên bình diện đức tin Kitô, thì theo một nghĩa nào đó Tây Phương đang gặp khủng hoảng. Đây là điều rõ ràng mọi người có thể nhận, bởi vì có cảm tưởng là chúng ta không cần đến Thiên Chúa nữa; con người có thể tự sức mình làm hết mọi sự; con người không cần có Thiên Chúa để sống hạnh phúc; con người không cần có Thiên Chúa để sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn; Thiên Chúa không cần thiết nữa, con người có thể tự mình làm được mọi sự.

Nhưng đàng khác, chúng ta nhìn thấy rằng tôn giáo luôn luôn có mặt trong thế giới và sẽ luôn luôn hiện diện, bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong con tim con người và sẽ không bao giờ biến mất. Chúng ta nhận thấy tôn giáo là một sức mạnh trong thế giới này và trong các quốc gia như thế nào rồi. Có lẽ tôi không nói cách thuần tuý về sự xuống dốc của tôn giáo tại Âu Châu. Chắc chắn rằng có cuộc khủng hoảng tại Âu Châu; bên Mỹ Châu thì không có khủng hoảng bao nhiêu, nhưng dù sao vẫn có chút ít khủng hoảng; tại Australia cũng vậy.

Thật ra, lúc nào cũng có sự hiện diện của đức tin trong những hình thức mới và theo cách thức mới; có lẽ thuộc nhóm thiểu số, nhưng lúc nào cũng hiện diện cho toàn thể xã hội nhìn thấy. Và giờ đây, trong giây phút lịch sử này, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng mình cần có Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều, nhưng chúng ta không thể tạo ra khí hậu. Chúng ta đã nghĩ là mình có thể làm được, nhưng thật ra chúng ta không thể làm được. Chúng ta cần món quà trái đất, cần món quà nước uống; chúng ta cần đến Đấng Tạo Hoá; Đấng tạo hoá xuất hiện lại trong các tạo vật ngài đã dựng nên. Và như thế chúng ta hiểu được rằng chúng ta không thật sự hạnh phúc, chúng ta không thể nào cỗ võ công bằng cho toàn thế giới, nếu không có một tiêu chuẩn hữu hiệu nằm trong tư tưởng chúng ta, nếu không có Thiên Chúa, Đấng công bằng, Đấng ban cho chúng ta ánh sáng và ban cho chúng ta sự sống. Vậy, tôi nghĩ rằng theo nghĩa nào đó, có trong thế giới Tây Phương một sự khủng hoảng đức tin nào đó, nhưng chúng ta sẽ luôn luôn có sự canh tân đức tin, bởi vì đức tin Kitô luôn luôn là thật, và sự thật sẽ luôn hiện diện trong thế giới con người, và Thiên Chúa luôn luôn là sự thật. Như vậy, cuối cùng, tôi vẫn lạc quan.

Tiếp sau đây là câu hỏi của Ông Auskar Surbakti, làm việc cho Đài Truyền Hình Úc.

Thưa ĐTC, con xin lỗi vì không nói được tiếng, vậy con xin hỏi bằng tiếng Anh: Đã có lời yêu cầu từ phía những nạn nhân người Úc bị lạm dụng tính dục do những giáo sĩ; họ xin Đức Thánh Cha giải quyết vấn đề và nói lời xin lỗi họ trong chuyến viếng thăm Australia lần này. Đức Hồng Y Pell đã nói rằng điều phù hợp có thể là chính Đức Thánh Cha giải quyết việc này như đã làm tương tự như vậy trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua. ĐTC có nói về vấn đề lạm dụng tính dục này và sẽ nói lời xin lỗi hay không trong chuyến viếng thăm Australia này?

ĐTC: Đúng vậy, vấn đề chính yếu cũng giống như bên Hoa Kỳ. Tôi đã cảm thấy phải nói về đều này ở Hoa Kỳ, bởi vì đây là điều thiết yếu để Giáo Hội hoà giải, phòng ngừa, trợ giúp và nhìn nhận lỗi lầm trong những vấn đề vừa nói. Như thế, chính yếu là tôi sẽ nói cùng một điều như tôi đã nói bên Hoa Kỳ. Như tôi đã nói, chúng ta có ba chiều kích để làm sáng tỏ: chiều kích thứ nhất, như tôi đã nói, là giáo huấn luân lý của chúng ta. Cần phải rõ ràng, và điều luôn rõ ràng ngay từ những thế kỷ đầu rằng, chức linh mục, việc trở nên linh mục, là điều không thể nào phù hợp với nếp sống như thế, bởi vì linh mục là kẻ phục vụ cho Chúa chúng ta, và Chúa chúng ta là Đấng Thánh và luôn giáo huấn chúng ta- Giáo Hội đã luôn luôn nhấn mạnh điều này. Chúng ta cần suy nghĩ về điều thiếu sót trong nền giáo dục chúng ta, trong giáo huấn chúng ta trong những thập niên qua, đó là trong những thập niên 50, 60 và 70, ý tưởng về tỉ lệ trong luân lý: lập trường cho rằng không có gì là xấu tự trong chính nó, nhưng chỉ là xấu trong tỉ lệ với những điều khác; với thuyết về tỉ lệ, người ta có thể suy nghĩ về vài vấn đề- như vấn đề ấu dâm- rằng trong tỉ lệ nào đó, những vấn đề đó có thể là điều tốt. Nhưng đây cần phải nói rõ ràng, đây không bao giờ là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Có những điều luôn luôn là xấu, và ấu dâm luôn luôn là xấu. Trong nền giáo dục chúng ta, trong các chủng viện, trong công việc thường huấn dành cho các linh mục, chúng ta cần trợ giúp cho các ngài được thực sự gần gũi với Chúa Kitô, biết học hỏi từ Chúa Kitô, và như thế trở thành kẻ trợ giúp, chớ không phải là những kẻ thù của con người, của những người Kitô. Như thế, chúng ta sẽ làm mọi việc có thể, để làm rõ điều gì là giáo huấn của Giáo Hội và giúp đỡ trong việc giáo dục và trong việc chuẩn bị các linh mục, trong công việc thường huấn, và chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa lành và hoà giải các nạn nhân. Tôi nghĩ đó là nội dung thiết yếu của điều mà từ “xin lỗi” muốn nói. Tôi nghĩ đây là điều tốt hơn, quan trọng hơn, là nói lên nội dung của công thức, và tôi nghĩ nội dung nói lên điều còn thiếu trong nếp sống của chúng ta; điều chúng ta phải làm trong giây phút này; làm sao chúng ta có thể phòng ngừa,và làm sao tất cả chúng ta có thể chữa lành và hoà giải.

Linh Mục Lombardi: Xin cám ơn Đức Thánh Cha, giờ đây một câu hỏi khác nữa, do ký giả Martine Nouaille, làm việc cho hãng thông tấn AFP. Câu hỏi như sau:

Con xin đặt câu hỏi bằng tiếng Ý. Một trong những vấn đề thảo luận của Nhóm G8 đang họp bên Nhật bản là cuộc chiến chống lại những thay đổi khí hậu. Australia là một đất nước hết sức nhạy cảm về vấn đề này, xét vì sự khô hạn và những biến cố liên quan đến khí hậu không tốt trong vùng nầy trên thế giới. ĐTC có cho rằng những quyết định đã có trước đây nay có thể đáp ứng được thánh thức này hay không? ĐTC có nói về đề tài này trong chuyến viếng thăm Australia lần này hay không?

ĐTC: Như Tôi đã nói qua trong câu trả lời thứ nhất; chắc chắn vấn đề này sẽ được nói đến trong Ngày Quốc tế Giới Trẻ, bởi vì chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, và do đó chúng ta nói về các tạo vật và về những trách nhiệm của chúng ta đối với thiên nhiên. Tôi không muốn đi vào những vấn đề kỹ thuật mà các nhà chính trị và những chuyên viên phải giải quyết, nhưng tôi muốn góp vào những điểm thiết yếu, để nhìn thấy những trách nhiệm, để có thể đáp lại thách thức to lớn này: là khám phá lại trong tạo vật dung mạo của Đấng Tạo Hoá, khám phá lại những trách nhiệm của chúng ta trước Đấng tạo hoá đối với tạo vật mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, huấn luyện khả năng luân lý đối với một kiểu sống cần phải có, nếu chúng ta muốn đương đầu với những vấn đề của hoàn cảnh ngày nay và nếu chúng muốn thật sự tìm ra những giải pháp tích cực. Do đó, thức tỉnh các lương tâm và nhìn thấy khung cảnh to lớn của vấn đề này, trong đó được đặt ra những trả lời chi tiết mà chúng ta không cần phải đưa ra, nhưng để dành cho đường lối chính trị và các chuyên gia.

LinhMục Lombardi: Thưa Đức ThánhCha, câu hỏi kế tiếp là của Ký Giả Cindy Wooden, làm việc cho Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, CNS.

Thưa ĐTC, trong khi ngài viếng thăm Australia, thì các giám mục thuộc Liên Hiệp Anh Giáo họp Hội Nghị- Liên Hiệp Anh Giáo có mặt khắp nơi trên thế giới, cả tại Australia này nữa. Một trong những vấn đề chính có liên quan đến những cách thức có thể, để củng cố sự hiệp thông giữa các cộng đoàn, và để tìm ra cách thức bảo đảm làm sao một hay nhiều cộng đoàn không có những sáng kiến mà những kẻ khác xem như là nghịch lại Phúc âm và truyền thống. Đang có nguy cơ ly khai và chia rẽ hiệp Anh Giáo và có khả năng vài cộng đoàn sẽ xin được nhận vào Giáo Hội Công Giáo. ĐTC có lời cầu chúc nào cho Hội Nghị Lambeth của Liên Hiệp Anh Giáo và cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury hay không?

ĐTC: Đóng góp thiết yếu của tôi là lời cầu nguyện. Cùng với lời cầu nguyện, tôi hiện diện thật gần bên các giám mục Anh giáo đang họp nhau trong Hội Nghị Lambeth. Chúng tôi không thể và không nên can thiệp trực tiếp vào những thảo luận của các ngài; chúng tôi tôn trọng những trách nhiệm của các ngài và ước mong của chúng tôi là cầu nguyện cho các ngài có thể tránh được những ly khai hoặc những phân rẽ mới; ước chi các ngài gặp được giải đáp trong trách nhiệm trước thời đại, vừa đồng thời trong sự trung thành với Phúc âm. Cả hai điều này cần đi chung với nhau. Kitô giáo luôn luôn đồng hành với thời gian và hiện diện trong thế giới này, trong một không thời gian nhất định, nhưng đồng thời cũng đưa vào trong thời gian sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, và như thế cống hiến một đóng góp thật sự cho thời đại bằng sự trung thành một cách trưởng thành, và sáng tạo, nhưng phải trung thành với sứ điệp của Chúa Kitô. Chúng ta hy vọng, và tôi cầu nguyện như vậy, sao cho các ngài gặp được con đường của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Đây là lời cầu chúc của tôi cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury: ước chi Liên Hiệp Anh Giáo, trong sự hiệp thông của Tin Mừng của Chúa Kitô và trong Lời Chúa, gặp được những trả lời cho những thách thức hiện có.

Linh Mục Lombardi: Thưa ĐTC, chúng con cám ơn ĐTC thật nhiều vì cuộc trao đổi này và vì những trả lời của ĐTC cho những câu hỏi của chúng con. Chúng con chúc ngài mọi sự an lành trong chuyến đi dài ngày này, và hy vọng ngài thu lượm được tất cả những hoa trái mong ước. Chúng con cố gắng cộng tác với ĐTC, bằng cách làm cho người ta biết đến sứ điệp của ĐTC, làm cho người ta hiểu được sứ điệp đó một cách tốt đẹp hơn. Xin hết lòng cám ơn ĐTC.