Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap

Roma, ngày 18-7-2008 (Zenit.org). – Chúa Giêsu đã phác họa tình trạng của Hội Thánh trên thế gian bằng ba dụ ngôn. Hạt cải trở thành một cây ám chỉ sự phát triển của Nước Thiên Chúa trên thế gian. Dụ ngôn nắm men trong bột cũng nói về sự phát triển của Nước Thiên Chúa, nhưng theo chiều sâu hơn là theo chiều rộng. Nó ám chỉ sức thay đổi của Tin Mừng làm bột dậy men và sửa soạn cho bột trở thành bánh.

Các môn đệ đã hiểu hai dụ ngôn này một cách dễ dàng, nhưng không hiểu rõ dụ ngôn thứ ba, hạt giống và cỏ lùng, mà Chúa Giêsu đã giải thích nó cách riêng. Chúa nói, người gieo hạt giống chính là Người, các hạt giống tốt là con cái Nước Trời, các hạt giống xấu là con cái thần dữ, thửa ruộng là thế gian và mùa gặt là ngày tận thế.

Thời xưa, dụ ngôn của Chúa Giêsu là đề tài tranh luận đáng ghi nhớ mà cũng rất quan trọng để chúng ta ghi nhớ hôm nay. Đã có những tinh thần bè phái, phái Đonatist, là phái giải quyết vấn đề một cách đơn giản: Một bên là Hội Thánh (giáo hội của họ) gồm toàn những người và chỉ có những người hoàn hảo; bên kia là thế gian đầy con cái thần dữ, không hy vọng được cứu độ.

Thánh Augustinô chống lại họ, ngài giải thích: Quả thật thửa ruộng là thế gian, nhưng nó cũng là Hội Thánh, là nơi mà trong đó các thánh nhân và tội nhân sống cạnh nhau, đồng thời trong đó cũng có chỗ để phát triển và hoán cải. Ngài nói, “Những kẻ làm ác hiện hữu cách này để họ có thể được hoán cải, và vì nhờ họ mà những người tốt được thực thi sự nhẫn nại.”

Như thế thỉnh thoảng lại có những gương mù làm lay động Hội Thánh, khiến chúng ta buồn, nhưng không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Hội Thánh gồm những con người, không hoàn toàn mà cũng không chỉ có các thánh. Không phải chỉ trong thế gian hay trong Hội Thánh mà trong mỗi người chúng ta cũng có cỏ lùng, và điều đó làm cho chúng ta không nhanh tay chỉ vào người khác.

Để trả lời cho Lutherô, là người đã trách Eramus của Rotterdam vì ở lại trong Hội Thánh Công Giáo mà không đứng lên chống lại sự thối nát của Hội Thánh, ngài đã trả lời: "Tôi ủng hộ Hội Thánh này với hy vọng là nó sẽ trở nên tốt hơn, bởi vì Hội Thánh cũng nhẫn nại với tôi để hy vọng rằng tôi sẽ trở nên tốt hơn."

Tuy nhiên, đề tài chính của dụ ngôn không phải là hạt giống mà cũng chẳng phải là cỏ lùng, nhưng là sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Phụng vụ nhấn mạnh điều này với việc chọn lựa bài đọc thứ nhất, đó là một bài hát ca tụng sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện dưới dạng kiên nhẫn và gia ân. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là kiên nhẫn chờ đợi Ngày Phán Xét để trừng phạt nặng nề hơn. Nhưng là một sự chịu đựng, thương xót, và muốn cứu độ.

Dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng còn được hiểu rộng hơn nữa. Một trong những động lực chính làm cho các tín hữu bối rối và làm cho những người cứng tin chối từ Thiên Chúa luôn luôn là việc có “sự hỗn loạn” trên thế gian. Sách Giảng Viên, là sách mà nhiều khi tự biến mình thành phát ngôn viên của những kẻ không tin và hoài nghi, đã ghi, “Mọi người đều như nhau, cùng chung một số phận: người công chính cũng như kẻ gian tà” (9:2). Và “Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử” (3:16).

Ở mọi thời đại, dường như sự gian ác chiến thắng và sự vô tội bị hạ nhục. “Tuy nhiên,” nhà hùng biện thời danh Bossuet đã ghi nhận, “để cho người ta không tin rằng thế gian là cái gì cố định và an toàn, chúng ta nên nghi nhận rằng đôi khi người ta cũng thấy điều ngược lại, tức là, sự vô tội lên ngôi và gian ác bị lên đoạn đầu đài.”

Câu trả lời cho việc xấu xa này đã được tác giả Sách Giảng Viên tìm thấy: “Và tôi tự nhủ, cả người công chính lẫn kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc” (3:17). Đó là điều mà Chúa Giêsu gọi trong dụ ngôn là “đến mùa gặt.” Nói cách khác, đó chỉ là vấn đề tìm được đúng điểm quan sát thực tại, là nhìn sự thể dưới ánh sáng vĩnh cửu.

Đó là điều xảy ra cho những bức họa tân thời, khi nhìn gần chỉ thấy màu mè lộn xôn vô nghĩa, nhưng khi nhìn từ một khoảng cách đúng chúng lộ ra một kết cấu chính xác và vững chắc.

Không phải là vấn đề cứ ngồi đó thụ động và hy vọng khi đương đầu với sự dữ và bất công, nhưng là chiến đấu bằng tất cả những phương tiện hợp pháp để cổ động cho công lý và kiềm chế bất công cùng bạo tàn. Với cố gắng này, liên quan đến những người có lòng ngay, đức tin giúp thêm và nâng đỡ giá trị vô lường – là việc chắc chắn rằng cuộc chiến thắng cuối cùng không phải của gian ác và kiêu căng mà của sự vô tội.

Con người thời đại khó mà chấp nhận được tư tưởng về việc Phán Xét Chung của Thiên Chúa trên thế gian và lịch sử, nhưng trong vấn đề này, họ đã tự mâu thuẫn với bởi vì chính họ đã phản đối ý tưởng là để sự gian ác chiến thắng.

Trong nhiều thiên niên của đời sống thế gian, con người trở nên quen thuộc với mọi sự: họ thích nghi với thời tiết, và có sức kháng cự đối với nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, họ không bao giờ chấp nhận một điều: sự bất công. Họ tiếp tục thấy là không dung túng được nó. Và chính vì sự khao khát công lý này mà cuộc phán xét sẽ trả lời. Điều này không những chỉ có Thiên Chúa muốn mà tất cả mọi người, và ngược đời thay, ngay cả những người xấu, đều muốn.

Thi sĩ Paul Claudel nói, “Trong ngày Chung Phán, không những chỉ có Vị Thẩm Phán từ trời xuống, mà toàn thế giới sẽ bị đẩy vào cuộc gặp gỡ này.”

Khi được nhìn từ ánh sáng này thì những biến cố của nhân loại thay đổi được biết bao, ngay cả những biến cố đang xảy ra trên thế giới ngày nay! Hãy dùng hiện tượng tội ác có tổ chức, là hiện tượng làm nhục và buồn lòng người Ý Đại Lợi chúng tôi. Gần đây trong sách “Gomorrah” của Roberto Saviano, và phim ảnh được chiếu sau đó, ghi lại mức độ ghê tởm và khinh miệt của những người tụ tập quanh những lãnh tụ của các tổ chức này, nhưng cũng cho thấy cảm giác bất lực và rút lui của xã hội khi đương đầu với hiện tượng này.

Chúng ta đã thấy những người thuộc tổ chức Mafia trong quá khứ bị kết án với những tội khủng khiếp, bào chữa cho mình bằng những nụ cười trên môi, đánh bại các thẩm phán và tòa án, lại còn thêm mạnh mẽ hơn vì không đủ bằng cớ. Nếu tôi có thể nói với họ, tôi sẽ nói: Đừng lừa dối mình, hỡi những người nghèo nàn và bất hạnh; quý vị chưa hoàn thành được điều gì hết! Cuộc xét xử thật vẫn còn phải tiếp tục. Quý vị có thể chấm dứt đời mình trong tự do, danh dự, và sau cùng với một đám tang tôn giáo huy hoàng, sau khi đã để lại một số tiền khổng lồ cho các việc từ thiện, nhưng quý vị vẫn chưa hoàn thành được điều gì cả. Vị Thẩm Phán Thật đang chờ quý vị ở đằng sau cánh cửa, và quý vị không đánh lừa được Người. Thiên Chúa không để cho ai đút lót Ngài đâu.

Vì thế, điều mà Chúa Giêsu nói ở cuối đoạn giải thích về dụ ngôn cỏ lùng phải là một lý do để an ủi các nạn nhân, và là một sự sợ hãi lành mạnh cho bạo tàn. “Như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình.”

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ