Trong khuôn khổ cung cấp những kiến thức Thần Học cho các linh mục và tu sĩ, bộ Giáo Sĩ đã tổ chức nhiều cuộc hội luận Thần Học Quốc Tế với sự tham gia của các thần học gia Công Giáo trên thế giới. Ngày 27/11/2002 vừa qua, bộ đã tổ chức hội luận về Đối Thoại Liên Tôn. VietCatholic xin đăng bản dịch sang Việt Ngữ một số bài tham luận tiêu biểu.

Giáo Hội và những người vô tín ngưỡng

Lm. Stuart C Bate OMI
Giáo sư Giáo Dục Tôn Giáo và Mục Vụ
Học Viện Thánh Augustinô, Johannesburg, Nam Phi


Nguyên bản có thể xem tại đây:http://www.clerus.org/clerus/dati/2002-12/17-999999/08DIING.html



Dẫn nhập

Xã hội loài người bao gồm những người thuộc nhiều niềm tin và cộng đồng tôn giáo, nhưng cũng gồm cả một số ngày càng nhiều những người vô tín ngưỡng. Hiến chế Gaudium et Spes (Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại) (19) liệt kê khoảng 14 loại người vô tín ngưỡng khác nhau, chia thành 4 "họ" (Gallagher 1983:26-27). Đầu tiên là những dạng trí thức thường phụ thuộc vào chủ nghĩa lạc quan khoa học; kế đến là những người theo chủ trương nhân bản cực đoan, theo đó, việc đề cao vị trí một vị thần là một vi phạm đến tự do con người; thứ ba là những người chịu ảnh hưởng của một mạc khải bị bóp méo hay sai lầm về hình ảnh Thiên Chúa; và cuối cùng là một nhóm đông đảo hơn những người không nhận thức được sự cần thiết của những niềm tin tôn giáo trong thế giới tân tiến này và vì thế trở nên lãnh đạm thờ ơ.

Phẩm giá của cuộc sống con người

Điểm khởi đầu của quan hệ vẫn luôn tiếp diễn giữa Giáo Hội và những người không tin được tìm thấy trong niềm tin căn bản nơi phẩm giá của tất cả mọi người và trong việc tìm kiếm sự thật về ý nghĩa của kiếp người. Tính nhân loại phổ quát đoàn kết chúng ta vì tất cả chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Ngài đến để cứu độ muôn dân. Quan điểm này rất khác biệt với những ý tưởng về phẩm giá con người nơi những người theo chủ nghĩa nhân bản cực đoan và chủ nghĩa xã hội duy vật. Đức Hồng Y Cardijn, vị sáng lập tổ chức Thợ Thuyền Trẻ Kitô Giáo thường nói "Mỗi một người thợ trẻ đáng giá hơn tất cả Vàng trên thế giới" để khích lệ những người thợ và thách đố những giá trị xã hội thời thượng trong đất nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới là Nam Phi. Chẳng may là người Kitô Giáo không luôn luôn trung tín với giáo huấn của họ. Trong một cuộc thảo luận tại Công Đồng Vatican II, Đức Hồng Y Seper của Nam Tư đã tố cáo sự ló dạng của chủ nghĩa vô thần trong chính Giáo Hội, đặc biệt khi người Kitô hữu ủng hộ và nuôi dưỡng, nhân danh Đức Kitô, những chế độ xã hội và chính trị hủy hoại nhân phẩm con người (Gallagher 1983: 26).

Trong các cơ chế và tổ chức của gia đình nhân loại, Giáo Hội hợp tác với tất cả những ai đề cao một nền văn hóa sự sống trong tất cả chiều kích của nó. Tuy nhiên, nền văn hóa hiện đại đã hạn hẹp khái niệm sự sống trong chiều kích khoa học và đo lường: trong gen (genes) và mim (memes), và do đó, không thể đạt đến những khía cạnh sâu hơn của ý nghĩa làm người. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (Address § 2) khi đáp trả lại vấn đề này đã kêu gọi một tư duy đổi mới quay lại với ý nghĩa nguyên thủy của sự sống, với tất cả những động lực của nó, ý nghĩa nhân học của luật tự nhiên, và ý niệm liên quan là quyền tự nhiên. Thực ra, vấn đề chúng ta đang thảo luận là liệu rằng có thể hay không và nếu có thì làm cách nào để "nhận ra" những tính cách đặc thù nào của con người tạo ra căn bản của quyền sống, trong những giai đoạn khác nhau của quá trình hình thành. Chỉ trên căn bản này mới có thể có một sự đối thoại thật sự và một sự cộng tác chân chính giữa những tín hữu và những người vô tín ngưỡng.

Tìm kiếm sự thật

Thực ra, hành trình tìm kiếm sự thật của con người đem đến một điểm gặp gỡ giữa Giáo Hội và người vô tín ngưỡng. Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức Tin và Lý Trí) (17) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định rằng "trí khôn cho phép mọi người, có tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng, đạt đến 'chỗ nước sâu' của kiến thức (x Châm Ngôn 20:5)". Đây là chỗ quan trọng để gặp gỡ người vô tín ngưỡng, chỗ mà Giáo Hội phải khai triển một hiểu biết về Đức Tin mà thật sự trúng vào những ưu tư của con người thế hệ này (GS1). Vì lý do này, Đức Thánh Cha tiếp tục thúc giục người Kitô hữu hãy "soi sáng các hoạt động nhân loại bằng việc sử dụng một lý trí càng ngày càng sâu sắc và chắc chắn hơn do những hỗ trợ nó nhận được từ đức tin" (FR 106). Khi đề ra một viễn kiến mạch lạc đem đến chiều sâu nhận thức cho thắc mắc về ý nghĩa kiếp người như đã được xác nhận trong sự thật đức tin, Giáo Hội thách đố những ai đứng trên quan điểm cho rằng không có Thiên Chúa, là điều mà Kinh Thánh cho là ngu xuẩn (Thánh Vịnh 14:1; Châm Ngôn 1:7).

Truyền giáo

Cuối cùng, trong những đáp trả của Giáo Hội dành cho những người vô tín ngưỡng, cần phải đề cập đến việc truyền giáo. Việc truyền giáo như thế cần phải được tiếp nhận như một tin mừng và vì lý do đó dạng chính yếu của việc truyền giáo có lẽ phải là những chứng tá của người Kitô hữu trong cuộc sống hàng ngày và trong các dấn thân của họ. Chứng tá là phương tiện chủ yếu đem Tin Mừng đến cho những ai chưa nghe nói đến (EN 21). Thông thường sau đó mới nên đề cập đến việc tuyên xưng minh nhiên động cơ của lối sống này (EN22).

Tài Liệu Tham Khảo

Address. Diễn từ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho các tham dự viên khóa họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo Hoàng Vì Sự Sống (Thứ Tư 27/2/2002).

EN. Evangelii nuntiandi. Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dành cho các Hội Đồng Giám Mục, các giáo sĩ và toàn thể giáo dân toàn thế giới về việc truyền giáo trong thế giới hiện đại (Rôma 8/12/1975).

FR. Fides et ratio. Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chho các Giám Mục Công Giáo về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí (Rôma 14/9/1998).

Gallagher M P 1983. Help my unbelief (Hãy giúp đỡ niềm bất tín của tôi). Dublin: Veritas

GS. Gaudium et Spes: Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại. Vatican II.