Bất Hòa - Chuyện thưa cùng Chúa

Thưa Chúa,

Sau mấy mươi năm sống đạo, thời gian gần đây đôi khi con tự hỏi vì sao mình lại là người công giáo? Một câu hỏi có thể sẽ bị Chúa và mọi người quở trách “ở dưng chẳng chịu lành, đâm đầu vào giành lại giẫy lung tung”. Bởi ông bà bố mẹ đều là dân công giáo chính hiệu ‘con nai vàng’ từ trước lúc di cư vào Nam, con nhà tông làm sao đòi khác lông khác cánh?

Mà quả thật! Con nhớ lại cái thời còn bé xíu sống ở một tỉnh miền Trung, vì chung quanh nhà không có nhà thờ nào gần, nên để được xưng tội rước lễ lần đầu, hằng tuần con phải một mình lặng lẽ lội bộ 1-2 cây số mới đến được Nhà thờ Chính tòa thị xã. Những buổi học như thế thường là vào dịp hè, dưới cái nắng gay gắt đổ lửa, dọc quốc lộ 1 chẳng có lấy một bóng cây, nhìn lớp nhựa trải mặt phía trước hơi nóng bốc lên muốn hoa cả mắt. Lại cũng có hôm đang nửa đường về nhà trời bỗng tối xầm rồi mưa xối xả xuống đầu chẳng biết núp đâu nên dù nắng hay mưa “thằng nhỏ” cứ thế mà đều bước. Sau này nhiều lúc nhớ lại con không hiểu những ngày còn bé ấy mình lấy đâu ra được cái sự chăm chỉ, chuyên cần đến thế ?

Thời cuộc đổi thay, cả gia đình phải di chuyển sang tỉnh lân cận khác nhỏ hơn. Lần này may mắn hơn nhờ có thêm nhiều gia đình có đạo ở gần nhau, một linh mục tuyên úy quân đội thấy vậy giúp dựng cho một ngôi nhà thờ nho nhỏ khoảng hơn trăm mét vuông, nằm ở giữa khu đất khá rộng xung quanh là nhà giáo dân.

Gọi là “nhà thờ” nghe cho sang cả vậy thôi chứ chắc Chúa cũng còn nhớ? Vách thì được làm bằng bùn với rơm phơi khô giáo dân đi xin mấy bác làm ruộng trong làng. Hai thứ này cùng nước trộn chung lại với nhau thành ra một nguyên liệu sền sệt màu vàng, dùng thay cho xi măng đắp vào những khung cốt tre đan chéo đã dựng sẵn từ dưới lên cao dần. Sau một hai ngày nắng ráo nước, bùn khô đi làm thành những bức vách cũng khá chắc chắn. Mái ngôi và cửa nẻo nhà thờ cũng đơn sơ vậy, đều làm bằng vật liệu “cây nhà lá vườn” tranh và những tấm phên khung tre v.v… Ấy vậy mà mọi người ai cũng mừng lắm, cả xóm đạo cùng xúm nhau lại “thi công” hơn một tháng là xong. Lũ trẻ chúng con cũng lăng xăng khuân khuân vác vác, mình mẩy tay chân đứa nào đứa nấy lấm lem trông như một lũ mọi con nhưng lòng khấp khởi cứ như đang làm nhà cho chính mình vậy.

Ngày khánh thành nhà thờ vẫn trống trước hở sau, nhìn từ trên xuống cuối chẳng thấy bàn ghế đâu. Ngày ấy còn nhỏ con chưa hiểu việc người lớn nên chỉ đoán già đoán non có lẽ bao nhiêu tiền của gom góp được Cha Xứ đã “đầu tư” hết vào cái nền, vì cả nhà Chúa chỉ thấy có mỗi cái nền xi măng đen xì bóng lưởng ấy là của đáng giá ! Không có ghế cha xứ lại sai người lên thị xã mua về hơn chục chiếc chiếu hoa. Thế là từ đấy, lũ thiếu nhi chúng con trước mỗi buổi lễ luân phiên nhau trải chúng ra thành hai hàng để mọi người ngồi dự lễ cho đỡ mỏi chân, lễ xong cuốn lại.

Nhà thờ đã nghèo lại giữa thời chiến tranh loạn lạc, cha sở Ngài còn phải chạy tới lui các trại lính nên thánh lễ cũng khá thất thường. Ngoại trừ ngày Chúa Nhật ra, những ngày thường không phải ngày nào cũng có lễ nhưng mỗi buổi chiều mọi người vẫn đến nhà thờ, bác Trùm xướng kinh cho bà con đọc trong khi chờ Cha. Nếu nghe có tiếng xe jeep đỗ ngoài sân mới biết hôm ấy có lễ, còn không lần hết xâu chuỗi mà vẫn thấy yên ắng mọi người đọc Kinh Cám Ơn và ra về.

Ngôi nhà thờ đầy kỷ niệm ấy vài năm sau đã bị cuốn trôi bởi một trận lụn lớn khoảng cuối thập niên 60, bởi vách đất làm sao chịu nổi nước ngập? Không lâu sau đó giáo xứ được một cha tuyên uý khác trẻ hơn phụ trách Ngài cho xây lại bằng bêton kiên cố và đẹp hơn với sự trợ giúp rất nhiệt tình của một đơn vị công binh. Nhưng chiến tranh ngày một khốc liệt, con chưa kịp hưởng “tiện nghi” thì phải vào Sàigòn học hành, tạm biệt ngôi nhà Chúa thân yêu và giáo xứ kể từ ngày ấy.

Thấm thoát vậy mà cũng đã gần bốn chục năm trôi qua …

Lẽ ra con đã chẳng nên dông dài những chuyện trên làm gì, nhưng phải kể cho có đầu có đuôi vì ngày xưa “đạo của con” chỉ gồm có Chúa, Cha Xứ và ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn kia, thì nay nhờ thông tin hiện đại con mới biết đạo ấy lớn quá, tới những trên 1 tỷ người lận chứ chẳng phải chỉ có vài chục, vài trăm người như con vẫn tưởng.

Được làm tín hữu của một tôn giáo có tuổi đời hàng ngàn năm, ngoài được thừa hưởng đức tin, sự gắn liền với phát triển văn minh nhân loại của giáo hội, đặc biệt về lĩnh vực văn hóa qua những công trình, tác phẩm danh tiếng về kiến trúc, hội họa, âm nhạc bởi những tên tuổi lớn như Michael Angelo, Leonardo da Vinci, J.S.Bach, W.A.Mozart v.v… đến những người không Công giáo cũng phải ngưỡng mộ, làm con cũng cảm thấy lâng lâng tự hào. Giáo hội công giáo VN chúng con cũng vậy, lớn hạng nhì ở châu lục này, cả nước có đến trên sáu triệu giáo dân, trên bốn mươi vị giám mục, gần ba ngàn linh mục vài trăm ngôi nhà thờ đã là quá nhiều so với cái xứ đạo bé nhỏ của con trước đây.

Nhưng mặt khác, cũng chính cái văn minh hiện đại giúp mình “bớt ngu” ấy đôi khi lại đâm ra “hại điện” vì chúng đe dọa làm nhạt nhòa những ký úc đẹp đẽ về đạo bấy lâu mỗi khi biết đang có những chuyện bất hòa hay “con sâu làm rầu nồi canh” xảy ra trong giáo hội.

Có sống trong thế giới truyền thông mới thấy sức mạnh của những con chữ, tiếng nói bỗng trở nên “quyền phép” hơn xưa gấp triệu triệu lần, càng đáng sợ vì ai cũng có những quyền ấy, viết lách và phát ngôn. Mọi thông điệp hay dở đều dễ dàng và nhanh chóng chuyển đến hàng trăm ngàn người khác chỉ sau động tác click chuột rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Trong vô vàn những thông tin ấy, có những cái dù chẳng muốn mà vẫn cứ phải đọc, phải nghe vì chúng có liên quan đến Chúa đến uy tín của giáo hội và ảnh hưởng đến cả niềm tin bé nhỏ nơi mỗi người nơi giáo dân chúng con.

Thưa Chúa,

Về phần đời con thấy dân tộc Việt Nam chúng con thật bất hạnh. Mỗi khi nhìn cái hình chữ S trên bản đồ thế giới, con lại thấy nó hao hao giống bộ dạng một người già nghèo khổ, đầu đội chiếc nón lá, bụng hóp chân bị phù thũng như những cụ già lỡ sa cơ thất thế, bị lũ con cháu bất hiếu bạc đãi phải sống lang thang kiếm sống vất vưởng ngoài đường, lưng các cụ cũng quằn xuống giống cái chữ S kia trông thật đáng thương!

Tiếng súng đạn trên quê hương vừa dứt thì một cuộc chiến mới khác lại nổ ra. Nhưng lần này khác với chiến tranh qui ước nên chẳng còn biết đâu là ranh giới, vì mầm mống chiến tranh ấy nằm ngay trong lòng mỗi người chúng con. Giữa kẻ ở lại và người ra đi, người trong người ngoài nước cũng bởi cái “vận khổ” của đất nước gây nên. Chiến tranh mà chẳng cần đến bom đạn nên tôn giáo cũng bị lôi vào cuộc, thật phi lý vì bao đời nay Chúa hay Đức Phật có dạy ai nhân danh công lý để chà đạp anh em mình bao giờ, tất cả do bởi lòng ganh ghét đố kỵ của con người chúng con mà ra.

Thêm điều này nữa, con không biết “hung hăng con bọ xít” có phải là tính nết bẩm sinh của người Việt và là nguyên nhân khiến đất nước chúng con thường xuyên phải lâm vào cảnh chiến tranh loạn lạc hay không? Nhưng cái tính “tự ái dân tộc” dường như là điều có thật. Vì con nhớ ngày xưa lúc mới tập tễnh bước chân đến trường mấy chục năm trước, bài học đầu đời luôn là “dân tộc VN là dân tộc anh hùng bất khuất” kèm theo là bao tên tuổi anh hùng lịch sử ra Bắc vào Nam làm minh chứng.

Mà bất khuất có nghĩa là chẳng chịu khuất phục ai, các thầy cô đã vô tình gieo vào những cái đầu non nớt chúng con “ý thức tự vệ” ngay cả khi chúng con chưa biết nhiều những điều hiền lành tử tế. Như vậy không biết có là quá sớm? Sao họ chẳng thay bằng những điều đơn sơ hơn như tính thật thà, nhường nhịn và giúp đỡ người khác v.v…là những cái lẽ ra mới hợp với lứa tuổi trẻ con hơn, bởi từ ngàn xưa trong dân gian đã có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Có lẽ vì sự lạm dụng mấy chữ “bất khuất” ấy mà sau này lúc lớn khôn, cả những khi chẳng còn bóng quân thù ngoại xâm nào nữa, cái tính khí “anh hùng hảo hớn” ấy vẫn cứ hiên ngang bừng bừng chảy trong dòng máu mọi người. Hễ ai đụng đến mình là phải tự vệ, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tự vệ, tự vệ là lẽ phải, là lẽ sống còn, không biết tự vệ là hèn v.v... Đi xe Honda ngoài đuờng lỡ có va phải nhau, nếu cả hai người cùng sùi bọt mép nằm “quay đơ” tuy chẳng may ấy vậy mà lại yên chuyện chứ nếu họ còn đứng dậy được là thế nào cũng phải “sửng cồ” lên với nhau, rồi có khi phải đem nhau vào nhà thương chẳng còn do tai nạn.

Cái thói quen phải thường xuyên tự vệ tưởng là rất cần thiết ấy lâu dần lại trở nên nguy hiểm cho người khác và ngay chính bản thân mình hồi nào chẳng ai để ý. Bởi vì đại gia đình người Việt chúng con ngày một đông, nhà nghèo mà con đông chắc Chúa cũng biết, ôi thôi thì nhiều chuyện “rắc rối” lắm! Trước đây chỉ có mỗi cái vĩ tuyến 17 chia hai miền làm đôi, ngày nay mỗi đứa lưu lạc một nơi, cả trăm cái kinh tuyến vĩ tuyến khác đang chia cắt gần 85 triệu người Việt chúng con thành vô số những mảnh “dân tộc” lớn bé khác nhau, ai cũng đòi cái của mình là chân lý cả, người ta bắt bẻ nhau từ câu chữ cho đến biểu tượng.

Bởi đâu ra có những chuyện này? Con chỉ còn biết bảo dân tộc con đã tự đày đọa mình bằng tính háo thắng là nguyên nhân của sự tự vệ quá mức cần thiết và chẳng mấy ai chịu nhớ lời Chúa “Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống”.

Chính vì sự háo thắng ấy, đất nước chúng con ngày nay đang bị lịch sử dìm trong bể khổ đau, ngay cả sau khi đã chiến thắng hết những kẻ thù ngoại bang. Quân thù thì bỏ chạy nhưng tính hiên ngang bất khuất ấy đâu có chịu tan biến liền? Thế là mọi người lại “ngứa ngáy chân tay” dùng nó “xỉa” sang những người anh em ruột thịt gần gũi mình và cuối cùng như Chúa đang thấy người bị hạ xuống và “lãnh đủ” mọi thất bại chẳng ai khác ngoài chính dân tộc chúng con, đến bây giờ vẫn còn “lẹt đẹt” đi sau thiên hạ trong khi cửa nhà còn ngổn ngang trăm bề.

Giá như qui trình “trồng người” ở VN trước nay (kể cả ở miền Nam trước 1975) đảo ngược lại, chăm sóc cây trước khi nghĩ đến chuyện hái quả và giá như câu nói trên của Chúa được thực thi tốt hơn, có lẽ mọi người đã bớt đi tự vệ những lúc không cần thiết, như vậy hai “bác tài” trên đã có thể dễ dàng nói lời xin lỗi nhau.

Suy cho cùng tất cả chúng con đều là nạn nhân của lịch sử và của cả chính mình một thời gian dài nhiều thế hệ mà chẳng hề hay biết.

Với giáo hội, trong thân phận tội lỗi con không có quyền phán xét ai, vả lại cũng không ở vào hoàn cảnh người khác để biết thật hư của từng sự việc xảy đến ra sao? Tuy nhiên với Chúa con chắc không thể giấu diếm bất cứ sự gì và chẳng ai tránh né được ngày phán xét nếu những việc họ làm gây tổn thương chung cho giáo hội. Nhưng tốt hơn hết là đừng nên có, bởi chung quanh con còn có rất nhiều bổn đạo mới, nhiều người đã lớn tuổi họ không có nhiều kỷ niệm êm đếm như chúng con từng có bên Chúa, nên con không hiểu liệu họ có còn giữ được đức tin mỗi khi nghe những lời ấy. Mà bây giờ chúng không thiếu gì trên mạng chỉ cần vài “cú searching” tên tuổi ai đó, sự kiện nào đó là chúng hiện ra đầy màn hình. Con xin phép không nêu một cách cụ thể, vì đến người bé nhỏ tầm thường như con còn biết lẽ nào Chúa lại chẳng hay?

Dẫu sao cũng còn là điều may vì hầu hết giáo dân VN chúng con nhờ theo đạo từ tấm bé, ai cũng có những năm tháng thơ ấu sống đạo hồn nhiên, quanh quẩn chỉ biết có Chúa, Cha Xứ họ đạo bé nhỏ của mình, vì vậy đức tin đã ngấm sâu vào tiềm thức. Chính nhờ có lớp “áo giáp” ấy, mới giúp giáo dân chúng con còn đủ niềm tin vào Chúa bên cạnh không ít “lời ong tiếng ve” đang vây quanh giáo hội bấy lâu nay.

Lại có những ý kiến cho rằng “làm dâu trăm họ” luôn là điều khó, nhà đông con làm sao tránh khỏi “trăm người mười ý” khiến dễ nảy sinh bất hòa v.v… nhưng cũng có câu nói của ai đó “khi hai người cãi nhau, có thể có người đúng kẻ sai nhưng chắc chắn cả hai đều có lỗi” vì họ là “đồng tác giả” gây nên bất hòa. Bởi vậy con nghĩ mỗi người chúng con cũng nên tự đấm ngực mình, “không có lửa thì lấy đâu ra khói”?

Chưa hết, ảnh hưởng của những phát ngôn thông điệp dễ gây nên sự bất hòa còn khiến những người không tin Chúa vốn đã nhìn giáo hội bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, càng có lý do để nghi ngờ đánh giá thấp về giáo hội VN, con chắc điều này khiến Chúa buồn lòng hơn cả. Nhất lại là trong hoàn cảnh giáo hội đang chịu tổn hại nhiều sau giai đoạn bị thế gian sách nhiễu cần phải thương yêu nhau một cách chân thành sáng suốt hơn.

Con nhớ thời còn đi học văn hóa, chỉ sau 12 năm trung học con đã phải trải qua vài kỳ thi sát hạch kiến thức để chứng minh mình có học hành đàng hoàng tử tế. Nhưng việc học đạo may mắn hơn vì ngay từ thủa sơ sinh lọt lòng chưa biết gì đã thành người có đạo, lớn lên chút chỉ cần qua hai vòng kiểm tra giáo lý không quá khó là lấy được “tấm bằng” xưng tội rước lễ lần đầu và thêm sức. Mà ở đời hễ cái gì dễ quá lại thường hay bị quên. Vì vậy mà cho đến nay mấy mươi tuổi đầu con mới chợt hỏi vì sao mình lại là người công giáo và liệu việc giữ đạo của mình có do thói quen có từ bé? Học đạo cũng như học chữ nếu chẳng bao giờ biết thắc mắc liệu có uổng cái công “mài mòn” bao nhiêu ghế nhà thờ, mất thời gian tham dự không biết bao nhiêu thánh lễ, bao nhiêu nghi thức?

Đáp án cho những thắc mắc ấy không chỉ tìm thấy nơi Chúa mà còn cả nơi những anh em và nhất là các đấng bề trên con.

Thánh kinh có nhiều điều cao siêu nhưng sau mấy chục năm theo đạo con cũng chỉ dám nhớ dăm ba câu vì thấy chỉ với mấy bài “đối nhân xử thế” của Chúa cũng quá đủ để thực hành sống đạo. Chuyện “người phụ nữ ngoại tình” bị thiên hạ lôi đến “nhờ” Chúa xử tội là điển hình.

Tình huống câu chuyện ấy khó lắm chứ chẳng chơi vì người ta định gài bẫy Chúa Giêsu, nếu Ngài bảo ném đá đi hoá ra khi gặp chuyện Chúa cũng “phủi tay” nốt những lời dạy yêu thương trước nay, còn bảo tha nó thì lại tự cột mình bởi luật của người Do Thái thời ấy, đằng nào cũng “chết” với mấy ông luật sĩ kia.

Nhưng rốt cuộc những kẻ định gài bẫy Ngài chắc cũng giống người Việt chúng con, học bài tự vệ sớm để đi hại người khác nhiều hơn điều tử tế, biết hai trong lúc chưa biết một, bị cái lớn che mắt không nhìn thấy cái nhỏ. Họ gài Chúa như thế tưởng là đã quá chắc mà thật ra do cái tâm hẹp hòi nên chỉ thấy cọng rác trong mắt người khác mà không thấy cây xà đang lơ lửng ngay trong mắt mình. Nếu không đúng thế thì Chúa có nói điều gì cao siêu đâu mà sao đám đông hùng hổ kia lặng lẽ giải tán, càng già “lủi” càng cho lẹ?

“Ai trong số các ngươi tự thấy mình là người trong sạch hãy ném đá người đàn bà này trước đi !”

Ui chao! Một câu nói sao quá thông minh, chỉ những ai có đủ lòng nhân hậu như Chúa mới có sẵn trong đầu.

Sau hai ngàn năm mà nhân loại chúng con vẫn chẳng khác xưa là mấy, vẫn thích lôi nhau ra trước “búa rìu” dư luận như chị phụ nữ kia từng là nạn nhân. Trước những chuyện thế nhân bất hòa vô lý ấy, nhiều lúc con cũng cảm thấy ‘ngứa ngáy tay chân’ muốn nhào vô ăn thua đủ với thiên hạ lắm chứ! nhưng nhớ đến lời Chúa trong chuyện trên “thằng con” này tự thấy mình cũng nào có đàng hoàng gì, thôi thì đành đem mớ ấm ức ấy quay về thưa chuyện cùng Chúa vậy.