Đôi bàn tay linh mục



Có mẫu ảnh in vẽ hai đôi bàn tay theo hai chiều đối diện nhau:

- Đôi bàn tay của Thiên Chúa từ trên trời cao mở ra tỏa xuống dưới trần gian, như cử chỉ ban phát cùng dẫn đường chỉ hướng.

- Và đôi bàn tay của con người cũng mở ra từ dưới hướng lên phía trên cao, như muốn đón nhận chúc lành cùng sự hướng dẫn từ nơi đôi bàn tay Thiên Chúa tỏa xuống.

Một hình ảnh đẹp thi vị và nói lên sâu đậm ý nghĩa đời sống đạo đức cùng tình người!

Hình ảnh này có mang ý nghĩa gì hay có liên quan gì tới đời sống linh mục không?

1. Đôi tay chúc lành

Ngay từ thuở đầu đời sống, đôi bàn tay cha mẹ luôn là nơi chốn nương tựa cho con cái: bàn tay bồng ẵm, nâng niu săn sóc!

Trong đời sống linh mục, đôi tay linh mục là dụng cụ Thiên Chúa dùng

để chiếu tỏa ban phát chúc lành của Người cho trần gian.

Ngày lãnh nhận chức Linh mục, đôi bàn tay của ứng sinh Linh mục được xức Dầu thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho phép Linh mục được ban các Bí tích biểu hiệu cho sự gần gũi cùng lòng trung thành của Thiên Chúa với con người.

Trong suốt cuộc đời Linh mục, mỗi khi cử hành các Bí tích, ông đều dùng đôi tay đã xức Dầu thánh hiến mà ban phát.

Khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em, cho người lớn, Linh mục cũng dùng đôi tay múc nước tưới dội trên đầu cùng xức Dầu Thánh cho em bé, cho người lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Khi dâng Thánh Lễ, linh mục cũng dùng đôi bàn tay cầm Tấm Bánh, Chén rượu lễ giơ lên, cầm Mình Thánh Chúa trao cho người tới tiếp rước Tấm Bánh Thánh Thể Chúa, rồi sau lễ ban Phép Lành kết lễ của Chúa cho tín hữu Chúa.

Khi những em bé cùng với cha mẹ lên trước bàn thờ rước lễ, Linh mục cũng dùng bàn tay ban phép lành vẽ hình Thánh gía trên trán cho chúng.

Ngày đôi Bạn trẻ dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trao cho nhau Bí tích hôn nhân, linh mục cũng giang đôi tay ra đọc lời chúc lành của Chúa cho họ.

Trong tòa giải tội, linh mục giơ tay chúc lành đang khi đọc lời tha tội của Giáo Hội cho người đến xin hòa giải cùng Thiên Chúa.

Đến thăm người bệnh yếu đau, linh mục dùng bàn tay xức Dầu Thánh xin ơn tha thứ và củng cố sức mạnh tâm hồn đức tin cho người đau yếu.

Chưa hết, linh mục còn dùng đôi tay của mình xoa dịu an ủi những người trong bước đường lâm gặp cảnh sầu khổ họan nạn.

Đôi tay của linh mục được xức Dầu Thánh hiến ngày chịu chức linh mục cho công việc phụng tự thờ kính Thiên Chúa và phép lành của Người. Và qua đôi tay đó tình yêu thương lòng khoan dung của Thiên Chúa chiếu tỏa đến với con người trong trần gian.

2. Đời sống mục vụ

Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục dang đôi tay đọc lời kinh nguyện Thánh Thể kêu khấn lòng khoan dung của Chúa: „ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa“.

Lời kinh này không chỉ nói lên tâm tình tạ ơn, nhưng còn nhìn nhận việc tế lễ phụng thờ Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi Đấng đã kêu gọi ban cho chức linh mục.

Trong lúc truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục chủ tế thinh lặng nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội đặt đôi tay trên đầu ứng sinh linh mục.

Cử chỉ đặt tay, theo nguồn gồc trong Kinh Thánh Cựu ước là hành động của chúc phúc lành.

Cử chỉ này còn mở rộng ra hơn nữa: Không chỉ ứng sinh linh mục nhận được chúc lành. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa còn lan tỏa rộng sang tới những người khác từ đôi bàn tay chúc lành của linh mục. Linh mục là người được Thiên Chúa đặt tay chúc lành, và cũng là người dùng đôi tay mang chuyển chúc lành của Thiên Chúa tiếp cho người khác nữa.

Trong đời sống con người, ai cũng có những kỷ niệm ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn. Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của đôi bạn trẻ nam nữ ngày thành hôn là lời ưng thuận họ trao cho nhau.

Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của ngày truyền chức linh mục là giây phút thinh lặng lúc đức Giám Mục nhân danh Thiên Chúa đặt tay trên đỉnh đầu truyền chức linh mục. Như thế, đôi tay này gắn liền với việc mục vụ tế tự của Linh mục.

Và cũng không kém phần quan trọng trong công việc mục vụ cùng tế tự của linh mục là việc cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Thiên Chúa cho chính mình cùng cho người khác. Cho dù việc cầu nguyện trong thinh lặng với Thiên Chúa vô hình nhiều khi gặp khó khăn nặng nề xác thịt cùng bệnh tật của thân xác, và cả về tinh thần trí khôn nữa.

Nhưng có lẽ đó là dịp cơ hội tốt cho linh mục suy nghĩ học hỏi tập sống lòng khiêm nhượng về những công việc mục vụ với chính bản thân mình, với người khác, cùng với những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống ở trần gian.

3. Nếp sống của loài Ong

3.1. Thầy Dòng Francisco de Osuna, người Tây ban Nha, có đời sống chiêm niệm trong thinh lặng cao sâu, đã viết ra suy tư cảm nhận về lòng khiêm nhượng khi Ông ngắm nhìn loài Ong: „ Loài Ong, như kể thuật lại, khi trời có giông bão gió lớn, chúng cặp vào thân mình thêm một hòn đá nhỏ nữa, để giữ thăng bằng cho khỏi bị gió mạnh cuốn lôi chao đảo ngả nghiêng lúc bay. Nếu gió qúa mạnh chúng thả mình cho từ từ hạ cánh xuống thấp an toàn nhờ sức nặng của cục đá giữ thân thể được thăng bằng. Sức nặng của cục đá là hình ảnh của sự hiểu biết về cung cách làm cho thân mình hạ thấp xuống mà không bị tổn thương hư hại.

Cũng vậy, lòng khiêm nhượng trọn vẹn đạt được, khi gặp vượt qua khó khăn thử thách trong yên lặng bình tĩnh và không bị mất mát, giống như loài ong lúc hạ thấp đáp xuống mà vẫn giữ được bình tĩnh thăng bằng và không làm mất phấn hoa dinh dưỡng làm nên mật ngọt.“

Cũng thế, nếu linh mục cảm nhận ra sự yếu đuối thấp hèn bản tính con người của mình, hay khi bị những thấp hèn bản năng con người lôi kéo cám dỗ, đâu có là cớ lý do sinh ra nản lòng thoái chí. Nhưng phải bám vào nền tảng thực tế, đứng vững bằng đôi chân trên mặt đất.

Chữ thửa nền đất theo tiếng Latinh là Humus. Cũng theo tiếng Latinh chữ Humilitas có nghĩa là khiêm nhượng. Và như thế trong chữ Humilitas có cả chữ Humus.

Bông hoa, cây cối, lúa mạ đều cần Humus - thửa đất ruộng vườn. Khu vườn nước Thiên Chúa, theo nghĩa bóng, cũng có những khó khăn mệt nhọc, những thử thách, những trái ngược phản chứng phải hy sinh chịu đựng mới vượt qua được.

3.2.Loài Ong như thế có thể nói là gương mẫu cho đời sống của Linh mục. Thánh Franziskus de Sales có suy nghĩ so sánh về việc này: „ Loài Ong hút góp mật từ những nụ hoa mới nhú nở. Chúng đáp đậu vào trung tâm nụ hoa mà không làm hư hại cánh hoa. Trái lại chúng mang phấn hoa từ nụ hoa này sang nụ hoa khác. Và như thế mang đến sự chữa lành cùng sự tươi mát cho hoa được phát triển kết sinh hoa trái hạt giống.

Lòng đạo đức chân thực mang lại hiệu qủa tốt đẹp hơn thế nữa. Cung cách sống lòng đạo đức chân thực không gây ra hư hao thiệt hại cho ơn kêu gọi cùng việc làm của linh mục; trái lại giúp làm cho trong sáng đẹp thêm lên.“

Đó là dấu chỉ việc mục vụ tốt lành thánh đức thấm nhuộm tình người mang lại lợi ích cho tâm hồn con người. Qua việc mục vụ tốt lành như thế, người tín hữu cảm thấy tâm hồn thư thái nhẹ nhàng hơn, cùng trở nên chín chắn trưởng thành hơn, chứ không bị lôi kéo theo vào một mục đích thế tục bất chính nào khác.

3.3.Marie Noel, một người sống tu đức chiêm niệm vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất cách đây trên dưới một thế kỷ, đã có suy nghĩ về mẫu gương nếp sống của loài Ong, khi so sánh với nếp sống mục vụ phụng thờ Thiên Chúa: „ Sẽ tới thời những con Muỗi, con Chim nhỏ bé và những con Mèo nhảy mừng. Nhưng những con Kiến thì không. Và cả những con Ong cũng không nữa. Đã có ai nhìn thấy loài Ong sống thưởng thức niềm vui trong đời sống chưa! Những chú Ong như bị bắt làm nô lệ phải làm việc vào tận trong trung tâm trái tim của bông hoa hồng. Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn nói đến loài sâu bọ đâu!“

Hình ảnh nếp sống này không có ý muốn nói linh mục phải cắm đầu làm việc hoạt động như loài Ong: chỉ biết làm việc mà không có niềm vui nào, không có thưởng thức.

Không, không phải như thế. Trong trung tâm trái tim bông hoa hồng là hình ảnh đẹp dùng diễn tả việc muc vụ của linh mục với niềm vui mừng trước mặt Thiên Chúa: linh mục không phải là người sống kiểu tâm tính của một nô lệ.

Thánh Phaolô đã nhắc nhớ cảnh tỉnh về điều này: „ Chính để chúng ta được tự do thanh thản mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.“ ( Galata 5,1).

***********************

Đời sống của linh mục không phải vì được xức Dầu Thánh cất nhắc lên hàng tư tế

của Thiên Chúa mà quên humus - thửa đất- của mình đang sống trên trần gian.

Đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người.

Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người.

Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.

Đôi bàn tay và cung cách sống tình người của linh mục là nếp sống tình yêu lòng trung thành của Thiên Chúa luôn có mặt bên cạnh con người.

Kính thưa Cha Cố Phêrô Nguyễn Trọng Qúy,



50 năm, theo ngôn ngữ văn chương thi ca diễn tả đó là thời gian nửa thế kỷ, Cha Cố được Thiên Chúa kêu gọi là Sứ gỉa trong chức vụ Linh mục.

50 năm giai đoạn lịch sử không gian, tu trì du học bên Âu châu chịu chức linh mục. Sau đó trở về quê nhà bên ViệtNam dạy học. Và rồi lại trở lại sống bên Âu châu làm việc mục vụ linh mục.

50 năm đoạn đường lịch sử đời Linh mục của Cha cố sống học hành nghiên cứu thần học, dạy học rao giảng cùng làm chứng cho Thiên Chúa giữa con người.

50 năm quãng thời gian lịch sử đời Linh mục của Cha Cố rộng đôi tay ban các Bí tích của Thiên Chúa cho con người.

Thiên Chúa đã kêu gọi Cha cố vào làm thợ trong thửa vườn –humus- của Ngài trong nhiều giai đoạn với những chức vụ khác nhau. Và Cha cố từ 50 năm nay đã luôn nói với Ngài: Ad sum! Vâng, con xin đến để thực thi ý Chúa muốn!

Thực thi ý Chúa muốn trong cố gắng cùng đồng hành dẫn đưa con người đến với nguồn chúc lành bình an từ nơi Thiên Chúa.

Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban ân đức kêu gọi cùng gìn giữ đời linh mục của Cha cố.

Xin chúc mừng Cha cố dịp kỷ niệm thánh đức 50 năm chức Linh mục

1958. - 29.06. - 2008.


Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Cậu học trò ngày xưa ở Chủng viện Thánh Toma Long Xuyên