PHẦN I. KHUNG CẢNH TỔNG QUÁT

Chương Một:
Từ Thiên Nhiên Đến Con Người


1. Môi Trường Thiên Nhiên Cao Nguyên Lâm Viên

Không ai không thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi của Đà Lạt trong một miền nhiệt đới gần xích đạo. Đến nỗi người ta hiện nay hầu như chỉ nói, chỉ nghĩ đến Đà Lạt như một thành phố du lịch nghỉ ngơi với khí hậu trong lành giữa trời xanh tươi với bao thắng cảnh mê hồn. Nhưng ít ai chú ý đến cải vẻ thanh thoát ấy của Đà Lạt lại giúp cho con người học hành rất thú vị, dễ hiểu dễ nhớ, và làm việc quên mệt vì nó giúp cho con người dễ đắm mình học hành, làm việc vào trong cảnh trí hữu tình trong mát. Vùng trời tĩnh mịch, êm ả và mát mẻ giúp cho con người có nhiều khả năng tập trung. Đúng là thiên nhiên đã ưu đãi con người nơi đấy, bằng cách tạo cho con người một môi trường quyến rũ lạ thường ở một đất nước có lúc nóng bức như thiêu. Người viết đã sang bên Baguio, một thành phố của Phi Luật Tân nằm trên vùng núi phía Bắc của đảo Luzon, hải đảo lớn nhất của đât nước quần đảo này. Baguio có cao độ tương tự như Đà Lạt của Việt Nam nhưng không hề duyên dáng, quảng đại xinh đẹp và dịu hiền bằng Đà Lạt. Đà lạt có một không gian đủ thoáng rộng với địa hình nhấp nhô vừa phải, chứ không quá dốc hẹp gắt mạnh như tại Baguio mát mẻ nhưng gồ ghề, tuy Baguio cũng có quân trường nổi tiếng.

Môi trường tự nhiên đặc biệt đó không chỉ ở cao độ trung bình 1.500mét cao hơn mặt biển mà còn có những rừng thông, cỏ cây hoa lá cả ôn đới với đồi núi và hồ suối tự nhiên rất nên thơ mà ít nơi có. Chính vì rừng thông Đà Lạt là bộ máy khổng lồ lọc không khí trong lành nhờ tính sát trùng của dầu thông. Tôi không muốn nói đến thiên nhiên Đà Lạt kiểu mổ tả địa lý, mà khơi lên những đặc điểm rất thực tế gần gũi mọi người đang cư trú tại đó. Đà Lạt là một vườn cảnh thu hẹp của thiên nhiên anh đào Tokyo Nhật Bản những ngày cuối tháng hai đầu tháng ba mỗi năm.

2. Môi Trường Văn Hóa Cao Nguyên Lâm Viên.

Nói đến đặc điểm lịch sử văn hóa và nhân văn của Tây Nguyên, thì không thể không nói tới những người dân tộc sống hồn nhiên trong các buôn plei xa tít mãi trong rừng. Họ bảo lưu một kho tàng quí giá rất hiếm hoi mà các nhà dân tộc gọi là văn minh truyền miệng, đặc biệt là nhà dân tộc học Dambo Jacques Dournes (1922-1993). Jacques Dournes vốn là một nhà truyền giáo nhiệt thành thuộc Hội Thừa Sai Paris, từng phục vụ cộng đồng dân tộc người Srê ở Lâm Đồng (1947-54) và cộng đồng dân tộc người Jơrai ở giáo phận Kontum (1955-1970).

Tất cả các dụng cụ may mặc, trồng trọt, âm nhạc, điêu khắc, hội họa và xây dựng nhà cửa, mộ táng đều là sản phẩm từ thiên nhiên: cây tre, cây nứa, hòn đá, củi lửa, trường ca, tập tục như lễ đâm trâu, …. Trong cả vùng rừng thăm thẳm như thế, còn nằm yên không biết bao nhiêu kho tàng chôn vùi ở dưới đất, thậm chí người ta còn nói đến chiều dài và bề dầy lịch sử các đế quốc người Mạ cổ xưa, và dân tộc Churu. Những người này có bà con gần gũi với người Chàm cư trú từ duyên hải Phan Rang, Phan Rí cho đến Phan Thiết và đang cất giữ rất nhiều cổ tích văn hóa Chàm ở vùng núi và cao nguyên Phan Thiết giáp ranh với Lâm Đồng.

Kho tàng quan trọng khác là các ngôn ngữ và tập tục mà chúng ta cần nghiên cứu học hỏi. Họ, các cộng đồng dân tộc ìt người hiện nay, chính là hình ảnh thơ ấu của cộng đồng dân tộc người Kinh ngày nay. Thường chỉ có những tâm hồn đơn sơ yêu mến thiên nhiên mới muốn tìm thấy đến họ và chia sẻ với họ. Họ có một lịch sử của chính họ, dù mong manh theo cách riêng của họ. Họ dậy chúng ta hiểu thế nào là lịch sử truyền miệng mà các nhà sử học dân tộc học hiện nay rất coi trọng. Đó là nghiên cứu lịch sử cách sống của những cộng đồng người làm sao tồn tại được khi họ buộc phải sống len lỏi giữa chốn núi rừng tự do nhưng thật khắc nghiệt. Họ vẫn tồn tại giữa miền nhiệt đới pha tạp với các thảm thực động vật và khí hậu thuộc ôn đới ở các cao độ khác nhau, xa các nơi có nếp sống tiến tiến hơn ở vùng đồng bằng.

Tôi chưa chú ý đển những địa thế và nguồn nước khiến cho người ta có thể khai thác được thủy điện, hay nhiều khoáng loại đặc biệt như quặng bauxít, thậm chí quặng uranium và nhiều thứ thạch anh mà một thời nhiều nhà địa chất người Pháp đã từng miệt mài thám quật như Henri Fontaine, Edmond Saurin làm việc với Trường Khoa học ở Sàigòn. Ít ai nghĩ đến việc hợp tác với người Mỹ, như Wilhelm Solheim II, giảng dậy tại Trường Đại Học Hạ Uy Di, để khai thác nhiều di chỉ của khảo cổ ở miền Tây Nguyên, để học được nơi các chuyên gia khảo cổ kinh nghiệm, kỹ năng trổi vượt của họ và những khoản tài trợ cần thiết hữu ích của họ trong lúc đất nước chúng ta còn thiếu thốn, vừa thoát cảnh đô hộ. Người Mỹ cũng rất nhiều chuyên gia ngữ học và dân tộc học chú trọng tới các ngôn ngữ, tập tục độc đáo của nhiều cộng đồng ngữ tộc ở Tây Nguyên. Người ta không thế không biết trân trọng nhiều công trình ngữ học công phu của nhiều học giả Viện Chuyên Cứu Ngữ Học Mùa Hè (SIL- Summer Institute of Linguistics, Inc.) thuộc Trường Đại Học North Dakota. Tôi thầm ước ao có rất nhiều sáng kiến từ tập thể đại học Đà Lạt dấn thân năng động vào các dự án tìm hiểu vùng đất này về các mặt địa lý, địa chất, nhân văn, kể cả chánh trị kinh doanh, sư phạm và văn chương. Những nghệ sĩ tuyệt vời như Siu Black đã từng làm nổ tung Cao Nguyên với tiếng hát đầy nhựa sống...

Sau cùng người ta không thể không biết đến rất nhiều nỗ lực và hy sinh của các nhà truyền giáo Công giáo và Tin Lành đang có mặt, chen vai thích cánh ở địa bàn Cao Nguyên miền Trung Việt Nam.

Dường như họ cạnh tranh hay đối đầu quyết liệt với nhiều hoạt động của các nhà chánh trị thuộc nhiều xu hướng và phe phái quyền lợi khác nhau như Cộng Sản, không Cộng Sản trên đất nước Việt Nam. Sâu xa hơn là tác động của những thành phần chánh trị của người Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Trung Hoa, kể cả Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, Lào còn tham vọng đối với các dân tộc và nguồn lợi ở Cao Nguyên miền Trung sát vùng Tam Biên Việt-Miên-Lào truyền kiếp này.

Nhìn vào lịch sử Phi Luật Tân, Mã Lai, hay Nam Dương nói riêng và Đông Nam Á nói chung, thì nếu số phận người dân tộc thiểu số, vốn cùng chung gốc với nhiều dân tộc trong vùng, được chính quyền liên hệ ở Việt Nam quan tâm hơn, thì họ sẽ phát triển khởi sắc không thua kèm nhiều dân tộc làm thành các quốc gia có phần tiến bộ như ở các quốc gia vừa kể,…

3. Việt Nam Vào Thời Điểm 1954-1957

Thời gian mấy năm sau cuộc đại di cư tiếp theo sau Hiệp Định Genève 1954 cho ta thấy một tình hình có nhiều sắc thái đặc biệt thúc đẩy cho hoạt động văn hóa giáo dục như dự án thành lập Viện Đại Học Đà Lạt.

Việt Nam vừa bị chia cắt thực tế làm hai miền theo các điều khoản lịch sử của Hiệp Định Genève ngày 20/7/1954. Miền Bắc theo chế độ Cộng sản từ vĩ tuyến 17 trở ra lấy tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hỏa. Con sông Bến Hải là ranh giới tự nhiên tạm thời giữa hai miền. Miền Nam theo chế độ tự do lấy tên là Việt Nam Cộng Hòa, ở phía Nam vĩ tuyến 17.

Miền Nam phải đối phó với một cuộc di cư vĩ đại vượt quá tầm vóc của chính mình, nếu không có quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, giúp đỡ. Ngoài những khó khăn của một nước nghèo nàn lạc hậu, Miền Nam rất thiếu chuyên gia sau cuộc phân chia đó về mọi mặt, đồng thời phải xây dựng một chế độ miền Nam vững mạnh. Sau cuộc di cư miền Nam phải đối phó mời nhiều khó khăn. Mấy vấn đề cơ bản sau khi ổn định xong cuộc di cư mà miền Nam phải đối phó là:

Thứ nhất cần xúc tiến thống nhất quân đội, các đảng phái, các tôn giáo và dành lại chủ quyền độc lập dân tộc từ tay người Pháp và từ tham vọng bá chủ của người Mỹ.

Thứ hai là xây dựng các cộng đồng di dân theo một chiến lược định cư có kế hoạch đa diện để vừa xây dựng kinh tế, vừa bảo vệ an ninh lãnh thổ. Miền Nam phải canh chừng cuộc xâm nhập tình báo CS đủ loại cố nằm sâu trong các lực lượng quân dân cán chính toàn quốc ở miền Nam, nhất là trong các cộng đồng di dân, các dân tộc thiểu số ở Cao Nguyên và các lực lượng cựu kháng chiến Việt Minh còn lại tại miền Nam.

Thứ ba là củng cố một chính quyển dân chủ vững mạnh, ngay trong tình hình phải đối phó với chính sách hiếu chiến đầy tham vọng vốn có của miền Bắc nhằm áp đặt chế độ độc tài lên cả nước. Miền Nam hy vọng có thể đứng vững và bảo vệ lãnh thổ và xây dựng chế độ xã hội độc lập dân tộc thực sự, và cùng thi đua phát triển với miền Bắc trong quá trình thương thảo tiến tới thống nhất bằng con đường hòa bình.

Không phải chỉ có GHCG mới đối phó với CS hữu hiệu nhất, nhưng nhiều hành vi của CS nhắm tập trung vào cộng đồng Công giáo mãnh liệt nhất ở bất cứ nơi nào có sự xâm nhập của chủ nghĩa CS trên thế giới. Chính ví thế người CG có một vai trò tích cực, nếu không phải là tiên phong trong mặt trận ứng phó vói chủ trương chuyên quyền xây dựng đất nước, và tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống.

Muốn thế cần phải tạo ra tài nguyên và huấn luyện nhân lực đủ tài đức. Trong khuôn khổ chế độ giáo dục toàn dân ở các cấp, nhất là cấp đại học quốc gia. GHVN qua HDGMVN, cũng ý thức được trách nhiệm đào tạo, góp phần vào công trình xây dựng tài nguyên nhân lực chung của đất nước trong tình huống đa đoan ấy.

Thực tế lịch sử diễn ra chỉ trong năm 1955 đến gần hết năm 1956 bộc lộ nhiều khó khăn. Đây là giai đoạn có nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt: người Pháp tìm cách kéo dài quyển lợi thực dân của họ ở Đông Dương, bằng cách mua chuộc các chính đảng, các lực lượng quân sự tôn giáo có nền tảng từ nhiều giáo phái chống lại chính quyền do TT Ngô Đình Diệm cầm đầu, ngõ hầu phân hóa lực lượng quân sự, chính trị và tôn giáo trong nước.

Cuộc đối phó với ba tổ chức chính trị có nền tảng tôn giáo: Bình Xuyên, Hỏa Hảo, Cao Đài và lực lượng gắn bó với Pháp, vào thời điểm 1957-58 tương đối tạm lắng xuống, ít ra bề ngoài. Chính trong bối cảnh xã hội ấy, thì chính quyền Ngô Đình Diệm tập trung sức lực vào xây dựng cơ chế vững vàng hơn. Hồng Y Spellman là một trong nhiều yếu tố xúc tác khá quan trọng lôi kéo quốc tế vào quá trình định cư và xây dựng ở miền Nam ở giai đoạn từ 1954 đến 1965. Cuộc xây dựng VDHDL chắc chắn đã có bàn tay của ngài, thể hiện trong tòa giảng đường nguy nga mang tên Spellman theo một tầm nhìn có tính chiến lược lâu dài và cơ bản.

Chính những tiền đề đó là bối cảnh cho việc GHVN đi đến thành lập một Hội Đại Học để xây dựng một Viện Đại Học Đà Lạt trên chốn cao nguyên này.

Chương Hai:
Lý Tưởng và Mục Tiêu Giáo Dục


1/. Mục đích truyền giáo

Người viết rất đồng ý với nhiều suy tư của GS Nguyễn Khắc Dương về mục tiêu của giáo dục đại học Công giáo. Trong bài huấn dụ sinh viên nhân lễ tốt nghiệp khóa I của Trường Đại Học Sư Phạm, GM Chưởng Ấn [1] Ngô Đình Thục tiên khởi đã phát biểu:

“Ở bất cứ đâu, Giáo Hội Công Giáo đã từng góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam thân yêu của chúng ta, từ Bắc chí Nam, từ làng quê đến thành thị, các trường trung tiểu học được Công giáo bảo trợ đang hoạt động hăng hái. Rất nhiều cựu học sinh của những trường này đang phục vụ dân tộc chúng ta trong nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau.

Nhưng Đất Nước vào giai đoạn phát triển mới cần có những nhân sự được huấn luyện đầy đủ đế có thể đáp ứng với những đòi hỏi mới.

Nhằm tiếp tục truyền thống giáo dục của Giáo Hội Công giáo góp phần vào nhiệm vụ quan trọng là đào tạo giới ưu tú cho Đất Nước, toàn thể các Giám Mục Việt Nam đã quyết định thành lập Viện Đại Học Đà Lạt, mặc dù có nhiều khó khắn về tài chánh và nhân sự. Các Giám Mục tin tưởng rằng các sinh viên của chúng ta - nhờ các giáo sư giảng dậy tận tâm, có giáo thuyết trong sáng bảo đảm, sẽ đạt tới những kết quả thỏa đáng, trong toàn môi trường cảnh quan và khí hậu cao nguyên trong mát này ” [2].

Tiếp lời vị GM Chưởng Ấn, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế cũng phát biểu:

“Xứ sở chúng ta đã cố gắng phấn đấu kiến thiết nền tảng tinh thần và vật chất do yêu cầu tiến bộ của toàn dân. Chúng phủ kêu gọi đến thiện chí của các cá nhân và tổ chức. Viện Đại Học là một gương sáng hợp tác đó, và sự thành công của Viện Đại Học Đà Lạt chứng tỏ cho tôi viện có đủ tinh thần tham dự vào việc đào tạo các kỹ thuật gia và các nhà trí thức cho Việt Nam, cùng với các viện đại học quốc gia. ” [3]

Trong bản tường trình cũng của GM Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt kính gửi Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, sau bốn năm xây dựng và hoạt động, những mục tiêu của việc thành lập một Viện Đại Học đã được nhắc lại rõ rệt:

a. Nhằm cung ứng cho sinh viên Việt Nam nói chung, và cách riêng cho những người Công giáo. Chính họ vẫn mong muốn học hỏi, nhưng thiếu một trung tâm cho họ có thể tiếp tục những công cuộc học hỏi ở đó.

b. Nhằm đảm lãnh cuộc phục hưng đạo lý của những trí tuệ đã đi lạc đường trong nhiều năm rối loạn chiến tranh đã qua.

c. Nhằm mở rộng nền giáo dục Đại Học nơi quần chúng, nhất là nơi những người Công giáo, ngõ hầu bắt kịp tiến bộ chung của nhân loại. [4]

Thực ra suy nghĩ sâu xa hơn, việc thành lập Viện Đại Học Đà lạt, cũng như bất cứ sinh hoạt nào của Giáo Hội đều thực hiện sứ mạng “truyền giáo”, tức là loan Tin Mừng cứu độ cho mọi loài thụ tạo, cho đến tận cùng trái đất, tận cùng thời gian. Truyền giáo là một trong những bổn phận căn bản của Kitô giáo, của từng Kitô hữu.

Giáo Hội muốn Kitô hóa mọi giá trị tốt đẹp của trần thế; muốn cứu độ mọi sinh hoạt văn hóa xã hội và kể cả kinh tế chính trị, nên Đại học Công giáo cũng nhằm nhập thể giá trị cứu độ vào mọi sinh hoạt văn hóa của mọi dân tộc, mọi thời đại, mọi nền văn minh, chứ không nhằm mục đích chính trị nào cả. Nền văn hóa được giảng dạy trong Đại Học Công giáo không theo (chứ không chống lại) duy vật và vô thần về mặt tư tưởng nhằm tạo điều kiện cho con người tiếp nhận chân lý hữu thần của Kitô giáo. Đạo Kitô muốn thâu gồm và bổ khuyết mọi giá trị chân chính của các triết lý khác.

Chẳng hạn, theo cái nhìn của một giáo sư triết học, thì chủ thuyết vô thần Mác–xít ít nhất cũng có ba yếu tố được nhìn với thiện cảm:

“1. Mọi tài sản ở trần gian đều có mục đích phục vụ cộng đoàn nhân loại, trái với chủ nghĩa duy lợi nhuận cá nhân của chủ trương tự do kinh doanh quá trớn.

2. Giá trị kinh tế cũng như tinh thần và đạo đức của người lao động, và tôn trọng lao động chân tay; Thánh Phụ Giuse, Chúa Giêsu, các Thánh tông đồ hầu hết là thành phần lao động chân tay.

3. Công bằng xã hội trong việc phân phối sản phẩm của lao động… Thậm chí cả yếu tố duy vật và vô thần cũng được xem như có phần tác dụng tích cực nào đó; giúp người tín hữu lưu tâm hơn đến khía cạnh mầu nhiệm “Thiên Chúa mang lấy xác phàm” khỏi bị lạc vào cái sai lầm duy tâm (idéalisme); tinh luyện quan niệm về Thiên Chúa, thoát khỏi sa lầy vào một sự mê tín dị đoan ngấm ngầm vô thức [trang 174] nào đó, có nguy cơ tha hóa con người, vốn được Thiên Chúa ban cho có lý trí và tự do làm chủ đời mình, xã hội và thiên nhiên.” [5]

2/. Truyền giáo và chính trị trần thế

Mục đích là thế, còn việc có bị ai lợi dụng không? Có thể thấy rằng đương nhiên; chính quyền nào cũng muốn lợi dụng tất cả để phục vụ cho mục tiêu của mình! Giáo Hội và cá nhân thừa hành có chủ ý phục vụ cho một mưu đồ chính trị đảng phái không hay có vô tình để cho người ta lợi dụng không, như thế không thể vơ đũa cả nắm. Giáo Hội không chủ trương dùng Đại Học Đà Lạt để phục vụ chính trị cho chế độ nào cả!

Theo nhận định của GS Nguyễn Khắc Dương, từng phục vụ tại Viện Đại Học Đà Lạt chín năm (1966-1975):

“Còn phần cá nhân các linh mục, các thành viên trong giáo ban thì đó là chuyện riêng tư cá nhân họ, tôi không biết thâm tâm họ ra sao, nhưng tôi không thấy ai đã làm công việc cụ thể nào phục vụ cho mục tiêu chính trị nào cả! Mà tôi, riêng bản thân tôi, tôi xác định rằng tôi không phục vụ cho mục tiêu chính trị nào cả, mà tôi cũng đã cố gắng hết sức nếu có thể, không để cho ai lợi dụng mình phục vụ cho một mục tiêu chính trị nào cả, còn hỏi tôi rằng có đủ khôn ngoan già dặn để đối phó, thoát khỏi mưu mô của những tay cáo già chính trị hay không? Thì tôi xin hỏi lại, có ai dám quả quyết mình tài giỏi như vậy, để tôi xin cắp sách đến học.

Tôi chỉ có thể nói rằng tôi không thấy có việc cụ thể nào (nhằm mục đích ấy) tôi làm để phục vụ cho một mục tiêu chính trị. Có chăng là một vài việc trong đó tôi bị phê bình là: “Có lợi cho Cộng sản”, ví dụ quá tích cực trong việc xin miễn dịch, hoãn dịch cho sinh viên hoặc để cho các sinh viên tá túc qua đêm trong phòng tôi (dù họ đến gõ cửa lúc đêm khuya) không cần biết họ có phải là Việt Cộng nằm vùng hay không, mà chỉ biết họ là người quen lỡ đường, thì theo lời Chúa dạy mình phải đón tiếp họ như chính Chúa vậy, người sinh viên ấy có thể là Đại Việt, Cần Lao, là Việt cộng, là thành phần thứ 3 thứ 4 gì đó, tôi không thể biết được và tôi cũng không muốn biết, tôi chỉ biết họ là con người gặp khó khăn chờ tôi giúp đỡ, thế thôi!

Tôi không kể công với ai, mà tôi nghĩ tôi cũng chẳng có tội với ai về mặt chính trị vì tôi là một con người vốn phi chính trị từ trong bản chất và dù chỉ là một giáo dân thường, [trang 175] tôi phát nguyện trọn đời phục vụ Thiên Chúa, và với cương vị giáo sư một Trường Đại học Công giáo, tôi là cán bộ văn hóa làm việc dưới sự quản lý của Hội Thánh Công giáo Việt Nam, để chống trả ba kẻ thù của Chúa Giêsu - Đó là: dốt nát, đau khổ và tội lỗi.

Trước hết là nơi chính bản thân tôi, sau nữa là nơi những anh chị em mà Chúa để cho tôi gặp gỡ trên mỗi nẻo đường không phân biệt ai, không hỏi căn cước lý lịch ai, vì ai cũng là thân phận làm người trong một cõi thế gian mà sự dữ đã len vào để quấy phá chương trình của Thiên Chúa dưới mọi hình thức, ở khắp mọi nơi; ngay cả trong lòng Hội Thánh và trong lòng tôi nữa. Và vì thế tất cả đều cần được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, khi ý Chúa nhiệm mầu đưa Viện Đại Học đến chỗ ngưng sinh hoạt, tôi vui vẻ nhẹ nhàng theo ý Chúa đi đến những nơi khác, làm những việc khác (ví dụ, gánh phân bón ruộng) với tất cả lòng tin cậy mến bình an vui vẻ, cố gắng thương yêu mọi người trong tình yêu Chúa. Cố nhiên đó là cố gắng tối đa, còn đạt được bao nhiêu là việc Chúa thẩm phán, tôi không tự đánh giá mình và cũng chẳng quan tâm đến lời thiên hạ (dù là ai) thị phi khen chê cả! Chỉ sợ mình vô ý làm buồn lòng anh chị em mà thôi.” [6]

“Phải chăng, đáng lẽ tôi phải biết như thế để bỏ cái ham mê ấy mà cố gắng tạo một sự nghiệp văn hoá thế tục trần gian. Tôi chỉ hỏi thế thôi, chứ với sự giải thể Viện Đại Học Công giáo Đà Lạt năm 75 thì cũng chưa rõ ý Chúa mầu nhiệm muốn gì, bởi vì như tôi đã ghi ở trên, kể từ năm 73, tôi đã tìm cách bắt tay vào, tuy có hơi muộn nhưng cũng là chưa muộn màng lắm! Dầu sao, đến năm 75, thì lịch sử đã sang trang! Viện Đại Học Đà Lạt nay là một trường đại học của một nền giáo dục xây dựng trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê, Giáo Hoàng Học Viện nay là cư xá của công nhân viên chức thuộc Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân!” [7]

Tưởng cần giải thích chiều hướng ý nghĩa mà tập thể Viện Đại Học Đà Lạt đã nhận thức và chọn lựa. Có thể ý nghĩa trở nên rõ rệt hơn từ thời LM Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập cùng với nhiều người đã ghi khắc chữ Thụ Nhân cho huy hiệu Viện Đại Học Đà Lạt, với cây thông xanh cây đứng hiên ngang giữa vùng trời cao nguyên. Lý tưởng Thụ Nhân này bắt nguồn từ danh ngôn cổ truyền của văn hóa Á Đông:

“Nhất Niên Chi Kế, Mạc Nhi Thụ Cốc, Thập Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Mộc, Bách Niên Chi Kế Mạc Nhi Thụ Nhân” (Kế Hoạch Một Năm, Không Gì Bằng Trồng Lúa, Kế Hoạch Mười Năm, Không Gì Bằng Trồng Cây, Kế Hoạch Trăm Năm, Không Gì Bằng Trồng Người).

Từ đó Thụ Nhân trở thành phương châm biểu tượng và thực hành cho lý tưởng giáo dục “trồng người” của Viện Đại Học Đà Lạt cho đến nay.

(Còn tiếp...)

Chú thích:
[1] Không thấy Linh mục Nguyễn Văn Lập nói về chức vụ này. kể cả trong những tâm sự sau c ùng của ngài với Nhóm cựu sinh viên Vũ Sinh Hiên. Cơ cấu ban đầu chắc chưa hoàn chỉnh như sau này, nên chính Viện Trưởng là Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt, Giám Mục Ngô Đình Thục, Niên Trưởng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
[2] GM Ngô Đình Thục, Chưởng Ấn Viện Đại Học Đà Lạt: Huấn dụ nhân lễ tốt nghiệp Khóa I Sinh Viên Phân Khoa Sư Phạm ngày 29/3/1961. Dalat University. Saigon, Printed by Dong Nam A, 1961, 44 pages in 27x32cm. p.2-3
[3] Dalat University, đd., t. 3
[4] Report, by the Chancellor of the Dalat University on the activities of Dalat University, to the Department of National Education (Thư trả lời của Bộ Trưởng Giáo Dục số 2779-GD/CVP ngày 15/7/1961 xác nhận đã nhận được bản tường trình từ GM Chưởng Ấn). Dalat University, đd., 1961, tt.21-34
[5] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Quia Respexit Humilatem Meam. Hồi Ký. Đà Lạt, Một Nhóm cựu sinh viên Đà Lạt ấn hành (lưu hành nội bộ), 248t, 14x25cm, vi tinh font 12, tt. 173-174.
(Tác giả sinh 24/9/1925 tại Vinh, nguyên quán Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh, học Thiên Hựu, Khải Định Huế (1938-1945). Đậu Tú Tài II năm 1946, dậy học ở Trường Đậu Quang Lĩnh (Nghĩa Yên), rồi Hương Sơn. Gia nhập Công giáo, rửa tội ngày 8/9/1949, tại Nghĩa Yên sau một tuần cấm phòng trong Tu Viện Phanxicô Vinh. Dự tu Dòng Phanxicô Vinh, dậy Việt Văn cho chủng sinh lớp 6,7,8 (1949-50). Khấn dòng 1950. Học thần học tại Viện Triết Thần Phanxicô Nha Trang trăn trở về ơn gọi Cát Minh, nhưng ờ Viét Nam chưa có Cát Minh Nam. Tháng 4/1954, bị động viên theo lệnh động viên của Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm. Sau 6 tháng huấn luyện ở quân trường sĩ quan Thủ Đức, lên quân đoàn II (1954-56).
Được tu viên Phanxicô cho tu học tại Paris (1956-57). Ra khỏi Dòng Phanxicô, học tại Sorbonne 1957-1960. Tốt nghiệp Cử Nhân Triết Học. Thử tu tại Dòng Biển Đức ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ (1961-63). Dậy học ở nhiều trường trung học Công giáo vùng Paris (1963-65). Về Sàigòn, VN (1965). Lên dậy triết học tại Trường Văn Khoa Viện Đại Học Đà Lạt (1966-1975). Nói về GS NKD, Sư Huynh Théophane có nhận xét: “Thầy NKD cũng là người tôi quen lâu năm trong Viện. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ con người của nhà giáo Triết lý cùng mình ấy. Hình như luôn luôn sống trên mây mù thì phải. Ngày ngày ra đứng trên hè chợ Hoà Bình trông đợi ai chẳng biết, xin nhớ là ông Dương triết ấy chắng vợ cũng chẳng con cái chi cả. Có cậu sinh viên hụt tiền cơm ra gặp Bố Dương và cùng nhau đi ăn phở cho ấm bụng.” (Tạ Duy Phong phỏng vấn SH Th. Kế ngày 10-14/10/1994 tại St Mary’s College California, PO Box 5150, Moraga, CA 94575: Sự Việc Đã Qua, Những gì đã qua. Đặc San Frère Kế, California 12/2003, t.148-155)
Vào trại cải tạo tại Phan Thiết (1975-76). Từ năm l975-l986, ông đổi nơi cư trú trên 10 lần, mà đến nay cũng không nhà, không cửa, không tài sản, không vị trí gì, cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình và ngoài xã hội (Thế Tâm, Quia… đã dẫn, t.141). Cư trú tại Đà lạt, về Hà Nội, tạm trú tại GX Bình Triệu Fatima Thủ Đức với LM Nguyễn Văn Lập. Khi LM Nguyễn Văn Lập qua đời, trờ về sống chung với gia đình Nguyễn Khắc Phê ở Huế.)
[6] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương: Sđd, tt.174-175.
[7] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, Sđd., t.184.