Đại hội Hành Hương La Vang 28
(từ ngày 13 tới 15/8/2008)
Tài liệu học tập:
MẸ MARIA, NHÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN
“Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo”(Ga 2,5)
DẪN NHẬP:
Đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vạch ra cho năm 2008 là giáo dục. Vấn đề giáo dục là vấn đề rất quan trọng cho đời sống của một con người cũng như của xã hội và dân tộc. Trong các lãnh vực giáo dục khác nhau, thì giáo dục đức tin là việc quan trọng nhất. Đáp lại lời mời gọi của Công Đồng Vaticano II mong ước mọi người kitô hữu “ngước mắt nhìn lên Đức Maria là mẫu gương nhân đức sáng ngời cho đoàn thể cộng đoàn những người được chọn” (L.G.L 65)…Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc lần thứ 28 (13 –15/ 8/ 2008) cũng muốn qui tụ con cái Mẹ khắp nơi về Linh Địa La Vang để chiêm ngưỡng và học nơi Mẹ cách sống của người Con Chúa, của người môn đệ Đức Kitô là vị Thầy duy nhất trong lãnh vực đức tin, như có lần chính Ngài đã khuyên bảo các môn đệ của Ngài: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là Thầy, Vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).
Trong các lãnh vực khác của đời thường, cũng có những vị thầy đứng trên bục giảng ở các trường học, chỉ dạy cho môn sinh của mình những kiến thức bổ ích cho cuộc sống. Bên cạnh các vị này, cũng thường thấy những vị Thầy âm thầm hơn, gần gũi hơn với người mình dạy dỗ. Đó là những bà mẹ dạy con bước những bước tập tểnh đầu tiên trong đời. Các bà cận kề với con cái, kiên nhẫn chỉ bảo con cái cách ăn nết ở, dạy con biết ứng xử cho phải đạo với kẻ trên người dưới, biết phân biệt điều tốt điều xấu, biết sống ngay chính thật thà, yêu thương người nghèo khó, nói tóm lại là các đức tính nhân bản cần thiết cho cuộc sống làm người.
Đức Maria cũng là một người mẹ. Vai trò chủ yếu của Đức Maria là làm mẹ. Thiên Chúa yêu cầu Người làm Mẹ Chúa Kitô và làm Mẹ Hội Thánh. Và Mẹ đã “xin vâng” để cho thánh ý Chúa được hiện thực. Và nếu Đức Maria đã đảm nhận chức vụ làm Mẹ thì thiên chức ấy cũng bao hàm nhiệm vụ làm thầy. Trong ý nghĩa ấy, Đức Maria là Thầy dạy, là Mẹ dạy con, là Đấng chỉ bảo đàng lành. “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Đức Maria không đứng trên bục giảng để dạy. Mẹ dạy bằng chính đời sống rất mực thánh thiện của Mẹ. Lời dạy của các bà mẹ thường đem lại hiệu quả cao, vì lời dạy của các bà mẹ luôn gắn liền với đời sống đạo đức và đặc biệt phát xuất từ trái tim yêu thương từ mẫu của họ.
Như thế, chủ đề Đức Maria, Nhà giáo dục đức tin mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mẹ trong kỳ Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc lần thứ 28 này. Chủ đề này đặt Đức Maria trong tương quan với Hội Thánh, tiếp theo sau chủ đề Đức Maria, Người Nữ Thánh Thể, đặt Đức Maria trong tương quan với Chúa Kitô. Tương quan giữa Đức Maria với Hội Thánh là tương quan “Mẹ - Con”. Tương quan điển hình kiểu mẫu. Mỗi người con Mẹ điều có thể học nơi trường của Mẹ những nhân đức sáng ngời đã chi phối đời sống trần gian của Mẹ. Nhờ Mẹ đồng hành chỉ giáo, chúng ta hy vọng sẽ hoàn tất tốt đẹp cuộc lữ hành đức tin của chúng ta và đạt tới Quê Trời mong ước.
Chúng ta sẽ lần lược học nơi Mẹ những bài dạy phát xuất từ kinh nghiệm sống của Mẹ.
1. Đức Maria Thầy dạy đức tin, đức cậy và đức mến.
2. Đức Maria, Thầy dạy lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
3. Đức Maria, Thầy dạy quảng đại cọng tác vào công trình cứu rỗi của Đức Kitô.
BÀI 1: ĐỨC MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC MẾN
Đức tin, đức cậy và đức mến là 3 nhân đức đối thần nghĩa là quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa, làm cho người tín hữu có khả năng tiếp cận với Thiên Chúa, hành động như con cái Thiên Chúa và thông phần bản tính Thiên Chúa (xem Giáo Lý HTCG số 1812-1813). Không ai sống mật thiết gắn bó với Thiên Chúa cho bằng Đức Mẹ. Công Đồng Vatican II đã không ngần ngại dùng những tước hiệu: “Ái nữ của Chúa Cha, Mẹ Con Thiên Chúa và Cung Thánh của Chúa Thánh Thần” (L.G. số 53). để diễn tả mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa Ba Ngôi với Đức Mẹ. Chính đức tin, đức cậy và đức mến đã giúp Mẹ gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi.
1. Đức Maria, Thầy dạy đức tin.
Sách Giáo Lý HTCG định nghĩa đức tin như sau: “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải cho chúng ta cũng như những gì Hội Thánh dạy phải tin, vì Thiên Chúa là Chân Lý” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1814). Một khía cạnh khác của đức tin cũng cần được lưu ý: đó là việc gắn bó với Thiên Chúa một cách tự do (xem D.V 5).
Trong biến cố Truyền Tin và trong suốt cả cuộc sống trần thế, Đức Maria đã thể hiện một cách hoàn hảo cả 2 nội dung ấy của đức tin. Vì tin vào Chúa mà Đức Maria đã cúi đầu ưng thuận lời đề nghị bất ngờ và choáng váng của Thiên Chúa. Mẹ vui lòng chấp nhận ý định của Thiên Chúa, một ý định táo bạo làm đảo lộn các dự tính riêng tư của Mẹ. Người thôn nữ làng Nazarét không còn yên phận trong thế giới bé nhỏ của mình, nhưng phải trao thân gởi phận cho Đấng Toàn Năng muốn thực hiện công trình vĩ đại của Ngài là cứu rỗi mọi người. Cũng như ngày xưa, Abraham đã phải từ bỏ quê hương xứ sở mà ra đi đến một nơi mà ông không biết, thì ở khởi điểm của một dân mới, Mẹ Maria cũng phải từ bỏ cuộc sống riêng tư để lao mình vào trong cuộc hành trình đầy phiêu lưu bất ngờ của Thiên Chúa. “Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời Thần Sứ nói”( Lc 1,38).
Lời phát biểu đầy khiêm tốn và vâng phục này diễn tả tâm hồn của Mẹ, một tâm hồn luôn tin vào Chúa là Đấng Chân Thật Vô Song, đồng thời cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Mẹ. Từ nay, Mẹ luôn gắn bó với Đấng mà Mẹ sẽ sinh ra cho thế gian. Mẹ liên kết số phận của mình với số phận của Con Mẹ, lời tiên tri Simêon đã chứng thực điều ấy: Con Mẹ sẽ trở nên dấu hiệu bị chống đối, còn Mẹ, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn ( xem Lc 2,35). Chiêm ngắm Mẹ liên kết làm một với Chúa Giêsu, Công Đồng Vatican II cũng dạy: “Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài và nhờ ân sủng của Thiên Chúa Toàn Năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc, dưới quyền và cùng với Con Ngài” (L.G. số 56). Qua đó, chúng ta hiểu được Công Đồng Vatican II muốn trình bày Đức Maria như là mẫu gương của lòng vâng phục và quảng đại cọng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu rỗi. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu đều có sự cọng tác tích cực của Mẹ. Vì tin, Mẹ đã ra đi khỏi thế giới của mình để lao mình vào thế giới của Thiên Chúa. Nhờ tin mà Mẹ đã được Chúa Thánh Thần chúc phúc qua miệng bà Êlisabeth: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì đã nói với em”(Lc 1,45).
Bằng chính đời sống dấn thân phục vụ Chúa Giêsu và công trình cứu rỗi của Ngài, Mẹ Maria đã tỏ ra là Thầy dạy Đức tin ưu tú nhất. Mẹ dạy chúng ta tin vào Chúa: là tín thác vào Chúa đi theo đường lối Chúa và cọng tác với Chúa để đem lại ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người.
2. Đức Maria, Thầy dạy đức cậy.
“Đức cậy là nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mình” ( Giáo Lý HTCG số 1817).
Nhờ tin vào lời hứa của Đức Kitô mà các Thánh tử đạo Việt Nam đã kiên tâm chịu gian nan thử thách, nhờ tin vào Thiên Chúa, Đấng có quyền năng cho kẻ chết sống lại, mà Abraham đã hiến tế Isaac dù đã nhận được Lời Hứa, ông vẫn hiến tế người Con một ( Dt 11,17). Ơû ngọn nguồn của Dân tuyển chọn, Abraham đã chiếu sáng niềm hy vọng, Thánh Phaolô đã ca tụng lòng trông cậy của ông bằng những lời lẽ rất sâu sắc: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18).
Có một tương quan mật thiết giữa đức tin và đức cậy: Có tin mới hy vọng - trông đợi. Trong thông điệp mới của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI: “Chúng ta được cứu rỗi nhờ hy vọng”. Ngài viết: “Hy vọng là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh, đến mức trong nhiều đoạn, những từ “đức tin và hy vọng” dường như có thể hoán chuyển cho nhau” (Spe Salri số 2).
Đức tin của Abraham đã dẫn đưa tổ phụ đến một lòng trông cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa thế nào, thì đức tin của Mẹ Maria cũng dẫn đưa Mẹ đến một niềm cậy trông như thế. Cũng như Abraham, Mẹ đã bước đi trong đêm tối mịt mù của đức tin, đã đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu, đã cùng với Ngài tiến lên đồi Canvê để hiến tế cùng với Con trong niềm hy vọng vững vàng là ơn cứu độ sẽ tràn trào xuống cõi nhân sinh.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã nói về đức cậy của Mẹ Maria như sau: “Đức Maria đã trở thành mẫu gương đức cậy cho Hội Thánh. Khi nghe sứ điệp của thiên sứ, Đức Maria là người đầu tiên đã hướng niềm hy vọng về Vương Triều bất tận mà Đức Giêsu đã đến để khai mào. Đức Maria đã kiên trì đứng gần Thập Giá của Con mình, trong niềm trông mong Lời của Chúa được thực hiện – sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Thân Mẫu Đức Giêsu nâng đỡ niềm hy vọng của Hội Thánh, đang bị đe doạ bởi những cuộc bách hại. Vì vậy đối với cộng đoàn các tín hữu và đối với từng tín hữu, Đức Maria là Mẹ của niềm cậy trông, khuyến khích và hướng dẫn con cái mình trong niềm mong chờ Nước Chúa, nâng đỡ họ trong những cuộc thử thách hằng ngày ở giữa những tình huống lắm khi bi đát của lịch sử” (những bài huấn giáo về Đức Maria trang 232).
Bây giờ, trong vinh quang thiên quốc “Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành” (L.G số 68).
Theo gương Mẹ, chúng ta ngóng trông về ơn cứu độ của chúng ta trong Đức Kitô, sẽ được mặc khải cho chúng ta trong ngày sau hết.
3. Đức Maria, Thầy dạy đức mến.
Sách Giáo Lý HTCG dạy: “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình” (số 1822)
Nếu tội nguyên tổ làm cho con người dễ dàng hướng chiều về sự dữ, thì đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Chúa trang điểm cho người nữ được tiền định làm Mẹ của Con Một Chúa nhất thiết phải hướng lòng Mẹ về cội nguồn của Sự Thiện. Mẹ yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì thế Mẹ đã từ bỏ mọi sự để đi theo tiếng gọi của Chúa. Mẹ đã để cho Chúa yêu thương Mẹ và dẫn đưa Mẹ bước đi trên đường yêu thương nhiệm mầu của Chúa.
Lời “xin vâng” trong biến cố Truyền Tin luôn chi phối đời sống của Mẹ cho đến khi đứng dưới chân Thập Giá của Chúa Giêsu Con Mẹ. Tiếng xin vâng nhiều khi không thốt nên lời, nhưng đã tỏa sáng con người của Mẹ, và là bằng chứng tuyệt hảo của tình mến sắt son và tuyệt đối dành cho Thiên Chúa. Thánh sử Luca trong chương 2 Phúc Âm của Ngài, đã 2 lần nói tới thái độ nội tâm của Đức Maria: “Còn bà Maria, thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Riêng Mẹ Người, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (2,51). Thái độ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại là thái độ của một tâm hồn yêu mến. Mẹ yêu mến Chúa, nên Mẹ luôn gìn giữ các kỷ niệm và lời Chúa dạy, để đối chiếu, làm cho đời sống Mẹ luôn phù hợp với ý Chúa.
Biến cố thăm viếng và tiệc cưới Cana cũng là những chứng tích hùng hồn cho tình yêu của Mẹ đối với Chúa. được Chúa yêu thương và đến ở trong lòng như ngày xưa trong khám Giao Ước, Mẹ đã không giữ Chúa cho riêng mình, mà vội vã đem chia sẽ niềm vui ơn cứu độ cho người chị họ đang mang thai, dù đường xá xa xôi cách trở. Đây là bằng chứng tình yêu cao độ, vì không có gì quý giá hơn là mang Chúa đến cho kẻ khác.
Trong tiệc cưới Cana, Mẹ không chỉ tham dự như một người khách bàng quan, Mẹ hiện diện ở đó để nhìn xem nhu cầu của nhà cưới và sẵn sàng can thiệp đúng nơi đúng chỗ, đúng thời đúng lúc. Nhờ Mẹ can thiệp mà tiệc cưới hôm ấy khỏi mất vui và nhà cưới khỏi bẻ mặt xấu hổ.
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ cũng hiện diện giữa cọng đoàn Giáo hội sơ khai để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên cọng đoàn tín hữu còn non trẻ này. Ơn Chúa Thánh Thần là hồng ân quí báu nhất của Thiên Chúa. ( Lc 11,13).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về sự hiện diện của Mẹ trong lòng Giáo hội sơ khai như sau: “Nơi Đức Maria, Hội thánh nhận ra khuôn mẫu của đức mến, khi nhìn đến cọng đoàn các tín hữu tiên khởi, chúng ta nhận thấy sự đồng tâm hiệp ý được biểu lộ trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, được gắn liền với sự hiện diện của Đức Trinh Nữ rất thánh. (Cv1,14). Chính nhờ đức Maria mà sự hoà hợp và tình yêu thương huynh đệ có thể được duy trì mãi mãi trong nội bộ Hội thánh” (Những bài huấn giáo về Đức Maria trang 232).
Kết.
Đức Maria là Thầy dạy đức tin đức cậy và đức mến trong ý nghĩa Mẹ là mẫu gương của Giáo hội trong thiên chức làm mẹ. Công đồng Vatican II đã muốn cho Giáo hội chiêm ngưỡng Đức Maria và hoạ lại nơi mình dung mạo thiêng liêng của Đức Mẹ. “Noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy vững bền và một đức mến chân thành” (L.G số 64).
Mỗi người tín hữu Kitô là con Mẹ Maria, cũng hãy siêng năng chiêm ngưỡng sự thánh thiện của Mẹ mình, được biểu lộ qua đời sống tin cậy mến để được tháp nhập vào trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Bài 2: ĐỨC MARIA, THẦY DẠY LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Lời Chúa Giêsu nói trên đây chắc hẳn đã được Mẹ của Ngài tâm nguyện đêm ngày và thể hiện trong đời sống mình. Lời này cũng nói lên điều cốt yếu trong việc sống đạo là phụng thờ Chúa trong Thần Khí và Sự Thật (Ga 4,23-24). Vì lời Chúa là Sự Thật và ai thi hành Lời Chúa, người ấy là kẻ yêu mến Chúa.
Hơn ai hết Đức Maria đã xác tín về điều cốt yếu này, nên suốt đời Mẹ chỉ có một ước mơ là ý định của Chúa được thực hiện. “Này tôi là nữ tỳ của Chúa xin Chúa cứ làm cho tôi theo lời Sứ Thần nói”. (Lc 1,31). Lời phát biểu của Mẹ trong biến cố Truyền tin là phương châm của đời Mẹ. Chúng ta hãy lần bước theo dấu chân của Mẹ còn lưu giữ trong các sách Phúc Âm.
1. Qua biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã tỏ ra là: “ Một mẫu gương tuyệt vời cho hết mọi tín hữu về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa”. (Gioan Phaolô II. Những bài huấn giáo về Đức Maria trang 234. số 2). Nhờ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa vào trong lòng mà Đức Maria đã trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Thánh Augustinô xem đây là một hành vi đức tin cao cả của Đức Trinh Nữ Maria. Đức tin được biểu lộ qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cũng chính vị Thánh tiến sĩ này đã nói: “Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong tâm hồn mình trước khi cưu mang Người trong lòng dạ”. Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông Huấn Marialis Cultus đã trích dẫn biến cố này để tặng cho Đức Maria, danh hiệu: Người Trinh Nữ lắng nghe ( virgo audiens số 17). Ngài nói tiếp: “Đây cũng là điều Hội Thánh phải thực hiện, nhất là trong phụng vụ: với đức tin, Hội Thánh lắng nghe Lời Chúa, đón nhận, công bố, tôn kính và ban phát cho các tín hữu như lương thực của sự sống và dưới ánh sáng Lời Chúa. Hội Thánh đào sâu các dấu chỉ thời đại, giải thích và sông các biến cố của lịch sử” ( Marialis Cultus số 17).
Người biết lắng nghe là người cầu tiến, muốn nên hoàn thiện. Muốn nên hoàn thiện thì phải để cho Lời Chúa tác động và giải thoát chúng ta khơi nô lệ tội lỗi. Lời Chúa là sự thật và chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta (Ga 8,31-32). Trong đời sống thiêng liêng, người Kitô hữu cũng phải lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành để thăng tiến đời sống và trở thành môn đệ Chúa. Ngày xưa, trước khi vào Đất Hứa, ông Môsê cũng đã huấn dụ con cái Israel như sau: “ Tôi đã dạy cho anh em những thánh chỉ và quyết định như Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi, đã truyền cho tôi, để anh em đem ra thực hành trong miền đất mà anh em sắp vào chiếm hữu. Anh em phải giữ và đem ra thực hành vi nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh” (Đnl 4.5-6)
Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là hai hành động đức tin liên kết với nhau, không thể tách rời. Thư Thánh Giacôbê đã khai triển vấn đề này với những trích dẫn từ đời sống Abraham và cô gái điếm Rakháp rồi kết luận: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).
Mẹ Maria thật là mẫu gương cao cả cho Hội Thánh về điều cốt yếu này: Mẹ đón nhận Lời Chúa và Mẹ cầu xin cho Thánh ý Chúa được hiện thực. “xin hãy thành sự cho tôi theo lời thiên sứ nói” (Lc 1,38). Lời xin vâng này đã trở thành hành động cụ thể mà đỉnh cao là sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Đấng mà lúc Truyền tin đã bày tỏ sự ưng thuận hoàn toàn đối với chương trình của Thiên Chúa, trở thành một mẫu gương tuyệt vời cho hết mọi tín hữu về việc lắng nghe và tuân giữ Lời của Chúa. Khi đáp lại thiên sứ: xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài nói.” ( Lc1,38) và bày tỏ sự mau mắn chu toàn ý Chúa một cách toàn hảo, Đức Maria đã đi vào chân phúc mà Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc hơn cho kẻ lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành” (Lc 11,28).
2. Ở tiệc cưới Cana, lời Mẹ nói với những người giúp việc: “Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5) là một bằng chứng thuyết phục nhất bày tỏ thái độ lắng nghe và thi hành lời Chúa của Mẹ. Mẹ đã có thói quen như thế và trước một nhu cầu bức thiết của nhà cưới, Mẹ cũng chỉ biết chỉ bảo điều mà mẹ đã quen làm: Là cứ lắng nghe theo và làm theo lời Chúa dạy.
Trong bầu khí cầu nguyện của những ngày Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc lần thứ 28 này, khi ngước nhìn lên Mẹ là Đấng phù trợ các giáo hữu, là Đấng chỉ bảo đàng lành, chúng ta cũng được Mẹ nhắn nhủ như thế: Chúa bảo gì, các con cư việc làm theo. Làm theo lời Chúa dạy có thể sẽ dẫn đưa chúng ta đến những thiệït thòi mất mát, làm theo lời Chúa dạy cũng sẽ biến chúng ta thành mục tiêu chống đối của thế gian, nhưng chắc chắn sẽ mang lại sự sống sung mãn của Chúa Kitô Phục Sinh vinh hiển. Mẹ cũng đã đi qua con đường Thập giá với con Mẹ và nay Mẹ thông phần vinh quang của Con Mẹ trong Nước Trời.
Tiệc cưới Cana là dấu lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện vào đầu đời sống công khai rao giảng Tin Mừng của Ngài, nhờ sự can thiệp của Đức Maria. Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Mẹ Maria sẽ còn xuất hiện lần thứ 2 trên đồi Canvê, khi Mẹ đứng dưới chân Thập giá. Đây cũng là giây phút cuối đời của Chúa Giêsu, giây phút chấm dứt cuộc đời công khai của Ngài. Như thế cuộc đời công khai của Chúa Giêsu được Thánh Gioan mô tả như được đóng khung bởi sự hiện diện của Mẹ. Điều này không có nghĩa là trong suốt 3 năm hoạt động công khai, Chúa Giêsu không có liên lạc gì với Đức Mẹ. Các Phúc Âm khác điều nói tới những lần Đức Mẹ gặp Chúa và Mẹ luôn theo dõi các lời Chúa dạy, các việc Chúa làm, những lúc Chúa bị chống đối, bị oán ghét và bị mưu hại.
Có một biến cố mà cả 3 Phúc Âm Nhất Lãm điều tường thuật: đó là khi Chúa Giêsu đang rao giảng cho dân chúng, thì Mẹ Ngài và anh em Ngài đến gặp Ngài, và dân chúng quá đông, Đức Mẹ và anh em Chúa chỉ đứng ngoài xa và nhắn gọi Chúa. Bấy giờ, Chúa Giêsu đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” ( Lc 8, 19-21; Mc 3, 33-35; Mt 12, 46-50).
Thoạt đầu mới nghe, ai cũng tưởng rằng Chúa Giêsu muốn phủ nhận các mối dây liên hệ huyết nhục giữa Ngài với Mẹ và anh em Ngài vì nghĩ rằng để phục vụ cho Nước Thiên Chúa, thì cần phải cách ly khỏi gia đình như có lần Ngài đã yêu cầu các môn đệ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”( Lc 14,26). Nhưng suy nghĩ cho sâu hơn và đối chiếu lời của Chúa và đời sống của Đức Maria, thì chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là những lời gián tiếp đề cao giá trị đạo đức của Đức Maria, vì hơn ai hết Mẹ là người đã đón nhận Lời Chúa vào lòng và đã trung thành thực hiện Lời Chúa dạy. Công Đồng Vatican II đã xác nhận như sau: “ Trong thời gian Chúa truyền đạo Đức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa”( Lc 11,27-28 ). như chính Ngài hằng thực hành những lời đó cách trung tín ( Lc 2,49,.51), (L.G. 58).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng có những lời giải thích tương tự: “Tuy coi nhẹ những mối tương quan gia đình, nhưng kỳ thực Đức Kitô đã tỏ lòng ca ngợi Đức Mẹ, khẳng định một mối dây liên hệ cao sâu hơn với Người. Thực vậy, Đức Maria, trong tư cách lắng nghe con của mình, đã đón nhận tất cả những Lời của Chúa và trung thành đem ra thực hành” (Giáo Lý HTCG trang 179).
4. Thái độ lắng nghe và thực hành Lời Chúa đã dẫn đưa Mẹ đứng kề Thập giá của Chúa Giêsu. Một tâm hồn luôn ghi nhớ Lời Chúa trong lòng và không ngừng suy niệm (Lc 2,19-51), không thể nào mà không nhớ lại những lời của cụ già Simêon trong đền thánh ba chục năm về trước. “Con trẻ này sẽ là mục tiêu chống đối, còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35). Mẹ luôn ghi nhớ lời tiên tri này và Mẹ chờ đợi giây phút trọng đại ấy sắp xảy ra, khi người Do Thái chống đối Chúa một cách quyết liệt, khi họ bàn mưu tính kế để hãm hại Ngài. Mẹ âm thầm liên kết những đau khổ của Mẹ với những đau khổ của con Mẹ. Lời Chúa qua miệng tiên tri Simêon làm cho Mẹ ray rứt không nguôi nhưng Mẹ vẫn chấp nhận một cách trung thành để cho Lời ấy được hiện thực. Mẹ đã hiến dâng Con vào Đền Thánh cho Chúa Cha là chấp nhận cùng hiến tế với Con trên bàn thờ Thập giá, cho ý định nhiệm mầu yêu thương của Chúa Cha được thể hiện, cho ơn cứu độ tuôn trào xuống cõi nhân sinh.
Kết:
Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là thái độ tâm hồn đặc thù của ïMẹ, là sợi chỉ đỏ xuyên qua cuộc sống của Mẹ, chi phối toàn bộ tâm tư, tình cảm, ươc mong của Mẹ. Đây là thái độ đã làm cho Mẹ nên cao trọng, xứng đáng lãnh nhận lời chúc phúc của chính Chúa Giêsu Con Mẹ: “Những ai nghe và giữ Lời Chúa thì thật có phúc hơn” (xem. Lc 11,28).
Bài 3: ĐỨC MARIA, THẦY DẠY QUẢNG ĐẠI CỌNG TÁC VÀO CÔNG TRÌNH CỨU RỖI CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ.
Nếu thái độ nội tâm chủ yếu của đức Maria là luôn lắng nghe để tìm kiếm thánh ý Chúa rồi đem ra thực hành, thì việc Đức Maria đồng lao cọng khổ cùng với Con Mình và cùng hiến tế với Con trên bàn thờ Thập giá là một điều tất yếu. Thật vậy, khi ưng thuận làm Mẹ Đấng Cứu Thế trong biến cố Truyền tin, thì chắc hẳn Mẹ cũng thoáng thấy đước phần nào những gì đang chờ đợi Mẹ trong tương lai. Có một dây liên hệ mật thiết giữa chức làm mẹ của Đức Kitô với chức làm mẹ của Hội Thánh như Đầu với các chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô Mẹ của Đầu thì tất yếu phải là Mẹ các chi thể khác trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Sứ mạng này được dần dần mạc khải cho Mẹ, nhất là khi Mẹ hiến dâng Con trong Đền Thánh và được nghe lời tiên tri Simêon nối kết hai số phận nên một (Lc. 2,34-35). Công Đồng Vatican II đã diễn tả điều ấy như sau: “Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sũng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài.”
Chúng ta sẽ theo dõi tiến trình mạc khải của Thiên Chúa qua các biến cố đời Mẹ và thái độ sẵn sàng cọng tác của Mẹ vào chương trình cứu rỗi của Ngài.
1. Sứ thần nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một Con Trai và đặt tên là Giêsu”(Lc. 1,30-31). Thiên thần dùng tên này để chỉ sứ mạng cứu thế của người Con mà Mẹ sẽ sinh ra cho thế gian. Giêsu có nghĩa là Chúa Cứu. Khi chấp thuận cho việc Chúa cứu thế nhập thể trong lòng mình. Đức Maria hẳn cũng đã chấp thuận sứ mạng cứu thế của Ngài. Có thể Mẹ không biết Chúa sẽ cứu bằng cách nào, nhưng dù bằng cách nào thì Mẹ cũng quảng đại cọng tác cho chương trình của Chúa được hiện thực. Những gì sẽ xảy đến cho Người Con, thì cũng liên can đến Người Mẹ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi suy niệm về sự cọng tác của Mẹ trong mầu nhiệm Nhập Thể đã nói: “Khi hoàn toàn chấp nhận lời của sứ thần Gabrel báo tin rằng mình sẽ trở thành Mẹ của Đấng Messia, Đức Maria đã khởi sự tham gia vào bi kịch cứu chuộc”( Những bài huấn giáo về Đức Maria trang 181). Công Đồng Vatican II cũng khẳng định: “Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Giêsu Kitô chết” ( L.G số 67). Đấng cứu chuộc nhân loại ” (Những bài huấn giáo về Đức Maria trang 185). Tuy mọi người điều được Thiên Chúa mời gọi cọng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài nhưng sự cọng tác của Đức Maria là một sự kiện duy nhất và vô tiền khoáng hậu.
2. Với biến cố Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, được nghe lời cụ già tiên tri Simêon mách bảo, thì đường lối cứu chuộc của Chúa Giêsu mà Mẹ được mời gọi cọng tác vào, được hé mở ra sáng tỏ hơn. Mẹ hiểu được rằng Con Mẹ sẽ phải chịu đau khổ, và Mẹ cũng phải chia sẽ đau khổ cùng Con. Và Mẹ đã sống trong viễn cảnh đau thương ấy từng ngày cho đến khi nó trở thành hiện thực. Sự hiểu biết và chờ mong ấy càng gia tăng thêm đau khổ cho lòng Mẹ. Mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa Người Con mà Mẹ đã lãnh nhận từ Chúa, để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc, Mẹ cũng hiến dâng chính mình cho sứ mạng ấy nữa.
Một ngày kia sẽ tới lúc mà Mẹ đứng dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu Con Mẹ, thì bức màn bí mật mà cụ Simêon đã vén lên một phần sẽ được mở ra trọn vẹn. Mẹ đứng đó để cho hy lễ của Con mình và của chính mình mà ngày xưa Mẹ đã hiến dâng trong Đền Thánh như là hình bóng, nay trở thành thực tại. Mẹ đã cọng tác với Con cho đến cùng, để cây Thánh giá nở hoa cứu độ cho muôn người.
Đời sống người kitô hữu cũng được Chúa mời gọi thông phần vào công trình cứu rỗi của Chúa. Chúng ta hãy noi gương Me, luôn kiên trì trong gian nan thử thách, nhất là biết chấp nhận mọi sự thiệt thòi mất mát khi phải lội ngược dòng đời để trung thành với đức tin, với lời Chúa dạy chúng ta cũng hãy đồng lao cộng khổ với Chúa, với Giáo Hội, tin vững chắc rằng Thánh giá cuối cùng cũng sẽ nở hoa cứu độ cho mình, cho gia đình, cho Giáo Hội, cho thế gian. Mẹ La Vang cũng đã ân cần khuyên nhủ cha ông chúng ta ngày xưa: “Các con hãy tin tưởng và vui lòng chịu mọi đau khổ…”. Mẹ là Đức bà phù hộ các giáo hữu, và bây giờ trong vinh quang thiên quốc, Mẹ có đủ mọi quyền thế để phù hộ con cái Mẹ, đặc biệt là những đứa con đang quằn quại trong đau thương. Hãy chạy đến cùng Mẹ và xin Mẹ ban ơn thêm sức để thông phần vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu, Con Mẹ.
3. Ý muốn của Chúa cho Đức Mẹ cọng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài được sáng tỏ hơn nữa qua tiệc cưới Cana, trong đó Thánh Gioan đã trình bày việc can thiệp đầu tiên của Đức Mẹ trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và làm nổi bật sự hợp tác của Mẹ vào sứ mạng của Con Mẹ.
Tiệc cưới Cana nữa chừng hết rượu. Hoàn cảnh bối rối này không thể che dấu đôi mắt tinh tế của Mẹ. Mẹ ngỏ lời với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!”. Một sự can thiệp rất tế nhị, chỉ trình bày cho Chúa Giêsu biết hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn, Mẹ không áp đặt cho Chúa Giêsu phải làm gì, chỉ tin tưởng Chúa sẽ can thiệp để giúp đở cho đôi tân hôn cách nào tùy ý Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu đáp trả bằng một câu hỏi gây chưng hửng: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà với Tôi? Giờ Tôi chưa đến!” (Ga 2,4). Một câu hỏi không ngờ được và xem ra như một sự từ chối. Cũng như một lần khác, khi Mẹ và anh em Chúa đến xin gặp Chúa đang lúc Chúa giảng dạy dân chúng, thì Chúa đưa ra câu hỏi gây sửng sốt: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? (Mc 8,33). Những câu hỏi như thế vừa biểu lộ ước muốn của Chúa Giêsu vượt lên trên những liên hệ huyết nhục gia đình, vừa mạc khải một thực tế cao trọng trong chương trình cứu rỗi của Ngài. Nói cách khác, những câu hỏi của Chúa Giêsu vừa diễn tả một sự xa cách, vừa biểu thị một sự nâng cao mối quan hệ giữa Ngài với Mẹ Ngài. “Chuyện đó can gì đến Bà với tôi. Chúa Giêsu gọi Mẹ Ngài là “Bà”, một danh xưng không quen dùng giữa Con và Mẹ. Rồi thêm vào một câu nữa: “Giờ tôi chưa đến”. Trên Thánh giá Chúa Giêsu cũng gọi Đức Mẹ là Bà: “Thưa Bà đây là con Bà” (Ga 19,26). Từ “Bà”ấy nối kết hai biến cố này lại với nhau và chúng ta có thể hiểu được ý muốn của Chúa Giêsu như sau: Bây giờ, chưa phải là giờ của Con, cho nên không liên can gì đến Mẹ, khi nào giờ Con đến, thì bấy giờ, Mẹ mới có phần. Chúng ta cũng nên biết rằng: “giờ” của Chúa trong Phúc âm Thánh Gioan là giờ tử nạn và cũng là giờ tôn vinh. Đây là giờ mà Mẹ đứng dưới chân Thập giá, chứng kiến những nổi đau thương của Con mà lòng dạ tan nát. Lưỡi gươm đã thâu qua lòng Mẹ như lời cụ Simêon đã nói ngày xưa. Mẹ đã đón nhận Lời Chúa và chắc hẳn Mẹ không ngừng suy niệm để tìm hiểu ý định của Chúa như thói quen Mẹ làm (Lc 2,19-51).
Một lần nữa, qua biến cố tiệc cưới Cana, Chúa lại hé lộ ra cho Mẹ ý định của Ngài là mời Mẹ cọng tác vào công trình cứu rỗi mà Chúa sẽ hoàn tất trên Thập giá. Và Mẹ cũng thưa “xin vâng”.
4. “Giờ” mà Chúa Giêsu nói ở tiệc cưới Cana cuối cùng rồi đã đến. “Giờ mà Chúa Giêsu khắc khoải đợi trông,vì chính lúc được gương lên cao, người sẽ kéo mọi người lên với Người ” (Ga12,32). Đó cũng là giờ mà Mẹ Người sẽ có phần trong đó.
Mẹ đứng đó, dưới chân thập giá, ngước mắt nhìn lên thân xác không còn hình dạng con người nữa (Isaia 52, 14). Mẹ đứng đó để cho lưỡi gươm ngày xưa cụ Simêon tiên báo đâm thâu qua lòng, để nối kết Người Con với Người Mẹ nên một của lễ hiến tế. Mẹ đứng đó cho tiệc cưới thiên sai đem lại hoan lạc cho hiền thê Hội Thánh. Ở Cana, nước đã hóa thành rượu, trên đồi Canvê máu cũng thay cho rượu mừng tiệc cưới của Đức Kitô và Hội Thánh.
Tất cả mọi sự tiên báo trước đây bây giờ đã được ứng nghiệm. Trước mắt Mẹ, là người Con yêu dấu mà mẹ đã vâng phục đón nhận, rồi nuôi dưỡng, giáo dục và dâng trả lại cho Chúa Cha làm của lễ xóa tội trần gian. Mẹ dã tham dự một cách đặc biệt và độc đáo vào hy lễ của Con Mẹ.
Dưới chân Thập giá, Đức Maria lại được Chúa yêu cầu làm Mẹ: Lần này không phải là Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người như trong biến cố Truyền tin, mà là Gioan, vị tông đồ đại diện cho muôn người được cứu chuộc: “Thưa Bà, đây là Con của Bà” “Đây là mẹ của anh” (Ga19,26-27). Và cũng như xưa, mẹ đã thưa xin vâng trong biến cố Truyền tin, lúc mà Chúa xin Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, bây giờ trên Thập giá, Chúa cũng xin Mẹ làm Mẹ Hội Thánh, thì chúng ta cũng có thể quả quyết rằng Mẹ vẫn thưa lại tiếng xin vâng ấy cho chức làm mẹ mới.
Dưới chân Thập giá, Đức Maria là Eva mới, bên cạnh Chúa Giêsu là Ađam mới để tái tạo những gì mà nguyên tổ loài người đã đánh mất. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đưa ra lối so sánh này dựa trên giáo huấn của các Thánh Giáo phụ. Khi Ngài viết: “ Trước đây, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người có nam có nữ ” (St 1, 27). Bây giờ, trong công trình Cứu chuộc, Chúa cũng muốn kết nạp với “ ông Ađam mới” một “ bà Eva mới”. Tội nguyên tổ đã dẫn đường tới tội lỗi, một đôi mới, Con Thiên Chúa với sự cộng tác của Thánh Mẫu, sẽ hồi phục phẩm giá nguyên thủy của mình ( Những bài huấn giáo về Đức Maria trang186).
5. Mặc dù không có được vai trò và địa vị của Mẹï Maria, nhưng tất cả mọi người Kitô Hữu cũng được Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Chúa. Trong thư thứ hai gửi cho môn đệ thân tín là Timôthê, thánh Phaolô khuyên nhủ đứa con tinh thần của mình. “Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu” ( 2Tm 2,10).
Chiêm ngắm những đau thương của Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc, chúng ta cũng được mời gọi đồng lao cộng khổ với Chúa Kitô trong việc vác Thập giá hằng ngày mà theo Chúa: Thánh giá của bệnh hoạn tật nguyền, thánh giá của bổn phận và trách nhiệm, thánh giá của sự ghen ghét kỳ thị… Nếu tất cả những đau thương ấy, dược liên kết với những đau thương của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người, thì sẽ trở nên những giá trị cứu rỗi cho mình và cho nhiều người khác, và nếu không làm như thế, thì chúng ta đã lãng phí những cơ hội quý báu mà Chúa gởi đến cho chúng ta. Bản năng tự nhiên của con người là sợ đau khổ và vì sợ, cho nên thường tránh né. Nhưng sợ và tránh né cũng không khỏi vì đau khổ là phận số của con người, sinh, lão, bêïnh, tử dính liền với kiếp người. Mẹ Maria đã chỉ cho chúng ta một phương thế rất hiệu nghiệm để biến đổi đau thương thành hoa trái cứu độ là hiệp thông với những đau thương của Chúa Giêsu. Mẹ đã thể hiện một cách cụ thể trên bàn thờ thập giá. Theo gương Mẹ, các thánh tử đạo Việt Nam cũng đã đi con đường ấy. Người ta kể chuyện trong thời thế chiến, giữa khói lửa bom đạn, các phương tiện y tế thường xuyên thiếu hụt, có một thương binh phải được phẩu thuật khẩn cấp, nếu không thì sẽ bị tử vong. Lên bàn mổ giữa chiến trường, anh được thông báo là không có thuốc mê nên phải chịu đau đớn lắm. Người ta đề nghị cột chân tay và nhét vải vào miệng cho anh khỏi cắn lưỡi, nhưng anh không bằng lòng và xin cho anh cầm trong tay cây Thánh giá có ảnh Chuộc Tội, và bác sĩ cứ thế mà mổ. Nắm chặt thánh giá và nhìn thẳng vào ảnh Chuộc Tội, anh đã cắn răng chịu đựng các vết dao xẻ thịt, nhờ sức mạnh tình yêu của Đấng Cứu Chuộc, anh đã qua khỏi nguy hiểm tính mạng.
Thánh Phaolô đã thông hiểu ý Chúa muốn và noi gương Đức Trinh Nữ Maria, nên Ngài đã chấp nhận mọi đau khổ của đời sống tông đồ truyền giáo. Ngài viết cho giáo đoàn Colossê như sau: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh”(Col. 1,24)
Lạy Mẹ Maria, Mẹ chỉ bảo đàng lành, trên đường tiến về Quê Trời, xin Mẹ dạy chúng con biết tin yêu và hy vọng vào Chúa, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa và biết kết hợp những đau thương khốn khó trong đời sống chúng con với những đau khổ của Chúa Giêsu như Mẹ. Amen
CÂU HỎI
Bài 1: Thầy dạy Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến
1. Nội dung của Đức Tin có hai khía cạnh nào?
2. Đức Maria đã thực hiện Đức Tin trong đời mình thế nào?
3. Công Đồng Vatican II nói về sự Đức Mẹ liên kết làm một với Giêsu thế nào?
4. Nội dung của Đức Cậy thế nào?
5. Tương quan mật thiết giữa Đức Tin và Đức Cậy thế nào?
6. Đức Maria đã thực hiện Đức Cậy trong đời mình thế nào?
7. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về Đức Cậy của Mẹ Maria thế nào?
8. Nội dung của Đức Mến thế nào?
9. Đức Maria đã thực hiện Đức Mến trong đời mình thế nào?
Bài 2: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa
1. Lời Chúa cần phải được lắng nghe và được đem ra thực hành thế nào?
2. Đức Mẹ được mệnh danh là “Người Nữ Biết Lắng nghe”, nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời mình thế nào?
3. Hãy giải thích Lời Chúa Giêsu nói trong ba Phúc Âm Nhất Lãm (Lc 8, 19 - 21; Mc 3, 33 - 35; Mt 12, 46 – 50): “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Bài 3: Cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô.
1. Sự cộng tác của Đức Mẹ vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô được mặc khải dần dần thế nào qua các biến cố Truyền Tin, Dâng Chúa vào Đền Thánh và Tiệc Cưới Cana?
2. Dưới chân Thập giá, Đức Maria đã đóng vai trò thế nào trong chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô?
3. Người Kitô hữu chúng ta tham dự vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô thế nào?