Ý Nghĩa của Phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm" trong Thánh Lễ

Lời giới thiệu: Bài viết này nằm trong những bài viết cùng tìm hiểu về ‎‎ý nghĩa của phần Chuẩn Bị Lễ Vật (Dâng Lễ) trao đổi giữa Lm Mi Trầm và tác giả "Người Họ Trần" để giúp các ca trưởng và các ca viên trong ca đoàn chọn bài hát trong Thánh Lễ. Đề tài bàn thảo đã dựa vào câu hỏi đưa ra của Lm Mi Trầm về đề tài:

• 1) Tại sao bài “Lo gì” của Đức Dũng, không được dùng trong phụng vụ ?
• 2) Tại sao bài “Con Chỉ Là Tạo Vật” của tác giả Phanxicô, không thích hợp trong phần Dâng Lễ ?

Trong tinh thần cùng tìm hiểu và học hỏi về những ‎ý nghĩa trong phụng vụ, xin gửi đến quí bạn những suy tư và chia sẻ của những tâm hồn đang khao khát học hỏi để chúng ta cùng hiểu biết thêm về Chúa và Giáo Hội. Nếu các bạn muốn đi sâu vào những chi tiết của đề tài trao đổi xin mời ghé thăm trang diễn đàn của www.catruong.com

Đây là trả lời của Cha Mi Trầm.

VÀI LỜI VỀ BÀI “LO GÌ”

-Không phải sáng tác sai nhạc lý vì viết thế nào là quyền của người sáng tác nhưng lý do đề nghị không nên hát là vì người hát không thể hát đúng như tác giả viết. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là lý do chính.

-Thực ra, lý do chính là bài nầy thuộc loại nhạc “VÀO ĐỜI”. Lời thì trích từ Thánh Kinh nhưng nét nhạc thì thuộc loại nhạc trẻ nhiều chất đời. Cùng lắm thì có thể du di để hát kết lễ vì kết lễ không thuộc thánh lễ nữa nhưng nếu xét nội dung thì ít khi người ta hát ở kết lễ.

-Đây là ý kiến của Đức cha Phaolô Nguyễn văn Hòa lúc ngài là chủ tịch Thánh nhạc Việt Nam khi tôi xin ý kiến về bài hát nầy.
Tôi nghe nói đến việc đưa ra danh mục những bài được hát: Khi nghe như thế thì có người góp ý là không thể đưa ra danh mục những bài được hát vì quá nhiều. Dễ hơn là đưa ra danh mục những bài không được hát trong Phụng vụ. Ý kiến đó có vẽ thực tế hơn. Khi nào chưa có danh mục thì việc hát bài nào còn tùy sự thẩm định của ca trưởng. Mọi sự chỉ là tương đối. Khi đưa ra danh mục cấm hát thì bài GẶP GỠ ĐỨC KITÔ của cha Tiến Lộc và bài PHỤC VỤ của Mi Trầm chắc sẽ được xét tới vì có người xếp 2 nầy vào loại nhạc sinh hoạt.

VÀI LỜI VỀ BÀI “CON CHỈ LÀ TẠO VẬT”

1.Đây là một bài rất hay, rất nổi tiếng, rất thông dụng tuy không dễ hát. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta một bài hát như thế.
2.Hát ở phần Hiệp lễ hay Dâng lễ: Nếu hát ở phần Hiệp lễ thì vấn đề sẽ khác. Nhưng xét lời bài hát thì ai cũng hát ở phần DÂNG LỄ. Vì lời bài hát khiến người ta xếp bài hát vào phần Dâng lễ nên người ta hát vào lúc Dâng lễ. Và khi hát ở Dâng lễ thì bài hát lại thành vấn đề:

-Ý chính của Dâng lễ là dâng bánh rượu sẽ trở nên Mình Máu thánh nuôi linh hồn người ta. Và từ đó, tôi mới viết là câu “Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên Chúa” sẽ không đúng ý Giáo Hội giải thích về phần Dâng lễ.

-Người có ý kiến về bài nầy lại cũng là Đức cha Hòa khi tôi đưa cho Ngài duyệt.

-Ngày 4 tháng 3 năm 2008, khi họp Thánh Nhạc ở Sàigòn, tôi hỏi ý kiến cha Kim Long về các bài hát chầu Thánh Thể: Nhạc cũ dùng chữ CHA chỉ CHÚA GIÊSU. Tôi nói với ngài là tôi sửa theo bản sửa của Ban thánh nhạc SG nhưng thiên hạ chẳng ai hát theo lời sửa, họ hát theo lời cũ. Tôi đề nghị hay là ta cứ hát theo lời cũ. Ngài nói với tôi là dứt khoát phải sửa vì sai Thần học. Sai gì thì có thể thông qua chứ sai Thần học thì phải sửa, bằng không sửa thì bỏ luôn. Nếu bỏ bài THỜ LẠY CHÚA thì uổng lắm thay. Nhưng tôi đâu thể làm gì hơn. Anh chị em thông cảm.

-Hơn nữa, trong bài viết mới đăng trong Thánh nhạc ngày nay, một tác giả đã phân tích hai chữ TẠO VẬT. Ta hiểu theo mạch văn bài hát là LOÀI THỤ TẠO nhưng tác giả phân tích và cho rằng nghĩa đúng là ĐẤNG TẠO HÓA. Hình như anh Phanxico cũng chấp nhận ý kiến của tác giả nầy vì Phanxico rất kỹ về lời. Đáng khen.

Chúng ta đâu biết hết mọi sự. Giúp ý kiến cho nhau để tìm hiểu là quá tốt. Rất cám ơn anh chị em đã đọc những gì tôi viết và rất cám ơn về những thắc mắc hoặc những suy nghĩ không đồng tình. Càng tìm hiểu càng hiểu hơn thôi.

Cám ơn thiện chí của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Linh mục Mi Trầm, Nha Trang.
________________________________________

Kính thưa cha,

Trước hết con xin thành thật cám ơn cha đã bỏ chút thời giờ để trả lời những thắc mắc của chúng con. Nhất là cha cũng đã cất công lên thỉnh ý Đức Giám Mục Nguyễn Văn Hoà để xin ngài đóng góp thêm những ý kiến của ngài về những vấn đề trên. Chúng con rất cảm động khi được nghe thêm nhiều ý kiến về sự đóng góp của ngài và của cha cho chúng con.

Con cũng xin được thưa trình với cha và các bạn, nếu Đức Cha Hòa đã đưa ra phán quyết cuối cùng thì việc của chúng ta tìm hiểu ở đây cũng không có thể thay đổi gì. Vì theo qui luật của Giáo Hội thì ĐGM địa phương có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến phụng vụ tại địa phương của mình.

Nhưng trong tinh thần "Giúp ý kiến cho nhau để tìm hiểu" mà cha đã cho phép, thì con xin cha cho chúng được bày tỏ thêm một vài ý kiến nữa, vì khi cha nói đó là "ý Giáo Hội giải thích về phần Dâng lễ" thì con bị thắc mắc ngay, vì con đã hiểu "ý của Giáo Hội" một cách khác.

Con xin phép cha được trình bày sự tìm hiểu của con.

1) Về bài Lo Gì.

Lúc đầu trong câu trả lời cha đã cắt nghĩa là vì người hát không thể hát đúng như tác giả viết nên con đã đặt vấn đề là tại sao tác giả không được đề nghị sửa lại nhạc, và tại sao khi không hát đúng ý của tác giả thì nên bỏ bài hát đó đi
Bây giờ con được hiểu ‎ý cha muốn nói đó vẫn không phải là lý do chính.

"Lý do chính là bài nầy thuộc loại nhạc VÀO ĐỜI. Cám ơn cha đã nói lại. Con không còn thắc mắc gì ở câu này nữa.

2) Về bài Con Chỉ Là Tạo Vật

Con xin phép được chia câu trả lời này làm ba tiết mục:

• I. Những cải tổ của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ
• II. Ý nghĩa của phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm" trong Thánh Lễ
• III. Ý nghĩa của chữ "Chiên Thiên Chúa" trong bài "Con Chỉ Là Tạo Vật".

Vì là bài viết chỉ chuẩn bị trong mấy ngày nghỉ cuối tuần để hồi âm kịp thời lá thư của cha, nên chắc chắn còn có nhiều thiếu xót. Trong tinh thần học hỏi, xin cha cũng như các bạn bổ túc thêm để hy vọng chúng ta có thể biết thêm được những chiều sâu và ‎ý nghĩa phong phú của Thánh Lễ mà Giáo Hội, là Mẹ chúng ta luôn mong muốn chúng ta tìm hiểu không ngừng.

I. Những cải tổ của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ

1. Nhấn mạnh Thánh Lễ là Hy Tế.

Sách Giáo Lý Công Giáo đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về ý nghĩa của Hy Tế Thánh lễ. Đọc lại từ những điều 1364 đến 1368, ta thấy có những căn bản sau đây:

1) Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Ðức Ki-tô; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Ðức Ki-tô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. "Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (LG 3). ( GLCG: 1364)

2) Hy tế của Ðức Ki-tô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Ðức Ki-tô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng.( GLCG: 1367)

3) Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Ðức Ki-tô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới. Hy tế của Ðức Ki-tô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Ki-tô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người. (GLCG: 1368)

Trước Công Đồng Vatican II, có nhiều người thường hiểu lầm về ‎ý nghĩa của Thánh Lễ là chỉ đặt nặng đến vai trò của bánh và rượu, và coi lúc Dâng Mình và Máu Thánh Chúa là cao điểm nhất của Thánh Lễ và rồi nhấn mạnh đến việc lên rước lễ là được lên tham dự vào bàn tiệc thánh. Quan niệm này đã bị Đức Giáo Hoàng Benedictô, khi ngài còn là Đức Hồng Y chỉ trích trong cuốn sách "Feast Of Faith" là:

" Nói Thánh Lễ như là một bữa tiệc cộng đồng thì ta đã quá coi thường cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá. Bởi đó GH đã hằng luôn luôn kiên trì nhấn mạnh ý nghĩa Hy Tế của Thánh Lễ. " ( FOF trg 65)

Trong ý nghĩa cao siêu này, Thánh Lễ mà chúng ta tham dự hàng ngày cũng là hy tế của chính chúng ta, để “Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Ðức Ki-tô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới.” (GLCG: 1368)

2. Nhấn mạnh sự Hiện Diện thật sự của Chúa Kitô

Điều số 7 của Hiến Chế SC đã nói "Chúa Giêsu đã hiện diện thật sự và sống động ở giữa chúng ta dưới bốn hình thức":

1) Ngài hiện diện trong Lời Chúa để nói với chúng ta.

2) Ngài hiện diện trong vị chủ tế.

3) Ngài hiện diện trong toàn thể cộng đoàn trong những lời kinh tiếng hát, cử điệu,. ..

4) Ngài hiện diện trong Thánh Thể là lương thực để nuôi sống và kết hợp chúng ta.

Giáo Hội nhấn mạnh lý do chính yếu Chúa Giêsu hiện diện là vì chúng ta, Pro Nobis. Và mục đích chính của sự hiện diện này là nằm “trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hoá mọi người ” (SC 7). Có nghĩa là chính Ngài sẽ đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, để chúng ta đến thờ lạy, ca tụng và tôn vinh Ngài, để rồi chúng ta được Thiên Chúa Thánh hóa. Ngay từ giây phút đầu tiên mà mọi người tụ tập để tôn thờ và gọi Thiên Chúa là Abba, cho đến khi kết lễ hát bài ra về, là Chúa Giêsu đã ở trong Cộng đoàn, cùng cử hành Thánh Lễ với chúng ta. Hy lễ của Kitô Giáo rất khác xa với hy lễ của các tôn giáo khác vì Hy Lễ của chúng ta không phải do con người bày trò tự tạo ra, mà do chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Và Ngài đã hứa là Ngài ở bên ta mọi ngày, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ.

Hiểu như thế, thì tất cả những việc làm dưới mọi hình thức, dưới mọi chi tiết, dưới mọi cách thế diễn tả của con người trong phụng vụ đều "nhờ Chúa Giêsu Kitô và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần" để chúng ta có thể ngợi khen, cảm tạ, đền tội và xin ơn. (QCTQSLR 2000, No 2).

3. Nhấn mạnh vai trò tham dự tích cực của tín hữu.

“ Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. ?" (SC 48)

Trong cuốn The Spirit of The Liturgy, ĐHY Ratzinger đã cắt nghĩa sự tham dự tích cực này theo ý nghĩa thần học như sau:

Sau công đồng Vatican II mọi người được nghe đến chữ "pacticipatio actuosa" (tích cực tham dự). Chẳng may chữ này đã nhanh chóng bị hiểu sai là những gì bề ngoài, những hình thức sống động, cho mọi người tham dự càng đông càng tốt và nhất là phải thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Thực ra theo nguyên ngữ, chữ "part–icipation" là nói đến là mỗi người có một phần. Và nếu muốn khám phá ra mỗi người có phần như thế nào thì ta phải hiểu chữ actio (action, tác động) của mỗi phần tử trong cộng đoàn đáng nhẽ ra phải hành động.

Khi tìm hiểu lịch sử của phụng vụ, dưới cái nhìn của nền tảng Kinh Thánh, thì ta cũng rất ngạc nhiên khi biết các Giáo Phụ đã gọi tác động đầu tiên của phụng vụ là ORATIO, là Kinh Nguyện Thánh Thể.

Tại sao lại gọi là Eucharistic Oratio ? Thưa vào thời đó, để chống lại tà giáo, các ngài đã muốn nói rằng: việc sát tế xúc vật và những hành động họ đã và đang làm không có lợi cho ai cả, thì bây giờ phải bỏ đi. Thay vào đó là họ có sự Hiến Tế của Ngôi Lời (Sacrifice of the Word). Chiên bò không còn bị giết nữa. Thay vào đó là Ngôi Lời và sự hiện diện của chúng ta được hiến dâng lên Thiên Chúa. Chính Ngôi Lời là Đấng đã lôi kéo chúng ta đến tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Một điều cũng nên nhớ là chữ ORATIO có nghĩa nguyên thủy không phải là lời cầu nguyện mà là một bài diễn văn quan trọng đọc trước công chúng. Bài diễn văn này bây giờ mang một ý nghĩa tối thượng là được đệ trình lên Thiên Chúa.

Bài ORATIO, Kinh Nguyện Thánh Thể, thật ra còn hơn một bài diễn văn vì đây chính là hành động (actio) cao cả nhất mà linh mục nói trong chủ từ ngôi thứ nhất của Chúa: “Này là Mình Ta. Này là Máu Ta “. Vị linh mục biết là ngài nói không phải vì Thiên Chúa mà ngài đã đón nhận qua bí tích truyền chức mà ngài đã lãnh nhận, nhưng là ngài đã trở nên tiếng nói của một Đấng Khác, Đấng đó đang nói và đang hành động.

Chính hành động của Thiên Chúa đang tác động qua tiếng nói của con người là một hành động thực sự của công cuộc sáng tạo đang diễn ra. Những vật thể của trái đất đang được đổi thành Mình và Máu của Thiên Chúa. Do đó hành động đích thực trong phụng vụ của mỗi người tín hữu phải làm là tham dự vào chính hành động của Thiên Chúa. Ngài đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới cho chúng ta, để chúng ta có thể đến với Ngài, để rồi qua những vật thể từ trái đất, qua những lễ vật chúng ta dâng, chúng ta có thể liên kết với Ngài một cách riêng tư hơn.

Nhưng mà Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, thật đầy đủ, mà chúng ta chỉ là tạo vật không có gì, là tội nhân bất toàn, làm sao có thể cùng cộng tác với Thiên Chúa là Đấng Hoàn Hảo, Thánh Thiện được ?

Yes, he can. Vâng, con người có thể làm được, vì chính Thiên Chúa đã trở thành con người, trở thành thân xác con người, again and again, Ngài đến với chúng ta qua mình của Ngài, để rồi chúng ta được sống trong thân thể của Ngài. Tất cả biến cố của Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh và Ngài Lại Đến được đưa ra như là cách để Thiên Chúa kéo con người đến để cộng tác với Ngài.

Thật vậy, Sự Hiến tế của Ngôi Lời đã được đón nhận và trở thành vĩnh cửu.

Còn chúng ta, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện để hy lễ của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận để chúng ta có thể "nên một tinh thần với Ngài" (1Cor 6:17) để có thể kết hợp với Ngôi Lời. Phụng vụ chỉ có một hành động đó là của chính Ngài và của chúng ta - của chúng ta vì bây giờ chúng ta đã trở thành một thân xác và một tinh thần với Ngài. Cái đặc điểm của phụng vụ Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hành động và chúng ta bị lôi kéo vào hành động của Ngài. Mọi chuyện khác chỉ là thứ yếu. Đó chính là đích điểm để chúng phải luôn cầu nguyện để ta có thể tiến tới được. Lời cầu xin này, tự nó là một cách để đi vào mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Chúa.

Dĩ nhiên những hành động bên ngoài như đọc sách, ca hát, dâng của lễ vẫn có thể thực hiện để diễn tả cảm giác bên ngoài. Nhưng "Nếu những hành động khác biệt bên ngoài trở thành ý chính của phụng vụ, nếu phụng vụ mà giảm thành những tác động tổng quát, thì tự căn bản chúng ta đã hiểu sai cái "theo - drama" của phụng vụ mà rơi vào gần như làm trò cười vậy. "

"If the various external actions become the essential in the liturgy, if the liturgy degenerates into general activity, then we have radically misunderstood the "theo-drama" of the liturgy and lapsed almost into parody. " (TSOTL: trg 171-175)

II. Ý Nghĩa của phần Dâng Lễ trong Thánh Lễ.

Khi đã hiểu những thay đổi quan trọng đó của Thánh Lễ rồi, thì việc chúng ta chọn bài hát cho phần "Dâng của lễ", hay "Dâng lễ", hay danh từ của bản dịch QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA năm 2000 là "Phần Chuẩn bị Dâng lễ phẩm" sẽ mang một ý nghĩa vô cùng phong phú hơn. Bởi thế, phần này theo nghi thức Thánh Lễ mới, cũng được coi như là một phần quan trọng, “phần nhập đề” của phần Phụng Vụ Thánh Thể.

Chúng ta hãy cùng đọc lại bản hướng dẫn của Giáo Hội trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma mới nhất:

"73.. .. Tiếp đến là đem lễ phẩm lên: nên để giáo dân đem bánh và rượu, vị tư tế hay thầy phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng nghi thức dâng lễ phẩm vẫn giữ hiệu lực và ý nghĩa thiêng liêng.

Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hay được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay nhà thờ; những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.

74. Khi rước lễ phẩm lên, thì hát ca tiến lễ (x. n. 37, b) và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ (x. n. 48). Bài hát có thể luôn luôn đi theo nghi thức tiến dâng.

75. Bánh và rượu được linh mục đặt trên bàn thờ cùng với các công thức ấn định. Vị tư tế có thể xông hương lễ phẩm đặt trên bàn thờ, sau đó thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ phẩm và lời nguyện của Hội Thánh ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, vị tư tế, vì thừa tác vụ thánh, và giáo dân, vì phẩm giá phép rửa, có thể được thầy phó tế hay người giúp lễ nào khác xông hương." (QCTQSLR 2000)

Nhà Thần học Josef Jungmann, SJ trong The Mass of the Roman Rite (1986) đã cắt nghĩa như sau:

Trong kinh nguyện mà vị chủ tế đọc trên lễ vật mà cộng đoàn vừa dâng lên:

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất,
Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này
là hoa màu ruộng đất và công lao của con người,
chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất,
Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này
là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.

Mặc dầu ngôn ngữ là nói về bánh và rượu nhưng ý nghĩ Thần học thật là rõ ràng: Chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Lời nguyện này mang ba ý nghĩa: Bánh và rượu là sản phẩm của trái đất này và do đó tượng trưng cho thế giới và đời sống của chúng ta. Bánh và rượu cũng tượng trưng cho công lao của con người, và chúng ta dâng lên Chúa để trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Do đó của lễ chúng ta dâng lên Chúa trong phần Dâng lễ vật không chỉ có giới hạn theo nghĩa là chỉ có bánh và rượu, mà chúng ta còn phải “vượt qua nhũng sự vật hữu hình mà say mến những sự vô hình. "

Đây cũng chính là cơ hội trong Thánh Lễ, để người tín hữu tập dâng chính mình. Cũng lưu ý là bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ mới, trong phần dâng lễ đã thay thế "lễ vật" bằng "hy lễ" (Xin Chúa nhận hy lễ [sacrifice] bởi tay cha...).

Tại xứ đạo con đang sống, St Vincent De Paul in Arlington, Texas, USA, trước khi những người đại diện rước của lễ lên, cả nhà thờ cùng linh mục chủ tế đọc thêm kinh này trước khi ca đoàn hát:

"With bread and wine we bring our prayers and gifts of time, talent, and treasure. May we trust in the generosity of God in blessing our return of the gifts God has given to each of us. "

(Với bánh và rượu, chúng con xin dâng những lời nguyện và lễ vật của thời gian, khả năng và tài chánh. Xin cho chúng con được tin tưởng vào lòng quảng đại của Chúa trong việc chúc phúc cho những lễ vật mà chúng con xin dâng lại cho Chúa vì Chúa đã ban cho từng người chúng con. )

Con xin được lặp lại những ý nghĩa về phụng vụ và mục vụ mà cha sở chúng con hay nhắc đến:

Hy lễ của thời gian (time): Thời gian là của Chúa. Chúa đã ban cho chúng ta cả đời người để sống. Chúng ta đà dành bao nhiêu thời giờ để ăn, ngủ, giải trí, làm việc,... nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ phải dâng lại một phần thời gian này cho Chúa để đến gặp Ngài nói lời cám ơn, để ca tụng và tôn vinh Ngài, để chia sẻ chút thời giờ để giúp đỡ Giáo Hội và những con cái khác của Ngài.

Hy lễ của tài năng (talent): Thiên Chúa ban cho chúng ta rất nhiều tài, nhưng chúng ta đã dùng biết bao khả năng đang có mà dâng lại cho Chúa.

Hy lễ của tài sản (treasure): Tất cả mọi sự Chúa ban cho chúng ta, tiền bạc, vật chất của cải, để chúng ta hưởng. Chúng ta đã bới ra bao nhiêu phần dâng lại cho Chúa, cho những anh em khác không có bằng.

Để tạo thêm phương tiện cho người tín hũu học "tự dâng chính mình" trong phần Dâng lễ, về phương diện mục vụ, nhiều nơi đã có những lần xin tiền lần thứ hai hay thứ ba để giúp vào những nhu cầu thực tế khác trong giáo hội.

Đức Giáo Hoàng Benedictô cũng đã ca ngợi nhiều nơi, không có hát nhưng mà cả nhà thờ giữ thinh lặng. Theo ngài, việc đúng nhất và có hiệu quả nhất là ta xem việc chuẩn bị lễ phẩm không phải chỉ là những việc làm bề ngoài nhưng là một tiến trình chính yếu của nội tâm. Chúng ta phải cần nhìn trong con người của chúng ta, xem chúng ta có thể là chính của lễ trong hy lễ của Ngôi Lời qua việc chúng ta được thông phần với hành động tự hiến mình lên Thiên Chúa của Chúa Giêsu hay không ? Và rồi sự thinh lặng này không phải chỉ là khoảng thời gian chờ đợi bên ngoài, nhưng là chúng ta đang từ bỏ mình, dọn đường, đặt mình trước mặt Chúa, xin Ngài cho chúng ta được sẵn sàng để biến đổi. ( TSOTL trg 210-211)

Trong chiều hướng đi đúng ‎ý của Giáo Hội đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ năm 1972 đã ra văn kiện " Music In Catholic Worship", coi như là văn kiện chính thức về Thánh Nhạc trong toàn nước Hoa Kỳ. Và sau khi Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (QCTQSLR, bản năm 1974) ban hành, nhiều Địa phận cũng đã có những chỉ thị riêng. Để đưa ra một ví dụ cụ thể, con xin trích lại nguyên văn bài Hướng Dẫn Về Ca Nhạc Trong Thánh Lễ về phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm của Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, nơi Đức Cha Mai Thanh Lương đang làm giám mục phó, ban hành ngày 6 tháng 10, năm 2005:

"Chuẩn Bị Lễ Phẩm

- Ca tiến lễ sẽ hát cùng một lúc và ca mừng các khía cạnh đời sống cộng đồng của việc tiến lễ. (MCW 71)
- Dù hát hay dạo nhạc cũng phải kéo dài cho hết lúc tiến lễ và chuẩn bị bánh và rượu (trên bàn thờ). (QCTQSLR 74, MCW 71)
- Trong Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, có bốn chọn lựa cho bài Ca Dâng Lễ, cũng giống như Ca Nhập Lễ:

1) Điệp ca cùng với Thánh Vịnh ghi trong sách Graduale Romanum
2) Điệp ca theo mùa cùng với Thánh Vịnh trong sách Graduale Simplex.
3) Dùng một bài hát từ một bộ Điệp Ca hay Thánh Vịnh được công nhận bởi Hội Đồng Giám Mục Hoặc Giám Mục địa phương.
4) Dùng bản hát nào khác phù hợp được công nhận bởi Hội Đồng Giám Mục Hoặc Giám Mục địa phương.

- Bản văn có thể để ngợi ca dùng theo Mùa hoặc lấy từ ca tiến cấp của Sách Lễ Roma có
các câu Thánh Vịnh. (QCTQSLR 74, MCW 71)

- Không cần nói về bánh rượu hay việc dâng của lễ. (MCW 71)

- Nhạc khí, bài hát cộng đồng hoặc hòa nhạc có thể được dùng. (QCTQSLR 74, MCW 71)

- Hát dâng lễ thì luôn luôn đi theo với việc tiến lễ và chuẩn bị lễ phẩm, ngay cả khi không
có việc tiến lễ đi nữa. (QCTQSLR 74)

Cha để ‎‎ý phần số 4, đã nói rõ: Không cần nói về bánh rượu hay việc dâng của lễ.

Ngày 14 tháng 11 năm 2007, dựa vào QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA mới, HDGM Hoa Kỳ đã ban hành một văn kiện khác về Thánh Nhạc. Đó là " Sing To The Lord, Music in Devine Worship", trong đó điều 173, cũng đã đi sát với điều 74 của chỉ thị QCTQSLR 2000.

Khi so sánh những văn kiện trên, và Thông Cáo của Đức cha Hòa, ta chỉ thấy có một điều khác biệt rõ ràng là Đức Cha Hòa trong Thông Cáo số 3, đã cho phép: "Tập quán thay ca dâng lễ bằng những bài hát có ý nghĩa "dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa" vẫn có thể duy trì". Điều này có nghĩa là ngài muốn giữ những bài hát truyền thống đã có từ xa xưa trong Thánh Ca Việt Nam. Những bài hát bất hủ đã đi sâu vào tâm hồn muôn người Công Giáo Việt Nam đã hát, khi thời Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh và những bài hát bằng tiếng Việt nói lên những “tác động phụng vụ” để người tín hữu có thể. .. thụ động tham dự.

Theo con hiểu thi trong phần hướng dẫn của Thông Cáo Đức Cha Hòa ban hành năm 1994, tức là hơn 14 năm nay, không có chỗ nào nói "Ý chính của Dâng lễ" là dâng bánh rượu cả. Ngài đã theo sát qui chế tổng quát và hai Huấn Thị về Thánh Nhạc của năm 1958 và năm 1967 để đưa ra nhiều sự gợi ý cho các ca trưởng có thể chọn lựa đề tài cho bài hát cho phần Dâng lễ. Trong ý định khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho ngài, trong tinh thần của cả ba Thông Cáo, ngài đã dạy chúng ta biết vượt qua những hành động bề ngoài để đi xa hơn vào ý nghĩa sâu thẳm của Hy Tế Thánh Lễ.

III. Ý nghĩa của chữ "Chiên Thiên Chúa" trong bài "Con Chỉ Là Tạo Vật".

1. Hình ảnh Hy Lễ

Để hiểu những chữ “Chiên Thiên Chúa” trong bài CCLTV trong phần dâng lễ vật, ta cần phải hiểu ý nghĩa hình ảnh con chiên trong Thánh Kinh.

Chiên là một hiến vật rất thông thường trong các lễ hiến tế của người Do thái. Và chiên cũng là lễ vật thông thường nhất mà Dân Do thái dùng để dâng lên Thiên Chúa. Danh hiệu Chiên Thiên Chúa có nghĩa là con chiên được Thiên Chúa ban như trong sách Sáng thế 22,8 đã kể. Ta nhớ chuyện ông Áp-ra-ham bị Thiên Chúa thử lòng bảo ông đi giết con mình. Khi hai bố con Áp-ra-ham và Isaac chuẩn bị đi dâng lễ hy tế lên Thiên Chúa, thì thằng con rất ngây thơ hỏi bố, "bố ơi có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu ?" Lúc đó Áp-ra-ham trong tâm trí đang nghĩ chuyện tìm cách "làm thịt thằng con của mình" thì ông sững sờ nói quanh: Chiên làm lễ toàn thiêu, thì chính Thiên Chúa sẽ ban cho.

Thánh Gioan Tiền hô sau này dùng chữ "Chiên Thiên Chúa" để chỉ Chúa Giêsu như ta đọc thấy trong phúc âm Gioan 1, 29 "Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." Và Gioan 1:36 "Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."

Khi cử hành Thánh lễ là chúng ta lặp lại Hy Tế mà Chúa Giêsu ngày xưa đã cùng các môn đệ cử hành trước khi Ngài từ giã các tông đồ. Phúc âm Luca đã nói: "Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua." (Lc 22:7) Và Thánh Phaolô trong thư Corintô 1 đoạn 5:7 "Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta."

Giáo Hội thời sơ khai trong những thế kỷ đầu. Thánh Phaolô đã cắt nghĩa việc chúng ta “làm việc này mà nhớ đến ta” trong ý nghĩa lễ Vượt Qua của người Do Thái: “Quả vậy, Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”. (1 Cor 5:8). Thánh Gioan cũng nhắc lại lúc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá là giờ con Chiên bị giết (Ga 19:31)

Sách Khải Huyền đã 36 lần dùng chữ "Chiên" để ám chỉ Chúa Giêsu. Ví dụ: Sách Khải Huyền những câu 13:8, 5:12

Sau này các Văn Kiện của Giáo Hội, nhất là Giáo L‎ý‎ Công Giáo cũng đã dùng những hình ảnh Chiên Thiên Chúa để nói lên ‎hình ảnh Con Chiên trong ý nghĩa Hy Tế của Thánh Lễ. (GLCG: 1364. )

ĐGH trong phần cắt nghĩa về thời gian và không gian trong cuốn "The Spirit of the Liturgy" đã kế cho ta một chuyện lịch sử rất hay về sự tương quan giữa Con chiên, Lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội.

Theo phúc âm Thánh Gioan giờ của Chúa là lễ Vượt qua. Điều đó nhấn mạnh cái chết của Chúa không phải là chuyện tình cờ, chết ngày nào cũng được. Ngài đã chết vào một ngày lễ, một ngày đã xảy ra trong lịch sử của nhân loại. Trước hết, lễ Vượt Qua là lễ của dân du mục thời xa xưa, thời của từ Abel đến Khải Huyền. Vì dân này sống ngoài đồng hoang nay đây mai đó, nên đối với họ cách duy nhất để biết thời gian là dựa vào mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên trời. Người ta mới khám phá ra rằng dân du mục đã kỷ niệm lễ Vượt qua vào ngày của chòm sao Aires, tức là chòm sao có hình con chiên.

Bởi thế vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã có những sự bất đồng ý kiến về việc chọn ngày mừng lễ Phục Sinh. Một phần Giáo Hội bên Tiểu Á thì muốn mừng lễ Phục sinh vào ngày 14 Nisan, trùng ngày với lễ Vượt qua của người Do thái. Trái lại giáo hội bên Roma thời đó thì muốn mừng vào Sunday, tức là ngày mà mặt trời đi ngang qua phần đầu của sao Zodiac – dấu hiệu đầu tiên của chòm sao Aires, chòm sao hình con chiên. Ta không đi sâu thêm về sự tranh cãi này. Nhưng vấn đề được đặt ra là phải chăng những chòm sao đó từ muôn thuở đã tiên báo cho chúng ta hình ảnh của Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian (Jn 1:29) (TSOTL trg 98-103).

Nếu ta dùng quan điểm thần học của cha Josef Jungmann, SJ về ‎ý nghĩa của việc làm Chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban tặng cho chúng ta., thì lời cầu nguyện của nhạc sĩ Phanxicô cũng đã nói lên được hình ảnh Hy Lễ đã có từ ngàn xưa, từ khi Thiên Chúa dựng nên tinh tú trên trời và con người chỉ là một tạo vật bé nhỏ được tạo thành từ một hạt bụi, không có gì để dâng. Sự diễn tả này càng nói lên tình thương bao la của Đấng Tạo Hóa đối với con người, là một loài thụ tạo. Chính Thiên Chúa đã thương ban chính Con của Ngài là "Chiên làm lễ toàn thiêu" thì giờ đây con cũng xin dâng lại hoàn toàn cho Chúa. Tức là hy lễ toàn thiêu của con cũng chính là Con Chiên đã chết trên Thập Giá vì chúng con.

2. Một câu hỏi khác đã được đặt ra: "Phải chăng lời nguyện về "Chiên Thiên Chúa" đó chưa thích hợp cho phần dâng lễ ? "

Trong Kinh Vinh danh khi tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta đã một lần dùng những chữ "Chiên Thiên Chúa" để ca tụng Chúa Giêsu, để nhắc lại sự hy sinh hiến tế của Ngài vì chính Ngài là Chiên của Thiên Chúa đã ban xuống cho nhân loại. Và khi Chúa Giêsu từ thân phận con người, Ngài đã tự hiến mình là của lễ đầu tiên của nhân loại dâng lên cho Thiên Chúa. Hy tế của Ngài đã thực hiện một lần, và "mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (LG 3).

Trở lại khái niệm thời gian và không gian trong phụng vụ Kitô Giáo mà ta đã được nghe ĐGH nói ở trên, việc có những chữ trong bài hàt CCLTV cũng chỉ là một sư diễn tả lòng ao ước về cao điểm sắp xảy ra trên bàn thờ. Chúa đã ban cho chúng con Con chiên là chính con của Ngài, thì giờ đây, để hiệp ý với linh mục, con xin dâng lại tất cả những gì con có cho Chúa. Đó là ý nghĩa thiêng liêng của một sự dâng hiến trọn vẹn. Ý nghĩa thời gian không còn được hiểu theo thứ tự trước sau như chúng ta thường hiểu, nhưng là thời gian và không gian đã là một. Bánh và rượu và tác động phụng vụ, giờ phút này chỉ là thứ yếu so với tâm tình cao quý trong tâm hồn.

Một bằng chứng khác là trong SC 7 đã nói:

"trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình"

"Lễ vật tinh tuyền" (hostia immaculata, spotless victim) ở đây mang ‎ý nghĩa gì ? Trong lời nguyện trên lễ vật ngày xưa, bằng tiếng La Tinh, linh mục đã đọc Suscipe, sancte Pater,... "Lạy Cha rất Thánh, Đấng toàn năng, xin nhận lấy của lễ tinh tuyền này mà con là tôi tớ bất xứng dâng lên Chúa. ..". Tại sao ngài đã đọc câu "của lễ tinh tuyền " đó, khi bánh và rượu ngài cầm trên tay cũng chỉ là lễ vật mà cộng đoàn vừa mới dâng lên, chưa được truyền phép ?

Kết Luận

ĐGH Benedicto, trong phần nhập đề của cuốn "the Spirit of the Liturgy" đã dùnh hình ảnh trò chơi của trẻ nhỏ để nói lên một khía cạnh của phụng vụ. Trò trơi của các trẻ em, bằng nhiều kiểu, giống như một sự tiên đoán trong đời sống hằng ngày, một cuộc tập dợt để sống đời người lớn mà không có bị những gánh nặng lôi kéo ràng buộc. Cũng vậy, phụng vụ cũng nhắc cho chúng ta biết, chúng ta đều là trẻ nhỏ trong cái tương quan muốn làm người lớn, tức là cái đời sống mà chúng ta muốn hướng tới. Phụng vụ phải là một sự tiên đoán, một buổi tập dợt, một tiền đề cho đời sống sẽ tới. Đó là đời sống mà thánh Augustinô đã nói để đối lại với đời sống ở trần gian này.

Do đó, phụng vụ cũng chính là sự khám phá trong ta cái tuổi trẻ hồn nhiên thực sự, tuổi vẫn còn mở lòng cho một cái gì vĩ đại to lớn chưa đến, chưa thể hiện đầy đủ trong đời sống của người lớn. Do đó, đây là hình thức cụ thể và chắc chắn cho niềm hy vọng để chúng ta được sống trước đời sống sẽ đến, đời sống thực sư, đời sống tự do mật thiết với thiên Chúa và hoàn toàn cởi mở với anh em.

Ý nghĩa chính của phụng vụ là ta biết dùng những tác động hữu nình để hướng tới sự kết hợp toàn vẹn với Ngôi Lời. Ngược lại, nếu phụng vụ chỉ đơn giản thành những tác động chung chung thì tự căn bản, chúng ta đã hiểu sai phụng vụ. Dùng tiếng của ĐGH là “lapsed almost into parody. ” (TSOTL trg 175).

Trần Văn Đang

Tài Liệu Tham Khảo

1) Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) Viết tắt: SC. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/thanhoc/mucluc.htm

2) QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA . Viết tắt: QCTQSLR 2000 và GIRM 2000. Trích từ ấn bản mẫu lần ba, do Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích chịu trách nhiệm in ấn ROMA - 2000. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần phiên dịch để tham khảo. http://vietcatholic.net/phungvu/Quychemisa.htm

3) General Instruction of the Roman Missal (GIRM 2000) http://www.usccb.org/liturgy/current/revmissalisromanien.shtml Copyright © 2003, United States Catholic Conference, Inc., Washington, D.C. All rights reserved

4) QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA . Viết tắt: QCTQSLR 1974, và GIRM 74. Trích từ ấn bản mẫu lần hai, do Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích chịu trách nhiệm in ấn ROMA - 1974. Bản anh ngữ General Instruction of the Roman Missal (GIRM)

5) Sách Lễ Roma, Nghi Thức Thánh Lễ Viết tắt: SLR 2002. Trích Sách Lễ Rôma, năm 2002. Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005 (Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006)

6) Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ (Instructio de Musica in Sacra Liturgia) của Thánh Bộ Lễ Nghi, ban hành Ngày 5 tháng 3 năm 1967. Viết tắt: HTAM http://www.thanhnhacngaynay.net/default_files/bai/01_qluat/01_vkghoi/101_huan_thi.html

7) Sách Giáo L‎‎ý Công Giáo Viết tắt: GLCG. Mục 3 về Phép Thánh Thể http://www.giaoly.org/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=92

8) Josef Jungmann, SJ The Mass of the Roman Rite (reprint 1986)

9) Music in Catholic Worship. Viết tắt: MCW. của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (United States Conference of Catholic Bishops).
http://www.usccb.org/liturgy/current/musiccathworship.shtml

10) Sing To The Lord, Music in Divine Worship của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, November 14, 2007 Copyright © 2007, United States Conference of Catholic Bishops. All rights reserved. Viết tắt: STL

11) Cardinal Joseph Ratzinger, Feast of Faith, translated by Graham Harrison. (San Francissco: Ignatius Press, 1981) Viết tắt: FOF.

12) Cardinal Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, translated by John Saward. (San Francissco: Ignatius Press, 2000). Viết tắt: TSOTL

13) Hướng Dẫn Về Ca Nhạc Trong Thánh Lễ của Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, ĐGM Tod D. Brown ban hành ngày 6 tháng 10, năm 2005 http://www.calendi.com/thanhnhac/uploaded/nguyenlamson/MusicGuidelinesinVietnamese101105.pdf

14) Kinh Thánh Tiếng Việt Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vietbibl.htm