Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tuy nhiên, trong năm nay một tình huống đặc biệt chưa từng có đã xảy ra. Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em, ngày 25 tháng Hai, tức là đúng một tháng trước Tuần Thánh, các cánh cửa của Đền Thờ Thánh Mộ tại Giêrusalem đã bị khóa lại nhằm phản đối “một chiến dịch sách nhiễu có hệ thống chống lại các Giáo hội và các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa, và vi phạm thô bạo thoả ước Nguyên Trạng”. Hôm Chúa Nhật 25/2, thông báo của các nhà lãnh đạo của ba Giáo Hội chịu trách nhiệm coi sóc Đền Thờ Thánh Mộ, đã được dán phía trước lối vào Đền Thờ, nay đã bị niêm phong.
Bộ du lịch Do Thái ghi nhận hàng loạt vé máy bay đến Thánh Địa cũng như việc giữ chỗ phòng khách sạn đã bị hủy bỏ chỉ trong mấy ngày xảy ra những căng thẳng này.
Trước tình hình đó nhiều người âu lo con số khách hành hương đến Thánh Địa sẽ rất ít.
Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật Lễ Lá 25 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Giám Quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem, cho biết con số người tham dự buổi rước lá từ núi Oliu về thành Giêrusalem rất khả quan:
Ngài nói:
“Không một Kitô hữu nào tại dải Gaza xin được giấy phép của chính quyền Israel để đến Giêrusalem trong dịp này. Trừ ra điều đó, chúng ta có thể hài lòng vì số những người hành hương từ các nơi trên thế giới đến được Giêrusalem là rất khả quan.”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong số những người hành hương đến được Giêrusalem cũng có một đoàn hành hương của người Việt Nam chúng ta do cha Giuse Nguyễn Trọng Tước tức là linh mục nhà văn Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn.
Trong một video trước đây, VietCatholic đã trình bày các hoạt động của đoàn hành hương Việt Nam trong ngày lễ lá.
Trong chương trình này chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em sinh hoạt của đoàn hành hương Việt Nam trong ngày thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ Thánh Mộ.
Kính thưa quý vị và anh chị em
Lúc 8h sáng thứ Năm 29 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa chung quanh Edicule, tức là phòng nhỏ bao quanh mộ Chúa, do đoàn hành hương Việt Nam quay được.
Sau cuộc rước này, cha Giuse Nguyễn Trọng Tước đã cử hành thánh lễ cho đoàn hành hương Việt Nam ngay trong Edicule.
Không phải người hành hương nào đến Giêrusalem cũng có may mắn bước vào trong Mộ Thánh.
Thật vậy, theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.
May mắn là năm nay Tuần Thánh của Chính Thống Giáo theo lịch Julian diễn ra một tuần sau Tuần Thánh của Công Giáo theo lịch Gregorian. Cho nên, các Giáo Hội Chính Thống và Armenia Tông Truyền không sử dụng đền thờ trong những ngày này.
Edicule quá nhỏ cho nên quý vị và anh chị em có thể thấy các anh chị em trong đoàn hành hương thay phiên nhau vào kính viếng ngôi mộ.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Nhân đây Kim Phượng và Thúy Nga cũng xin trình bày một vài nét về Nhà thờ Thánh Mộ.
Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha (hay còn gọi là đồi Can Vê nơi Chúa Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá). Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.
Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.
Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.
Theo dòng lịch sử, Giêrusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị tấn công 52 lần, và bị chiếm và tái chiếm lại 44 lần. Số phận của ngôi nhà thờ này cũng trôi nổi theo những thăng trầm của thành Thánh Giêrusalem.
Ngôi nhà thờ mà chúng ta thấy hiện nay đã được tái thiết từ đống tro tàn vào thế kỷ thứ 12.
Thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, quy định rằng Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.
Thỏa ước cũng quy định một điều trái khoáy là việc giữ chìa khoá nhà thờ được trao cho 2 gia đình Hồi Giáo.
Ngày nay, nhà thờ này cũng được dùng làm trụ sở Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Giêrusalem.
Một phần quan trọng nhất trong nhà thờ này là 5 chặng cuối trong 14 chặng Đàng Thánh Giá, và Bàn Thờ Thánh Nữ Maria Mađalêna theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu đã gặp thánh nữ sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cuộc đi đàng Thánh Giá do các Hiệp Sĩ Thánh Mộ, tức là các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô tại Giêrusalem, chủ sự diễn ra lúc 11 giờ sáng sẽ kết thúc với 5 chặng bên trong nhà thờ này.