NẮNG XUÂN

Người ta thường nói “đẹp như mùa xuân”. Phải chăng mùa xuân đẹp hơn các mùa khác bởi nó mang sắc thái của sự sống, với ngàn muôn hương sắc, chồi non nẩy lộc, chim ca én lượn, nắng xuân phơi phới… Xuân mới, không chỉ là mới của đất trời, nhưng còn là mới của lòng người, như lời Đức Tổng Giuse nói cùng chủng sinh Hà Nội trước khi về quê hương ăn tết: “xuân mới của lòng người là xuân của yêu thương, phục vụ, trao ban cho nhau tình yêu, tình người, tình Chúa”.

Ngày xuân là dịp để mọi người đi xa trở về xum họp cùng gia đình, để nghỉ ngơi sau những tháng ngày miệt mài vất vả, sau mùa vụ bận rộn... vì thế ngày xuân thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá truyền thống, lễ tết, lễ hội, những phong tục tập quán mang nét đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến với bản Mường trong dịp Tết cổ truyền, ta sẽ được thưởng thức những món ăn rất đặc trưng dân tộc như món cá chua kho, thịt Trâu khô, hoa chuối rừng, rượu cần…; đươc tham dự những ngày lễ hội kéo dài như lễ hội Pồn pôông (hình thức nghệ thuật tổng hợp), thổi khèn, nhảy múa; những trò chơi dân gian như ném Pao…

Bản Đồi Vàng nằm thoai thoải trên ngọn đồi thuộc họ đạo Sỳ, xứ Mường Riệc, xã Mỹ Thành, Lạc Sơn, Hoà Bình. Không khí lạnh kéo dài, những cơn mưa phùn càng làm cho thời tiết miền núi trở nên buốt giá hơn. Đường lên dốc Bản trơn lầy; lác đác bên lưng đồi những ngôi nhà sàn đang toả làn khói ấm áp của ngày ba mươi tết, như để xua đi từng đợt gió lạnh đang quất vào vách nứa và mái lá.

Chúng tôi rẽ xuống ngõ dốc nhỏ dẫn vào ngôi nhà sàn đơn sơ, bên bếp lửa bập bùng giữa nhà, một ông cụ đang ngồi sưởi ấm.

- Chào cụ, bếp lửa ấm quá, chắc cụ đang nấu bánh chưng ạ?

- Chẳng có gạo mà nấu!

- Nhưng hôm nay đã là ngày ba mươi tết?

- Gạo ăn cũng hết, nhà có hơn sào ruộng ?

- Thế gia đình cụ có thịt ăn mừng tết chưa ạ ?

- Chưa, đợi thằng con đi làm ở Ninh Bình vẫn chưa về !

- Tết này cụ bước sang tuổi tám mươi chưa ạ?

- Tôi được 67 tuổi !

- Vâng, trông cụ vẫn còn khoẻ !

- Tôi vẫn đi lấy củi, bà nhà tôi vẫn đi làm mướn để lấy tiền mua gạo!

- Sàn nhà và vách nứa trống trải quá gió lùa có lạnh không ạ ?

- Lạnh lắm, nhưng đã có bếp lửa !

- Chiều nay nhà xứ có lễ 3 giờ, lễ xong mời cụ vào nhà xứ chúng cháu biếu cụ cái chăn bông và hai cân gạo, tối nay gói bánh chưng có kịp không ạ?

- Vẫn kịp, người Mường ăn tết sau người kinh một ngày, mai mới là ngày 30 tết.

- Cháu gửi cụ lọ dầu gió và ít thuốc cảm cúm, khi dùng cụ bảo đứa cháu đọc hướng dẫn cách dùng.

- Nó không biết chữ, học ba tháng lớp xoá mù chữ thày giáo Thuấn dưới nhà xứ dạy cũng chưa đọc được. Cha xứ xin cho nó tiền trợ cấp nhưng nó bỏ học lâu quá rồi.

Cụ còn nhớ tên thánh không ? khi ăn cơm cụ có làm dấu không ? Cụ có thuộc kinh nào không ? Thi thoảng cụ có xuống nhà thờ xứ đi lễ không ?… Làm sao có thể hỏi tiếp cụ những câu hỏi như thế ? làm sao có thể trách cụ cũng như những con người nơi đây rằng họ thật khô khan và lười biếng, trong khi chính chúng ta lại không đặt bước chân đến với họ ?

Cách mạng thắng lợi lâu rồi, Đảng sẽ cho ta mùa xuân ấm no, hạnh phúc?!...

Tạm biệt Đồi Vàng, một cái tên nghe thật sang, nhưng nó không phải là một mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, chẳng có nhánh lan rừng, chẳng có sương mờ, chim hót, hoa mai hoa đào nở; cũng chẳng thấy lễ hội, hát múa, rượu cần thâu đêm… Nhưng có lẽ Đồi Vàng sẽ là mảnh đất mầu mỡ đầy hứa hẹn cho những hạt giống tình yêu, tình người, hạt giống đức tin gieo vãi; mảnh đất đang khao khát chờ đợi những bước chân rao truyền chân lý.

Dưới chân đồi trời bắt đầu mưa nặng hạt, sau cơn mưa thời tiết sẽ ấm dần và ngày mai, mong nắng xuân sẽ trải khắp bản đồi cho xứng với cái tên Đồi Vàng.