Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (23)

221. Người mẹ: nhà giáo dục tuyệt vời nhất!

Trên đời nầy, một trong những sự nghiệp cao quý nhất, là sự nghiệp của người mẹ.

Nhà họa sĩ vẽ cái đẹp lên bức tranh, nhà điêu khắc chạm vẻ đẹp trên đá gỗ, nhà văn sĩ, nhà thi sĩ diễn cái đẹp ra trong lời nói, nhà nhạc sĩ ghi cái đẹp ra trong nốt nhạc, còn người mẹ tạo nên những con người đẹp đẽ, tạo nên lịch sử tốt đẹp của loài người.

Một nhà giáo dục danh tiếng kia hỏi một bà góa:

- “Bà có 10 đứa con. Khi chồng chết, đứa con lớn nhất của bà chưa đầy 15 tuỗi. Khi chồng bà chết, tiền của trong gia đình của bà lúc đó rất eo hẹp. Vậy sao bây giờ, các con trai của bà đều làm nên sự nghiệp, các con gái bà đều sống hạnh phúc vui vẻ. Cứ sự thường, giữa bao nhiêu khó khăn, buổn phiền, đau khỗ, túng thiếu như vậy, tôi chắc bà đã phải thất vọng nhiều lần lắm chứ?”

Bà góa nầy trả lời đơn sơ: “Tôi tin vào Chúa. Tôi cầu nguyện với Chúa. Tôi thấy tôi phải tu chỉnh đời mình, phải cải tạo đời sống tôi cho đạo đức hơn, phải tập cho có nhiều đức tính. Nnói tóm lại, tôi phải tự sữa mình.”

Nhà giáo dục kia hỏi tiếp:

- “Thế bà có làm gì khác nữa không, mà con cái bà nên tốt như vậy?”

Bà góa nầy cũng trả lời lại một cách đơn sơ:

- “Tôi tự cố gắng sửa mình, tôi cố gắng nên tốt, và tôi cũng không ngờ rằng con cái tôi cứ bắt chước tôi mà tốt theo lên.”

Bà góa nầy, người mẹ nầy truyền những đức tính tốt cho các con trai con gái của bà. Bà truyền mà bà không biết. Và bà nầy cũng không biết mình là một nhà giáo dục tuyệt vời nhất, một nhà giáo dục hết sức vĩ đại, đã tạo cho con cái mình có những đức tính và sức mạnh cần thiết để chúng trở nên những con người đáng phục.

222. Bí quyết thắng trận của đại tướng Eiseinhower

Bí quyết nầy nằm trong câu bí mật mà đại tướng có lần đã tiết lộ: “Trù tính tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất, rồi đánh kịch liệt.”

Tôi thấy bí quyết nầy của đại tướng Eiseinhower thật thấm thía: nhiều khi đại sự của chúng ta thất bại vì những chi tiết nhỏ mà chúng ta không chịu lưu ý. Tôi xin đan cử một ví dụ: chúng ta dùng người cho mục đích tốt của chúng ta, nhưng nếu có một vài cộng sự viên của chúng ta ăn nói thô lổ, thái độ thô bạo, thì đại sự của chúng ta có thể vì thế mà bị hỏng.

Người lãnh đạo không nên tỉ mỉ, không nên để tâm quá mức vào những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng không một chi tiết nhỏ nhặt nào có thể qua mặt được người lãnh đạo.

223. Hãy làm thay Chúa!

Sau khi cuộc thế chiến lần thứ hai kết thúc, có một toán lính đồng minh đi giúp những người dân xây dựng lại cuộc sống trên đống gạch hoang tàn đổ vỡ. Họ làm lại nhà cửa cho dân.

Sau khi làm nhà cửa cho dân chúng xong rồi, họ quyết định sửa lại ngôi nhà thờ trong làng. Nhưng đến khi dựng tượng Chúa thì toán lính không tìm đâu ra hai bàn tay của pho tượng đã bị bom đạn cắt cụt.

Thấy toán lính của mình tìm kiếm suốt một ngày trong đống gạch đá mà không thấy gì, viên sĩ quan ra lệnh dừng lại và cho phép dựng bức tượng Chúa cụt tay lên ngay.

Sau khi dựng bức tượng lên, viên sĩ quan dạy ghi lại một hàng chữ dưới bức tượng như sau: “Dân làng sẽ thay Chúa làm những công việc mà đáng lẽ hai bàn tay Chúa sẽ làm.”

Vì không thể nào làm được gì hơn cho bức tượng nầy, viên sĩ quan đã đưa ra lời như trên. Không ngờ, lời nầy dạy cho dân làng một bài học quá hay: tay Chúa toàn làm những việc yêu thương, tay Chúa đưa lên để tha tôi, tay Chúa đưa ra để ôm lấy những ai đau khổ, tay Chua nâng lên những ai ngã quỵ, tay Chúa chúc lành cho mọi người, không trừ ai, ngay cả kẻ thù của Ngài.

Không những dân làng đó, mà bạn và tôi cũng phải ghi khắc câu nầy trong trái tim: “Giờ đây, hãy thay Chúa mà làm những công việc của hai bàn tay Chúa đã làm!”

224. “Nầy anh yêu dấu, tôi tha cho anh nhé!”

Năm 1936, một linh mục Tây Ban Nha bị quân nghịch đạo dẫn đi giết. Khi đến gần nơi xử bắn, ngài hỏi họ:

- “Ai trong các anh là người sẽ đứng ra bắn chết tôi?”

Một tên nghịch đạo hách dịch nói:

- “Chính ta.”

Linh mục Tây ban Nha nầy liền mĩm cười, âu yếm nhìn anh ta và nói:

- “Nầy anh yêu dấu, tôi tha cho anh nhé!”

225. “Tôi tìm được thiên đàng!”

Lúc bấy giờ, quân Hồi giáo lan tràn khắp nước Tây Ban Nha. Một người công giáo bị quân Hồi giáo bắt. Họ giam chàng dưói hầm sâu và trói chàng trong một cột đá.

Khi chàng chết, người ta thấy nơi cột đá có khắc hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh và có câu: “Tôi tìm được thiên đàng.”

Giữa muôn vàn đau đớn vì đức tin, chàng tin chắc Chúa Giêsu chịu đóng đinh sẽ đem chàng về trời.

226. Một hình ảnh của loài người vô ơn đối với Chúa Cứu Chuộc

Để nói lên sự vô ơn của loài người đối với Chúa Giêsu, thánh Anphongsô dùng một tỷ dụ sau đây.

Có một con trùn sắp chết vì nó nằm trên đống đất bùn khô, thiếu nước cho nó sống.

Vua đi ngang qua, thấy vậy, động lòng thương, truyền đi kiếm nước cho con trùn nhưng kiếm không có nước. Vua liền cho máu mình chảy ra để tưới đám bùn khô đó cho ướt hầu cứu sống con trùn. Nhờ vậy, con trùn được sống. Về phần vua, vì máu ra quá nhiều, nên vua phải chết.

Sau khi vua chết, con trùn lên tiếng ngạo mạn, mắng chửi vua thậm tệ.

Đó là một hình ảnh vô ơn của loài người đối với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc của họ.

227. Cái ngạo mạn của tàu Titanic: “No God! No Pope!”

Ngày 10/4/1912, nhiều kẻ vô thần và nhiều kẻ giàu sang không tin Chúa lấy làm sung sướng và hãnh diện vì họ đã đóng xong một chiếc tàu thủy lớn nhất thế giới: trọng tải 56.000 tấn, chứa được 2201 hành khách, dài gần 100 thước, ngang 21 thước.

Nơi mạn tàu của con tàu Titanic nầy – tên họ đặt cho con tàu - họ cho đề những câu rất ngạo mạn: Ngay cả ông Kitô cũng không thể làm chúng ta chìm! - Dù trời dù đất cũng không thể làm chìm tàu chúng ta được! - Đả đảo Thiên Chúa (No God!)! Đả đảo Giáo Hoàng (No Pope!)!

Tàu nhổ neo tại Ái-Nhĩ-Lan với ý định vượt biển Đại Tây Dương mà qua Mỹ.

Tàu đi bốn ngày ngon lành: hân hoan, tiệc tùng, vui chơi trên tàu!

Bổng đêm 14, rạng ngày 15/4/1949: rầm rầm, tàu đâm vào một tảng băng tuyết lớn, từ trên Bắc Cực trôi về.

Tàu chìm lần lần trong vòng hai giờ bốn mươi phút.

Mọi cái trên con tàu “ngạo mạn” nầy đều mất hết và chìm xuống tận đáy biển sâu.

Về số phận những hành khách trên con tàu “không có Chúa, không có Giáo Hoàng” nầy: trong số 2201 người, người ta chỉ cứu được 451 người, còn 1750 người phải chết tất tưởi trong hoảng sợ kêu la, tuyệt vọng!

Không tin có Chúa, con tàu đời của chúng ta sẽ thế nào nhỉ!

228. “Tôi chỉ làm vì Chúa!”

Bác sĩ Cronin kể câu chuyện của mình trở lại với Chúa như sau.

Khi làm việc trong một bệnh viện, ông thấy một cô y tá rất tận tâm, rất yêu người bệnh, hầu như đêm nào cô cũng thức thật khuya để lo cho bệnh nhân. Dù vậy, ông biết rằng tiền lương của cô rất ít, chỉ vừa đủ để sống thôi.

Ngày kia, gặp cô y tá nầy, ông đề nghị:

- “Cô có công nghiệp lắm! Rất đáng được tăng lương.”

- “Tiền lương của tôi như vậy cũng đủ rồi.”

- “Nhưng cô đáng được nhiều hơn nữa. Chúa biết cô có nhiều công nghiệp.”

- “ Nếu Chúa biết … thì tôi còn muốn gì hơn nữa. Tôi chỉ làm vì Chúa!”

Và bác sĩ Cronin thú nhận:

- “Nghe cô nói như vậy, tôi rất cảm phục.Tôi thấy tâm hồn tôi bừng sáng lên. Tôi thấy cô y tá nầy có một tâm hồn quá cao trọng, còn tôi thì quá nghèo nàn. Và nhờ thế, tôi đã trở lại với Chúa.”

229. Luôn nhớ cầu nguyện cho kẻ có tội trong nơi mình ở

Bà thánh Mađalêna Pazzi không để trôi qua một giờ nào mà không cầu nguyện cho các linh hồn người tội lỗi. Bà than thở:

- “Lạy Chúa, con đau đớn khi con thấy con có thể có ích cho các linh hồn bằng cách hiến thân cho họ, nhưng con lại không thể làm được.”

Vì thế, trong các giờ thiêng liêng, bà luôn nhớ cầu nguyện cho kẻ có tội, và không co giờ nào trôi qua mà bà không trình lên Chúa những người tội lổi trong nơi bà ở.

230. “Con xin cám ơn Chúa….Amen!”

Một vị giám mục già kia mang ba bệnh: đui, đíếc và bại.

Những ai đến thăm ngài thì được nghe ngài nói:

- “Cha đau thật nhưng cha có một lời cầu nguyện làm cho cha được an ủi: Lạy Chúa, con đui, con xin cám ơn Chúa. Lạy Chúa, con điếc, con xin cám ơn Chúa. Lạy Chúa, con bại, con xin cám ơn Chúa. Amen!”