Độc quyền về từ ngữ

Bình luận của Tiến sĩ Farish A Noor, một nhà nghiên cứu chính trị và sử gia tại Zentrum Moderner Orient (Bá linh,) và là một trong những người sáng lập website nghiên cứu www.othermalaysia.org

Khi viết bài này, tôi đang ở Cairo cùng với nhóm bạn bè tôi người Ai cập. Họ theo đạo Hồi, đạo Công giáo. Lễ Eid qua rồi và tôi tham dự nhiều bữa tiệc tùng nơi người Hồi giáo và người Công giáo theo nghi lễ Copt cùng chung vui, thăm viếng nhau qua lại và ăn uống no say. Lễ Giáng sinh qua ngay sau đó, lại một lần nữa người Hồi giáo, Công giáo cùng nhau tham dự những bữa tiệc tùng ăn uống chúc mừng nhau. Tất cả đều giản dị là điều sảng khoái đến độ khó tin, nhưng là chuyện có thật, đời là như vậy đối nhiều người ờ Cairo đây, cái nôi của nền văn minh và quê hương của hơn 20 triệu người Ai cập thuộc đủ mọi thành phần.

Điều gây ấn tượng nhất đối với một người đứng ngoài để quan sát như tôi – nhưng đối với chính những người Ai cập lại là chuyện tầm thường – là trong tất cả những lễ hội này, từ lễ Eid của người Hồi giáo và lễ Giáng sinh của người Công giáo, từ “Allah” được dùng để chỉ đấng tối cao và linh thánh, đó là Thượng Đế, là Thiên Chúa. Người Công giáo cũng như người thuộc giáo hội Copt ở đây trong đời sống thường ngày, ở bất cứ chỗ nào, thường thốt lên những từ ngữ như ‘Masha-allah’, ‘Wallahi’, ‘ya-Rabbi’, ‘Wallah-u allam’, và dĩ nhiên cả ‘Allahuakbar’ nữa.

Người tài xế taxi theo giáo hội Copt hét lớn: ”Chúa Allah, đậu xe như vậy mà được hay sao?” khi tránh chướng ngại vật phía trước. Người chủ tiệm Công giáo than vãn: ”Ôi Allah, ôi Allah! Bà trả giá tôi chiếc khăn choàng này chỉ có 2 đồng hả? Wallahi, má tôi mà nghe vậy chắc bả chết được! Ya Rabbi, ya Rabbi!”

Vậy mà lúc này đây, tại Malaysia (Mã lai á) một chuyện tầm thường lại được hâm nóng thành vụ tai tiếng mà chẳng có lý do: Tờ báo Malaysian Catholic Herald do người Công giáo ấn hành cho tín đồ Công giáo trong nước được thông báo cho biết sẽ không được xuất bản bằng tiếng Mã lai nếu vẫn cứ dùng từ ngữ “Allah” trong các ấn bản để chỉ Thiên Chúa.

Tệ hại hơn nữa, Thứ trưởng Nội An Johari Baharum mới đây tuyên bố: “Chỉ có người Hồi giáo mới được phép dùng từ Allah” với lý do bên ngoài mặt rằng “Allah” là một từ ngữ Hồi giáo. Thật khó mà tưởng tượng được cái lý luận đáng ngạc nhiên của một điều quyết đoán như thế, nó nói lên đầy đủ sự dốt nát của cá nhân ông Thứ trưởng về văn hóa, lịch sử Hồi giáo và giáo lý cơ bản về chính Hồi giáo nữa.

Đầu tiên, từ “Allah” đã có trước ngày tiên tri Mohamet được khai ngộ và trước thời đại Hồi giáo. Trong thực tế, người Kitô giáo đã dùng từ ngữ này lâu trước khi có người Hồi giáo nữa. Hơn thế, từ này là một từ Ảrập, và do đó chung cho mọi người, mọi nền văn hóa và xã hội nơi có người nói tiếng Arập và các thổ ngữ, và được hàng triệu người nói tiếng Arập hiểu là dùng để chỉ Thượng đế, không gì khác.

Người ta cũng có thể nói thêm rằng “Allah” là một từ Arập và do đó có liên hệ tới sự phát triển và biến thái của ngôn ngữ và văn hoá Arập nhiều hơn là đối với Hồi giáo. Thật khó mà hiểu được rằng làm cách nào mà một tôn giáo lại có một ngôn ngữ để gọi là ngôn ngữ riêng của tôn giáo mình, vì ngôn ngữ phát xuất từ bối cảnh xã hội, không phải từ một hệ thống niềm tin. Nếu có ai đó trung thành được với lý luận xiên xẹo của ông thứ trưởng, thì có thể cho rằng ngôn ngữ của Thiên Chúa giáo (nếu đạo này có một ngôn ngữ chăng) là tiếng Aram, hoặc có lẽ là tiếng Latinh.

Giải thích của ông thứ trưởng không những chứng minh sự hiểu biết nông cạn của ông về văn hóa Hồi giáo và không biết phân biệt rạch ròi giữa văn hóa Arập và thần học Hồi giáo, nhưng còn chứng tỏ chính ông thiếu hiểu biết về lịch sử người Mã lai là những người – cũng như bao dân tộc không phải là Arập – chỉ cải đạo theo Hồi giáo mãi sau này từ thế kỷ 13 trở đi.

Một trong những bằng chứng chứng tỏ thời gian sớm nhất đạo Hồi tới quần đảo Mã lai là những bảng chữ khắc trên đá được phát hiện tại các bang Mã lai như Pahang, trên đó ý niệm về Thượng đế được diễn tả bằng các từ ngữ Sankrit ‘Dewata Mulia Raya’. Lúc đó không có người Mã lai nào nói hay hiểu được tiếng Arập, nên dĩ nhiên những người Mã lai theo đạo Hồi sớm nhất đó tiếp tục dùng ngôn ngữ ảnh hưởng của Sankrit. Chắc chắn là không phải vì thế mà họ kém đi, không phải là người Hồi giáo?

Chuyện om sòm do kết quả lời đe dọa không cho phát hành ấn bản bằng tiếng Mã lai của tờ báo Christian Herald do đó bắt buộc những nhà quan sát phải đặt một câu hỏi giản dị: Tại sao vấn đề này lại bỗng nhiên nổ ra trong khi từ ngữ Allah đã được dùng từ rất lâu mà không ai lên tiếng phản đối ? Vào lúc mà chính phủ Mã lai đã bị chỉ trích kịch liệt do kết quả của các cuộc chống đối của người Mã lai theo Ấn giáo, tố cáo rằng họ vẫn còn nằm ở nấc thang kinh tế cuối chót mặc dù đất nước đã được độc lập cả 50 năm, nay thì dường như chính quyền Mã lai chưa đủ tai tiếng xấu hay sao.

Chính phủ của Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi khi lên cầm quyền có hứa rằng sẽ đề cao một loại hình Hồi giáo riêng có tính cách ôn hòa và đa nguyên, tôn trọng các nền văn hoá và tôn giáo khác. Tuy nhiên, theo với thời gian, công luận Mã lai – lúc đầu là người theo Ấn giáo và nay thì người Kitô hữu – cảm thấy cần thiết phải phản đối những điều họ coi là bất công, đối xử phân biệt và đề cao một nhãn hiệu Hồi giáo đặc biệt có tính áp chế và chia rẽ. Điều lố bịch cuối cùng cho câu chuyện không đâu là vấn đề tên của Thượng Đế, cho biết viễn kiến to lớn của Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi về một Hồi giáo ôn hòa đã chạm phải những tảng đá và nay đang chao đảo.

Các bộ trưởng và thành phần ưu tuyển của chính quyền này muốn lấy lại hướng đi thì phải có một thái độ cởi mở cho các vấn nạn. Nhưng điều rõ rệt là một số bộ trưởng phải học hỏi để có kiến thức căn bản về chính tôn giáo của mình trước đã.