VÂNG LỜI CHÚA, CON SẼ THẢ LƯỚI”

HẢ NỘI -- Đó là khẩu hiệu các tân linh mục giáo phận Hà Nội thuộc khóa VIII Đại Chủng Viện Thánh Giu-se chọn làm phương hướng sống cho mình, mà mọi người có thể đọc thấy trên tấm phông căng trên khán đài sáng ngày 20 tháng 12 năm 2007 – là ngày truyền chức linh mục cho 18 ứng viên. Một câu nói vắn tắt của thánh Phê-rô ngày xưa trước yêu cầu của Đức Giê-su, yêu cầu ngài ra khơi lần nữa để đánh cá sau cả đêm thất bại (đọc tin mừng thánh Luca 5,1-11).

Câu nói, tuy vắn tắt, nhưng tóm tắt tất cả những gì sẽ được thể hiện và quảng diễn trong thánh lễ hôm nay.

Trước hết, công tác hay nhiệm vụ chính yếu của các linh mục cũng là “thả lưới” nhưng không phải để bắt cá hay bắt bất cứ gì, mà chủ yếu là mời gọi và đưa mọi người tham gia vào “lưới” Nước Trời, chia sẻ hạnh phúc của những người con Thiên Chúa – anh em với Đức Giê-su Ki-tô. Công tác hay nhiệm vụ này của các linh mục thường được thể hiện qua việc thông ban ơn Chúa nhờ các bí tích. Việc các ứng viên được giám mục xức dầu vào lòng bàn tay và lấy tay chạm vào chén dĩa thánh là những dấu hiệu diễn tả công tác hay nhiệm vụ ấy.

Tuy nhiên, hơn ai hết, các linh mục hiểu rõ sự giới hạn của mình so với nhiệm vụ cao cả ấy. Vì thế, các vị không những nhờ đến sự nâng đỡ của các linh mục đàn anh, sự chỉ dạy của đức giám mục, mà còn cầu viện tới cả các thánh trên trời và nhất là Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi khả năng và sức mạnh để chu toàn sứ mạng. Những ý hướng này được gói ghém qua cử chỉ đặt tay và hôn chúc của đức giám mục, của các linh mục đàn anh, đặc biệt qua kinh cầu các thánh và nhất là lời kêu mời Chúa Thánh Thần ngự đến xức dầu thánh hiến các linh mục. Cộng đoàn đã quen thinh lặng khi cử hành thánh lễ, nhưng dường như vào đúng giây phút các ứng viên nằm úp mặt xuống đất hát kinh cầu các thánh, cộng đoàn càng thinh lặng sâu hơn nữa, như để hiệp thông với ý thức về giới hạn của phận người mà từng ứng viên đang nghiệm cảm.

Đáng tiếc là lưới mà các tân linh mục sẽ thả hôm nay lại rơi vào một vùng nước không mấy dễ chịu. Vùng nước của biết bao hệ tư tưởng và những giá trị không chỉ khác lạ mà còn hoàn toàn ngược với Tin Mừng. Vùng nước của biết bao nhân tâm không chỉ cằn cỗi khô khan mà còn đen sì những tội lỗi và những khuynh hướng bạo tàn. Ngay đầu thánh lễ các linh mục tương lai đã được nhắc nhở về sự thật đáng buồn ấy, bằng cách cùng với các tu sĩ và đông đảo giáo dân rước tượng Đức MẸ Sầu Bi (‘la Pietà’) vào số 42 Nhà Chung, nguyên là Tòa Khâm Sứ của giáo phận Hà Nội, đã bị Nhà Nước trưng dụng từ những năm 50 thế kỉ trước và đến nay vẫn chưa bàn giao để giáo phận biến thành nơi làm việc hay đào tạo cho Giáo Hội. Những phút tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi ấy, được lặp lại khi kết thúc thánh lễ, sẽ khắc ghi vào tâm trí các linh mục ý thức mình đang “thả lưới” trong vùng nước nào, hầu nỗ lực nhiều hơn và cầu nguyện nhiều hơn. Nhạc nền của đoàn rước này là Kinh Hòa Bình và kinh dâng giáo phận cho Đức Mẹ nhằm cho thấy phương thức và thái độ làm việc của các linh mục tương lai luôn luôn là hòa bình và nhân ái như chính Đức Mẹ và thánh Phan-xi-cô, ngay cả khi phải thả lưới trong vùng nước xoáy.

Cũng chính vì ý thức hoàn cảnh thi hành nhiệm vụ của người linh mục hôm nay là hoàn cảnh không luôn luôn thuận lợi, nên không linh mục tự tiện dám ra khơi và tung lưới, khi chưa được Chúa sai đi, khi chưa được Giáo Hội bổ nhiệm. Các linh mục sẽ không bao giờ quên điều đó, nên mới mở đầu câu nói của mình : “Vâng lời Chúa”. Chỉ khi được Chúa sai đi và cũng chỉ khi làm theo chỉ dạy của Chúa, chỉ khi được Giáo Hội bổ nhiệm và cũng chỉ khi làm theo hướng dẫn của Giáo Hội, các tay chài mới bảo đảm không những thu hoạch được nhiều thành quả, mà còn bảo toàn được chính sự nghiệp và bản thân con người mình. Ý thức này cũng được diễn tả qua việc từng ứng viên đến bày tỏ lòng thần phục của mình đối với Giáo Hội khi vừa đặt hai tay mình vào giữa hai tay của đức giám mục vừa tuyên thệ tùng phục ngài.

Đúng là câu nói “Vâng lời Chúa, con sẽ thả lưới” đã tóm tắt được gần hết ý nghĩa và các diễn biến trong thánh lễ truyền chức cho 18 linh mục trẻ thuộc giáo phận Hà Nội hôm nay. Ước chi câu nói đó cũng trở thành phương châm sống cho hết mọi ki-tô hữu trong Năm Mới này.