Khi một giáo hoàng đến từ Trung Hoa

Trong thời gian qua đã có giả thuyết là ĐGH Bênêđictô XVI hy vọng có cơ hội đến Trung Hoa trong tương lai. Bài viết sau đây đưa ra một giả thuyết ngược lại: một vị giáo hoàng có thể đến Rôma từ Trung Hoa. Bài viết do ông Paul Badde, một thông tín viên ở Rôma của tuần báo Đức ngữ Die Welt, được viết vào tháng 3 năm 2005, trước khi ĐGH Gioan Phaolô II từ trần. Ban biên tập không nghĩ rằng các vị hồng y sẽ bầu một giáo hoàng người Trung Hoa vào năm 2005, và bài viết này chỉ là một suy nghĩ thử về những hệ quả có thể xảy ra khi một vị giáo hoàng Trung Quốc được đắc cử. Hoàng Tam Biên xin chuyển dịch bài viết nhân dịp kỷ niệm biến cố 120 vị tử đạo tại Trung Hoa được Giáo Hội ghi tên vào sổ các vị hiển thánh vào 7 năm về trước, ngày 1-10-2000.

***

Trong nhiều tuần lễ, những đám mây đen nặng trĩu bay lơ lửng trên mái vòm ngất ngưởng của vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Thỉnh thoảng những làn chớp lại chiếu sáng hàng lan can ở mặt tiền ngôi thánh đường. Cơn mưa đã bắt đầu. Tuy vậy, hằng ngàn du khách vẫn tuốn về công trường Thánh Phêrô từ sáng hôm nay. Trước hết, họ phải qua những trạm kiểm soát nằm ở giữa những cột đá khổng lồ, cho các túi xách qua máy thăm dò. Bên trong vương cung thánh đường, gần những tượng thiên thần với đôi chân to lớn làm trụ chống đỡ bồn nước phép ở những cột trụ đầu tiên phía trong cửa chính, một nhóm du khách Tầu kinh ngạc, không phải khi họ nhìn thấy pho tượng Pietà danh tiếng của Michelangelo ở phía tay mặt, mà kinh ngạc vì thấy người ta nhúng tay phải vào bồn nước, rồi lấy tay đụng vào trán, vào ngực, rồi vào hai vai. Trong một khoảnh khắc, khu vực chung quanh bồn nước phép trở nên vắng vẻ, chỉ còn một người đàn ông với bộ tóc ngắn mầu xám cẩn thận tiến lại gần và làm dấu thánh giá giống y như vậy trên người.

Tại mỗi cửa nhà thờ ở Rôma đều có đồ đựng nước phép, và người Công Giáo nhúng ngón tay vào đó để rồi làm dấu thánh giá trên mình, nhắc lại bí tích thanh tẩy. Ở tiền đường của mỗi ngôi nhà thờ, nước này gợi nhớ lại sông Jordan, nơi đó người Do Thái phải đi qua trước khi đặt chân đến Đất Hứa sau khi lang thang ở sa mạc trong 40 năm trời.

Tôi hỏi một du khách: “Ông từ đâu đến?”

“Từ Trung Hoa.”

“Đài Loan hay lục điạ?”

Ông ta nhìn tôi với vẻ bất bình và nói: “Chỉ có một Trung Quốc. Đài Loan là một trong các tỉnh của chúng tôi.”

Liệu ông có phải là người Công Giáo? Ông ta không hiểu tôi muốn nói gì. Trước khi vội vã đi theo nhóm của mình, ông cười và bảo tôi: “Tôn giáo? Không. Không có. Không có tôn giáo nào cả!”

Gần đây khi theo dõi tin tức, tôi nhận thấy rằng lần đầu tiên nhiều người Trung Hoa bắt đầu thắc mắc: ai là ông giáo hoàng già nua mặc áo trắng ở Rôma mà khi bị bệnh đã gây bao nhiêu ồn ào trong giới truyền thông toàn cầu? Nghe nói đặc biệt là giới trẻ Trung Hoa đã đặt câu hỏi ấy. Những tin tức về sức khoẻ của ĐGH Gioan Phaolô II có ở nhiều website thông tin Trung Hoa, ngay cả trên Chinadaily là website chính thức của nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng đã trở về dinh thự của mình. Người ta nói rằng ngài đang phục hồi một cách tốt đẹp. Nhưng ai cũng biết rằng một ngày nào đó ngài sẽ không hồi phục nữa. Một ngày nào đó, ngài sẽ không còn bước lại bên cửa sổ mỗi Chúa nhật với lời chào "Carissimi fratelli e sorelle!" (“Anh chị em rất thân mến!”). Vì vậy, năm 2005 đã trở nên một năm đặc biệt cho ĐGH Gioan Phaolô II, khi công chúng biết thêm về tình trạng suy yếu của ngài.

Đối với cái nhìn của thế giới, một sự trọng đại cuối cùng đang đến với ngài, đó là đau khổ, mà dù trọng đại to lớn cũng không thể so sánh với những năm anh hùng của triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài có thể sống nhiều năm, nhưng không thể không chịu đau khổ.

Bây giờ, ai cũng chỉ biết rằng ngài cũng là người phải chết.

Vatican ngày 3/4/2005 sau khi ĐGH Gioan Phaolô II từ trần
Trong một phần tư thế kỷ, ĐGH Gioan Phaolô II đã gây nhiều chú ý đến chức vụ giáo hoàng một cách chưa từng có trong lịch sử. Nhưng một ngày nào đó, Gioan Phaolô II sẽ có một người kế vị.

Đức Giáo Hoàng chỉ cần ho một tiếng là guồng máy suy đoán trên thế giới bắt đầu vận hành. Nhưng các vị giáo hoàng gần đây luôn luôn là những người gây bất ngờ. Đó là một phần đặc tính của làn khói trắng, bay lên vòm trời Rôma từ ống khói của nhà nguyện Sistine sau khi có kết quả bầu cử. Người ta phải tưởng tượng rằng cuộc bầu cử giáo hoàng, bên dưới bức tranh Ngày Chung Thẩm của Michelangelo ở nhà nguyện Sistine, với một hồng y đoàn khôn ngoan, già nua, là một tiến trình dân chủ nhất thế giới, không thể tìm ra ở nơi khác.

Không ai có thể kiểm soát cuộc bầu cử trước khi nó bắt đầu, cũng không ai có thể dùng mánh khoé để lèo lái cuộc bầu cử. Ở đây không có hai đảng với hai ứng cử viên cạnh tranh trong một cuộc vận động tranh cử. Nếu cuộc bầu cử bị “sai lầm,” hoặc quá nhút nhát, chính Thiên Chúa sẽ can thiệp. Khi ấy Thiên Chúa sẽ sớm gọi vị giáo hoàng đắc cử đáng thương về với mình và lại mang tất cả các hồng y về bên nhau ở Rôma, bất kể các vị không thích di chuyển như thế nào. Đó là cách Thiên Chúa làm đối với vị giáo hoàng tươi cười Gioan Phaolô I, và khi ngài qua đời, các hồng y đã bầu được vị giáo hoàng “thích hợp.” Khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla đắc cử giáo hoàng năm 1978, thành phố Krakow vui mừng hân hoan, còn điện Kremlin run sợ khi ngài bước ra ban công phía trên cửa chính của vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Do đó, không ai có thể dựa vào bất cứ chuyên viên nào về Vatican hoặc bất cứ nhà chiêm tinh nào để biết xem ai sẽ kế vị ĐGH Gioan Phaolô II. Chắc chắn là người kế vị ngài sẽ là một bất ngờ. Dù có ghé tai thật sát vào những cánh cửa niêm phong ở mật tuyển viện, tôi sẽ không thể nào tìm ra được ai là vị giáo hoàng sắp tới.

Vì vậy, những suy nghĩ sau đây không có ý đóng góp một lời đồn thổi mới hoặc một dạng mới của bao nhiêu suy đoán, nhưng chỉ là một bất ngờ có thể tiềm ẩn trong cuộc bầu cử giáo hoàng kế tiếp, mang lại một bất ngờ nữa cho thế giới. Đây chỉ là một suy nghĩ thử, dựa theo những sự kiện, theo một suy đoán đơn giản về những điều có thể xảy ra trong lịch sử khi có thể nói là các hồng y có một quyết định táo bạo nhất.

Công trường và đền Thánh Phêrô chụp từ vệ tinh
Nếu việc bầu ĐHY Karol Wojtyla làm giáo hoàng năm 1978 đã mang lại những hệ quả bất ngờ, thế giới cũng có thể trải qua những thay đổi tương tự sau cuộc bầu cử giáo hoàng sắp tới. Thế nhưng, để mang lại một bất ngờ cỡ đó, người kế vị Thánh Phêrô sắp tới phải là người không xuất phát từ Ý, Đức hoặc Mễ Tây Cơ, mà là một người Trung Hoa. Điều này nghe có vẻ lố bịch, vì sau các nước Hồi Giáo như Saudi Arabia, Trung Hoa ngày nay là một nước phi Kitô giáo nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Đây là một xã hội bị ý thức hệ cộng sản vô thần cai trị cả một nửa thế kỷ, và nay chủ nghĩa tư bản thị trường đang xen vào một cách nhanh chóng đến độ gây giật mình.

Một hình thức nô lệ trá hình đang phổ biến nơi đây. Gần các hầm mỏ, xưởng máy, lò gạch và công trường xây dựng, những trại dành cho di dân lao công đang phát triển, mà thông thường thì họ chỉ có một chọn lựa nghề nghiệp: trước hết là làm việc mà không có hợp đồng, rồi bị ràng buộc vì nợ nần, và cuối cùng thì bị vệ binh cầm giữ trong những doanh trại.

Những thiếu nữ và phụ nữ thì bị ràng buộc phải làm điếm hoặc bị bán cho đàn ông. Sự thiếu hụt phụ nữ là một hậu quả tai hại của chính sách một con của Bắc Kinh, được khởi sự dưới thời Đặng Tiểu Bình. Những nạn nhân hàng đầu là các bé gái, thường bị giết khi chào đời, một cách chủ động hoặc do cẩu thả.

Nếu họ chỉ được phép có một đứa con, người Trung Hoa chỉ muốn có con trai. Một đạo luật về dân số năm 2002 giới hạn số trẻ em một cách đáng kể. Luật này cho phép các cặp vợ chồng có một người con và cho một số cặp được mang thai đứa con thứ hai sau thời gian hai năm, nếu xin phép. Trong trường hợp họ mang thai một đứa con không có phép, họ phải nộp một thứ tiền phạt gọi là “bồi thường xã hội,” đôi khi gấp 10 lần lợi tức hằng năm của cha mẹ đứa trẻ.

Mỗi năm hằng triệu trẻ em cả nam lẫn nữ đã bị chết qua những vụ phá thai. Theo một báo cáo về nhân quyền của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, những vụ cưỡng bức phá thai hoặc cưỡng bức triệt sản xảy ra hằng ngày ở Trung Hoa.

120 vị tử đạo tại Trung Hoa
Các nhà thừa sai Kitô Giáo không được phép vào Trung Hoa, nơi mà lịch sử truyền giáo cho thấy một thất bại ngoại hạng dù rằng có những nhân vật tuyệt vời như cha Matteo Ricci hoặc ông Richard Wilhelm. Trong một thời gian dài, văn hóa Khổng Giáo của Trung Quốc đã gặp gỡ niềm tin vào một Thiên Chúa có ngôi vị của Kitô Giáo với một thái độ rất dửng dưng.

Nguyên tắc chính yếu của đảng cộng sản là vô thần. Và đảng này đã nắm quyền chính yếu kể từ khi cộng sản cầm quyền vào năm 1949. Vô thần đã trở nên một thứ quốc giáo ở Trung Hoa – dù rằng trên giấy tờ, hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo. Nhưng trên hết, đối với đảng, tôn giáo vẫn bị coi là biểu hiệu của “thuốc phiện của nhân dân;” do đó, nhà nước muốn “bảo vệ” dân chúng khỏi tầm tay của tôn giáo.

Các vị tử đạo tại Trung Hoa (tranh vẽ kiểu icon)
Cuộc bách hại nổi tiếng dành cho các Kitô hữu ở nước cộng sản tí hon Albania đã theo gương của Trung Hoa vĩ đại, nơi mà hồ sơ buồn thảm về cuộc trấn áp Kitô hữu một cách hệ thống trong 50 năm qua có thể so sánh với cuộc bách hại Kitô hữu của hoàng đế Diocletian tại Rôma thời thượng cổ.

Tờ nhật báo Avvenire của Ý tường thuật rằng Giáo Hội tại Rôma và Hong Kong đang tìm cách để người ta thả 19 giám mục và 18 linh mục nhân dịp Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh. “Những tín hữu này là thành viên của Giáo Hội thầm lặng,” nghĩa là những người Công Giáo trung thành với Rôma, mà dù phải hy sinh lớn lao, vẫn từ khước sự kiểm soát đầy tỉ mỉ và chèn ép của Bắc Kinh đối với các hoạt động tôn giáo. “Dù bị áp lực quốc tế, nhà cầm quyền vẫn tuyệt đối giữ im lặng về những trường hợp này, khiến chúng tôi lo sợ là điều tệ hại nhất sẽ xảy ra,” thông tấn xã Công Giáo Asianews cho biết.

Thêm vào đó là 13 vị giám mục khác “trên thực tế bị quản thúc tại gia. Các ngài thường xuyên bị giám sát chặt chẽ và không thể công khai thi hành công tác mục vụ cũng như không thể đón tiếp các tín hữu hay linh mục. Hầu hết các vị ở vào tầm tuổi 80.” Các ngài chỉ có “tội” là dám từ chối gia nhập cái gọi là “Hiệp Hội Công Giáo Ái Quốc,” do nhà cầm quyền thiết lập vào năm 1959 để có thể hoàn toàn kiểm soát các vị. Danh sách những người bị biến mất hoặc bị giam cầm thì vô tận.

Đây chỉ là một trong nhiều góc cạnh của Trung Hoa hiện đại. Sự bùng nổ về giao thông, việc áp dụng kinh tế tư bản một cách phóng túng, cơn khát trầm trọng về dầu hỏa, năng lượng và kỹ thuật quân sự từ thị trường toàn cầu, cũng như sự hung hăng hủy diệt môi sinh đã đang mang lại những hậu quả đối với toàn thế giới. Trong thế kỷ toàn cầu hóa, cơ cấu kinh tế thị trường mang tính xã hội của Âu Châu đang suy sụp vỡ vụn trước những đạo quân lao công hằng tỉ người rẻ tiền gần như nô lệ. Trong cuốn sách tựa đề “Thách đố của Trung Hoa” (The Challenge of China), ký giả Đức Wolfgang Hirn viết: “Không hề có chuyện như vậy trong lịch sử nhân loại. Chưa bao giờ một dân số to lớn như vậy, một vùng đất rộng lớn như thế, lại đi vào nền kinh tế toàn cầu với một vận tốc nhanh chóng như vậy.” Ở Trung Hoa có những thành phố với hằng triệu người và những công trình xây dựng vĩ đại đang lao về tương lai trước mặt. Ông James Wolfensohn, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (1995-2005), nói rằng trong 10 năm, tiếng Tầu sẽ thay thế tiếng Anh như là ngôn ngữ chính yếu trên Internet. Nói một cách đơn giản, sự phát triển của Trung Hoa là điều không thể tưởng tượng được.

Công trường Thiên An Môn, Bắc Kinh
Trong bối cảnh này, huyền thoại cộng sản theo kiểu cổ điển xem ra không thể nào tồn tại được lâu dài. Đã có những rạn nứt không phải là nhỏ trong cơ cấu ý thức hệ của tên khổng lồ. Tại đại hội đảng cộng sản lần thứ 16 vào năm 2002, những công dân giàu có đã chính thức được mời tham gia lãnh đạo đất nước. Giang Trạch Dân, chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (1993-2003), trong một diễn văn dài giòng trước quốc hội đã nhấn mạnh là người giầu không còn nên bị coi là kẻ thù của giai cấp lao động. Nền kinh tế bành trướng đã thay thế thuyết vô thần như một quốc giáo mới. Lợi lộc đã trở nên một vị thần mới của “nền văn minh duy vật.”

Nhưng ngay cả thuyết duy vật bị biến dạng này cũng sẽ không thể lèo lái một quốc gia vĩ đại như Trung Hoa an toàn tiến về thiên niên kỷ thứ ba. Những ý thức hệ thời thế kỷ XIX đã mất hết sức mạnh sau hành trình đẫm máu trong lịch sử. Đằng khác, cuộc cách mạng văn hoá ở Trung Quốc do “chủ tịch vĩ đại” khởi xướng trong thập niên 1960 đã để lại một khoảng trống vĩ đại về mặt văn hóa. Những tiềm lực trí thức và tinh thần theo truyền thống của Trung Hoa đã bị đốt phá triệt tiêu trong một cuộc tàn phá chỉnh lý chưa từng có. Những hậu quả của kinh nghiệm này thật quá rõ ràng đối với giới ưu tú ở Trung Hoa.

Khi bước vào một thiên niên kỷ mới, các vị mục sư Tin Lành mệt mỏi và các vị linh mục Công Giáo mệt nhoài đã có thể hào hứng lắng nghe một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc trong một hội nghị khác thường ở Berlin bên Đức. Nhóm học giả của Học Viện Các Tôn Giáo Thế Giới tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Bắc Kinh đã quy tụ ở Berlin để nghiên cứu vấn đề này: Đâu là động lực của Tây Phương? Trong các cuộc tranh luận, một điều trở nên rõ ràng hơn đối với họ, đó là Kitô Giáo không chỉ là linh hồn của các xã hội ở Âu Châu mà còn là nguyên lý chính cho sự thành công vẫn đang tiếp diễn của Tây Phương. Những nhà quan sát nói đến một tiến trình lịch sử, được so sánh với việc Hy Lạp hóa Kitô Giáo vào các thế kỷ IV và V, do học giả Peter Neuner từ đại học Munich. Nhà thần học Edmond Tang người Hoa ở đại học Birmingham so sánh điều ấy với việc Trung Hoa hóa Phật Giáo dưới thời nhà Đường. Trên nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Mark Siemons hỏi rằng “Bây giờ liệu niềm tin Kitô Giáo cũng phải đối phó với việc bị Trung Hoa hóa?”

Trong bối cảnh này, 12 triệu người Công Giáo Trung Quốc chỉ là một phần trăm của dân số 1 tỉ 300 triệu người. Thêm vào đó là 12 triệu người Tin Lành sống ở Trung Hoa. Khoảng 70 phần trăm dân số vùng Thiểm Tây là tín hữu Công Giáo. Tuy nhiên, một điều lạ thường là những người Công Giáo bị khốn khổ ở Trung Hoa lại đang là một Giáo Hội phát triển nhanh nhất trên thê giới.

Cha Bernardo Cervellera ở Roma, từng là một nhà báo trong nhiều năm ở Hong Kong, nói rằng trong những năm qua việc theo đạo ở Trung Hoa đã thực sự tăng vọt. Ngài nói: “Khoảng 100,000 người được thanh tẩy hằng năm. Con số những người Công Giáo đã gia tăng gấp bốn lần trong những năm sống dưới chế độ cộng sản. Tuy vậy, trong khi nhà buôn được tự do về đầu tư, sản xuất, tuyển mộ và sa thải, các tôn giáo chính thức vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Đảng cộng sản vẫn không chấp nhận bất cứ quyền bính nào cao hơn mình. Cuộc bách hại tôn giáo đã đụng đến bao nhiêu ngàn tín hữu qua các cuộc bắt bớ và kết án. Hơn thế, hằng triệu tín hữu bị nhục mạ vì đảng cộng sản vẫn coi họ là thù địch và là mối đe dọa đối với đảng.”

Dầu vậy, khi so sánh với Giáo Hội trong thế giới Tây Phương tự do, con số các tân linh mục Trung Quốc đang gia tăng, dù họ biết rõ những khó khăn mà chức vụ linh mục mang lại. Ngay từ sau cuộc “cách mạng văn hóa,” người ta nồng nhiệt tìm đến các chủng viện và tu viện. Lằn ranh chia đôi Giáo Hội thầm lặng với Giáo Hội “ái quốc” quốc doanh cũng đã càng ngày càng giảm bớt trong những năm gần đây. Đó là vì một tình huống gây kinh ngạc là cả Giáo Hội “ái quốc” cũng đang bị bách hại, dù rằng đã bị nhà nước kiểm soát. Điều này trở nên rõ ràng đặc biệt từ khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn các vị tử đạo Trung Hoa lên hàng hiển thánh vào ngày 1 tháng 10 năm 2000 tại Roma. Kể từ đó, Giáo Hội “ái quốc” cũng như Giáo Hội thầm lặng, vốn trung thành với Roma, đã cùng tăng trưởng thành một Giáo Hội hiệp nhất.

Đảng cộng sản phải cảm thấy bị gia tăng đe dọa vì những tiến triển này. Đối với các viên chức cộng sản, việc giới trẻ, giới trí thức và thương buôn quá chú ý đến niềm tin Công Giáo đã trở nên lộ liễu. Cha Cervellera nói: “Những người này đang tự hỏi mình rằng đâu là ý nghĩa của sự giàu có và công việc, là những thứ đang biến họ thành những nô lệ một lần nữa. Họ đang đi tìm mục đích cho cuộc sống trong một xã hội với những ý thức hệ bị mổ xẻ xét lại và với một chủ nghĩa tư bản phóng túng gây chia rẽ trong các gia đình và còn hủy diệt những giá trị truyền thống cuối cùng. Đây là một thời đại khủng hoảng lớn lao. Trên thế giới không nơi nào Giáo Hội lại tăng trưởng một cách nhanh chóng như tại Trung Hoa!”

Những quan sát viên khác tại Rôma thận trọng nói tới tình trạng “bớt lạnh lùng” hiện nay giữa Vatican và Trung Hoa. Thí dụ như những nhận định của Đức Hồng Y Etchegaray của Pháp vào năm 2004 trong một cuốn sách tựa đề là “Hướng về các Kitô hữu Trung Hoa, dưới cái nhìn của một con ếch ngồi đáy giếng” (Vers les Chrétiens en Chine, vus par une grenouille du fond d’un puits).

Tuy vậy, mọi cuốn sách, mọi phân tích, mọi dấu hiệu và chiến dịch sẽ hoàn toàn bị lấn át khi một người Trung Hoa bước ra lan can ở phía trên cửa chính đền thánh Phêrô sau cuộc bầu cử giáo hoàng, nhìn thế giới và Trung Hoa (với cương vị một giáo hoàng), giống như Karol Wojtyla đã nhìn thế giới và quê hương Ba Lan xa xôi của mình sau khi đắc cử giáo hoàng vào năm 1978. Nhiều đê và đập nước ở Trung Quốc, một đất nước còn xa xôi hơn, sẽ vỡ toang khi có một giáo hoàng người Trung Hoa.

Chỉ có một khó khăn cho sự tưởng tượng này: đó là không có một vị hồng y thích hợp nào tại Trung Hoa. ĐHY Wu ở Hương Cảng đã qua đời năm 2002. Còn việc bầu cử ĐHY Phaolô Shan Kuo-shi, giám mục địa phận Cao Hùng, Đài Loan, làm giáo hoàng thì sẽ phá hoại liên hệ giữa hải đảo và lục địa một cách nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi ĐGH Gioan Phaolô II triệu tập 30 vị tân hồng y vào nghị viện của Giáo Hội toàn cầu vào tháng 9 năm 2003, ngài cũng chọn vị hồng y thứ 31 một cách bí mật (“in pectore”: giữ trong lòng), nghĩa là không nêu danh của vị hồng y này để bảo vệ ngài. Từ đó, không ngớt có tin đồn ở Roma là vị hồng y thứ 31 chính là Đức Cha Giuse Trần Nhật Quân, Tổng Giám Mục Hương Cảng, mà Đức Giáo Hoàng muốn bảo vệ ngài khỏi sự trả thù của Bắc Kinh. Trong một thời gian ngắn kể từ năm 2002, con người mỏng manh và lịch sự này đã nổi tiếng là một người can đảm tranh đấu cho dân chủ và tự do tôn giáo tại thành phố hải cảng cũ với truyền thống tự do. Ngài đã phê bình một cách sắc bén “luật chống lật đổ” mới được ban hành, là một luật có mục đích giới hạn liên hệ đối với Giáo Hội thầm lặng ở Trung Hoa. Ngay sau khi ngài lên tiếng phê bình, Bắc Kinh đã không cho phép ngài vào Trung Hoa lục địa.

ĐGH Bênêđictô XVI và ĐHY Trần Nhật Quân
ĐTGM Giuse Trần Nhật Quân sinh năm 1932 tại Thượng Hải. Ngài từng là một linh mục dòng Don Bosco và dẫn dắt giáo phận Hương Cảng từ tháng 10 năm 2002. Vậy cứ cho rằng đây là vị hồng y bí mật. Cứ tiếp tục giả thiết rằng Đức Giáo Hoàng tiết lộ tin này cho hồng y đoàn, và trong cuộc bầu cử giáo hoàng lần tới, các hồng y bầu ngài làm đấng kế vị Thánh Phêrô qua một cuộc bỏ phiếu có tính cách lịch sử và táo bạo. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Có thể nào tính toán trước được chuyện này?

Thưa, phần nào có thể được. Trước hết, việc cấm ngài đi Bắc Kinh không còn nghĩa lý gì nữa, vì cuộc hành trình quan trọng nhất của ngài là đi về Roma. Thế giới sẽ thích thú về khả năng thu hút của ngài, giới truyền thông sẽ trở nên cuồng nhiệt. Kể từ khi con người đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969 không có biến cố nào có thể so sánh được với biến cố này.

Việc chọn một người từ một xứ truyền giáo, nơi Giáo Hội chỉ là một thiểu số, cũng sẽ mang ý nghĩa biểu tượng về vai trò của Giáo Hội và Kitô Giáo theo một cách thế mới – đó là Giáo Hội toàn cầu cũng trở thành một thiểu số.

Và sau đó sẽ có gì? Sẽ có bắn pháo bông tưng bừng ở Trung Hoa. Điều quan trọng hơn hết là trong một nước chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo, một vị giáo hoàng Trung Hoa sẽ được coi như “rồng bay trên không.” Và 1 tỉ 300 triệu người ở đây sẽ tự hỏi: “Giáo hoàng là ai?” Họ sẽ tới tấp hỏi láng giềng của mình và tìm câu trả lời trên Internet. “Thủ lãnh của Giáo Hội toàn cầu, một tổ chức đã khai sáng ra thế giới Tây Phương? Mà bây giờ thủ lãnh này là một người trong chúng ta? Vị này là của chúng ta sao?” Những câu hỏi và những câu trả lời sẽ gần như vậy. Bất cứ quốc gia nào – dù là Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình – cũng sẽ cực kỳ hào hứng khi có được một giáo hoàng, nhưng vẫn không thể so sánh được với những hệ quả của một vị giáo hoàng xuất thân từ Trung Hoa.

Vào thập niên 1950 có một chuyện đùa như sau. “Bạn có biết đến bom nguyên tử của Trung Hoa không? Đó là khi Mao Trạch Đông vỗ tay trên đài phát thanh, tất cả mọi người Tầu sẽ nhảy trên mặt đất cùng một lúc, và trái đất sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo vì ảnh hưởng do chấn động ấy!” Chúng ta sẽ thấy điều ấy khi người ta bầu vị giáo hoàng Trung Hoa đầu tiên. Dân Trung Quốc sẽ nhảy tưng tưng vì hãnh diện và vui mừng, một khi họ hiểu được điều xảy ra ở thành phố Roma xa xôi. Cho đến hôm nay, giới trí thức Trung Hoa vẫn thấy khó mà hiểu được thần học Kitô Giáo; ngôn ngữ thần học tự nó quá xa lạ đối với họ. Nhưng mọi văn hóa đều có một thời coi Kitô Giáo là xa lạ: dân Hy Lạp, dân Roma, dân Đức, dân Slav, dân Mễ Tây Cơ… đều có lúc coi Kitô giáo là quá xa lạ. Đây không phải là một tôn giáo được phát triển một cách dễ dàng.

Một vị giáo hoàng người Hoa sẽ có thể cắt nghĩa và giúp dân Trung Quốc hiểu Kitô Giáo bằng ngôn ngữ, bằng cách nói của họ. Đảng cộng sản vốn đã mục nát sẽ rúng động như một tượng khổng lồ với đôi chân bằng đất sét. Trận động đất này sẽ khiến cho các viên chức Trung Quốc xanh mặt còn hơn cả các viên chức Điện Cẩm Linh – và có thể cả một số người trong Tòa Bạch Ốc - từng xanh mặt khi một người từ Ba Lan cộng sản được bầu làm giáo hoàng. Quyết định trong nhà nguyện Sistine, nơi bầu cử giáo hoàng, có lẽ sẽ chỉnh lại cán cân thế lực trên thế giới qua một hồi chuông. Hằng triệu người Trung Hoa có lẽ sẽ đến các nhà thờ mỗi ngày một đông hơn.

Khói trắng từ nhà nguyện Sistine
Trên thực tế chỉ có hai biến cố vĩ đại và quan trọng trong lịch sử thế giới có thể so sánh được với biến cố vị giáo hoàng đến từ Trung Hoa: thứ nhất là việc hoàng đế Constantine ra sắc chỉ Milan hủy bỏ việc cấm đạo vào năm 313; thứ hai là việc dân Aztec ở Mexico theo đạo vào năm 1531. Sắc chỉ của Constantine xảy ra 10 năm sau cuộc bắt bớ tệ hại nhất trong đế quốc La Mã dưới thời hoàng đế Diocletian. Rồi hoàng đế Constantine còn cho nhóm Kitô hữu thiểu số những đặc quyền và ân huệ.

Những người bị bách hại không thể dám mơ tưởng điều này. Còn đối với Kitô hữu thời nay, điều này là một phép lạ. Đó là chỉ trong 80 năm sau, Kitô Giáo đã trở thành một quốc giáo của đế quốc La Mã. Sự thay đổi của Constantine đã khai mào một Tây Phương Kitô Giáo.

Biến cố quan trọng thứ hai xảy ra trong hoàn cảnh tăm tối tuyệt vọng ở Mexico sau khi bị Tây Ban Nha chinh phục. Tại Guadalupe, Đức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan Diego, một người da đỏ, vào tháng 12 năm 1531, khiến cho 8 triệu người Aztec gia nhập Giáo Hội. Cùng vào thời gian này, tại Âu châu, 8 triệu người Kitô hữu đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo Roma để đi theo Martin Luther ở Wittenberg. Đó là một biến cố xác định phương hướng của lục địa Mỹ châu trong lịch sử, mà tất nhiên là chưa hoàn tất.

Nhưng tại Trung Hoa, không chỉ có con số 8 triệu người, mà còn liên hệ đến sự hoà hợp và quân bình của hằng tỉ người trên thế giới. Mọi cán cân về chính trị toàn cầu sẽ phải điều chỉnh lại, nếu Trung Hoa đột nhiên trở thành một thế lực toàn cầu về mặt Kitô Giáo trong cuộc đại truyền bá Tin Mừng cuối cùng. Xung đột giữa các nền văn hóa sẽ có thể tạo ra những thay đổi không thể tưởng tượng nổi, cũng giống như xung đột với thế giới Hồi Giáo. Nước Mỹ sẽ có một đối thủ quan trọng; và Washington sẽ không còn nắm quyền bá chủ cao quý. Quyết định kín đáo của các vị hồng y già nua sẽ có thể mở ra một trang sử mới cho thế giới.

Các hồng y cũng có thể chọn một người Ấn Độ, như là Hồng Y Ivan Dias ở Bombay, một người hoàn toàn xứng hợp. Sự chọn lựa này cũng có thể mang lại những kết quả ngoạn mục, nhưng sẽ khác biệt.

Một ngày nào đó, trong một mật tuyển viện tương lai, điều này sẽ xảy ra. Khi chức vụ giáo hoàng hướng về Á châu, thì đó là quay về nguồn gốc của chức vụ, trước khi Thánh Phêrô ra đi về Roma, nơi ngài từ trần, và ngôi mộ của ngài, nằm dưới vòm của vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đã trở thành trọng tâm của châu Âu.

Giống như thủ môn bóng đá, những người Công Giáo Âu châu sẽ phải lùi bước khi họ thấy một người Trung Hoa lần đầu tiên ban phép lành trên công trường Thánh Phêrô. Tất cả những tín hữu Công Giáo Âu châu - từ tín hữu chăm chỉ “đóng thuế” cho Giáo Hội cho đến những tín hữu “công đồng” – toàn thể Giáo Hội Công Giáo dè dặt, cẩn trọng ở Âu châu sẽ phải có một cái nhìn mới về chính mình, nếu họ bất chợt thấy một người đến từ một Giáo Hội thiểu số bị bách hại, bị đe dọa, nơi mà việc quỳ gối, giữ thinh lặng, chắp tay, cũng như lòng yêu mến và kính trọng những nơi thánh vẫn còn là chuyện bình thường. Giáo Hội toàn cầu một lần nữa sẽ thay đổi theo những cách thế không thể tin được. Về mặt chính trị và văn hóa, châu Âu sẽ xoay chuyển, sẽ dụi mắt một khi phận sự và di sản quý giá nhất không còn ở trong tay mình mà được chuyển sang một lục địa khác, đó là chức vụ giáo hoàng, một thứ mà họ từng cho là của mình như thuộc quyền thừa kế tự nhiên nhưng lại chế giễu di sản này trong 1,000 năm qua! Hoàng đế Constantine đã đứng trước ngưỡng cửa Tây Phương Kitô Giáo. Một vị giáo hoàng Trung Hoa sẽ dẫn đến một Đông Phương Kitô Giáo. Mấy năm trước đây, ĐGH Gioan Phaolô II có thể đã nói tiên tri về sự kiện này như sau: “Thiên niên kỷ thứ ba sẽ là thiên niên kỷ Á châu của Hội Thánh.”

Paul Badde