Thư mục vụ tháng 08/2007

SỐNG ĐẠO LÀ SỐNG ƠN GỌI NÊN THÁNH VÀ SỨ VỤ CHỨNG NHÂN



Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh

và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,

Trong thư mục vụ tháng trước, chúng ta đã bàn về nền tảng thứ nhất của việc sống đạo là Sống tương quan với Chúa Ba Ngôi. Trong tháng này, chúng ta muốn học hỏi về hai nền Tảng kế tiếp mà thư Mục vụ đã đề ra, đó là Sống ơn gọi nên thánh và sứ vụ chứng nhân của Tin Mừng.

1. Sống Ơn Gọi Nên thánh.

Sống ơn gọi nên thánh là bổn phận hàng đầu của mỗi tín hữu. Trong sách Lêvi 11, 44, Chúa truyền cho dân Israel phải nên hoàn thiện. Ngài phán: “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Nhắc lại bổn phận này, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Trong Hiến chế về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II cũng minh bạch nhắc tới huấn lệnh này: “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha là Đấng trọn lành” (LG 11, 3). “Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ai” (LG 40, 2).

Nếu chúng ta tìm hiểu tại sao chúng ta phải nên thánh, thì ngoài luật Chúa dạy và Hội Thánh truyền, chúng ta còn tìm thấy những lý do phát xuất từ bản chất cuộc sống cũng như những tình trạng của con người đã bị tội lỗi lũng đoạn, làm cho ra yếu hèn.

Người ta thường nói: đời là một cuộc chiến, nếu không cố gắng phấn đấu để vươn lên, thì sẽ bị đánh bại và sẽ trở thành nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu. Thật vậy, tội lỗi đã làm cho con người thay vì hướng thượng, thì lại hướng hạ, thay vì yêu thích các nhân đức, thì lại chạy theo những nết xấu. Vì thế Chúa Giêsu đã cảnh giác: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 16, 41). Những cám dỗ này không chỉ phát xuất từ những khát vọng xấu của bản thân, nhưng còn đến từ ma quỉ và thế gian. Để thắng những cám dỗ này, không những chúng ta phải đề phòng, nhưng còn phải tấn công chúng trước, nghĩa là phải kiên trì và can đảm từ bỏ những gì không thích hợp với Chúa Kitô và khuôn đúc theo những tâm tình, những nhân đức của Người.

Lý trí cũng cho chúng ta biết rằng sự sống là một vận chuyển luôn đi tới. Một con người bình thường cần phải được phát triển cả ngoài thân xác lẫn trong tâm hồn. Khi ngưng tiến tới là lúc bắt đầu suy thoái. Trên đường thiêng liêng cũng vậy, mức hoàn thiện chúng ta phải vươn tới là chính sự hoàn thiện của Thiên Chúa, đó là sự hoàn thiện không có giới hạn, khiến chúng ta không được ngưng nghỉ, nhưng phải luôn tiến tới. Các thánh ví cuộc sống siêu nhiên như người chèo thuyền nước ngược, khi buông tay chèo tay lái, là lúc con thuyền hồn ta sẽ bị dòng nước đẩy lùi lại đàng sau.

Vì thế, sống ơn gọi nên thánh đòi chúng ta phải hy sinh hãm mình và kiên trì tập luyện các nhân đức. Nhờ bền bỉ tập luyện và chiến đấu, chúng ta sẽ thêm sức mạnh, có thể thực hiện những việc anh hùng rất cần thiết để trung thành với Chúa, với lý tưởng. Thật vậy, để có thể giữ lòng trong sạch, không ngả theo lối sống của những người chung quanh, làm những điều phi pháp lỗi đức công bình, làm hoen ố cuộc đời liêm chính, hay không thích hợp với Tin Mừng, chúng ta cần phải can đảm trung thành tuân giữ những những điều Chúa dạy, những huấn giáo của Giáo Hội và những đòi hỏi của lương tâm ngay chính. Điều đó nhiều khi đòi chúng ta phải có những quyết định dứt khoát, thực thi những việc anh hùng. Có như thế, chúng ta mới là những người sống đạo thực sự, nghĩa là sống theo những điều chúng ta tin, những mầu nhiệm chúng ta cử hành, và mới trở nên hình ảnh đích thực và sống động của Chúa Kitô trong thế giới hôm nay.

2. Sống Chứng Nhân Tin Mừng.

Sống đạo hôm nay cũng là sống sứ vụ nhân chứng cho Tin Mừng. Thư mục vụ viết: “Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin của các Tông đồ, mở trí cho các ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các ngài sứ mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ thống hối để được ơn tha tội. Người khẳng định: Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).

Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói việc làm và cuộc sống là bổn phận căn bản của mỗi tín hữu. Chính Chúa Giêsu đã ra lệnh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 18-20).

Đây không phải là sứ vụ của riêng các Tông đồ, nhưng của tất cả mọi tín hữu. Công đồng Vaticanô II đã long trọng khẳng định về bản chất truyền giáo của Giáo Hội. Công đồng viết: “Từ bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa.” (AG 2).

Vì được hiện hữu để tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô, Giáo Hội luôn phải rao giảng Tin Mừng để mang ơn cứu độ đến cho muôn dân, thực hiện ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ mọi người. Mẫu gương của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu. Trong 3 năm sống đời công khai, Người đã rảo qua các thành, các làng để rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 9, 35). Khi các Tông đồ nói với Chúa là người ta đang tìm Chúa, như muốn giữ Chúa ở lại với họ, thì Chúa đã bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1, 38). Ý thức về về sứ mệnh truyền giáo, Thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Đức tin, đức cậy, đức mến là những nén bạc Chúa đã phú trao cho chúng ta ngày chúng ta được rửa tội, được gia nhập Giáo Hội và trở thành con cái của Chúa, thành viên của Giáo Hội. Chúa dòi chúng ta phải dùng những nén bạc này để sinh lời cho Nước Trời, nghĩa là chúng ta phải làm ba nhân đức nói trên và những ơn sủng khác lớn lên trong ta, bằng cuộc sống đạo hằng ngày. Chính khi sống và thực hành những nhân đức này, chúng ta sẽ trở nên những người con thảo hiền của Thiên Chúa, những phần tử sống động của Giáo Hội. Nhưng cũng chính nhờ cuộc sống chứng nhân như vậy, nhiều người sẽ nhận ra chúng ta là con cái Chúa và sẽ tìm đường trở về với Ngài. Vì thế khi thi hành sứ mạng chứng nhân, là chính lúc chúng ta sống đạo cách chân thành nhất.

Đức Phaolô VI quả quyết, trong thế giới hôm nay, người ta không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần nhiều chứng nhân. Muốn cải tạo thế giới đang bị xâu xé vì chiến tranh, khủng bố, chúng ta phải là những chứng nhân cho sự hiếu hòa, khoan dung, tha thứ. Muốn khôi phục lại hạnh phúc cho các gia đình đang bị tan rã vì nạn ly dị, phá thai, chúng ta cần phải dùng lời nói, việc làm và chính cuộc sống để trình bày cho mọi người thấy đâu là tình yêu chân thật, đâu là những yếu tố mang lại hạnh phúc cho cá nhân và gia đình. Nó ở tại lòng kính sợ Chúa, sự kềm chế dục vọng để xả thân lo cho lợi ích chung, chứ không phải tại lo thỏa mãn những đòi hỏi của dục vọng, những hưởng thụ ích kỷ, không cần nghĩ tới những hệ lụy từ đó sẽ phát sinh. Muốn kiến tạo một nền văn minh tình thương, trong đó mọi người biết tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của nhau, chúng ta phải cộng tác với mọi người thiện chí tẩy chay những phim ảnh, sách báo khiêu dâm, ngăn ngừa những hành vi phá làng phá xóm, làm rối loạn an ninh và trật tự của xã hội. Thực hành như vậy, chúng ta mới có thể đưa Đạo vào đời, và làm cho đời được nên tốt nhờ biết tôn trọng đạo nghĩa.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, để mỗi người chúng ta biết thực hành việc sống đạo trong thế giới hôm nay, ngõ hầu trở thành men, thành bột, kiến tạo một trời mới, đất mới. Xin Mẹ Maria là Đấng đầy ơn sủng, Mẹ đã luôn sống thánh thiện, đáng nêu gương cho mọi người thuộc mọi thế hệ noi theo, giúp chúng ta sống ơn gọi nên thánh và sứ vụ chứng nhân cách tốt hảo, hầu làm ích cho chính chúng ta và mọi người.

Thân ái chào toàn thể anh chị em,
+ Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ