LỄ CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN: VỀ CỘI NGUỒN PHƯỚC KIỀU

Khi nói đến Chân Phước Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo Tiên Khởi của Giáo Hội Việt Nam, hầu hết chúng ta nghĩ đến Phú Yên, tỉnh Bình Định, thuộc Giáo phận Qui Nhơn, nơi Vị Chân Phước trẻ chào đời vào ngày “sinh nhật dưới đất” của Ngài. Nhưng chính tại họ đạo Phước Kiều nhỏ bé, thuộc Giáo xứ Hội An, Giáo phận Đà Nẵng, mới là nơi diễn ra cuộc “sinh nhật trên trời” của Chân phước Anrê Phú Yên, vào ngày 26 tháng 7 năm 1644. Chính tại không gian và địa lý Phước Kiều này, đã "đúc” nên cho Giáo Hội một vị thánh.

Nói là “đúc”, vì Phước Kiều vốn có tên là Phường Đúc, nơi có nghề truyền thống rất cổ xưa là đúc đồng còn tồn tại đến ngày nay. Khách đi qua Phước Kiều, mạn nam Thị trấn Vĩnh Điện, ngay đầu cầu Câu Lâu bắt qua sông Thu Bồn thời danh và lãng mạn, sẽ nhận ra san sát ven đường Quốc lộ I cơ man là những cửa hàng bán đồ đồng. Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới cũng phát xuất từ làng Phường Đúc-Phước Kiều này.

Phước Kiều-Vĩnh Điện cũng chính là phần đất của Dinh Trấn Thanh Chiêm, kinh đô phía nam của các Chúa Nguyễn vào thế kỷ 17, được khai sinh do Chúa Nguyễn Phúc Tần. Nên cũng dễ hiểu khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Đàng Trong đã đạp đất này và chọn Hội-An Phước Kiều để đặt bản doanh cho công cuộc truyền giáo. Vì thế, cũng chính từ nơi đây, chữ Quốc Ngữ đã được khai sinh cho nhu cầu dạy và học giáo lý.

Và vinh dự lớn lao nhất cho Phước Kiều, chính là giòng máu của Vị Tử Đạo Tiên Khởi của Giáo Hội Việt Nam đã được thấm xuống lòng đất này. Cha A-lịch-Sơn Đắc-lộ, thầy dạy của cậu Anrê, và cũng là người chứng kiến cái chết anh hùng của cậu học trò yêu quí của mình, đã viết lại trong nhật ký, khi Ngài muốn trải một tấm chiếu để hứng lấy dòng máu vinh quang trước giờ hành quyết, thì Anrê đã từ chối và nói: “ Xin hãy để cho máu của con được thấm sâu xuống lòng đất này, như máu của Chúa Giêsu Kitô”. Cậu đã được toại nguyện. Và từ lòng đất Phước Kiều này, máu của Vị Tử Đạo Tiên Khởi đã làm cho hạt giống Đức Tin được sinh sôi nảy nở khắp cả lãnh thổ Việt Nam ngày nay; cũng như chữ Quốc ngữ, được khai sinh từ làng Phước Kiều nhỏ bé với âm giọng Quảng Nam khó nghe đó, đã trở nên tiếng mẹ đẻ của bao thế hệ người Việt mọi nơi mọi thời.

Vì thế, về với Phước Kiều, chính là về nguồn. Ngày 26 tháng 7 năm nay, 2007, ngày sinh nhật trên trời của Chân Phước Anrê Phú Yên, Giáo phận Đà Nẵng đã hẹn nhau về nguồn.

Thánh Lễ lúc 7giờ sáng, mừng kính Chân Phước Anrê Phú Yên, kết hợp với lễ truyền chức cho hai Tân Linh Mục và 5 Tân Phó Tế thuộc Giáo phận, đã làm cho không gian vốn trầm lặng của Phước Kiều bỗng trở nên lễ hội. Lễ Hội của Đức Tin và Văn Hoá. Từ sáng sớm, từng dòng xe, từng đoàn người nối đuôi nhau tuôn về Phước Kiều, tưng bừng hớn hở với đủ màu cờ sắc áo. Đây là Thánh Lễ Đại Trào cấp Giáo phận lần đầu tiên được tổ chức tại Phước Kiều. Trên lễ đài hoành tráng và kiên cố vừa được hoàn tất chỉ vài hôm trước lễ hội, ngọn đuốc vươn cao soi sáng cuốn sách mở màu trắng in đậm những lời của Vị Chân Phước trẻ ngay trước giờ làm chứng, như một lời trối cho những ai hiện diện : “ Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu, cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Cạnh đấy, đầy ấn tượng và ý nghĩa, một cây bưởi sai trái vươn cao tỏa nhánh xuống một góc lễ đài trĩu những quả, hình ảnh của giòng máu tử đạo đã trổ sinh vô vàn hoa thơm trái ngọt…

Đúng 7 giờ, đoàn rước từ nhà một giáo dân dọc theo thôn lộ dẫn đến nhà thờ. Lễ phục đỏ thắm của đoàn đồng tế và của đoàn đại biểu giáo dân các xứ đạo trong y phục truyền thống như một giòng sông máu đang cuộn trôi theo sau bàn kiệu di ảnh và thánh tích của Chân Phước Anrê Phú Yên. Tiếng chuông, tiếng chiêng trống và tiếng cồng chiêng Phước Kiều không đủ sức làm khuất lấp tiếng hát hùng tráng của ca đoàn tổng hợp Giáo Hạt Hội An, bằng chính lời của vị Chân Phước được các nhạc sĩ thêu dệt thành bài ca hùng hồn: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Hãy đem sự sống báo đền sự sống. Anh Chị Em ơi, thuỷ chung một lòng ta giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu, cho đến hết hơi, cho đến trọn đời, ta giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu”. Tâm tình và phấn khích làm sao!

Thánh lễ bắt đầu bằng nghi thức tôn vinh Chân Phước Anrê Phú Yên. Cha Trưởng Ban Phụng vụ Giáo phận tuyên đọc văn bằng chứng nhận thánh tích nhận từ Cha Tổng Quyền Dòng Tên từ Rôma, và quyết định của Đức Giám mục Giáo phận Đà Nẵng nâng Nhà thờ họ Phước Kiều thành Đền Thánh của Giáo phận dâng kính Chân Phước Anrê Phú Yên và đặt Cha Quản xứ Hội An làm Quản nhiệm tiên khởi. Ngài mời gọi Dân Chúa năng lui tới Phước Kiều hơn và trong năm này, Ngài sẽ xin Toà Thánh ban ân xá cho những ai đến kính viếng. Nhiều tràng vỗ tay vang dội nói lên sự đồng tình của Cộng Đoàn Dân Chúa và lòng yêu mến mà người tín hữu nơi đây dành cho Vị Thánh Trẻ của mình. Lời văn tế được ba bô lão xứ Hội trong y phục và cung giọng chuyên nghiệp nói lên công đức của Vị Chân Phước đã làm vinh danh Thiên Chúa, làm rạng rỡ cho Giáo Hội và cả Dân tộc Việt Nam.

Trong nghi lễ phong chức Linh mục và Phó tế, Đức Giám mục Giáo phận đã lặp lại nhiều lần chính lời từ miệng Vị Chân Phước trẻ Anrê Phú Yên để nhắn nhủ các tân chức trẻ tuổi đang quyết tâm tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và Giáo Hội qua bí tích Truyền Chức Thánh: “Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu, cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Giáo phận Đà Nẵng có thêm 07 thành viên mới trong hàng giáo sĩ: 2 Linh mục và 05 Phó tế. Niềm vui như tràn ngập trong Cộng đoàn. Từng tràng pháo tay không ngớt hướng về các tân chức đang tràn ngập niềm vui và cảm kích giữa lòng Dân Chúa. Những tân chức cũng được mặc cho phẩm phục màu đỏ, màu của từ bỏ, của hy sinh, của lửa mến và của sự tận hiến, bằng cuộc sống cũng như cái chết của mình.

Vào cuối Thánh lễ, như để các Tân chức thêm xác tín vào ơn gọi và quyết tâm sống theo gương Chân Phước Anrê Phú Yên, cũng như để Đền Thánh Phước Kiều có thêm người quan tâm cộng tác với Cha Quản Nhiệm, Đức Cha chủ phong đã ngẫu hứng đề nghị 07 tân chức nhận thêm tên Chân Phước Anrê Phú Yên vào sau tên thánh rửa tội của mình. Tên Vị Thánh tương lai này được rút gọn thành chữ SAPY- nghĩa là Saint Andrew Phu Yen. Về tên của Vị Thánh, một số học giả ngày nay đề nghị tên phiên âm hán-việt cho Ngài là Việt-Ân-Đức.

Đội cồng chiêng và các “sơn nữ giữa đồng bằng” đã thay mặt Cộng đoàn Dân Chúa hiện diện chào mừng quan khách và các Tân chức một vũ khúc cồng chiêng độc đáo Phước Kiều. Sau lời cảm ơn của một đại diện Tân chức, quí Ông Bà Cố của các Tân chức cũng đăng đàn và một đại diện nói lên tâm tình của mình với các thành phần Dân Chúa, không quên mấy lời nhán nhủ con em mình. Cuối cùng, Cha Quản xứ kiêm Hạt trưởng Hội An-Phước Kiều với giọng đầy cảm xúc đã nhắc lại vài giòng lịch sử dày dạn của Phước Kiều cũng như công cuộc truyền giáo tại đây. Ngài cũng ngõ lời tri ân với mọi người, đặc biệt là sự tham dự tích cực của đại diện các chư tộc họ lương dân đia phương.

Thánh lễ được tiếp nối bằng buổi sinh hoạt giao lưu của các bạn trẻ và giáo lý viên trong toàn Giáo phận. Những bài hát, điệu múa, câu chuyện đan xen nối tiếp nhau trong sự cỗ vũ nồng nhiệt của hàng ngàn khán giả trẻ chung quanh lễ đài, nơi đặt bức ảnh và thánh tích Chân Phước Anrê Phú Yên. Gương sống và lời chứng của Vị Chân Phước trẻ này có sức hấp dẫn và qui tụ mãnh liệt đối với người trẻ. Trên chiếc mũ trắng đồng phục lễ hội của các bạn có in dòng chữ “HÃY GIỮ NGHĨA CÙNG CHÚA GIÊSU”, và tất cả những tâm tình chia sẻ cho nhau trong buổi giao lưu này đều phản phất diễn tả ý tưởng chủ lực đó. Từ Đức Giám mục Giáo phận, Cha Quản hạt Hội An, đến các Cha và quí Nữ tu tuyên uý Giới trẻ và Giáo lý viên cũng được “trẻ hoá” để hoà nhập cùng các bạn trẻ trong những vũ khúc tập thể hoành tráng và tràn đầy niềm vui.

Ngày lễ hội đã khép lại, nhưng Nhà thờ Phước Kiều nhỏ bé, từ nay đã trở thành Đền Thánh dâng kính Chân Phước Anrê Phú Yên. Với quyết tâm của Giáo phận Đà Nẵng, đặc biệt của Đức Cha Giuse, Giám mục trẻ tuổi của Giáo phận, người đã từng tuyên bố trước Cộng đoàn tín hữu Phước Kiều: “Tôi đã lỡ yêu Vị Thánh, tôi đã lỡ mê Phước Kiều”, cánh cửa mở vào tương lai của Phước Kiều như được rộng mở. Cả Giáo phận đang hướng về năm 2014, kỷ niệm 370 năm tử đạo của Vị Chân Phước. Hy vọng ngày ấy, Ngài đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh, và Giáo phận Đà Nẵng hoàn thành được giấc mơ của mình, là xây dựng một Đền Thánh xứng đang hơn, để cùng toàn thể giáo dân Việt Nam, tôn vinh Vị Thánh Tử Đạo Tiên Khởi, Hoa Trái Đầu Mùa, Người Chứng Thứ Nhất của Giáo Hội Việt Nam, ngay trên vùng đất mà Ngài đã sống và làm chứng cách anh hùng.

Xin Chân Phước Anrê Phú Yên chuyển cầu cho chúng con.

Kính mời Anh Chị Em tín hữu khắp nơi, hành hương về Phước Kiều, sau khi kính viếng Mẹ Trà Kiệu ở hướng Tây, và trước khi thẳng đường đến Phổ cổ Hội An về hướng Đông. Ba điểm hành hương trên một trục lộ giao thông thuận lợi chưa đầy 20 kilômét.