Dưới đây là bản dịch diễn từ của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong buổi ra mắt cuốn "Pio XII: Un Uomo Sul Trono di Pietro" (Piô XII: Một Vị trên Ngai Tòa Thánh Phêrô) của Andrea Tornielli.

1. “Huyền Thoại Đen”.

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone
Trong nhiều thập niên qua, diện mạo Đức Eugenio Pacelli, Giáo Hoàng Piô XII, đã là trung tâm của những tranh cãi ồn ào. Vị Giáo Hoàng đã hướng dẫn Giáo Hội qua những năm kinh hoàng của Thế Chiến Thứ Hai và cuộc Chiến Tranh Lạnh là nạn nhân của một “huyền thoại đen”, một thứ huyền thoại đã cho thấy là rất khó chống lại dù những tài liệu và những chứng tá chống lại ngài đã phô bày cách hiển nhiên tính chất hoàn toàn bất nhất của chúng.

Một trong những hệ quả “của hệ quả” do huyền thoại đen - mô tả Đức Giáo Hoàng Pacelli như một cảm tình viên Quốc Xã và như một người thờ ơ trước số phận của người Do Thái - đưa đến là việc loại ra ngoài lề những giáo huấn ngoại thường của vị Giáo Hoàng dẫn đường cho Công Đồng Vatican II.

Như đã từng xảy ra với hình ảnh của hai vị Giáo Hoàng cùng tên – Chân Phước Piô IX, đối tượng của những tranh cãi liên quan đến chính trị thời Risorgimento; và Thánh Giáo Hoàng Piô X, vị đã chỉ được nhớ đến như người đấu tranh không mệt mỏi chống chủ nghĩa hiện đại – ngày nay có nguy cơ là triều Giáo Hoàng của Đức Pacelli sẽ bị giản lược vào hai từ được gán cho ngài “yên lặng”.

2. Hoạt động Mục Vụ của Đức Piô XII

Do đó, tôi đến đây hôm nay để đưa ra một chứng tá tóm lược cho một người của Giáo Hội, đấng qua sự thánh thiện cá nhân của mình, đã tỏa chiếu một chứng tá huy hoàng của chức tư tế Công Giáo và chức vụ Giáo Hoàng.

Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu hay về hình ảnh và công nghiệp của Đức Piô XII từ cuốn sách nổi tiếng "Actes et Documents du Saint Siège," đến những tiểu sử vắn tắt về ngài của Nazareno Padellaro, Sơ Marchione, và Cha Pierre Blet. Đó là một số tiêu biểu vừa xuất hiện trong trí tôi.

Cũng có những “diễn từ thời chiến” của Đức Giáo Hoàng Pacelli mà nếu muốn quý vị có thể đọc được ngay cả dưới dạng điện tử. Ngay cả trong thời buổi này tôi vẫn thấy những diễn từ này rất lý thú về mặt tín lý, kinh nghiệm mục vụ, và văn chương; chúng mang đậm tính chất nhân bản và văn minh không thể chối cãi được.

Dù đã biết không ít về con người được gọi là "Pastor Angelicus" (Mục tử Thiên Thần) và "Defensor Civitatis" (Người Bảo vệ Quốc dân), chúng ta vẫn phải cám ơn Giáo Sư Tornielli người mà trong cuốn tiểu sử lớn lao, được biên khảo cẩn trọng, với sự tham khảo kỹ lưỡng nhiều tài liệu chưa được xuất bản, đã dựng lại trước mắt chúng ta sự vĩ đại và hình ảnh hoàn chỉnh của Đức Piô XII.

Ông đã cho chúng ta nhìn thấu tính chất nhân bản của ngài và tái khám phá những giáo huấn của ngài. Ông đưa trở lại tâm trí ta, chẳng hạn, thông điệp về Phụng Vụ của ngài, việc cải tổ nghi thức Tuần Thánh, những công việc chuẩn bị lớn lao đã dẫn đến sự cải tổ Phụng Vụ trong Công Đồng.

Đức Piô XII đã mở ra việc ứng dụng khoa phê bình lịch sử đối với Thánh Kinh, và trong thông điệp "Divino Afflante Spiritu" (Thần Khí) đã thiết lập những chuẩn mực tín lý cho việc nghiên cứu Thánh Kinh, và nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống Kitô Giáo.

Cũng chính Đức Giáo Hoàng Pacelli là người trong thông điệp "Humani Generis" (Loài Người) đã đưa thuyết tiến hóa ra bàn bạc, dù với một sự dè dặt. Đức Piô XII cũng đã tạo ra một động lực đáng kể cho hoạt động truyền giáo với những thông điệp "Evangelii Praecones," (Loan Báo Tin Mừng) 1951, và "Fidei Donum," (Hồng Ân Đức Tin) 1957 – mà năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm – trong đó nhấn mạnh đến nghĩa vụ của Giáo Hội trong việc truyền bá Tin Mừng cho các dân tộc, như Công Đồng Vatican đã tái minh định.

Đức Giáo Hoàng cũng đã bác bỏ việc đồng hóa Kitô Giáo với văn hóa Tây phương hay với một hệ thống chính trị chuyên biệt. Hơn thế nữa, Đức Piô XII còn là vị Giáo Hoàng đã đề cao phụ nữ qua các án phong Thánh và phong Chân Phước. 54.4% án phong Thánh liên quan đến các Thánh Nữ và 62.5% án phong Chân Phước là những người nữ.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Piô XII rất thường đề cập đến quyền lợi của phụ nữ. Chẳng hạn như trong thông điệp được phát thanh tại công nghị Trung Tâm dành cho Phụ Nữ Italia vào năm 1957, ngài nói rằng phụ nữ được mời gọi cả với “những hành động mạnh mẽ” ngay cả trên trường chính trị và tư pháp.

(còn tiếp).