Sống đạo là sống mối tương quan với Chúa Ba Ngôi
Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh
và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,
Chúng ta đang ở trong năm thực tập sống đạo. Thư mục vụ 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ cho chúng ta biết phải sống đạo dựa trên nền tảng nào. Những điều nói trong thư thật vắn tắt, chỉ nêu lên những điều cốt yếu. Muốn đào sâu, cần phải tìm hiểu thêm. Hiểu được thấu đáo, việc sống đạo của ta mới vững chắc và bền lâu. Vì thế, với thư mục vụ tháng 5 này, tôi muốn cùng anh chị em tìm hiểu thêm về nền tảng việc sống đạo của chúng ta.
Đạo của ta được mệnh danh là Đạo Thiên Chúa, và Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi cũng chỉ là một, nhưng mỗi Ngôi lại có những mối tương quan riêng biệt đối với chúng ta. Vì thế, muốn sống đạo cách đúng đắn và thiết thực chúng ta cần phải sống đúng theo những tương quan này.
Liên hệ giữa chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa bắt đầu từ lúc chúng ta được thụ thai trong lòng mẹ, vì Thiên Chúa đã dùng cha mẹ để cho ta hiện hữu trong thế giới. Đó là liên hệ chung cho mọi loài thụ tạo. Liên hệ này đòi chúng ta phải lệ thuộc vào Thiên Chúa và tuân hành những luật lệ của Ngài, vì Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, Đấng cung cấp cho chúng ta những phương tiện sống, như khí để thở, lương thực để ăn, nước để uống và những tiện nghi khác xứng với nhân phẩm của mình. Ngài còn là vị thẩm phán xét xử chúng ta theo những công việc chúng ta làm để thưởng công hay phạt tội cách nghiêm minh và công bằng.
Ngoài liên hệ chung cho mọi loài thụ tạo, còn một liên hệ khác, riêng cho những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội. Nhờ liên hệ này chúng ta nhận được một sự sống mới, sự sống siêu nhiên mà tội tổ tông đã phá hủy, nhưng Chúa Kitô đã chuộc lại cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Người. Liên hệ mới này đòi chúng ta từ bỏ nếp sống cũ đã bị tội lỗi và ma quỉ đầu độc, để sống đời sống mới theo khuôn mẫu Chúa Kitô, cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Người.
1. Sống tương quan với Chúa Cha
Vì thế sống đạo trước tiên là sống với xác tín là có Thiên Chúa và chúng ta phải lệ thuộc vào Ngài. Sự lệ thuộc này một đàng buộc chúng ta phải kính sợ Ngài, nhưng đàng khác lại làm cho chúng ta được vững dạ an lòng, giục chúng ta cậy trông tín thác nơi Ngài, vì Ngài là suối nguồn tình yêu, là Cha nhân lành và giầu lòng thương xót. Là Cha nhân lành và giầu lòng thương xót, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế để đền tội chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Lệ thuộc vào Ngài, chúng ta phải tuân giữ những luật lệ của Ngài: những luật lệ Ngài đã ghi nơi bản tính sự vật, vào lương tri con người, ta gọi là luật tự nhiên, cũng như những điều Ngài đã thương mạc khải cho chúng ta qua các Tổ phụ, các Tiên Tri và cuối cùng qua Người Con yêu quí của Ngài là Đức Giêsu Kitô (x. Dt 1, 1). Những luật lệ này còn được truyền lại cho chúng ta qua Kinh Thánh và truyền thống của Giáo Hội. Vì thế, sống có Thiên Chúa và lệ thuộc vào Thiên Chúa không cho phép chúng ta tự đặt mình làm chuẩn mực cho mình, dù là cá nhân hay tập thể. Nói khác đi, trước mọi sự việc, mọi biến cố, chúng ta không được phép muốn làm gì thì làm, nhưng phải dựa vào lẽ phải, vào lương tri và luật lệ của Thiên Chúa, của Giáo Hội. Đó là những qui luật ngày nay chúng ta thường bị cám dỗ bỏ qua, khi chỉ muốn dựa vào khoa học kỹ thuật, chạy theo những tiện nghi, những lợi nhuận kinh tế. Cách sống và suy nghĩ như vậy sẽ dần dần đưa loài người đến nền văn hóa sự chết, dung túng sự ngừa thai, phá thai, chết theo ý muốn, hôn nhân đồng tính, v.v. để rồi phải đương đầu với những cuộc chiến tranh, nhưng nạn khủng bố mỗi ngày mỗi lan rộng và những tai ương khác chưa lường trước được!
Sống có Chúa và xác tín Ngài là Thiên Chúa của tình thương, là người Cha luôn ân cần chăm sóc cho chúng ta, chúng ta luôn phải sống tâm tình tri ân cảm mến, lấy tình thương đối xử với Ngài như người con ngoan hiền, hiếu thảo, luôn ý thức rằng tất cả những gì chúng ta là, chúng ta có, đều là hồng ân của Chúa và Ngài trao cho chúng ta như những nén bạc để sinh lời không chỉ cho chúng ta mà còn cho anh chị em chung quanh chúng ta và lợi ích của Nước Chúa nữa. Vì thế chúng ta không được sử dụng những quà tặng ấy để thỏa mãn những đòi hỏi của cá nhân, những đam mê của xác thịt, nhưng phải làm sao cho thích hợp với chương trình chung của Thiên Chúa và lợi ích của mọi người.
2. Sống tương quan với Chúa Kitô
Trong những quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta thì Chúa Giêsu Kitô là quà tặng lớn lao nhất và mang lại lợi ích cho chúng ta nhiều nhất. Người không những nhập thể để sống kiếp người với chúng ta và như chúng ta, nhưng “lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2, 8) để giao hòa chúng ta là những người tội lỗi với Thiên Chúa và làm cho nhân lọai trở nên con người mới, con người “biết nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) để nhận lấy ơn cứu độ.
Sống tương quan với Chúa Kitô là gắn bó với Người, quyết chí dấn thân để cùng chết đi để được sống lại với Người: dứt khoát với tội lỗi, với con người cũ để một khi đã cùng sống lại với Chúa Kitô, chúng ta sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (x. Rm 6, 1-14).
Chúng ta hãy mặc lấy Chúa Kitô là mẫu gương của chúng ta (x. Rm l3, 14; Gl 3, 27; Ep 4, 24) và cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Người (Rm 8, 29), nghĩa là hãy học theo những tâm tình, những nhân đức, cách sống, cách ứng xử của Người (Pl 2, 5), làm sao có thể nói như thánh Phaolô là tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô đang sống và hành động trong tôi (x. Gl 2, 20).
Sống tương quan với Chúa Kitô cũng có nghĩa là tuân giữ lời Người (x. Ga 14, 15.21.23), thi hành lệnh truyền của Người, là cộng tác và đồng hành với Người trong chương trình cứu độ nhân loại: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28, 19). Thật vậy, yêu mến Chúa, ta phải tìm cách làm giãn nỗi khát của Người. Người khát là khát tình yêu, Người khát là khát các linh hồn. Tìm cách làm giãn nỗi khát của Người là cố gắng làm cho thế giới nhận biết và yêu mến Người, là ra đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân làm cho toàn thể nhân loại trở thành môn đệ của Người, làm cho Nước Người được mở rộng.
3. Sống tương quan với Chúa Thánh Thần
Thánh Thần cũng là Ân ban của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đã cộng tác với Chúa Cha trong công việc tạo dựng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1-2). Ngài đã cộng tác với Chúa Con trong công việc cứu chuộc nhân loại. Chính Ngài đã dùng quyền năng của mình mà làm cho Đức Mẹ thụ thai và sinh ra Đấng Cứu Thế không cần đến sự yếu tố của người nam. Ngài còn được trao cho sứ vụ hướng dẫn Hội Thánh để Hội Thánh tiệp tục sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu. Và, như thư mục vụ của Hội đồng Giám mục viết: “Nhờ Chúa Thánh Thần, Kitô hữu được thông hiệp vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu để can đảm bước theo con đường của Thầy chí thánh và sống theo gương Ngài”.
Chúng ta đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần khi được rửa tội nhân danh ba Ngôi Thiên Chúa. Từ lúc đó chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta còn lãnh nhận các ơn của Ngài cách dồi dào và đầy đủ hơn khi lãnh nhận bí tích Thêm sức. Công việc riêng được ủy thác cho Ngài là thánh hóa, soi sáng và hướng dẫn các tâm hồn. Ngài luôn ở trong tâm hồn những ai kính sợ Ngài, luôn nhắc nhở, hướng dẫn những ai năng cầu khẩn và ngoan ngoãn lắng nghe lời Ngài, giúp họ nhận ra những việc phải làm, những điều phải tránh trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Hơn thế Ngài còn ban sức mạnh để ta can đảm làm tròn những nhiệm vụ được trao phó, dù là công việc khó khăn đòi phải chiến đấu, hy sinh. Để Ngài hướng dẫn, chúng ta không sợ đi trật đường. Có ngài đồng hành, chúng ta sẽ cảm thấy được bình an, dù phải ra trước mặt vua Chúa quan quyền: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gi, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12).
Vì thế sống tương quan với Chúa Thánh Thần là năng hướng về nội tâm, cầu khẩn và lắng nghe Ngài dạy bảo.
Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt đâu là tiếng nói của Chúa Thánh Thần, đâu là sự xúi giực của ma quỉ, sự lôi cuốn của đam mê. Hãy so sánh những điều chúng ta suy nghĩ, linh cảm, xem có hợp với Lời Chúa, với giáo huấn của Giáo hội không? Nếu chúng trái ngược với Tin Mừng, với giáo huấn của Giáo Hội, thì đó là dấu không do Chúa Thánh Thần. Hãy bàn hỏi với những người khôn ngoan, đạo đức, đặc biệt là các vị có thẩm quyền trong Giáo hội và khiêm tốn nghe theo những lời chỉ giáo của các ngài. Làm như thế, tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an.
Anh chị em thân mến,
Hiểu rõ nền tảng của việc sống đạo, chúng ta hãy đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Đường của Chúa đi là đường hẹp, cần phải cố gắng mới có thể đi qua. Nhưng dầu có khó đến mấy, với ơn Chúa nó sẽ trở thành dễ dàng.
Tháng Năm cũng là tháng dành riêng để tôn kính Đức Mẹ. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ những tràng hoa mân côi, những điệu múa lời ca trong cung điệu dâng hoa, những bông hoa hái ngoài đồng nội và những bông hoa lòng phát xuất từ tình yêu và kết tinh từ nhưng lao công khó nhọc của chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta kiền trì thực tập sống đạo mỗi ngày thêm tích cực hơn và hiệu quả hơn.
Thân ái chào tất cả anh chị em.
+ Phêrô Trần Đình Tứ
Giám Mục Giáo phận Phú Cường