LỄ MỪNG KIM KHÁNH VÀ CUNG HIẾN NHÀ THỜ GIÁO XỨ VINH LƯU-PHAN THIẾT.

PHAN THIẾT -- Hiệp định Genève ngày 20.7.1954 chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Tài liệu giáo phận Vinh cho biết :sau năm 1954 khoảng 50.000 giáo dân gốc Vinh tụ họp thành các giáo xứ trong nhiều giáo phận như Giáo xứ Thanh Bồ Đức lợi, Chính trạch, Nhượng nghĩa, Nội Hà ở Đà nẵng; Giáo xứ Hoà Ninh, Đồng Lác ỏ Qui nhơn và Nha trang, rồi Ban ma thuột có 5 Giáo xứ, Đà lạt có 1 Giáo xứ, Xuân lộc có 5 Giáo xứ, Phan Thiết có 7 Giáo xứ.

Ngày 12.3.1955 hoà cùng đoàn người di cư vào Nam, có 4.600 giáo dân gốc Lưu Mỹ, Thuận Nghĩa ngậm ngùi rời đất Nghệ dưới sự hướng dẫn của hai linh mục Phêrô Nguyễn Linh và Phêrô Nguyễn viết Khai. Đất lành chim đậu, đoàn người di cư đã chọn khu rừng hoang thuộc xã Phú lâm, Hàm thuận, Bình thuận làm nơi định cư.

Giáo xứ Vinh lưu được thành lập vào ngày 15/5/1955 nhằm ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo xứ chọn Đức Maria Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng.

Giáo xứ Vinh lưu nằm cách quốc lộ 1A khoảng 1,2km, từ Ngã Hai đi lên ga Mương Mán, cách thành phố Phan Thiết 7km. Miền đất khô cằn ngày xưa giờ đây đã được đô thị hoá với những khu công nghiệp mới đang hình thành. Ngôi Nhà thờ bề thế với tháp chuông cao hơn 36m tô điểm thêm nét đẹp cho khu đô thị mới.

Ngày 18.4.2007, Giáo xứ Vinh lưu tưng bừng tổ chức đại lễ cung hiến nhà thờ mới và kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ.

Đức Giám mục Phan thiết, Đức Ông Tổng đại diện cùng đồng tế với 80 linh mục trong và ngoài giáo phận. Đông đảo tu sĩ nam nữ và 3.000 khách tham dự.

Công trình xây dựng khá nhanh, chỉ một năm hai tháng đã hoàn hoàn thành Nhà thờ. 3/5 tổng giá trị công trình là do bà con gốc Vinh lưu ở hải ngoại, trong nước và giáo xứ đóng góp.

Gỗ nhà thờ cũ được tận dụng làm bàn ghế và khung cửa. Mẫu nhà thờ lấy phong cách mặt tiền sảnh nhà thờ cũ để tri ân quí cha cựu quản xứ và quí chức tiền nhiệm. Nhìn tổng thể, công trình nhà thờ có hình Thánh giá, bố cục chắc, khoẻ với những khối lập thể, gô-tích nhỏ dần từ thấp vươn lên, cao vọt lên trời xanh với 05 mái tháp chuông tượng chưng cho 05 giáo họ trong giáo xứ và đồng thời cũng là biểu tượng ngũ thập niên hình thành và phát triển giáo xứ. Phần cung thánh có bốn vòng tròn kiếng vẽ bốn bức tranh liên quan đến bí tích Thánh thể : Tiệc cưới Cana, phép lạ hoá bánh ra nhiều do 05 chiếc bánh và hai con cá, bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với các tông đồ và hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa khi bẻ bánh.



Mười hai Tông đồ và 05 vị Thánh bổn mạng 05 giáo họ đứng bao quanh nhà thờ như đoàn quân tiên phong của đức tin, của Giáo hội làm mẫu mực cho mọi người noi theo.

Qua 50 năm hành trình, Giáo xứ đã được quí linh mục nhiệt thành, tận tình hy sinh, nâng đỡ, hướng dẫn.

- Cố Lm. Phêrô Nguyễn-Linh(5/1955-6/1956) - Lm.Phêrô Nguyễn Đình Phượng làm quản xứ (6/1955-9/1967), có hai cha phó lần lượt phụ giúp: + Cố Lm. Phêrô Nguyễn Duy Hoàn(7/1957-8/1959) + Cố Lm. Phêrô Nguyễn Văn Học (8/1959-12/1961) - Cố Lm. Phaolô Hồ Ngọc Cai(9/1967-4/1975) - Cố Lm.Hoàng Thái An quyền quản xứ từ ngày 19/4 đến 30/7/1975. - Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ (31|7|1975-12|02|1988) - Lm Anphongsô Nguyễn Công Vinh (13|02|1988| -19|8|1996) - Lm Phêrô Nguyễn Hữu Nhường (21|8|1996 -30|3|2005) - Lm Phêrô Phan Ngọc Cẩm từ ngày 31|3|2005, đương nhiệm quản xứ.

Giáo xứ đã đóng góp cho Giáo hội trong và ngoài nước :09 linh mục, 08 đại chủng sinh, 01 tu sĩ Dòng Xitô –Châu Thuỷ, 08 nữ tu đã khấn trọn, 04 nữ tu khấn tạm và 12 đệ tử.

Năm mươi năm, một nửa thế kỷ đối với Thiên Chúa Vĩnh Hằng chẳng là bao, nhưng đối với nhân trần lại là một giai đoạn lịch sử và với dương gian đã là cả một đời người.

Năm mươi năm là một hành trình lịch sử. Lịch sử là chuyện đã qua, nhưng chính lịch sử góp phần làm nên hiện tại và mở đường cho tương lai. Nhờ lịch sử con cháu gặp gỡ tiền nhân, sống lại cùng quá khứ, đồng cảm với những thăng trầm của tổ tiên.

Giáo xứ Vinh lưu đã đi qua một chặng đường nửa thế kỷ. Ngày mừng kim khánh giáo xứ và cung hiến Nhà thờ mới là dịp để mọi người nhớ đến công lao của bao vị lãnh đạo tinh thần đã nối tiếp nhau mở mang giáo xứ.

Cầu chúc cộng đoàn Vinh lưu luôn hiệp nhất yêu thương để trở nên một cộng đoàn bác ái truyền giáo trong tiến trình đô thị hoá hôm nay.