SỐNG ĐẠO LÀ SỐNG MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh

và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,

Chúng ta đã bước vào mùa Phục sinh và năm nay cũng là năm dành để thực tập sống đạo. Nếu lễ Phục sinh được coi là lễ trọng nhất trong năm, thì mầu nhiệm Phục sinh cũng là mầu nhiệm căn bản và trung tâm của đời sống Kitô giáo. Vì thế chúng ta có thể nói rằng, trong mọi nơi, mọi lúc, sống đạo chính là sống mầu nhiệm Phục sinh.

Nhưng mầu nhiệm Phục sinh gồm những yếu tố nào và muốn sống mầu nhiệm phục sinh phải thực hành ra sao? Đó là hai điểm chúng ta muốn nói tới trong thư mục vụ của tháng này.

1. Mầu Nhiệm Phục Sinh Bao Gồm Những Yếu Tố Nào ?

Theo Phụng vụ hiện nay, mùa Phục sinh bắt đầu từ Chúa nhật Phục sinh và kết thúc vào ngày thứ 50 tức lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tuy nhiên, cũng theo cách sặp xếp của Năm phụng vụ hiện nay thì mùa Phục sinh chỉ là một phần trong chu kỳ Phục sinh. Chu kỳ này gồm Tam nhật thánh, mùa Phục sinh và mùa Chay. Vì thế khi nói tới mầu nhiệm phục sinh, ta không chỉ để ý tới việc Chúa sống lại, nhưng còn gồm cả cuộc khổ nạn và cái chết của Người nữa. Mầu nhiệm Phục sinh cũng được gọi là mầu nhiệm Vượt qua, gợi lại biến cố dân Do Thái xuất Ai Cập đi về Đất hứa. Như xưa, để trở lại quê hương mà Thiên Chúa đã hứa cho Tổ phục của họ, dân Do Thái phải đi qua sa mạc Sinai khô cằn suốt 40 năm với bao gian lao vất vả thế nào, thì nay, các Kitô hữu muốn sống mầu nhiệm Phục sinh cũng phải vượt qua sa mạc cuộc đời với những khổ giá rải rác khắp nơi như vậy mới có thể vào Đất hứa thực sự là Quê hương Nước Trời.

Hiến chế về Phụng vụ viết: “Mầu nhiệm Phục sinh gồm cuộc khổ nạn hồng phúc, việc sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Người (Chúa Kitô)” (PV 5).

Vì thế, cuộc khổ nạn, sự chết và việc sống lại của Chúa Kitô không thể tách rời nhau, nhưng là ba phần của một mầu nhiệm duy nhất, được cử hành trong suốt chu kỳ Phục sinh, trong đó Tam nhật Phục sinh vừa được coi như cao điểm của việc sửa soạn (mùa Chay) cho lễ Phục sinh, vừa là tâm điểm của chính mầu nhiệm. Thật vậy, qua các nghi thức, các kinh nguyện từ đầu mùa Chay đến lễ Phục sinh, Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn tín hữu để họ có thể cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô. Bắt đầu mùa Chay, mùa tích cực chuẩn bị các tâm hồn qua việc tham dự các nghi thức phụng vụ, việc ăn chay, hãm mình, đền tội, chia sẻ cơm áo v.v. chúng ta tiến lên ngọn núi theo con đường đã vạch sẵn. Bắt đầu Tuần Thánh, chúng ta lên đỉnh núi, chúng ta diễn lại những sự việc trọng đại nhất của sứ mạng và cuộc đời cứu thế của Chúa Kitô. Vào Tam Nhật Phục sinh, chúng ta theo sát Chúa Giêsu, từ lúc lập bí tích Thánh Thể, tức bữa Tiệc ly, qua những chặng đường khổ nạn, đến cái chết đau đớn và sự sống lại vinh quang của Người.

2. Sống Mầu Nhiệm Phục Sinh Như Thế Nào ?

Như vậy, sống mầu nhiệm Phục sinh là cùng chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cùng chết với Người để cùng sống lại với Người. Đó cũng chính là sống bí tích rửa tội, như thánh Phaolô đã diễn tả rõ ràng trong đoạn thư gởi tín hữu Roma mà chúng ta đọc trong Đêm Vọng Phục sinh:

“Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô, tức là chịu phép Rửa trong sự chết của người. Và chúng ta đã chịu mai táng với Người, bởi đã được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người trong sự sống lại giống như vậy. Nên biết điều này, con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá để xác thịt tội lỗi bị hủy đi, hầu cho con người chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Chúa Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 6, 3-11).

Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết thêm: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5, 24).

Bởi vậy, tội lỗi chính là nguyên nhân gây ra sự chết. Trước hết là sự chết nơi linh hồn, vì nó làm cho chúng ta mất ân sủng của Chúa, mất sự sống siêu nhiên, tức sự sống thần linh, mà vì lòng thương, Chúa đã ban cho loài người trước khi nguyên tổ phạm tội. Tiếp đến là sự chết nơi thân xác, vì đáng lý ra, nếu tổ tông loài người không phạm tội, thì Chúa không để cho con người phải chết, nhưng cho họ sống ở trần gian một thời gian rồi đưa cả hồn xác họ về trời hưởng tôn nhan Chúa. Do đó, muốn hủy diệt sự chết, cần phải hủy diệt tội lỗi. Đó là điều loài người không thể làm, vì tội lỗi xúc phạm tới chính Thiên Chúa, Đấng vô cùng cao cả và thánh thiện, con người không thể làm gì cho cân xứng để bù lại. Tuy nhiên, điều con người không làm được thì Thiên Chúa đã làm. Ngài đã cho Con Một Ngài đến trần gian để hủy diệt tội lỗi, và qua đó hủy diệt chính sự chết. Để thực hiện điều này, Con Thiên Chúa đã phải mặc lấy thân xác loài người để chịu chết thay cho loài người. Người đã tự nguyện chịu chết để thực hiện chương trình cứu chuộc của Chúa Cha, nên Chúa Cha đã trả lại sự sống cho Người khi phục sinh Người từ cõi chết, và một khi từ cõi chết sống lại, Người sẽ không bao giờ chết nữa, sự chết không còn quyền hành gì đối với Người nữa. Người đã chết một lần để tiêu diệt sự chết đến muôn đời, không những ở nơi Người mà cả ơ nơi chúng ta.

Chúng ta được thứ tha tội lỗi và được phục hồi sự sống qua bí tích rửa tội, khi cam kết cùng chết với Chúa Kitô cho tội lỗi và cùng sống lại với Người để sống một đời sống mới. Đó cũng chính là sống mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm chết đi và sống lại. Chúng ta chết đi cho tội lỗi, cho chính mình, khi chúng ta từ bỏ chúng, không để chúng lôi kéo chúng ta vào con đường tội lỗi, lìa xa Chúa, bất tuân những giới lệnh của Ngài. Dĩ nhiên, như Chúa Kitô đã nói với hai môn đệ trên đường Emaus: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26), thì những ai muốn được sống lại với Người để sống đời sống mới cũng phải sẵn sàng từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Chính khi không chiều theo các nết xấu, không làm những điều tội lỗi, là lúc chúng ta chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa và chết với người.

Theo Chúa là mặc lấy những tâm tình những nhân đức của Chúa, sống theo cách Chúa sống, hành đồng theo cách Chúa hành động. Nói khác đi, vì đã chết cho chính mình, chúng ta không còn sự sống nào khác ngoài sự sống của Chúa Kitô. Chúng ta luôn tự hỏi, nếu ở trong trường hợp tôi, Chúa sẽ làm gì, nói gì, sử sự ra sao. Chỉ khi nào chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”

(Gl 2, 20), bấy giờ chúng ta mới hoàn toàn chết cho chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, và lúc ấy chúng ta mới sống mầu nhiệm Phục sinh cách trọn hảo.

Anh chị em thân mến,

Thật là khó có thể đạt tới mức lý tưởng đó. Tuy nhiên điều mà con người yếu đuối không làm được, thì với ơn Chúa, lại trở thành dễ dàng. Vậy hãy tín thác vào tình thương của Chúa, năng cầu khẩn ơn Ngài phù hộ. Hãy chiêm ngắm Chúa Kitô để học theo gương mẫu của Người, hãy xin Đức Mẹ và các thánh giúp sức, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Hãy ý thức rằng, Chúa không từ chối ban ơn cho những ai khiêm nhưỡng cầu xin.

Thân ái chào anh chị em,

+ Phêrô Trần Đình Tứ

Giám Mục Giáo Phận Phú Cường