Đứa Bé Lượm Ve Chai


(Trích trong "Cuộc sống trẻ thơ")

Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên... tối 28 tết, tôi hoà mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất Thành Phố cấm không cho xe lưu thông chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”), mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hoà lẫn trong dòng người - họ nhảy múa theo tiếng nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường. Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước đám đông - họ chất phát hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào vào tai nhau khi có chuyện cần. Đối lập với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên! À, cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình - những kẻ không có bồ hay gia đình - những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân có điều kiện.

Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không loè loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Chỉ khác lạ. Một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những cái chai nước sối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít cái chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt.

- Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì sảy ra.

Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì sảy ra.

Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên mà tính toan bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi ny long thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa va lon coca vào đó – sau đó tôi con thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.
Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ - Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ. Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé…

- Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không? Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi và “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại vào nói:
- Này giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không? Thằng bé có vẻ vẫn con bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp.
- Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ ăn đêm Bến Thành ăn nhé.

Thằng bé vẫn không nói gì. Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi:

- Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không?
- Dạ không. Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi)

Cứ mỗi tối tôi ra chợ ăn đêm Bến Thành thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết.) Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lất lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả đều vô hiệu…

- (Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả… Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì…
- Đóng kịch rồi chạy hả. Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên. Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán.
Thấy tôi chạy sau người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to.

- Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó.

Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót. Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi này, ngồi xuống bàn, thở dài, miên mang suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay.

- Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó sảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn. Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi. Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên.
- Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi.
- Trời, cậu này thiệt á. Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn.

Tới đây thì tôi hết biết nói gì. Tôi cám ơn và bước ra khỏi quán đi về khách sạn để chuẩn bị cho cuộc hành trình đêm nay. Cuộc hành trình trở lại “Nghĩa Trang Bình Hưng Hoà” (mời đọc tiếp phần 3)

Chút Suy Tư:

Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự thật? Vâng nó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra. Và chính vì thế tôi quyết định làm thêm một việc trong chuyến đi Việt Nam này là sẽ điều tra chuyện “buôn người” của những người vô lương tâm và sẽ viết một phóng sựJ

Bạn thân mến, không biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối với tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong, vâng, tôi chỉ ước mong một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu" mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều. Ước gì, vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40

www.hayyeuthuongnhau.org